Vét

hiều cuối tuần vừa rồi, sau một ngày cày trên mặt đường nhựa cùng cái nắng 40 độ, tạt qua quán nhỏ vỉa hè định bụng làm vài vại bia hơi bình dân cho nó xuôi cái thân nhiệt. Vừa kéo ghế, chưa kịp gọi món thì cô chủ quán xinh đẹp đã chủ động đon đả: “Anh ơi, bữa nay đi đâu mà về với em muộn thế, sắp hết rồi, anh khóa đuôi bốc này nhé”. Vừa nói cô vừa dốc ngược cái thùng đựng bia, những giọt cuối cùng lã chã rơi xuống, phía dưới là chiếc ca nhựa đang nỗ lực sủi lên thứ bọt trắng lều phều. “Bia ni gọi là bia chi em?”. “Dạ bia vét anh ạ, thử một lần cho biết anh, vét ra vét!”.

Không thử cũng không được. Vừa nhâm nhi cái vị chua chua của ca bia “tận số” vừa ngẫm nghĩ về chữ “vét” mới tuột ra khỏi mồm cô chủ quán điệu đà kia… Phải rồi, người đẹp nói cấm có sai, “vét ra vét”!

À mà “vét” là gì nhỉ? Phải chăng vét là hành động cố gắng lấy bằng hết một thứ gì đó cho thỏa mãn mục đích tận thu đã định trước? Thu học phí vét, tiêm phòng vét,  chuyến xe vét… Thậm chí có anh chàng đẹp trai đào hoa nọ, trước ngày cưới còn tranh thủ “cua” thêm vài cô, hỏi thì thấy anh tủm tỉm trả lời “yêu vét”! Đôi khi chữ vét không được mĩ miều cho lắm. Giờ không còn thịnh hành nữa, nhưng những năm 1980 của thế kỷ trước có một từ lóng khá thông dụng, rất kinh hãi nhưng lại được lớp trẻ ngày ấy thường xuyên cài vào khi nói, đó là “vét đĩa”. Ơn giời, từ này “đột tử” lâu rồi!

Chả biết khái niệm như nào, chỉ có điều chữ vét vẫn ngày ngày được người ta sử dụng, người ta vận dụng, thậm chí là người ta trắng trợn lợi dụng. Bằng chứng là cạnh nhà tôi có công ty nọ, quanh năm suốt tháng lúc nào cũng treo tấm biển “Tuyển sinh du học đợt vét”! Ô hay, vét hết đợt này thì phải dừng để chuyển sang đợt khác chứ nhỉ??? Đằng này lúc nào cũng thấy “vét”! Vét gì mà vét lắm thế?

Tranh minh họa: DAD
Tranh minh họa: DAD

Còn nhớ cách đây chưa lâu, trước sự à uôm, xô bồ và lạm dụng quyền lực ngang nhiên vô độ của đồng loại, một vị đại biểu đã phải dùng micro thốt lên giữa hội trường rằng, phải có biện pháp mạnh ngăn chặn ngay những chuyến tàu vét cuối nhiệm kỳ! Hình như lúc ấy vấn nạn ký vét đã trở thành trào lưu. Ký thì không sao mà không ký là… thiệt! Vậy là phong trào “nô nức thi đua lập thành tích ký” được khởi động. Nổi bật nhất vẫn là vụ “tổng” nọ, trước khi về hưu “làm vườn thối cả móng tay” ông đã mạnh dạn hạ bút ký cả một seri quyết định bổ nhiệm. Ký xong thì về hưu, về hưu thì tất nhiên “nhuộm” mình thành “người tử tế”. Chấm hết.

Thiên hạ có câu “Cầm vàng còn sợ vàng rơi/ Tay cầm quyết định đời đời ấm no”. Những kẻ được bổ nhiệm giờ chót tất nhiên hí hửng ôm cái quyết định đóng dấu vét ấy mà nhâm nhi cái chức vụ “hồi môn” của thủ trưởng. Họ ngạo nghễ tót lên ghế lãnh đạo vào cái thời khắc vàng, để rồi nhiệm vụ đầu tiên và xuyên suốt của họ là tranh thủ “chạy xe ôm” “buôn chổi đót” nhằm phục vụ công cuộc “thu hồi vốn”! Có lần một người bạn nói đùa với tôi rằng “Ông thử lên trên (…) lật ghế ra rồi nhìn cho kỹ mà xem, chiếc nào cũng được người ta đề giá cụ thể bên dưới cả”. Tôi không tin ghế có giá, nhưng tôi cũng không tin ghế vô giá. Câu hỏi vụng về nhất đặt ra là, tại sao ngày rộng tháng dài không chịu “cấp ghế” cho người ta mà lại phải đợt đến tận giờ chót?

Tranh minh họa: N.Diệp
Tranh minh họa: N.Diệp

Ồ, sao mà hỏi ngốc thế! Ghế của người khác tất nhiên quan trọng, nhưng so với cái ghế của chính mình thì nó chỉ là con muỗi. Nguyên tắc quan trọng bất di bất dịch của mình là phải giữ ghế của mình, ghế mình là vô địch, ghế mình là vạn tuế. Tuy nhiên đến khi canh bạc đã tàn, tức là trước lúc nghỉ hưu, khi cái ghế thân yêu của mình “hết đát” nó không còn “vô địch” nó cũng chả còn “vạn tuế” nữa thì cần gì phải giữ gìn. Cứ xả láng mà tận hưởng, xả láng mà tận dụng. Có ai ký tất, ai có cũng ký tất! Ký cho đám em út sau này còn có cơ hội mà “đòi nợ” tụi nó. Ký “vống” cho nó sau này nó cũng về hưu thỉnh thoảng anh em còn biết điều ghé qua nhà nhau hàn huyên đàm đạo, cùng nhau “ôn nghèo kể khổ” vuốt ve hài cốt chức vụ kiểu như “Lãnh đạo bây giờ còn lâu mới bằng anh ngày trước”. Ký cho chúng nó sau này tết nhất còn có kẻ “báo hiếu biếu cành đào”. Ký cho chúng nó rồi sau này khi về tiên tổ còn có đứa in cái băng “vô cùng thương tiếc”. Ký cho chúng nó cũng coi như cũng là dịp cuối cùng đong lại tình cảm, để lại tiếng thơm hoàng thể cho… anh em cơ quan! Đó là động cơ, đó là mục đích, đó cũng là bổn phận. Đành rằng, chót thì chót, vét thì vét nhưng trong danh sách người được bổ nhiệm tuyệt nhiên làm gì có kẻ nào là “tay không bắt giặc” lọt vô. Thậm chí người ta còn phát hiện không ít trường hợp giữa người ký bổ nhiệm vét và kẻ được bổ nhiệm giờ chót có cùng… ADN. Xin thưa, đó là mặt trái, đó cũng không phải là tất cả.

Nhân đây cũng xin tản mạn đôi điều về vấn nạn “hậu duệ”. Đáng sợ và đáng lên án, nhưng chúng ta không nên quá cực đoan. Tôi rất sợ tư tưởng bài trừ kiểu như cứ thấy con cái lãnh đạo được cân nhắc là lập tức tập trung xỉa xói. Ơ hay, con lãnh đạo không có quyền thành đạt như con người khác à? Như vậy mà là nhân danh sự công bằng ư? Chúng ta lên án vấn nạn “con ông cháu cha” hay chúng ta đang triệt tiêu hóa cơ hội của một bộ phận người trẻ? Con lãnh đạo cũng là công dân như muôn vạn công dân khác, nếu chúng ta không cho họ lợi thế thì cũng đừng đưa họ vào tình cảnh yếu thế chứ. Khi thả thì thả ào ào, đến khi chặn thì lại chặn cứng. Cả hai thái cực đều không phải là lối đi anh minh cho tiến trình phát triển. Kể ra tại thời điểm này có khi cũng éo le thật. Tôi có quen một anh bạn trẻ, đầy năng lực và nhiệt huyết nhưng cái chức trưởng phòng cứ nhấc lên đặt xuống mãi, mà lý do cũng thật trớ trêu. “Em chưa dám nhận vì không muốn dư luận người ta hiểu sai về… bố em”.  Thế đấy, đòi hỏi khắt khe của dư luận xã hội cộng với sự hạn chế minh bạch trong các thể chế đã “làm khó” cho không ít người.

Trở lại với câu chuyện bổ nhiệm “vét”. Liệu động cơ bổ nhiệm đồng loạt giờ chót là trong sáng hay trong… tối? Nói họ ký vét, vậy họ vét cái gì? Người thì bảo đó là vét quyền lực, kẻ thì lại cho rằng đó là vét quyền lợi. Tưởng sau những trận đòn nhừ tử của dư luận, vấn nạn ký “vét nhiệm kỳ” sẽ hết đất sống, vậy mà mấy ngày qua một vị tổng nọ đã làm nóng dư luận bởi cú “lội ngược dòng” ngoạn mục trước khi về hưu. Lại hỏi “vì cái gì?”. Vì cái gì ư, vâng, chỉ người trong cuộc mới tường tận câu trả lời.

Vét suy cho cùng cũng chỉ là sự tận thu, nó có thể là hành động chống lãng phí của người tiết kiệm, nó cũng có thể là hành vi “cạn tào ráo máng” của kẻ “siêu tiết kiệm”. Trên thực tế vét  bao giờ cũng chỉ mang lại phần rất nhỏ nếu so với những gì đã thu được trước đó. Ấy vậy mà một ngày đẹp trời cuối tháng 6 năm Dậu, trước khi nghỉ hưu 2 tuần, một cán bộ nọ đã vâng lệnh hầu bao ký đến 73 (viết bằng chữ là bảy mươi ba) cái quyết định bổ nhiệm. Đứng hình! Chả biết nói gì, xin được mượn lời của cô chủ quán bia hơi xinh đẹp thôi: “Vét ra vét”!