Xưa nay, Cửa Lò được biết đến là điểm du lịch nghỉ dưỡng lý tưởng vào mùa Hè. Nơi xứ sở “Gió Lào thổi rạc bờ tre”, có một bãi tắm nước biển trong xanh, cát mịn màng, gió mát rười rượi tưởng chừng như không có gì thú vị hơn. Nhưng, nếu là một du khách sành sỏi sẽ không chỉ đến để tắm mát mà còn dành thời gian khám phá và thưởng thức đặc sản của biển Cửa Lò.
Nguồn hải sản – thứ quà tặng của biển khơi ở Cửa Lò được bán khắp các khu chợ, nhiều nhất là chợ hải sản Nghi Thủy, Nghi Hải. Những khu chợ này nằm sát bến thuyền, điểm tụ hội của tàu thuyền trở về sau mỗi chuyến ra khơi tôm cá đầy khoang. Cũng là một điểm tham quan, trải nghiệm thú vị của du khách khi đến với Cửa Lò.
Cửa Lò có gần như đầy đủ các sản vật của biển cả: Cá, tôm, cua, mực, ghẹ, sứa, nghêu… Tất cả đều mang hương vị mặn mòi của biển cả và đảm bảo tươi ngon. Có một điều được nhiều du khách gần xa thừa nhận là hải sản Cửa Lò còn có hương vị đặc trưng thơm ngọt và đậm đà, thưởng thức một lần sẽ nhớ mãi. Những món phổ biến và được nhiều người ưa thích là cá thu nướng, ghẹ hấp, cháo nghêu… Bên cạnh là những sản vật đã được chế biến thành hàng khô như mực khô, tôm nõn, cá cơm, tép và cá trích nướng, đáp ứng nhu cầu thưởng thức tại chỗ và có thể mua về nhà sử dụng.
Ở đây, có một món từ lâu đã trở thành đặc sản, được nhiều du khách săn tìm, đó là mực nháy. Những mẻ mực vừa được các ngư phủ đưa về trên những chiếc thuyền câu, những chú mực đang cựa quậy tung tăng, còn lấp lánh ánh bao đốm lân tinh và mang “hơi thở” của biển cả. Mực nháy được luộc hay hấp chín rồi bày ra đĩa, hương vị đậm đà, thơm ngon tỏa theo làn hơi thực sự hấp dẫn các thực khách, kể cả những người khó tính nhất.
Cùng với mực nháy, cá thu nướng cũng là món đặc sản được nhiều thực khách ưa chuộng. Sau những ngày ra khơi, đoàn tàu của ngư dân Cửa Lò cập cảng, những mẻ cá thu nhanh chóng được đưa vào bến và có hai cách đưa ra thị trường: Để nguyên cá tươi sống hay xắt thành từng miếng rồi nướng bằng than hoa.
Từ sáng sớm, những người phụ nữ miệt biển đã nhóm lửa nướng cá thu để kịp bán trong phiên chợ sáng. Những vỉ cá được đặt trên than hồng, người nướng cá tỉ mẩn ngồi quạt cho nguồn nhiệt thấm dần vào từng lớp để cá chín đều và thơm ngon. Cá thu nướng thường được du khách lựa chọn cho các bữa tiệc nơi bãi biển, thích hợp với những người hay nhâm nhi thức uống. Ưu điểm của món đặc sản này là có thể cất trữ được lâu ngày nên du khách có thể mua về làm quà và phục vụ nhu cầu mỗi bữa ăn.
Cá thu nướng được nhiều hộ ở phường Nghi Thủy và Nghi Hải chế biến, nay được tập hợp vào Hội Sản xuất và kinh doanh cá thu nướng Cửa Lò với khoảng 30 hộ gia đình. Sản phẩm của hội đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu và vươn ra thị trường nhiều tỉnh, thành phố trong nước. Nhiều đoàn khách đã đến tham quan các cơ sở chế biến cá thu nướng để chứng kiến các công đoạn, quy trình chế biến và bảo quản, có thêm sự trải nghiệm về cuộc sống của cư dân phố biển Cửa Lò.
Ông Nguyễn Hữu Sơn, một du khách từ Hà Nội chia sẻ: “Mỗi năm, ít nhất vài lần tôi vào Cửa Lò nghỉ dưỡng với gia đình và bạn bè. Nơi đây thực sự là điểm đến thú vị, vừa có nơi tắm mát, được phục vụ chu đáo, lại lắm sản vật tươi ngon. Mực nháy và cá thu nướng là những món hấp dẫn, đã “níu” bước chân tôi về với phố biển xinh đẹp này”.
Cùng với việc khai thác, đánh bắt phục vụ nhu cầu thị trường cũng như khách du lịch, ở Cửa Lò còn có những làng nghề chế biến hải sản có lịch sử hàng trăm năm. Tiêu biểu là Làng nghề nước mắm Hải Giang 1, thuộc phường Nghi Hải, nơi dòng sông Lam đổ về biển cả. Có lẽ vì thế làng được đặt tên là Hải Giang. Là làng quê ven biển, mở mắt thấy biển, đêm nghe tiếng sóng vỗ về nên bao đời nay bà con sống nhờ vào biển.
Chúng tôi có dịp ghé thăm cơ sở sản xuất của gia đình ông Hoàng Đức Thương – Chủ nhiệm Làng nghề Chế biến nước mắm Hải Giang 1. Khuôn viên rộng rãi và mát mẻ, ông Thương đặt hàng chục chiếc chum chứa đầy nước mắm đã qua công đoạn chế biến.
Chủ nhân cho biết: “Các cơ sở chế biến nước mắm ở Làng nghề Hải Giang 1 đều sử dụng chung quy trình và nguyên liệu cá cơm, muối biển. Việc chế biến, bảo quản của gần 80 hộ thuộc làng nghề luôn tuân thủ các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo chất lượng, hàm lượng đạm và chất dinh dưỡng cao. Để có nước mắm thành phẩm phải trải qua 8 công đoạn (chọn nguyên liệu, xử lý, trộn muối và gài nén, lên men tự nhiên, chiết rút, pha đầu, thanh trùng, đóng gói bảo quản) với thời gian kéo dài từ 12 – 15 tháng”.
Cũng theo lời ông Thương, khi còn lẫm chẫm tập đi ông đã thấy gia đình mình làm nước mắm. Lớn thêm một tí, hỏi bố mẹ, ông bà nghề làm nước mắm có từ bao giờ nhưng không có câu trả lời chính xác, chỉ biết có từ rất lâu đời. Sau này, căn cứ vào các nguồn tư liệu lịch sử, ông Thương xác định nghề làm nước mắm ở Cửa Lò đã có lịch sử trên 300 năm.
Xưa kia, nước mắm là nguồn dự trữ cho những ngày biển động, bà con ngư dân không thể ra khơi, vào lộng đánh bắt hải sản. Ngày nay, nước mắm Hải Giang 1 đã thành đặc sản, làng nghề chế biến nước mắm đã trở thành một điểm đến trong hành trình khám phá, trải nghiệm của nhiều du khách khi đặt chân đến phố biển Cửa Lò. Và, khi đã đến đây, khách dù gần, dù xa đều mua một ít để dùng và làm quà biếu người thân.
Bà con khối Hải Giang 1 luôn tự hào về sản phẩm nước mắm truyền thống của quê hương và thường gọi là “mật của biển”. Bởi đây là sự kết tinh của sản vật biển khơi và công sức, sự cần cù và sáng tạo của cư dân miệt biển Cửa Lò. Sự kết tinh ấy đã làm nên sản phẩm nước mắm có hương vị riêng, góp phần tạo nên một sản phẩm, một điểm đến để du khách khám phá đất và người phố biển.
Rời làng nghề Hải Giang 1, chúng tôi nhớ mãi khúc hát: “Có ai về bên Sông Lam Cửa Hội/ Xin hãy ghé vào làng Giang 1 quê tôi/ Cuộc sống thanh bình năm tháng trọn niềm vui/ Đời mơ ước bao ngày ta vươn tới/ Vì tương lai quê hương vẫy gọi/ Xây dựng quê nhà ngày một khang trang/ Tự hào thay truyền thống quê hương/ Mãi mãi xứng danh Hải Giang 1 quê mình”.
Cua Đồng
Hình ảnh đẹp lắm Diệp Thanh ơi.