Chuyện người dân Nghi Ân hiến đất đến với chúng tôi trong một quán cà phê nhỏ vào một ngày cuối tuần. Ở đấy, người bạn nói về những tuyến đường mới mở ở xã Nghi Ân, tấm tắc khen những hộ gia đình đã hiến đến hàng trăm m2 đất… Xã Nghi Ân dù là vùng ven của thành phố Vinh nhưng vài năm gần đây giá trị đất đai nóng lên từng ngày. Thế nên, nghe chuyện người dân tự nguyện hiến đất mà nghi hoặc, băn khoăn không rõ thật hay đùa? Liên hệ Bí thư Thành ủy Vinh Phan Đức Đồng, qua điện thoại, anh xác nhận: “Năm vừa rồi ở xã Nghi Ân có một số việc làm tốt lắm. Việc vận động nhân dân hiến đất làm đường nông thôn mới trong giai đoạn hiện nay rất đáng quý. Nhà báo thực tế ở Nghi Ân đi, có nhiều điều thú vị…”.
Trụ sở xã Nghi Ân cách điểm giao giữa Đại lộ Xô viết Nghệ Tĩnh với Quốc lộ 46 chừng vài km. Ở đây, chị Phạm Thị Hương – cán bộ văn phòng đưa ra bản “Kết quả công tác dân vận chính quyền năm 2021 đến đầu năm 2022”. Chị nói: “Thông tin có ở trong này. Nhưng vừa rồi có thêm nhiều hộ dân tự nguyện hiến đất mở rộng các tuyến đường ở các xóm Kim Chi, Kim Phúc, Kim Liên nhưng chưa kịp cập nhật, bổ sung…”.
Như thông tin tại đây, trước tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, xã Nghi Ân hoàn thành được tuyến đường nối 2 xóm Kim Tân – Hòa Hợp. Đây là tuyến đường đất duy nhất, nhỏ hẹp, có chiều dài 420m, nhưng chưa hề có sự đầu tư. Biết đã từ lâu người dân trông ngóng con đường này được thay đổi, nên thông qua Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, xã Nghi Ân quyết tâm đầu tư, hoàn thành xây dựng trước Xuân mới Nhâm Dần 2022. Quá trình phóng tuyến, mở rộng lòng đường lên 8m thì xuất hiện khó khăn, vì vướng công trình và đất nông nghiệp của 14 hộ gia đình. Trong đó, có những hộ gia đình sẽ mất đến hàng trăm m2 đất, phải phá dỡ hàng chục mét tường rào, công trình chăn nuôi… Làm sao để các hộ dân có liên quan đồng thuận? Các cuộc họp dân do Chi bộ, Ban cán sự xóm, do UBND xã tổ chức đã diễn ra. Từ đó, các hộ dân bị ảnh hưởng đã đồng thuận. Ở tuyến đường Kim Tân – Hòa Hợp, người dân đã hiến 105m2 đất ở, 659,88m2 đất nông nghiệp; tháo dỡ 55 mét tường xây, 15m2 trại chăn nuôi, 25m sân bê tông, 45m hàng rào cây…
Còn theo thông tin anh Nguyễn Ngọc Hà – cán bộ đô thị xã cập nhật, ở xóm Kim Chi chuẩn bị xây dựng đoạn còn lại của tuyến nối đường Thanh Niên (đường liên xóm) với Quốc lộ 46. Đoạn đường này ảnh hưởng đến 37 hộ dân nhưng qua vận động, tất cả đã đồng thuận hiến 1.704 m2 đất nông nghiệp. Trong đó, hộ gia đình bác Nguyễn Quang Huy hiến đến 497,8 m2. Đầu năm 2022 này, xã Nghi Ân cũng đang tập trung mở rộng, nâng cấp tuyến đường Kim Phúc đi xã Nghi Trung (Nghi Lộc) với chiều dài 1.400m. Để thực hiện được, liên quan đến 57 hộ dân thuộc 2 xóm Kim Phúc và Kim Liên. Sau các cuộc vận động, người dân đã đồng tình hiến 710 m2 đất vườn, 1.700 m2 đất nông nghiệp, đảm bảo con đường Kim Phúc đi Nghi Trung sẽ được đầu tư xây dựng với bề rộng 8 mét. “Trên tuyến đường này, cũng có những hộ hiến đến 100 m2 đất, như hộ gia đình ông Nguyễn Xuân Thanh…”, anh Nguyễn Ngọc Hà thông tin.
Xã Nghi Ân có gặp khó khăn trong quá trình vận động nhân dân hiến đất hay không? Theo Chủ tịch UBND xã Nghi Ân, ông Chu Văn Mai thì có, thậm chí có một vài lần khá căng thẳng. “Tuyến đường nối 2 xóm Hòa Hợp – Kim Tân được xã lên kế hoạch xây dựng hoàn thành để nhân dân sử dụng trước tết Nhâm Dần 2022. Thời điểm đơn vị thi công đưa phương tiện máy móc về Hòa Hợp – Kim Tân, tôi đang trên đường ra Hà Nội thì nghe điện thoại của anh em báo người dân kéo ra ngăn cản, có người mang theo dao yêu cầu đình chỉ hoạt động. Dù đã ra đến huyện Diễn Châu nhưng lo sẽ xảy ra sự cố nên tôi chỉ đạo dừng mọi hoạt động, đồng thời quay trở lại…”, Chủ tịch UBND xã Nghi Ân vắn tắt về một lần trực tiếp giải quyết vướng mắc từng xảy ra.
Ở xã Nghi Ân, tôi đã tìm gặp người mang dao yêu cầu đơn vị thi công đình chỉ thi công tuyến đường Kim Tân – Hòa Hợp. Đó là ông Phạm Văn Hiến, nhà ở xóm Kim Tân. Ông Hiến năm nay 62 tuổi, vóc người to khỏe, vạm vỡ. Nhắc lại chuyện này, cười khà khà ông nói: “Hiến đất để mở đường thì dân Nghi Ân chúng tôi đồng thuận thôi. Nhưng tự nhiên thấy xe máy đổ về rầm rầm trên đất người ta đang làm nông nghiệp, đang ở ổn định mà không có thông báo gì cả thì chúng tôi bức xúc. Nhân dân chúng tôi bảo nhau, răng không thấy nói chi cả mà xe máy cứ đổ đất, đổ đá rầm rầm rứa. Tui cũng ra nói “Muốn mần chi thì cũng phải rõ ràng. Cứ dừng lại để bàn, để dân nghe cụ thể sau đó hẵng hay…”. Đơn vị thi công nghe rứa, đình chỉ mọi hoạt động trong 1 ngày. Sau đó, ông Chủ tịch UBND xã tổ chức họp dân. Rồi được dân đồng thuận, để rồi đến bữa trước Tết con đường được hoàn thành đúng như xã cam kết…”.
Tò mò hỏi ông Phạm Văn Hiến: “Ở cuộc họp đó xã trao đổi những gì mà dân đồng thuận?”. Ông Phạm Văn Hiến kể: “Thì xã tổ chức họp toàn thể nhân dân. Ông Chủ tịch UBND xã đại diện cho cấp ủy, chính quyền nói rõ về chủ trương của cấp trên về xây dựng đường nông thôn mới. Rằng Nhà nước đầu tư toàn bộ kinh phí xây dựng đường, còn nhân dân thì đề nghị có sự chia sẻ với Nhà nước, hiến đất, tháo dỡ công trình liên quan… Ông Chủ tịch nói có nghĩa, có tình. Nói để nhân dân hiểu, Nhà nước đã đầu tư kinh phí với hàng chục tỷ đồng, nếu nhân dân không ủng hộ thì sẽ mất đi cơ hội làm được đường. Được giải thích cụ thể, ai cũng nghĩ Nhà nước đã quan tâm đầu tư thì tại sao lại tiếc ít mét đất. Thế nên, tất cả vui vẻ đồng tình. Gia đình tui hiến mô khoảng 100 m2 đất. Thực ra, hiến rứa chứ hiến thêm nữa tui cũng vui vẻ. Trước đây, thời cải cách ruộng đất, cha ông chúng tôi từng hiến 5 – 7 mẫu đất cho Nhà nước, giai đoạn chiến tranh thì nuôi bộ đội trong nhà. Vì răng rứa? Là vì khi lòng dân thấu hiểu thì không tiếc chi cả, sẵn sàng vì dân, vì nước thôi. Cuộc họp đó ban đầu nhân dân cũng có ý phản đối. Sau khi ông Chủ tịch phát biểu thì mời tui phát biểu đầu tiên. Tui nói đúng như rứa, thì mọi người vỗ tay rầm rầm, đồng ý cả…”. Dứt câu chuyện diễn ra trong cuộc họp, ông Hiến mê mải nói về con đường Kim Tân – Hòa Hợp. Ông nói: “Dù không hưởng lợi trực tiếp từ con đường này nhưng tui rất mê. Nông thôn mới, đường phải như rứa…”.
Để tuyến đường Kim Tân – Hòa Hợp được xây dựng, gia đình bác Phạm Duy Mậu ở xóm Hòa Hợp đã hiến 30 m2 đất ở, 70 m2 đất nông nghiệp trồng lúa, đồng thời phải phá bỏ 30m tường rào. Dù không có hỗ trợ nhưng khi được hỏi chuyện, bác rất vui vẻ. Đứng trên con đường mới, bác Mậu cho biết, khi nghe xã trình bày đầy đủ, thấy chủ trương của Nhà nước là hoàn toàn đúng, lợi ích của đường đều cho nhân dân nên gia đình bác ủng hộ. “Chưa nói đến việc giá trị của đất sẽ tăng lên khi có con đường này như thế nào. Nhưng khi con đường mới được mở rộng, xây dựng hoàn chỉnh, thuận lợi trong việc giao thông, đem lại cảnh quan rất đẹp cho làng xóm…”, bác Phạm Duy Mậu nói.
Đến xóm Kim Chi thăm gia đình bác Nguyễn Quang Huy, hộ đã tự nguyện hiến 497,8 m2 đất nông nghiệp ngay trước cổng nhà để xây dựng tuyến đường nối Quốc lộ 46 đến đường Thanh Niên. Hỏi chuyện, bác Nguyễn Quang Huy nói: “Xã Nghi Ân dù là nông thôn thì cũng phải có con đường cho đẹp. Lâu ni đường xá không ra răng nên tui hiến đất để Nhà nước đầu tư làm đường mới cho rộng rãi, chắc chắn, cho đẹp làng, đẹp xóm. Đường đi qua nhà, mình cũng được hưởng lợi, thuận tiện trong đi lại…”. Nói vui với bác Nguyễn Quang Huy: “Hiến một lúc gần 500 m2 đất nhưng không được hỗ trợ kinh phí, sao bác và gia đình không có băn khoăn?”. Cười hồn hậu, bác Huy trả lời: “Ban đầu không phải là không băn khoăn. Nhưng nghĩ đi, nghĩ lại, nếu mình không chia sẻ thì làm sao làm được đường. Ai cũng nghĩ như thế thì sao làm được đường? Có con đường mới rộng rãi, chắc chắn thì nhân dân được lợi rất nhiều. Không chỉ đẹp xóm, đẹp làng, tiện lợi trong giao thông mà còn giúp làng Kim Chi là làng hoa, cây cảnh sẽ thuận lợi trong phát triển kinh tế. Vì vậy, tôi thấy để có con đường mới, cần phải sẻ chia, chung sức, đồng lòng với Nhà nước…”.
Đi trên tuyến đường mới xây dựng Kim Tân – Hòa Hợp; tuyến Kim Phúc đi Nghi Trung; hay tuyến đường chạy qua làng Kim Chi nối Quốc lộ 46 với đường Thanh Niên, chúng tôi gặp thêm không ít người dân. Tất cả họ đều biểu lộ sự đồng tình, và nhận thấy lợi ích từ việc mở rộng, xây dựng đường. Như bác Nguyễn Hồng Thái ở xóm Kim Phúc đã nói: “Có đường thì kinh tế mới phát triển. Mà muốn có đường, mỗi người phải tham gia đóng góp một ít thì mới thành công…”.
Trao đổi với Chủ tịch UBND xã Chu Văn Mai về những điều nghe được từ người dân. Theo anh Mai, sau những đợt vận động nhân dân hiến đất làm đường thì thấy Nghi Ân đang có những chuyển động đáng mừng, nhất là việc thay đổi nhận thức trong nhân dân và trong cả cán bộ, đảng viên. Nhân dân đã sẵn sàng hơn trong việc đồng hành cùng cấp ủy, chính quyền thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế – xã hội của xã. Còn với cán bộ, đảng viên, có thêm kinh nghiệm quý trong công tác dân vận. “Sát dân, lắng nghe dân, công khai, minh bạch với dân về các chủ trương, chính sách, chương trình, dự án thì sẽ tạo được sự đồng thuận. Những điều này, tôi cũng đã viết trên facebook cá nhân trong ngày Đại đoàn kết…” – anh Chu Văn Mai nói.
Lần vào Facebook cá nhân của Chủ tịch UBND xã Nghi Ân để xem anh viết gì trong ngày Đại đoàn kết. Ở đây, anh kể lại câu chuyện diễn ra ở dự án xây dựng tuyến đường Kim Tân – Hòa Hợp; thông tin về sự đóng góp của người dân…; và rút ra bài học về công tác dân vận. Anh tổng kết: “…Khi đã tin thì dân không tiếc, kể cả tài sản và những giá trị khác dân cũng sẵn lòng hiến dâng vì mục tiêu chung. Vậy nên, sống với dân cần thấu hiểu lòng dân. Cán bộ làm việc phải vì dân, có tình, có lý, khi dân hiểu, dân sẽ tin, dân sẽ nghe theo cán bộ. Làm cán bộ cần nghe dân nói, nói cho dân hiểu và làm để dân tin. Đúng như Bác đã dạy: Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công. Đổi mới phải dựa vào dân, vì lợi ích của nhân dân, phù hợp thực tiễn và luôn sáng tạo…”.
Trước khi rời Nghi Ân, tôi cũng hỏi chị Lương Thị Mai Dung – Bí thư Chi bộ xóm Kim Tân về nguyên nhân dẫn đến khúc mắc khi thực hiện tuyến đường Kim Tân – Hòa Hợp. Theo chị, xóm đã họp dân để thông tin việc làm đường, mọi người đều đồng tình về chủ trương. Tuy nhiên, nhân dân vẫn nghĩ ít nhiều gì thì cũng sẽ có chế độ hỗ trợ bù trừ cho việc hiến đất, tháo dỡ công trình, nhưng xóm lại chưa sâu sát, giải thích thấu đáo. Vì vậy, nhân dân đã có những phản ứng, yêu cầu nhà thầu đình chỉ thi công; xã phải xuống tổ chức họp, tháo gỡ các khúc mắc…
Nghe Chủ tịch UBND xã Nghi Ân, Bí thư Chi bộ xóm Kim Tân trao đổi, nghĩ về những tâm sự của các bác Nguyễn Quang Huy, Phạm Duy Mậu, Nguyễn Hồng Thái…, nhất là câu chuyện ông Phạm Văn Hiến đã kể, thấm thía lời Bác dạy “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”.