Phim Vợ chồng A Phủ chuyển thể từ nguyên tác là truyện ngắn của nam nhà văn Tô Hoài, phim Chuyện của Pao được chuyển thể từ tiểu thuyết Tiếng đàn môi sau bờ rào đá do nữ nhà văn Đỗ Bích Thúy thủ bút. Cả hai bộ phim đều được đạo diễn bởi những nam đạo diễn; tất cả đều là những người Kinh, không phải người Mông. Do đó, có những chi tiết thường nhật nhưng ẩn chứa ý nghĩa văn hóa riêng mà có thể đoàn làm phim không nhận ra, vô tình làm lệch đi vị trí của nữ giới và nam giới trong văn hóa Mông.
Trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ, nhà văn Tô Hoài đã dịch lại một câu dân ca về ném pao ở hội Tết như thế này: “Anh ném pao, em không bắt… Em không yêu, quả pao rơi rồi…”
Như trong bài viết trước nói về bối cảnh văn hóa Mông, quả pao là của người con gái, do người con gái tự khâu hoặc được mẹ khâu cho từ vải vụn của mùa may vá thêu thùa cho bộ trang phục truyền thống trước hội Tết. Tại hội, những cô gái cầm trên tay quả pao của mình, chủ động ném về phía chàng trai mà cô mong muốn được làm quen, chàng trai có yêu hay không đều có trách nhiệm ném trả lại quả pao. Dĩ nhiên, hiếm có cô gái nào lại không bắt lại quả pao của chính mình, do chính mình chủ động ném đi. Còn các chàng trai, nếu muốn được chơi ném pao tại hội Tết, cần thể hiện làm sao để lọt vào mắt xanh của bất kỳ một cô gái nào đó, hoặc chủ động đến ngỏ ý, mời cô gái ném pao với mình. Kể cả trong trường hợp chàng trai chủ động ngỏ ý mời cô gái cùng chơi ném pao, cô gái là chủ sở hữu quả pao, có quyền từ chối và không ném quả pao về phía anh ta, như thế thì anh cũng khó mà có quả pao ném trả lại khi mà em đã không yêu, vậy thì sẽ khó mà có tiếp phần “em không bắt nên quả pao rơi rồi”. Quả pao, qua đó, thể hiện sự tỉ mẩn, cẩn thận, chăm chỉ, khéo léo và trên tất cả, thể hiện sự chủ động trong mối quan hệ của người con gái.
Như vậy, để thể hiện sự chủ động trong việc ném pao tại hội Tết, câu dân ca lẽ ra nên được dịch thành: “Em ném pao, anh không bắt… Anh không yêu, quả pao rơi rồi…”
Sự hiểu sai vai trò nam nữ trong ném pao này, có lẽ đến từ việc dịch ngôi xưng từ tiếng Mông sang tiếng Việt khi mà bài thơ nguyên gốc tiếng Mông sẽ đại loại là:
“Kuv laim pov tuaj, koj tsi txais
Koj tsis nyiam, pov rog lawm.”
Cần lưu ý rằng, người Mông sử dụng chủ yếu hai đại từ nhân xưng trong xưng hô. Đó là kuv (cú) chỉ người chủ động nói và koj (cò) chỉ đối phương bất kể vị trí, vai vế xã hội của những người tham gia giao tiếp với nhau. Lối xưng hô kuv – koj là tương đối khác lạ với các xưng hô nhiều đại từ nhân xưng ở người Kinh, khi mà trong tiếng Kinh tùy vào vai vế xã hội mà phải sử dụng cặp đại từ nhân xưng phù hợp, như là bố-con, anh-em, chú/cô/ông/bà/mợ/dì/cậu…-cháu,…
Kuv-koj ở trong bối cảnh của cuộc chơi hội Tết sẽ là giữa nam và nữ và đúng bối cảnh của quả pao, của hội Tết thì phải chăng nên dịch kuv là em, koj là anh thay vì ngược lại như nhà văn Tô Hoài đã làm.
Trong nguyên tác truyện Tiếng đàn môi sau bờ rào đá, việc nữ nhà văn Đỗ Bích Thúy lựa chọn kể câu chuyện của Pao, của mẹ Pao thông qua hình ảnh tiếng đàn môi sau bờ rào đá là một sự nhạy cảm rất tốt về văn hóa địa phương. Trong văn hóa Mông, đàn môi là nhạc cụ thường gắn liền với nữ giới, còn sáo thường gắn liền với nam giới. Khi trai gái có cảm tình với nhau, người con trai sẽ bày tỏ lòng mình qua tiếng sáo và cô gái sẽ thể hiện ý mình qua tiếng đàn môi. Đó là một mối quan hệ có sự chủ động từ cả hai phía, có qua có lại chứ không hoàn toàn một chiều. Tiếng đàn môi trong tác phẩm này còn như một lời tự sự của nhân vật nữ chính trong truyện. Còn hình ảnh bờ rào đá lại có sự tinh tế của riêng nó, khi nó ngay lập tức gợi cho khán giả về người Mông trên cao nguyên đá Hà Giang nói chung và cũng thể hiện những cách trở của thực tại, của xã hội đối với các nhân vật trong truyện.
Tiếc rằng, khi lên phim Chuyện của Pao (2006), phim đã bỏ qua hoàn toàn chi tiết nhân vật nữ chính là Pao gắn với tiếng đàn môi mà lại thường xuyên bị thu hút bởi tiếng sáo của nhân vật nam là Chử. Có thể có những vấn đề về hậu cần của đoàn làm phim khi họ không thể tìm cách sử dụng và làm nổi bật được tiếng đàn môi nên phải dùng tiếng sáo thay thế. Nhưng, việc chỉ thay một hình ảnh nhỏ này, có lẽ đã ảnh hưởng hoàn toàn về chất lượng của câu chuyện khi từ nguyên tác là tự sự của nhân vật nữ là Pao thông qua tiếng đàn môi chuyển thành tiếng sáo của nam giới. Khi để nhân vật Chử – người yêu của Pao và bố Chử – người yêu mẹ già của Pao chơi sáo, âm nhạc bị chuyển thành chỉ là của người đàn ông, còn Pao hoàn toàn chỉ bị hấp dẫn bởi tiếng sáo của Chử, hay mẹ già của Pao bị hấp dẫn bởi tiếng sáo của bố Chử, như thế, thể hiện hình ảnh những người phụ nữ bị phụ thuộc vào đàn ông và không có sự chủ động ngay cả khi tận hưởng, chơi nhạc và thể hiện cảm tình cá nhân – là một hành động rất riêng tư của mỗi người.
Phim Chuyện của Pao (2006) đã xây dựng những nhân vật nữ cố gắng thoát khỏi sự thống trị nam tính của xã hội, bằng cách cho tất cả các nhân vật nữ chính là Pao, mẹ già của Pao, mẹ đẻ của Pao đều tìm được đến tình yêu đích thực của đời mình, thể hiện tư tưởng trọng nữ quyền của đoàn làm phim. Nhưng, một chi tiết thay đổi tiếng đàn môi bằng tiếng sáo, ở khía cạnh văn hóa đã làm yếu đi tinh thần cổ vũ nữ quyền này.
Tựu chung lại, việc hiểu sai bối cảnh văn hóa đã dẫn đến việc tái trình hiện văn hóa qua lăng kính thiên lệch về quyền lực giới ở cả hai phim, khiến một nền văn hóa có những ẩn ý nhất định cho sự chủ động trong tình cảm của người con gái sang thành một nền văn hóa được tái tạo hoàn toàn bị lấn át bởi nam giới.