Đảng bộ Nghệ An là đảng bộ lớn, với 1.429 tổ chức cơ sở Đảng, hơn 196.000 đảng viên, chiếm 3,65% tổng số đảng viên trong cả nước. Đây là đội ngũ nòng cốt, quan trọng, nếu phát huy hiệu quả sẽ là lực lượng hùng hậu để lan tỏa những thông tin, hình ảnh tốt đẹp, tích cực; đồng thời, phê phán, đấu tranh với những cái xấu, biểu hiện lệch lạc. Ý thức tầm quan trọng đó, trong toàn đảng bộ đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo với phương châm “lấy cái đẹp, dẹp cái xấu”, thông qua “người thật, việc thật”, không tô hồng, không thêm thắt, không bôi đen; tránh gây ra những trường hợp phản tác dụng hoặc “chỉ cho có”, từ đó, không còn thuyết phục được sự quan tâm của cộng đồng.
Tại Đảng ủy Khối Các cơ quan tỉnh Nghệ An, Ban Thường vụ Đảng ủy đã lần đầu tiên phát động Cuộc thi viết “Gương sáng quanh ta”, thu hút được sự tham gia của đông đảo cán bộ, đảng viên trong Khối, tạo được sự lan tỏa mạnh mẽ thông qua hàng nghìn lượt like, chia sẻ của cán bộ, đảng viên trong Khối trên các kênh thông tin, nhất là kênh mạng xã hội. Có những bài dự thi thu hút hàng chục nghìn lượt xem và like như: “Nữ chiến sĩ trên mặt trận thu ngân sách” (39.652 lượt xem); “Bông hoa đẹp trong lĩnh vực kinh tế tập thể, hợp tác xã” (36.855 lượt xem); “Một cán bộ lãnh đạo thực sự gần dân, hiểu dân, trọng dân, vì dân” (27.551 lượt xem)…
Các bài viết tham gia cuộc thi là sự lựa chọn từ cơ sở; những nhân vật từ đời thực là những người bạn, người đồng chí, đồng nghiệp qua ngòi bút không chuyên cũng là đồng chí, đồng nghiệp của mình dù không ai là một người toàn diện nhưng phẩm chất đạo đức, lối sống, bản lĩnh chính trị, kinh nghiệm, kỹ năng lãnh đạo, quản lý và tham mưu thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị đã tạo nên sức tươi mới, hình ảnh thật đẹp về những người cán bộ, đảng viên trong Khối Các cơ quan tỉnh.
“Đây chính là minh chứng hiệu quả cho phương châm “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, lấy thông tin tích cực đẩy lùi các thông tin xấu, độc trên mạng xã hội, đồng chí Chu Bá Long – Phó Bí thư Đảng ủy Khối Các cơ quan tỉnh Nghệ An khẳng định.
Còn lãnh đạo, cán bộ các cấp bộ Đoàn tại Nghệ An luôn nằm lòng phương châm: Coi mạng xã hội là mặt trận chính trong công tác giáo dục truyền thống, tuyên truyền, cổ động của Đoàn Thanh niên. Website Tỉnh đoàn, và các địa chỉ: Facebook, Instagram, Tiktok và Youtube của tuổi trẻ Nghệ An được duy trì, hoạt động hiệu quả hiệu quả bằng nhiều hình thức. Fanpage Tỉnh đoàn Nghệ An trên mạng xã hội Facebook đăng khoảng 3.000 tin, bài mỗi năm, hiện đã có hơn 83.000 lượt theo dõi, 15.000 lượt chia sẻ bài viết; 400 clip, video hoạt động của thế hệ trẻ quê Bác đã được đăng tải trên kênh Youtube và Tiktok.
Đặc biệt, từ năm 2018, Tỉnh đoàn Nghệ An đã triển khai Cuộc vận động “Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp”, với phương châm “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”. Cuộc vận động nhằm tuyên truyền, giáo dục, định hướng cho cán bộ, đoàn viên, thanh thiếu nhi trong tỉnh hướng tới các giá trị cao đẹp, sống có lý tưởng cách mạng, có bản lĩnh vững vàng, có hoài bão và khát vọng vươn lên, sống đẹp, sống có ích, trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội; góp phần tạo ra trào lưu, xu hướng đăng tải, chia sẻ thông tin tích cực trên mạng xã hội, xây dựng môi trường mạng xã hội lành mạnh cho sự phát triển toàn diện của thanh thiếu nhi.
Trên cơ sở đó, Tỉnh đoàn đã có hướng dẫn cụ thể đến các cấp bộ Đoàn tuyên truyền, vận động cán bộ Đoàn, đoàn viên, thanh niên đăng tải, chia sẻ các tin tốt, các câu chuyện đẹp trên các trang mạng xã hội của cá nhân, tổ chức mình; các thông tin có mục đích, định hướng tốt, có tính phản biện và tinh thần xây dựng cao.
Để giúp sinh viên có cách ứng xử đúng trên mạng xã hội, em Nguyễn Nguyệt Anh – Trường Đại học Vinh cho biết: Đoàn Trường Đại học Vinh đã đưa ra giải pháp giúp sinh viên tiếp cận thông tin mạng với mô hình 4 bước: Xây dựng những nền tảng vững chắc, chính thống để sinh viên dựa vào (Fanpage: Đoàn Trường Đại học Vinh, Hội Sinh viên Trường Đại học Vinh), xây dựng 5 định hướng thông tin rõ ràng cho các trang mạng (Lịch học tập, chính sách nhà trường; ngày lễ lớn của dân tộc; sự kiện chính trị lớn của Đảng, Nhà nước; các cuộc thi dành cho thanh niên; các câu chuyện đẹp của cuộc sống và những tấm gương thanh niên học tập tốt); luôn chú ý đổi mới, sáng tạo hình thức đăng tải thông tin; mỗi tháng 1 lần trong năm học, Ban Thường vụ Đoàn trường và Ban Thư ký Hội Sinh viên trường tổ chức trao đổi trực tiếp với cán bộ Đoàn, Hội nhằm nắm bắt thông tin và kịp thời chấn chỉnh khi sinh viên tiếp cận các thông tin xấu, độc trên mạng xã hội.
“Tổ chức Đoàn các cấp thường xuyên cung cấp kịp thời thông tin cho thanh niên, nhất là trước các vấn đề nhạy cảm, sự kiện nóng để thanh niên hiểu, nhận thức đúng bản chất sự việc, không mơ hồ, dao động, làm cơ sở vững chắc để đấu tranh, phản bác, “pha loãng” và “hòa tan” luận điệu sai trái, thù địch; đặc biệt là thông qua tăng cường các kênh chính thống phủ sóng rộng trên các nền tảng mạng xã hội (Facebook, YouTube, Tiktok…) để mọi người có thể nhận diện được một cách đúng đắn thông qua việc so sánh và đối chiếu, chọn lọc các thông tin cùng một sự kiện được phản ánh trên không gian mạng. “Áp dụng quy tắc “5K” (Không tin ngay – Không vội nhấn nút thích – Không thêm thắt – Không kích động – Không vội chia sẻ), Phó Bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tỉnh Nghệ An Nguyễn Thị Phương Thúy cho biết.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An cũng là đơn vị rất tích cực hoạt động trên không gian mạng. Từ năm 2019, Fanpage Mặt trận Nghệ An trên mạng xã hội Facebook đã được thành lập và hiện có 126.000 lượt thích, 135.000 người theo dõi. Ngoài trang của cấp tỉnh,trong hệ thống Mặt trận Tổ quốc tại Nghệ An có 481 trang Fanpage, trong đó, 21 trang Fanpage Mặt trận Tổ quốc cấp huyện và 460 trang Fanpage của Mặt trận Tổ quốc cấp xã và 3.804 Ban Công tác Mặt trận có trang Facebook. Thông qua các trang Fanpage đã lan tỏa các hình ảnh đẹp, nhất là các hoạt động của Mặt trận các cấp trong tỉnh; tích cực, phê phán và đấu tranh với thông tin xấu, độc, tiêu cực; đồng thời là diễn đàn để tương tác, lắng nghe ý kiến của các tầng lớp nhân dân một cách nhanh nhất.
Theo lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nghệ An, nhìn chung, đội ngũ cán bộ, đảng viên trong tỉnh đã bám sát tình hình, nắm bắt tư tưởng, dư luận trong xã hội để kịp thời cung cấp thông tin chính thống, định hướng dư luận, thường xuyên chia sẻ thông tin tốt đẹp, lan tỏa gương người tốt, việc tốt để “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, phản ứng nhanh, linh hoạt, chia sẻ, giải thích cho Nhân dân hiểu đúng bản chất của vấn đề, nhận thức được những chiêu trò, âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch.
Cùng đó, cán bộ, đảng viên tích cực tham gia cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Năm 2023, toàn tỉnh đã thu nhận được 4.060 bài dự thi. Cuộc thi đã nhận được sự hưởng ứng tham gia của đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Nhiều bài thi có chất lượng tốt, nội dung sâu sắc, hình thức trình bày sinh động, hình ảnh minh họa có ý nghĩa… trở thành nguồn tư liệu phong phú, có tính chiến đấu cao, phục vụ trực tiếp công tác của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh trong công tác tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới phải đặt trong tổng thể luôn luôn chủ động nắm chắc tình hình tại địa bàn, trên không gian mạng để phát hiện sớm hoạt động chống phá của các đối tượng nhằm phục vụ công tác tuyên truyền, đấu tranh.
Với phương châm đó, tại huyện Nghi Lộc, Ban Thường vụ Huyện ủy, Ban Chỉ đạo 35 của huyện đã làm tốt công tác nắm tình hình, kịp thời phát hiện và chỉ đạo xử lý. Theo đó, từ năm 2019 đến nay đã phối hợp chỉ đạo các ngành chức năng gỡ 33 tin, bài có nội dung xấu, độc; báo cáo xóa tài khoản “Người Việt xấu xí” của đối tượng phản động Phan Công Hải; vô hiệu hóa hoạt động 1 đối tượng tham gia tổ chức “Chính phủ Việt Nam Cộng hòa lưu vong” đã thường xuyên sử dụng Facebook đăng tải, chia sẻ một số bài viết có nội dung xuyên tạc, nói xấu Đảng, Nhà nước.
Đồng thời, từ năm 2019 đến nay, các ngành chức năng huyện Nghi Lộc đã phối hợp bắt, xử lý 12 vụ, trong đó, có 1 đối tượng phản động, 11 vụ liên quan tội phạm sử dụng công nghệ cao; xử phạt hành chính 2 đối tượng, trong đó, 1 đối tượng có hành vi “Giả mạo tổ chức, cá nhân và phát tán thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” và 1 đối tượng có hành vi “đăng tải thông tin sai sự thật, xúc phạm uy tín, danh dự của cơ quan Nhà nước”.
Để có được kết quả trên, đồng chí Nguyễn Đình Nam – Phó trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Nghi Lộc chia sẻ, một trong những kinh nghiệm là cần làm tốt công tác nắm bắt địa bàn, kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan để đưa tin, truyền truyền, định hướng dư luận; chủ động phối hợp và xử lý các vấn đề bức xúc, nổi cộm, phát sinh từ cơ sở.
Đồng thời, để nâng cao trách nhiệm trong sử dụng mạng xã hội, hiện nay, UBND tỉnh Nghệ An đang xây dựng, chuẩn bị ban hành Quy định mới về phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí và xử lý thông tin đăng, phát trên báo chí, thông tin phản ánh trên mạng xã hội của các cơ quan hành chính Nhà nước trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Nghệ An gần như là địa phương đầu tiên trong cả nước đưa nội dung xử lý thông tin phản ánh trên mạng xã hội vào quy định trên, trong đó, chỉ rõ trách nhiệm, quy trình xử lý của người đứng đầu cơ quan hành chính Nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức khi có thông tin phản ánh trên mạng xã hội liên quan đến việc thực thi nhiệm vụ, công vụ.
Đồng chí Nguyễn Bá Hảo – Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nghệ An cho biết: Trong trường hợp, nếu phản ánh trên mạng xã hội là đúng thì phải xử lý người có hành vi sai phạm bị đăng, phát trên mạng xã hội; ngược lại, nếu phản ánh không đúng, có dấu hiệu xuyên tạc, xúc phạm đối tượng bị đăng, phát thì bản thân người đăng, phát phải chịu trách nhiệm. Qua đó, tăng cường trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, Nhân dân trong việc cần phải suy xét, cân nhắc kỹ khi đăng hình ảnh, video, bài viết lên mạng xã hội về cá nhân, tổ chức, đơn vị, đảm bảo đúng bản chất, tránh xuyên tạc, bôi nhọ.
Cùng với đó, trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, Nghệ An cũng rất quan tâm đến trang bị các kiến thức về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các các quan điểm sai trái, thù địch. Thạc sĩ Ngô Bá Cường – Trưởng Khoa Xây dựng Đảng, Trường Chính trị tỉnh Nghệ An cho biết: “Vai trò và trách nhiệm của đội ngũ giảng viên lý luận chính trị là nhận diện, nghiên cứu, tổng kết thực tiễn. Qua quá trình giảng dạy giúp học viên có tri thức, luận cứ khoa học và kinh nghiệm để có đủ năng lực nhận diện, đấu tranh với các giọng điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch.
Ở cấp tỉnh, mỗi tuần 1 lần, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy có báo cáo tổng hợp thông tin dư luận, báo chí, tình hình tư tưởng của cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân để báo cáo Thường trực Tỉnh ủy, kịp thời chỉ đạo xử lý, định hướng các vấn đề thực tiễn đặt ra, tránh kẻ xấu lợi dụng xuyên tạc, chống phá.
Thông qua hội nghị giao ban báo chí hàng tháng, cử lãnh đạo cơ quan chức năng, cán bộ phụ trách thường xuyên gặp gỡ, trao đổi cung cấp thông tin cho đội ngũ phóng viên, báo chí, văn nghệ sĩ trên địa bàn, góp phần quan trọng làm tốt công tác tư tưởng, tuyên truyền, đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Chỉ đạo, định hướng các cơ quan thông tấn báo chí tăng cường tin, bài, phóng sự về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, trong đó, 2 cơ quan báo chí chủ lực của tỉnh, đó là Báo Nghệ An, Đài PT-TH Nghệ An, thường xuyên duy trì chuyên mục “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng” và các chuyên đề, thông tin định hướng, kịp thời đấu tranh với các sự kiện, vấn đề nhạy cảm.
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã biên tập và phát hành 2 cuốn sách “Nhận diện âm mưu, hoạt động diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa; nhận thức về phòng, chống tự diễn biến, tự chuyển hóa” và cuốn “Nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch trên địa bàn tỉnh Nghệ An”; bảo vệ thành công 1 đề tài khoa học cấp tỉnh “Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, đấu tranh chống âm mưu, hoạt động diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa ở địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn hiện nay” để góp phần trang bị kiến thức, kỹ năng, biện pháp cho cấp ủy, chính quyền các cấp tham gia có hiệu quả công tác này.
“Hiện nay, đang tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy chuẩn bị ban hành văn bản về việc quán triệt cán bộ, đảng viên thực hiện nghiêm Quy định số 85-QĐ/TW, ngày 07/10/2022 của Ban Bí thư về việc “Cán bộ, đảng viên thiết lập và sử dụng trang thông tin điện tử cá nhân trên Internet, mạng xã hội”, đồng chí Phạm Ngọc Cảnh – Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nghệ An cho biết.
Trao đổi với phóng viên Báo Nghệ An về vấn đề bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, Thiếu tướng Lê Văn Cương – nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Bộ Công an khẳng định đây là vấn đề rất hệ trọng, là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, trong đó, đội ngũ đảng viên có vai trò cực kỳ quan trọng. Cán bộ, đảng viên phải tham gia vào bảo vệ nền tảng tư tưởng thông qua kế hoạch hoạt động thực tiễn của mình. Theo thiếu tướng, để làm tốt việc này, trước hết, mọi cán bộ, đảng viên phải làm tốt nhất nhiệm vụ của mình được giao, chấp hành nghiêm chỉnh luật pháp, thực hiện đầy đủ tốt nhất các Nghị quyết của Đảng, để tạo ra một xã hội phát triển lành mạnh. Khi người dân đã tin tưởng tuyệt đối vào Đảng thì không còn chỗ nào để các thế lực thù địch chen vào phá hoại được nữa. “Không những cán bộ, đảng viên, mỗi người dân Việt Nam cũng phải có trách nhiệm đó. 100 triệu người dân Việt Nam làm tốt trách nhiệm của mình, chấp hành tốt luật pháp, tạo ra điều kiện phát triển kinh tế, đời sống được nâng cao. Đó chính là môi trường lành mạnh nhất để triệt tiêu, vô hiệu hóa những luận điệu tuyên truyền phản động, thù địch, bôi nhọ, xuyên tạc” – Thiếu tướng Lê Văn Cương khẳng định.
Thực tiễn cho thấy, để làm tốt công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng, cần phải có các giải pháp để nâng cao bản lĩnh, tạo “sức đề kháng”, khả năng “tự miễn dịch” cho mỗi cán bộ, đảng viên trước thông tin xấu độc, những quan điểm sai trái của các thế lực thù địch. Đó là tăng cường tuyên truyền, giáo dục Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho cán bộ, đảng viên, nhất là đảng viên ở cơ sở; Kịp thời cung cấp thông tin chính thống trên tất cả các lĩnh vực, từ chính trị đến kinh tế, xã hội, đến các vấn đề “nóng” ở trong nước và quốc tế; mở các lớp tập huấn trang bị các kỹ năng sử dụng mạng xã hội, kỹ năng phân biệt thông đúng – sai, tích cực – tiêu cực, tốt – xấu trên không gian mạng; nâng cao nhận thức, trách nhiệm, vai trò quan trọng của đảng viên trên không gian mạng.
Các cấp ủy, tổ chức Đảng phải duy trì thực hiện nền nếp, nghiêm túc, chặt chẽ chế độ sinh hoạt tự phê bình và phê bình, tự soi, tự sửa theo Kết luận 21-KL/TW của Hội nghị Trung ương 4, khóa XIII gắn với thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị (khóa XII) về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Bởi nếu công tác tự phê bình và phê bình được làm tốt từ cấp chi bộ, chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả thiết thực trong việc phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của mỗi cán bộ, đảng viên trên không gian mạng.
Trong bối cảnh hiện nay, mỗi cán bộ, đảng viên cũng cần phải nâng cao ý thức, năng lực, trách nhiệm, trở thành “người thông thái”, có tư duy phản biện, thẩm định, đánh giá, phân tích, đối chiếu, so sánh, “thấy đúng thì bảo vệ”, “thấy sai thì kiên quyết đấu tranh”, mỗi khi tiếp nhận thông tin trên không gian mạng xã hội; phát huy tinh thần “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, là lực lượng tiên phong, gương mẫu, sử dụng không gian mạng có trách nhiệm, hiệu quả nhất; khẳng định vai trò, vị trí quan trọng trên mặt trận đấu tranh, phản bác các thông tin sai trái, thù địch trên môi trường internet, mạng xã hội.