Vai trò, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trên không gian mạng – Kỳ 1: Những thách thức từ không gian mạng

Sự bùng nổ của mạng xã hội đem lại cơ hội tiếp cận thông tin trí thức, nhưng cũng tác động tiêu cực đến đời sống kinh tế, văn hóa – xã hội và tư tưởng trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Đặc biệt, hiện nay, Internet nói chung, mạng xã hội nói riêng đã và đang bị các thế lực thù địch, cơ hội chính trị, phản động lợi dụng để phát tán tin giả, tin sai sự thật, những thông tin xấu, độc, những quan điểm sai trái, thù địch, chống phá Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ với âm mưu, thủ đoạn ngày càng tinh vi và thâm độc, hành động chống phá ngày càng mạnh cả chiều rộng và chiều sâu. Bịa đặt trắng trợn, cắt xén tư liệu, suy diễn một chiều, hoặc “nhào nặn” lẫn lộn thật, giả với công thức “3 phần thực, 7 phần hư cấu”… là những thủ thuật, chiêu trò được các đối tượng sử dụng thường xuyên nhất. Các đối tượng này còn lập các tài khoản trên mạng xã hội lấy tên giống như cơ quan báo chí (Tintức Việtnam, Tintức 24h, Tin Chính trị Việt Nam…) hoặc các tổ chức (Nhật ký yêu nước, Con đường Việt Nam…) để người xem nhầm tưởng là cơ quan báo chí hoặc tổ chức yêu nước.

Ảnh chụp màn hình các trang Youtube phản động, các trang mạng mạo danh.
Ảnh chụp màn hình các trang Youtube phản động, các trang mạng mạo danh.

Bên cạnh đó, các thế lực thù địch, đối tượng cực đoan, phản động còn lợi dụng triệt để các tính năng hiện đại của mạng xã hội để lập các hội, nhóm kín, lôi kéo, tập hợp các đối tượng, thành phần bất mãn, những người nhẹ dạ cả tin, bàn bạc, lên kế hoạch tạo ra các “điểm nóng” nhằm gây rối, làm mất trật tự, chống đối chính quyền. Điển hình như vụ tấn công trụ sở UBND xã Ea Tiêu và xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk, xảy ra ngày 11/6/2023. Hậu quả làm 11 người thương vong, trong đó, có 9 người chết, gồm: 4 chiến sĩ Công an xã, 2 cán bộ xã, 3 người dân; 2 chiến sĩ Công an xã bị thương.  Qua quá trình điều tra, bắt giữ 75 đối tượng về tội “khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân”, Bộ Công an cho biết, hầu hết các đối tượng tham gia vụ việc nói trên đều có tuổi đời trẻ, khai nhận thực hiện hành vi do bị xúi giục, kích động qua không gian mạng.

Theo đánh giá của Thiếu tướng Lê Văn Cương – nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Bộ Công an: Không gian mạng là một thành tựu của nhân loại về mặt khoa học công nghệ, đem lại lợi ích có thể rất lớn, nhưng cũng trên không gian mạng ấy cũng đầy rẫy những thông tin xấu, độc, cả về đạo đức, cả về chính trị, cả về an ninh, cả về xã hội.

Biểu đồ: Số lượng tài khoản mạng xã hội ở Việt Nam.
Biểu đồ: Số lượng tài khoản mạng xã hội ở Việt Nam.

Đồng chí Phạm Ngọc Cảnh – Phó trưởng Ban Tuyên giáo tỉnh Nghệ An cho biết, ngoài thách thức chung, ở địa bàn tỉnh còn phải đối mặt với những đặc thù riêng: Nghệ An là một trong những địa bàn trọng điểm mà các thế lực thù địch, phản động tập trung chống phá. Các đối tượng lợi dụng các sự kiện chính trị, xã hội để thổi phồng, bôi nhọ, hạ thấp uy tín cơ quan chức năng, như: Việc thu hút, triển khai một số chương trình, dự án quan trọng của tỉnh; việc bố trí, bổ nhiệm, điều động cán bộ ở một số vị trí; việc công nhân một số nhà máy, xí nghiệp đình công, lãn công… để xuyên tạc, tạo dư luận, kích động trái chiều trên mạng xã hội. Tình trạng thành lập hội, nhóm trên mạng xã hội diễn biến phức tạp; đặc biệt, việc phát ngôn, đăng tải thông tin sai trái, thiếu kiểm chứng của một số cán bộ, đảng viên đã ảnh hưởng đến tư tưởng, dư luận nhân dân trên địa bàn.

Đồng chí Phạm Ngọc Cảnh - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nghệ An trao đổi với PV.

Có thể điểm qua những sự việc lợi dụng mạng xã hội, gây rối trật tự xảy ra trên địa bàn tỉnh Nghệ An trong những năm qua, như các vụ việc lợi dụng tự do tín ngưỡng, lôi kéo, kích động người dân chống chính quyền xảy ra ở xã Nghi Phương (Nghi Lộc), năm 2013, ở các huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu (2017, 2018); mở rộng Khu Công nghiệp WHA ở huyện Nghi Lộc (2022); triển khai Dự án Nghĩa trang sinh thái Vĩnh Hằng ở xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên (2020-2022)… Trong các vụ việc này, các đối tượng cực đoan, phản động đã lợi dụng triệt để các tính năng livestream (tường thuật trực tiếp) của Facebook, Zalo để tung lên các hình ảnh ngay tại các “điểm nóng”, đang có “xung đột” giữa chính quyền và người dân để kích động. Trước mỗi sự việc, chúng đều lên kế hoạch bài bản, có nhiều người ghi hình để livestream trên các trang mạng xã hội, quay các hình ảnh chống đối người thi hành công vụ tung lên mạng để kích động. Các trang thông tin hải ngoại đã lấy các hình ảnh này rồi cắt ghép, bịa đặt và vu cáo rằng, chính quyền Nghệ An vi phạm nhân quyền, đàn áp người có ý kiến bất đồng.

Các kênh thông tin bịa đặt, xuyên tạc, kích động về các vụ việc xảy ra trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Các kênh thông tin bịa đặt, xuyên tạc, kích động về các vụ việc xảy ra trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Đồng chí Trần Khánh Sơn- Phó Bí thư Thường trực Thị ủy Thái Hòa (Nghệ An) nhìn nhận: Một thực tế hiện nay là một số cán bộ, đảng viên quá lạm dụng không gian mạng để thông tin khi chưa rõ ngọn ngành sự việc; thậm chí mâu thuẫn đồng nghiệp, thủ trưởng cơ quan, đơn vị, vợ, chồng, mẹ chồng nàng dâu, việc gia đình đều đưa lên mạng;… Mới đây, 2 viên chức của Trung tâm Văn hóa – Thể thao và Truyền thông thị xã phản ánh việc chậm chi trả tiền của thị xã. Lãnh đạo thị xã đã xác minh ngay thông tin sự việc trong đêm, yêu cầu Phòng Tài chính, đồng chí Phó Chủ tịch UBND thị xã phụ trách công tác này làm rõ thông tin cán bộ phản ánh trên mạng xã hội. Ngay ngày làm việc hôm sau, lãnh đạo thị xã mời 2 viên chức lên trao đổi cụ thể sự việc, làm rõ về trách nhiệm cá nhân của từng đồng chí chưa làm thủ tục thanh toán (liên quan đến yêu cầu thủ tục tài chính); đồng thời, phân tích để các cán bộ này nhận thức rõ trách nhiệm phát ngôn của cán bộ, đảng viên trên không gian mạng.

Đồng chí Trần Khánh Sơn - Phó Bí thư Thường trực Thị ủy Thái Hòa trao đổi với PV.

Hiện nay, bên cạnh đại đa số cán bộ, đảng viên khi về hưu, về với cuộc sống đời thường vẫn luôn phát huy tính tiên phong gương mẫu, kiên định lập trường tư tưởng, còn đầy nhiệt huyết đối với cộng đồng thì thông qua mạng xã hội cho thấy có một số trường cá biệt “đương chức im tiếng, hoàng hôn nói nhiều”, thậm chí không hiếm những trường hợp phát ngôn, bình luận, chia sẻ thông tin trên mạng xã hội thiếu chuẩn mực, thiếu ý thức chính trị so với lúc còn đương chức; rồi tình trạng “ra rả nghe đài địch” về các thông tin xấu, độc có nội dung tập trung vào công tác nhân sự, hay đường lối đối ngoại của nước ta; công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực… do các đối tượng cực đoan, phản động cố tình nhào nặn, suy đoán vô căn cứ rồi dựng thành video phát trên các kênh Youtube, Fanpage Facebook là không hề hiếm. Đáng nói là nhiều người nghe xong lại không phản bác, đấu tranh mà lại còn đem ra bàn tán, thông tin sôi nổi nhưng hỏi nguồn ở đâu thì chỉ trả lời là “trên mạng nói thế!”.

Đồng chí Nguyễn Hồ Cảnh - Bí thư Chi bộ khối Trung Hợp, phường Hưng Dũng (TP Vinh) trao đổi với PV.

Trao đổi về hiện tượng này, đồng chí Nguyễn Hồ Cảnh (nguyên cán bộ lãnh đạo nhiều cấp, ngành ở tỉnh Nghệ An), hiện đang làm Bí thư Chi bộ khối Trung Hợp, phường Hưng Dũng (TP. Vinh), nêu quan điểm: Đảng viên về hưu cơ bản đều sử dụng mạng xã hội để thông tin liên lạc với người thân và tìm hiểu thông tin dư luận xã hội. Cái được là mọi người tiếp cận được các thông tin nhanh, đa chiều và có thể thể hiện được chính kiến, nguyện vọng của mình với các sự kiện đó.

Tuy nhiên, đồng chí cho rằng, thực tế đã bộc lộ một số tồn tại khi còn có những cán bộ, đảng viên về hưu nhận được các thông tin ảo, chưa đầy đủ nhưng vì sự háo danh, muốn nổi tiếng, sự hằn thù cá nhân, ác cảm về bên nào đó trong sự kiện đã vào bình luận, chia sẻ, nên vô hình trung “đổ dầu vào lửa” làm bùng nổ sự kiện. Nguyên nhân của hiện tượng này là do nhận thức, ý thức cá nhân, nhận thức về thông tin không đầy đủ, cá biệt, có người sau khi nghỉ hưu không đồng tình với việc đánh giá, đãi ngộ của chế độ, của cơ quan cũ, không yêu thích cán bộ thay thế mình ở cơ quan, thậm chí có trường hợp bất mãn với chủ trương, chính sách của Đảng… Cùng với đó, công tác giáo dục, quản lý đảng viên trong một số cơ quan chưa tốt, công tác tổ chức sinh hoạt Đảng, quản lý ở các chi bộ khối, xóm chưa tốt; đội ngũ bí thư cấp ủy khối, xóm có nơi còn chưa ngang tầm để quản lý đội ngũ cán bộ, đảng viên về hưu cư trú trên địa bàn là những nguyên nhân cốt yếu dẫn đến hiện tượng trên.

Sinh hoạt chi bộ tại xóm Bắc Bố Sơn, xã Nghi Vạn (Nghi Lộc);  xóm Lộc Điền, xã Hưng Thành (Hưng Nguyên); bản Vinh Tiến, xã Hạnh Dịch (Quế Phong); khối Hòa Tây, thị trấn Thạch Giám (Tương Dương);  xóm 6, xã Diễn Lộc (Diễn Châu) và khối 7, phường Bến Thủy (TP. Vinh). Ảnh tư liệu
Sinh hoạt chi bộ tại xóm Bắc Bố Sơn, xã Nghi Vạn (Nghi Lộc); xóm Lộc Điền, xã Hưng Thành (Hưng Nguyên); bản Vinh Tiến, xã Hạnh Dịch (Quế Phong); khối Hòa Tây, thị trấn Thạch Giám (Tương Dương); xóm 6, xã Diễn Lộc (Diễn Châu) và khối 7, phường Bến Thủy (TP. Vinh). Ảnh tư liệu

Theo lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nghệ An, hiện vẫn còn một số cán bộ, đảng viên chưa chấp hành nghiêm, có những phát ngôn, chia sẻ bài viết tùy tiện, trái với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước bị kẻ xấu lợi dụng xuyên tạc, chống phá chế độ, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Thấy đúng không bảo vệ, thấy sai cũng không lên án, phê phán, đấu tranh trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức lúc đương chức cũng như về hưu; thậm chí còn a dua, hùa theo; phát ngôn, hành động trên mạng xã hội thiếu chuẩn mực, cần được nhận diện thấu đáo để ngăn chặn và từng bước đẩy lùi.

Ngày 12/6/2018, tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội Khóa XIV đã thông qua Luật An ninh mạng số 24/2018/QH14. Ảnh: quochoi.vn
Ngày 12/6/2018, tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội Khóa XIV đã thông qua Luật An ninh mạng số 24/2018/QH14. Ảnh: quochoi.vn