Những năm qua, trên địa bàn cả nước, một số cá nhân, trong đó, có người từng đứng trong hàng ngũ của Đảng, cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị vì bất mãn cá nhân hoặc bị mua chuộc bởi lợi ích vật chất, kinh tế nên đã phản bội Tổ quốc, phản bội Nhân dân, chà đạp lên lịch sử dân tộc. Như trường hợp Lê Hữu Thuận – Phó Bí thư Chi bộ khoa (nhiệm kỳ 2017 – 2020), Trưởng Khoa Lý luận Mác – Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh của Trường Chính trị Trần Phú (Hà Tĩnh) đã sử dụng Facebook cá nhân đăng tải nội dung bịa đặt, xúc phạm đến lãnh đạo Đảng, Nhà nước; đồng thời, tham gia bình luận xuyên tạc với những từ ngữ thiếu văn hóa. Hành vi vi phạm pháp luật của ông Thuận đã bị cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh xử lý theo quy định của pháp luật, ông Thuận cũng đã bị cách hết các chức vụ.
Hay trường hợp Nguyễn Năng Tĩnh (SN 1976), quê quán ở xã Quỳnh Hưng, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An), khi đang là giáo viên Trường Cao đẳng Văn hóa -Nghệ thuật Nghệ An, thay vì chuyên tâm dạy dỗ học trò, Nguyễn Năng Tĩnh đã móc nối với một số đối tượng cực đoan, phản động trong và ngoài nước để viết, quay, phát tán phát, đăng tải, chia sẻ, bình luận các nội dung xuyên tạc bản chất của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phủ nhận thành quả cách mạng của dân tộc; phỉ báng chính quyền nhân dân, xuyên tạc lịch sử, xâm phạm chính quyền nhân dân và chế độ chủ nghĩa xã hội, nhằm chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước; kích động người dân biểu tình, chống chính quyền; đăng tải các tài liệu có nội dung bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân; cung cấp thông tin bịa đặt nhằm gây mâu thuẫn giữa người dân và các cơ quan công quyền… trên trang facebook cá nhân của mình.
Trước những hành vi sai phạm đó, Nguyễn Năng Tĩnh đã bị Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An tuyên phạt 11 năm tù vì tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” quy định tại Khoản 1, Điều 117, Bộ luật Hình sự.
Có thể thấy, từ việc thiếu tự giác tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, tư tưởng, rồi “quá mù ra mưa”, có những cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức đã “tự diễn biến, tự chuyển hóa”, trượt dài trên con đường phản bội Tổ quốc, dân tộc. Khi bị xử lý, dù biện hộ do thiếu tỉnh táo, chưa chín chắn, bức xúc, vội vàng, bột phát, vô ý hoặc vin vào lý do nào thì các đảng viên này cũng có biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, vi phạm kỷ luật Ðảng và phải xử lý nghiêm như Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII khẳng định.
Đảng bộ Khối Các cơ quan tỉnh Nghệ An có 63 tổ chức cơ sở Đảng, với trên 6.000 cán bộ, đảng viên (trên 5.200 đảng viên). Cán bộ, đảng viên trong Khối nhìn chung có trình độ chuyên môn, trình độ lý luận chính trị cao, công tác tại các cơ quan tham mưu, giúp việc của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và một số cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh. Hầu hết cán bộ, đảng viên trong Khối biết cách sử dụng, tận dụng mạng xã hội một cách đúng đắn và hiệu quả, biến mạng xã hội thành một phương tiện, một kênh hữu ích để tuyên truyền tính đúng đắn, cách mạng, khoa học của các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, góp phần phòng, chống, ngăn chặn những tư tưởng, quan điểm sai trái, lệch lạc một cách hiệu quả.
Bằng chính những việc làm, hành động cụ thể, rất nhiều cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức đã chủ động đấu tranh chống lại các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch bằng cách chia sẻ, giải thích cho Nhân dân hiểu đúng bản chất của vấn đề, nhận thức được những chiêu trò, âm mưu, thủ đoạn của chúng, góp phần tích cực vào công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, ngăn chặn và đẩy lùi những thông tin xấu, độc, kiến tạo môi trường văn hóa lành mạnh, trong sạch trên không gian mạng.
Tuy nhiên, đồng chí Chu Bá Long – Phó Bí thư Đảng ủy Khối Các cơ quan tỉnh cho biết: Bên cạnh những cán bộ, đảng viên gương mẫu, tạo dựng được niềm tin và định hướng tốt dư luận trên không gian mạng thì vẫn còn có một bộ phận cán bộ, đảng viên còn thờ ơ, phớt lờ những vấn đề xã hội đang quan tâm. Cái tư duy thấy đúng cũng không bảo vệ, thấy sai cũng không lên án, phê phán không chỉ tồn tại ở ngoài đời sống thực mà tồn tại ngay ở trên không gian mạng: không chia sẻ, lan tỏa những bài viết hay, tích cực, nguồn dẫn chính thống; không biểu thị thái độ trước những thông tin tiêu cực, bức xúc trong xã hội… Cá biệt, có một số cán bộ, đảng viên đăng tải đưa những thông tin sai sự thật, những hình ảnh bị cắt ghép nhằm làm sai lệch nhận thức của công chúng về tình hình an ninh, chính trị, xã hội, gây hoang mang dư luận; tham gia bình luận hưởng ứng những thông tin xấu, độc trên mạng xã hội.
Có thể nói, vai trò của cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là của người đảng viên phải thể hiện bằng cả cái tâm, cái tầm và hành động gương mẫu trước Nhân dân trong công việc và cả lối sống hàng ngày. Tuy nhiên, điều đáng trăn trở là dường như, chúng ta chưa phát huy được sự vào cuộc đông đảo, rộng khắp của đội ngũ đảng viên và quần chúng vào việc hình thành dư luận xã hội tích cực, phê phán cái tiêu cực, cái ác, cái xấu, đấu tranh với các thông tin xấu, độc.
Bởi suy cho cùng, cán bộ, đảng viên là đội ngũ có kiến thức, vị thế xã hội, một phát ngôn, bình luận, một lần nhấn nút “like” trên mạng xã hội của họ cũng đem lại những tác động ở nhiều mức độ trong cộng đồng. Nếu người đó chức vụ càng cao thì tính lan tỏa lại càng lớn, vì quần chúng vẫn đinh ninh họ là “những người thạo tin”, có thông tin nguồn. Điều này sẽ là rất tốt, nếu đó là các thông tin chính xác, mang tính định hướng cao; ngược lại, nếu đó là tin xấu, độc thì ảnh hưởng vô cùng tai hại…
Bên cạnh đó, tình trạng đảng viên không vi phạm pháp luật nhưng cũng không phải là đầu tàu gương mẫu, không xung kích đi đầu, thấy sai không đấu tranh, thấy đúng không bảo vệ, “mũ ni che tai”, giữ an toàn cho riêng mình, phó mặc sự đe dọa bình yên của xã hội, là căn bệnh đã xuất hiện từ rất lâu, nếu không có những giải pháp hữu hiệu, những loại “thuốc đặc trị”, sẽ ngày càng lây lan và gây ra những hệ lụy vô cùng to lớn. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) xác định “thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh” là biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị.