Với người dân Hưng Nguyên, ký ức, niềm tự hào về những tháng ngày sục sôi của người dân mất nước trong cao trào Xô viết mà đỉnh cao là cuộc biểu tình vào ngày 12/9/1930 luôn sống mãi. Cuộc biểu tình lịch sử của hơn 8.000 nông dân làm nên cao trào Xô viết Nghệ – Tĩnh bất diệt. Gần 93 năm đã trôi qua nhưng các thế hệ người dân trên quê hương Xô viết anh hùng hôm nay vẫn luôn tự hào và biết ơn cha ông đã làm nên dấu mốc vĩ đại trong lịch sử đấu tranh cách mạng những ngày đầu có Đảng. Trong đó, có vai trò to lớn của đồng chí Lê Xuân Đào.
Đồng chí Lê Xuân Đào tên khai sinh là Lê Mạnh Thân, tên thường gọi là Chắt Lũ, bí danh Giang, sinh năm 1903 trong một gia đình nông dân ở làng Phù Xá, tổng Phù Long nay là xã Long Xá, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An.
Thuở nhỏ Lê Xuân Đào đã nổi tiếng thông minh, nhanh nhẹn, học giỏi. Sau khi học xong bậc Sơ học ở trường Pháp – Việt ở Tổng Phù Long, Lê Xuân Đào được bố mẹ cho xuống Vinh theo học lớp Nhì Trường Tiểu học Pháp – Việt. Năm 1918 mẹ ông là bà Hoàng Thị Chí qua đời, ít tháng sau cha ông cũng mất, để lại 5 người con, 3 trai, 2 gái. Lê Mạnh Thân là con cả, lúc này mới 16 tuổi, đã phải bỏ dở việc học, tiếp tục nghề chống bè thuê của cha để kiếm tiền nuôi các em. Thấy ông làm việc giỏi giang lại có học nên được chủ nhà cho làm chức Tài công, ghi chép sổ sách. Một thời gian sau, ông sang làm cho một chủ buôn gỗ khác là Trương Bích. Mạnh Thân tỏ ra là một người đa tài, được mọi người quý mến.
Lúc bấy giờ, làng Phù Xá là nơi tụ họp của những thanh niên muốn xuất dương tìm đường cứu nước. Năm 1914, ông Võ Trọng Đài là người Hưng Nguyên đầu tiên xuất dương sang Trại Cày Đặng Thúc Hứa ở Thái Lan. Từ năm 1923 trở đi, lần lượt các ông: Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn, Lê Hồng Phong, Phạm Hồng Thái, Lê Thiết Hùng… bí mật sang Trại Cày. Các ông Võ Trọng Ân, Võ Trọng Cánh, Võ Trọng Tấn là những người dẫn đường. Việc nhà đã có vợ chăm lo, các em cũng đã biết làm lụng, Lê Mạnh Thân tiếp bước con đường của thế hệ đàn anh xuất dương sang Trại Cày của Đặng Thúc Hứa ở Thái Lan với thẻ căn cước mang tên Lê Xuân Đào. Sau một thời gian được học tập và huấn luyện tại đây, đồng chí Lê Xuân Đào được tổ chức cử về Nghệ Tĩnh để cùng gây dựng cơ sở cách mạng, thời gian này đồng chí tham gia Đảng Tân Việt.
Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (3/2/1930), hệ thống tổ chức Đảng ở Nghệ Tĩnh cũng nhanh chóng được thành lập. Tháng 4/1930, Xứ ủy Trung Kỳ cử đồng chí Tôn Gia Tinh về bắt liên lạc với đồng chí Lê Xuân Đào thành lập Chi bộ Trúc – Lam – Giang, gồm có 3 người: Lê Xuân Đào, Nguyễn Hữu Nhượng, Nguyễn Thị Phia, đồng chí Lê Xuân Đào là Bí thư. Từ đây phong trào cách mạng ở Hưng Nguyên phát triển mạnh mẽ. Ngày 6/9/1930, đồng chí chủ trì hội nghị các chi bộ, có đại diện Tỉnh ủy về chỉ đạo, bàn kế hoạch tổ chức cuộc biểu tình lịch sử ngày 12/9/1930. Cuộc biểu tình đã bị đàn áp đẫm máu nhưng đã ghi một mốc son chói lọi trong lịch sử cách mạng Việt Nam, là đỉnh cao của cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh. Sau cuộc biểu tình ấy, giặc Pháp thực hiện chính sách khủng bố trắng hết sức tàn bạo.
Tháng 10/1930, Phủ ủy lâm thời Hưng Nguyên được thành lập do đồng chí Lê Xuân Đào làm Bí thư. Tháng 1/1931, đồng chí được cấp trên điều bổ sung vào Ban lãnh đạo Tỉnh ủy Nghệ An, rồi Trưởng ban Tài chính Xứ ủy Trung kỳ. Với tác phong nhanh nhẹn và mưu trí, đồng chí đã đi đến nhiều nơi vận động được nhiều người đóng góp tiền của cho cách mạng. Vào khoảng giữa năm 1931, các cơ sở Đảng bị địch khủng bố vô cùng dã man, để tránh thiệt hại và bảo toàn lực lượng nòng cốt, Tỉnh ủy Nghệ An chủ trương rút lui vào các rừng núi hoạt động. Trong hoàn cảnh khó khăn, bị lùng sục nhưng đồng chí Lê Xuân Đào vẫn không hề nao núng, đồng chí luôn là chỗ dựa vững chắc cho các đồng chí Tỉnh ủy.
Ngày 21/3/1932, sau khi bắt được liên lạc với với Khu ủy Vinh và các tổ chức Đảng của các huyện Anh Sơn, Thanh Chương, Nam Đàn, Hưng Nguyên, đồng chí Lê Xuân Đào được điều động về xuôi để chuẩn bị khôi phục lại hoạt động của Xứ ủy Trung Kỳ. Khi từ Tràng Ri rút về Vinh để chuẩn bị lập lại Xứ ủy, vì có kẻ phản bội chỉ điểm nên ông bị quân lính vây ráp. Ông trốn vào chùa Trẹ ở làng Đôn Nhượng (nay thuộc xóm 2, xã Hưng Đạo, huyện Hưng Nguyên). Đêm 24/3/1932, bọn giặc đến bao vây để bắt ông. Lê Xuân Đào đã chạy ra cánh đồng trước chùa rồi rút súng ngắn chống lại. Nhưng ông đã trúng đạn quân thù và anh dũng hy sinh lúc 2 giờ ngày 25/3/1932.
Với 29 tuổi đời và 10 năm hoạt động không mệt mỏi, không khuất phục, đồng chí Lê Xuân Đào đã có nhiều cống hiến cho cách mạng. Đồng chí là tấm gương sáng đã góp phần tổ chức nên cuộc biểu tình 12/9/1930 bất diệt trong lịch sử dân tộc và lập nên chính quyền Xô viết công nông, một hình thức chính quyền sơ khai của giới cần lao ở các nước nông nghiệp thuộc địa; Đồng thời, thúc đẩy các đồng chí của mình không chịu lùi bước, quyết vươn lên đấu tranh tới cùng để đưa cách mạng nước nhà đến thành công rực rỡ.
Tự hào và kế thừa truyền thống cách mạng của cha ông, tiếp bước những cống hiến của người cộng sản ưu tú Lê Xuân Đào, cán bộ, đảng viên và nhân dân Hưng Nguyên trong mỗi giai đoạn luôn mang trong mình những hoài bão và ý thức trách nhiệm cao, phấn đấu thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng quê hương ngày càng đổi mới.
Một trong những đổi thay dễ nhận thấy nhất đó là đổi thay trong phát triển sản xuất nông nghiệp. Từ một nền nông nghiệp manh mún, sản xuất nhỏ lẻ tự cung tự cấp, nông dân Hưng Nguyên đã dồn điền đổi thửa tạo nên nhiều cánh đồng lớn thuận tiện cho việc đưa cơ giới vào đồng ruộng. Các ứng dụng công nghệ cao như: Nhà màng, nhà lưới, tưới nhỏ giọt, phun sương được áp dụng để trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như: Dâu tây; dưa lưới; cà rốt; ớt chuông; sâm ngưu bàng, mô hình phát triển chăn nuôi,…
Từ một huyện thuần nông, Hưng Nguyên đang chuyển dịch kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, thương mại dịch vụ. Hưng Nguyên hôm nay không chỉ biết đến với các doanh nghiệp tiểu thủ công nghiệp với hơn 300 doanh nghiệp lớn và nhỏ mà còn có khu công nghiệp lớn như VSIP… tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng ngàn lao động địa phương, mang lại nguồn ngân sách lớn cho địa phương.
Những năm gần đây, cùng với việc thực hiện tốt Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế – xã hội, Đảng bộ huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát huy nội lực, tận dụng tốt các thế mạnh của địa phương, đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội. Trong năm 2022, huyện có 26/27 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra; trong đó, có nhiều chỉ tiêu quan trọng vượt cao. Tốc độ tăng trưởng năm 2022 ước đạt 15,7%/kế hoạch 9-10%. Thu ngân sách Nhà nước năm 2022 ước đạt gần 1.297 tỷ đồng/936.060 tỷ đồng; trong đó, thu ngân sách trên địa bàn đạt hơn 724 tỷ đồng.
Trên lĩnh vực văn hóa – xã hội, Đảng bộ huyện chú trọng công tác tuyên truyền các đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; ngành Giáo dục và Đào tạo xếp tốp đầu của tỉnh; công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân và các chính sách an sinh xã hội được thực hiện ngày càng tốt hơn; đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của nhân dân được nâng lên, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới.
Lĩnh vực quốc phòng an ninh được giữ vững. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được chăm lo. Chính quyền huyện được cấp trên xếp loại Xuất sắc, Đảng bộ huyện được Ban Thường vụ Tỉnh ủy công nhận Đảng bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Lê Xuân Đào mãi mãi để các thế hệ những người con Hưng Nguyên luôn tin tưởng và học tập, noi theo. Phát huy truyền thống quê hương cách mạng, Đảng bộ và nhân dân Hưng Nguyên sẽ tiếp tục đoàn kết đồng lòng, tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp, triển khai có hiệu quả các Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp; hoàn thành các mục tiêu xây dựng huyện Nông thôn mới năm 2023, phấn đấu để đưa Hưng Nguyên trở thành huyện khá của tỉnh; xứng danh là quê hương Xô viết anh hùng./.