Các hộ tiểu thương chợ Phong Toàn phản ánh đến Báo Nghệ An về thực trạng đìu hiu, ế ẩm diễn ra nhiều năm lại nay, vì vậy gặp khó khăn trong thực hiện nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước. Để tìm hiểu thực tế, chúng tôi nhiều lần thực hiện việc “đi chợ” trước khi có trao đổi với các chủ hộ tiểu thương nơi đây.
16h30 ngày 20/9/2022, có mặt ngay cổng khu chợ này (có địa chỉ số 10 đường Lý Tự Trọng, phường Hà Huy Tập, TP. Vinh), đập vào mắt chúng tôi là tấm biển hiệu đề tên chợ có những chữ đã rơi rớt khiến cái tên “Phong Toàn” trở nên què cụt, màu sơn thì cũ kỹ. Với khung giờ gần cuối chiều, ở những khu chợ khác trên địa bàn thành phố thường là tầm cao điểm người đến mua bán đông đúc. Ấy nhưng tại chợ Phong Toàn, chỉ lác đác vài người qua lại có thể đếm trên đầu ngón tay; cảm giác như là chủ các ốt quán kinh doanh nhiều hơn khách mua vậy!…
Phía trong đình chính của chợ, cầu thang dẫn lên tầng hai bị bịt lối đi bởi một thanh treo đồ quần áo của ki ốt ngay cạnh và toàn bộ các ốt ở tầng 2 không hoạt động. Còn ở tầng 1, chỉ có 4 ki ốt đang mở bán các loại hàng hóa bình dân như quần áo, giày dép, mũ nón… Các ki ốt còn lại cửa đóng then cài, hoặc rào lại và bỏ không. Sàn lát gạch nhiều nơi đã bong tróc, vỡ nát. Các ngóc ngách tấp đầy rác, hoặc các loại bao bì, xô chậu hư hỏng quăng ngổn ngang.
Chị Đoàn Thị Nga – một tiểu thương cho hay, lâu nay sảnh tầng 1 của đình chính chỉ có 4 ki ốt mở bán. Chị dẫn chúng tôi đến thăm quầy hàng bán các loại gia vị, hành tỏi của mình nằm ở khu vực giáp đình chính của chợ. Ốt của chị Nga cùng với các quầy “hàng xén” khác nằm ở phía Đông của khu đình 2 tầng. Đã hơn 5h chiều nhưng lác đác người qua lại, các chủ ốt giải khuây bằng cách ngồi bấm điện thoại, hoặc túm tụm với nhau nói chuyện phiếm.
Chị Võ Thị Phương có ốt ngay cạnh quầy hàng của chị Nga cho hay, chị mua ki ốt bán hàng tại chợ Phong Toàn đã hơn chục năm. Chỉ được mấy năm đầu làm ăn khấm khá, sau khách cứ thưa vắng dần… Đây cũng là tình trạng chung của cả khu ốt phía Đông đình chính chợ Phong Toàn; và số ki ốt còn hoạt động ít hơn số đã đóng cửa, hoặc treo biển “cho thuê ốt”, “cần bán ốt”… Đối diện dãy ốt sát đình này là khu bán rau và thực phẩm như cá, thịt và thức ăn nhanh cũng ở tình cảnh tương tự với nhiều “dằm ngồi” bỏ trống, hoặc trở thành nơi chứa dụng cụ bao bì, dựng xe máy xe đạp hoặc thành nơi tập kết rác. Chợ ngoài khu đình chính 2 tầng, thì xung quanh còn có các ô bán hàng xếp theo vị trí trên nền sân đổ bê tông quy hoạch bán hàng hóa là rau củ quả, cá tôm, khách mua cũng thưa thớt không kém.
…Nhiều ngày sau đó, chúng tôi đã nhiều lần “đi chợ” Phong Toàn, thấy rằng khung giờ buổi sáng tầm 7-9h giờ lượng người mua bán ở đây có đông hơn tầm giờ buổi chiều, song cũng chỉ nhỉnh hơn chút ít.
“Càng ngày càng vắng khách, ngoài tích cóp để trả số tiền vay ngân hàng mua ốt đến nay trả chưa hết, thì bây giờ chúng tôi lại phải nộp thuế thuê đất mỗi năm hơn 20 triệu đồng nên chúng tôi có nguy cơ phải bỏ chợ” – chị Võ Thị Phương, một tiểu thương có ốt kinh doanh gần cổng chính của khu chợ Phong Toàn bày tỏ. Đây cũng là ý kiến của 30 hộ tiểu thương có đơn gửi Báo Nghệ An và các cấp, ngành cuối tháng 8/2022. Nội dung đơn trình bày “xin được giảm thuế thuê đất tại chợ mới Phong Toàn”.
Trong đơn, các hộ tiểu thương trình bày: “Tháng 4/2022 chúng tôi được thông báo yêu cầu nộp thuế thuê đất cho Nhà nước với mức thuế 179,4 nghìn đồng/m2, tương đương mỗi năm Hợp tác xã Phong Toàn phải nộp gần 1,2 tỷ đồng tiền thuê đất. Ban quản lý chợ đã phân chia và thông báo đến các cổ đông với các mức đóng mỗi hộ khác nhau, có cổ đông phải đóng hơn 22 triệu đồng/năm/ốt, một số người có 2-3 ốt thì tiền thuế gần 40 triệu đồng/năm ví như ốt số 29, ốt số 140, 195… Nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước là trách nhiệm của người dân kinh doanh. Tuy nhiên, do kinh doanh không hiệu quả nên chúng tôi kính đề nghị UBND tỉnh Nghệ An và các sở ngành xem xét giảm thuế thuê đất cho chợ và cho các tiểu thương. Đến khi chợ hoạt động hiệu quả chúng tôi cam kết hoàn thành đủ nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước”.
Bà Trần Thị Hương – Giám đốc Hợp tác xã Phong Toàn xác nhận có việc các hộ tiểu thương đề đạt nguyện vọng xin giảm tiền thuê đất. Về phía Ban quản lý Hợp tác xã cũng đồng tình với mong muốn của các cổ đông, và đã 2 lần có đơn đề nghị gửi các cơ quan chức năng xin xem xét được giảm tiền thuê đất cho Hợp tác xã Phong Toàn.
Bà Hương cho biết thêm, HTX Phong Toàn (chủ quản chợ Phong Toàn) được UBND thành phố Vinh giao quản lý đầu tư, kinh doanh và khai thác chợ từ ngày 01/4/2009. Sau khi được chuyển giao từ UBND phường Hà Huy Tập, HTX Phong Toàn đã tiến hành đầu tư vào năm 2009, với tổng mức đầu tư 21 tỷ đồng từ nguồn vốn góp cổ phần của xã viên HTX và các hộ tiểu thương kinh doanh tại chợ với quy mô công trình 2 tầng kiên cố, 400 quầy kinh doanh, tương đương 3.157,96m2/6.678,2m2” đất quy hoạch xây dựng chợ. Sau 10 năm được miễn tiền thuê đất, ngày 31/12/2021, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định số 635/QĐ-UBND về việc cho HTX Phong Toàn thuê đất tại phường Hà Huy Tập. Ngày 14/4/2022, UBND tỉnh Nghệ An ủy quyền sở Tài nguyên và Môi trường đã ký Hợp đồng thuê đất số 55/HĐ-TĐ với HTX Phong Toàn. Sở Tài nguyên và Môi trường đã ban hành thông báo số 103/STNMT-VPĐKĐĐ về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu, nhà ở và tài sản gắn liền với đất cho Hợp tác xã Phong Toàn sử dụng đất tại phường Hà Huy Tập, thời hạn sử dụng đến hết ngày 31/12/2071, nguồn gốc đất nông nghiệp do hợp tác xã quản lý.
Chợ Phong Toàn được thiết kế 2 tầng, chất lượng kiên cố, quy hoạch bố trí được 400 vị trí, ốt kinh doanh với diện tích sử dụng 3.157,96m2, sau khi xây dựng xong đã đi vào hoạt động từ năm 2011. “Ngay từ lúc đầu đi vào hoạt động cũng chỉ mới đạt 25 – 30% thiết kế và xu hướng ngày càng có nhiều hộ bỏ kinh doanh. Từ năm 2013 đến nay, toàn bộ đình chính tầng 2 với 89 ốt đều không hoạt động. Hiện nay, đình chính tầng 1 chỉ có 06/44 ốt hoạt động, đình chính tầng 2 có 89 ốt thì tất cả đều đóng cửa không hoạt động; đình bán hàng ăn, hoa quả có 03/58 ốt hoạt động; đình phụ bán gia cầm, hàng tươi sống có 20/60 ốt hoạt động; xung quanh chợ còn 13/91 ốt hoạt động”, bà Trần Thị Hương cho hay…
Theo bà Trần Thị Hương, thì sau khi có Thông báo số 4561/TB-CCT về việc nộp tiền thuê đất của Chi cục Thuế TP. Vinh gửi Hợp tác xã Phong Toàn ngày 21/4/2022, đến nay nhiều chủ ốt kinh doanh chưa nộp vì cho rằng Hợp tác xã phân bổ số tiền nộp thuế cho các ốt chưa hợp lý; bên cạnh đó, do giá thuê đất là quá cao.
Tiếp xúc với phóng viên, một chủ ốt trình bày: “Nhiều hộ chỉ phải nộp 2-3 triệu đồng/năm, nhưng có hộ thì phải nộp 20-30 triệu đồng/năm. Trong khi Nhà nước thông báo mức thu thuế chỉ là gần 180 nghìn đồng/m2. Sau khi có thông báo thu tiền thuê đất, Hợp tác xã có họp các cổ đông để thông báo mức cân đối thu thuế. Tại cuộc họp cổ đông năm tháng 5/2022, Ban quản lý Hợp tác xã đã đưa ra mức thuế cụ thể, hộ đóng cao nhất là hơn 10 triệu đồng/năm; hộ thấp nhất khoảng 1-1,5 triệu đồng/năm thì tất cả chúng tôi đều đồng ý. Nhưng sau cuộc họp, Ban quản lý lại gửi đến các chủ ốt thông báo với mức cân đối số tiền phải nộp cho từng ốt khác xa so với mức đã thống nhất tại cuộc họp cổ đông trước đó. Ngay như ốt của tôi mức thuế mà Ban quản lý đưa ra lại là 20 triệu đồng/năm chứ không phải là hơn 10 triệu đồng/năm như trước đó”.
Như vậy, việc dẫn đến nhiều hộ tiểu thương chưa nộp tiền thuế là do chưa có sự đồng thuận giữa Ban quản lý Hợp tác xã và các tiểu thương. Giải thích về việc điều chỉnh số tiền thuế, bà Trần Thị Hương cho biết: “Về số tiền thuê đất gần 1,2 tỷ đồng/năm, Ban quản lý chúng tôi đã dựa vào vị trí lợi thế của các ốt kinh doanh để phân bổ số tiền nộp cho từng chủ ốt. Hộ nào có ốt ở vị trí mặt đường lớn như đường Lý Tự Trọng, đường Nguyễn Năng Tĩnh, hoặc có vị trí thuận tiện mặt tiền, gần đường đi hơn thì nộp tiền thuê đất nhiều hơn các ốt có vị trí khuất, vị trí lối sau hoặc ở trong đình. Còn số tiền mà Ban quản lý thông báo tại cuộc họp cổ đông là do kế toán tính toán nhầm. Sau cuộc họp Ban quản lý chúng tôi đã cân đối lại” (về lý do được bà Hương đưa ra khi trao đổi với chúng tôi là “kế toán tính nhầm”, thì Ban quản lý HTX Phong Toàn chưa có sự giải thích về sự “nhầm” này, hoặc tuyên truyền để các hộ tiểu thương hiểu, nên gây ra sự nghi ngờ, so sánh trong phân bổ số tiền các hộ phải nộp).
Việc Ban quản lý HTX Phong Toàn căn cứ vào vị trí thuận lợi của các ốt để phân bổ tiền thuế các mức là hợp lý. Tuy nhiên, để tránh sự khúc mắc, không đồng thuận dẫn đến chậm nộp thuế, Ban quản lý HTX Phong Toàn cần tổ chức họp cổ đông, hoặc có nhiều hơn sự trao đổi, họp bàn một cách dân chủ, thẳng thắn để công khai phân tích, thống nhất các phương án thu chi, tháo gỡ các băn khoăn, tạo sự đồng thuận giữa ban quản lý và các thành viên. Đây cũng là việc cần thiết để cùng nhau khắc phục khó khăn, tìm giải pháp để cải thiện hiệu quả kinh doanh, bắt kịp với xu thế và quy luật phát triển của thị trường đúng như tinh thần của Diễn đàn kinh tế hợp tác, hợp tác xã vừa được Chính phủ tổ chức.
Diễn đàn kinh tế hợp tác, hợp tác xã năm 2022 diễn ra vào ngày 23/9, tại đây, lãnh đạo Chính phủ cũng như các địa phương, trong đó có Nghệ An đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong khu vực kinh tế tập thể và cho rằng, nguyên nhân khu vực này phát triển chậm ngoài do chuyển đổi số còn chậm và thiếu chiến lược, hành động cụ thể. Vì thế, kinh tế hợp tác, hợp tác xã phải chủ động thay đổi cơ bản phương thức sản xuất, kinh doanh, chuyển đổi số để thích nghi với tình hình phát triển mới là yêu cầu cấp thiết, không thể đảo ngược. Muốn vậy, vấn đề cốt lõi là thay đổi nhận thức của các thành viên của hợp tác xã.
Như thế, tại chợ Phong Toàn, đối với các tiểu thương cũng như Ban quản lý, thay vì xin giảm thuế do kinh doanh buôn bán không hiệu quả, trước hết cần có sự đồng thuận, chủ động thay đổi, tìm các giải pháp phù hợp để nâng cao doanh thu, đáp ứng kịp thời các yêu cầu tất yếu của thị trường. Mặt khác, vấn đề có giảm thuế và điều chỉnh mức giá tiền thuê đất hay không ở chợ Phong Toàn, cũng cần đúng với các quy định về chính sách, pháp luật của Nhà nước, tuân theo sự hướng dẫn, xem xét giải quyết của các tổ chức, cơ quan chức năng có thẩm quyền.