Trao đổi với Báo Nghệ An nhân dịp đón Xuân Kỷ Hợi, kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 – 2019), dưới góc nhìn của một chuyên gia kinh tế hàng đầu cả nước, PGS.TS Trần Đình Thiên – nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, Tổ phó Tổ tư vấn kinh tế – xã hội của Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An chia sẻ những đánh giá, nhận định, góp ý sâu sắc về mô hình và định hướng phát triển của tỉnh.
P.V: Thưa PGS.TS Trần Đình Thiên, là một người con của quê hương Nghệ An, theo dõi rất sát tình hình phát triển của tỉnh, ông đánh giá như thế nào về những kết quả phát triển của Nghệ An sau hơn 30 năm đổi mới?
PGS.TS Trần Đình Thiên: Cùng cả nước, sau hơn 30 năm đổi mới, Nghệ An đã có những thay đổi tích cực, sâu sắc. Vấn đề không chỉ là ở GDP tăng nhiều lần, mà quan trọng hơn là ở 2 chỉ số chất lượng. Một là, đời sống người dân được cải thiện căn bản, cả về mức sống lẫn lối sống.
Hai là, cách phát triển của Nghệ An đã thoát khỏi lối cũ – từ cơ chế kế hoạch hóa tập trung bao cấp, trên nền tảng kinh tế nông dân – tự cấp, tự túc chuyển sang kinh tế thị trường mở cửa, hội nhập định hướng công nghệ cao. Mọi chuyện cơ bản chỉ mới bắt đầu, nhưng quỹ đạo là không thể đảo ngược. Đó là lý do để tin vào triển vọng phát triển của Nghệ An.
Tuy nhiên, dù lạc quan tin tưởng, cũng không thể quên rằng trong đội hình phát triển quốc gia và trong sự so sánh quốc tế, dù có nhiều lợi thế phát triển nổi bật, thứ hạng của Nghệ An vẫn rất “khiêm tốn”: GDP hay thu nhập quốc dân đầu người của Nghệ An vẫn đang thấp hơn mức trung bình cả nước; còn về đẳng cấp phát triển thì tỉnh vẫn chưa có gì để tự hào về nền công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ của mình. Dù đã có những khởi sắc rất đáng mừng trong vài năm gần đây, để vượt mức trung bình của cả nước – là một ngưỡng phát triển không lấy gì làm cao – Nghệ An vẫn còn phải cật lực phấn đấu vươn lên.
Rất hay là Nghệ An đang âm thầm, lặng lẽ thực hiện điều đó. Và tôi tin rằng chính với nỗ lực âm thầm, lặng lẽ đó, tỉnh sẽ bứt lên, giành được vị trí xứng đáng của mình.
P.V: Nghệ An phát triển khá nhanh trong thời gian qua, nhưng tốc độ phát triển vẫn chưa đạt được như kỳ vọng. PGS nhận định như thế nào về mô hình tăng trưởng của Nghệ An hiện nay?
PGS. TS Trần Đình Thiên: Trong mấy năm gần đây, thành tích phát triển của Nghệ An được cải thiện rõ rệt. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) của tỉnh cao dần đều. Đà tăng trưởng được xác lập vững. Sức hấp dẫn đầu tư của tỉnh tăng rõ rệt. Đặc biệt, chỉ số “Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh” (PCI) được cải thiện một cách chắc chắn. Thứ hạng PCI của tỉnh năm 2017 dù là cao nhất trong các tỉnh Bắc Trung bộ, song cũng chỉ mới đạt hạng 21/63 tỉnh, thành.
Tuy nhiên, điều quan trọng hơn ở chỉ số này là xu thế đi lên vững vàng của nó. Điều này phản ánh quyết tâm của tỉnh trong việc cải thiện yếu tố quan trọng nhất của tăng trưởng và phát triển là cải cách thể chế. Đây rõ ràng là những chỉ báo quan trọng để nhận diện tương lai của Nghệ An.
Mặt khác, đứng về thành tích phát triển, không thể không thấy rằng ở nhiều chỉ tiêu quan trọng: GRDP hay thu nhập bình quân đầu người, Nghệ An còn thấp so với 2 tỉnh láng giềng là Hà Tĩnh và Thanh Hóa. Đây thực sự là điều rất đáng suy nghĩ. Tôi cho rằng mỗi tỉnh có một cách đi riêng. Thanh Hóa, Hà Tĩnh có điều kiện phát triển khác Nghệ An. Việc 2 tỉnh láng giềng bứt phá lên là điều đáng mừng. Nó vừa tạo cơ hội, vừa gây áp lực phát triển cho Nghệ An nhưng không nên sốt ruột.
Tôi nghĩ, Nghệ An đang có sự lựa chọn cách tăng trưởng và phát triển kinh tế phù hợp. Với định hướng chế biến – công nghệ cao cho phát triển nông nghiệp và ưu tiên bứt phá phát triển đô thị, Nghệ An có khả năng duy trì được xu thế tăng trưởng cao, bền vững, mang lại lợi ích phát triển rộng khắp cho người dân. Kiên trì định hướng này, Nghệ An sẽ tiếp tục gặt hái thành công, đúng định hướng lựa chọn của đất nước.
Tuy nhiên, Nghệ An cần chú ý phân tích, nhận diện lại các lợi thế phát triển của mình trong các điều kiện phát triển mới, như lợi thế miền Tây, lợi thế hội nhập và đặc biệt là lợi thế “địa linh, nhân kiệt” để có những chính sách phát triển phù hợp. Tôi cho rằng đây vẫn là một vấn đề lớn mà cho đến nay, Nghệ An vẫn chưa có cách tiếp cận tốt để giải quyết một cách hiệu quả.
P.V: Dự và chủ trì nhiều hội thảo về phát triển kinh tế – xã hội tại Nghệ An, PGS nhiều lần khuyến nghị, tỉnh cần có tư duy tiến vượt để phát triển mạnh mẽ hơn. Vậy, theo PGS Nghệ An cần những đột phá trọng tâm nào?
PGS. TS Trần Đình Thiên: Thực ra, định hướng phát triển của Nghệ An đã được lãnh đạo tỉnh nhìn nhận rõ và ngày càng rõ trong mấy năm gần đây. Tôi chỉ xin nhấn mạnh mấy điểm trọng tâm:
Thứ nhất, Nghệ An phải có chiến lược phát triển TP. Vinh đúng tầm mà Nghị quyết 26 Bộ Chính trị đã xác định là trở thành thủ phủ của vùng Bắc Trung bộ. TP. Vinh phải xây dựng thành đô thị thông minh, phải trở thành Trung tâm Nghiên cứu – Phát triển và Đổi mới – Sáng tạo; Trung tâm Đào tạo nhân lực chất lượng cao của vùng. TP. Vinh cũng phải là Trung tâm Công nghiệp – Công nghệ cao. Và, một khía cạnh đặc biệt quan trọng – phải là Trung tâm Hội nhập Phát triển của vùng.
Ở một tầm nhìn rộng hơn, nối Vinh với hai “cánh gà” Cửa Lò và Nam Đàn quê hương Bác Hồ; và xa hơn, với tầm nhìn một thành phố ven sông Lam, với một phần phía Hà Tĩnh, sẽ nhận thấy tiềm năng rất lớn của đô thị trung tâm này. Nghệ An và vùng Bắc Trung bộ có đủ năng lực và điều kiện để phát triển Vinh thành một đô thị đẳng cấp như vậy. Khi đó, Vinh trở thành tọa độ phát triển trung tâm, có vai trò hội tụ và dẫn dắt sự phát triển của cả vùng và của tỉnh. Nếu TP. Vinh không vượt lên thì cả vùng lẫn Nghệ An đều sẽ bị chậm lại.
Thứ hai, nền nông nghiệp nhiều lợi thế và có tiềm năng lớn của Nghệ An phải được phát triển theo hướng gia tăng công nghiệp chế biến và định hướng thị trường thế giới. Nghệ An đã định hình được cách phát triển này với TH-TrueMilk nhiều năm trước, song tới đây, cần được phát huy mạnh mẽ như một hướng ưu tiên. Để làm được việc này, tỉnh cần có các chính sách phù hợp để tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp với tư cách là lực lượng phát triển chủ công.
Thứ ba, phát triển khu vực Hoàng Mai trong khuôn khổ vùng “Nam Thanh – Bắc Nghệ”. Nam Thanh Hóa đã có những chuyển dịch rất mạnh về mặt công nghiệp – đô thị. Thị xã Hoàng Mai liên kết, phối hợp với khu vực Nghi Sơn thế nào để tạo động lực phát triển cho mình là bài toán đang đặt ra một cách thực tiễn và cấp bách. Lời giải đang hé lộ, nhưng cần phải được thảo luận một cách bài bản, hệ thống. Khi đó, tôi nghĩ Hoàng Mai sẽ có khả năng có đột phá phát triển theo đúng logic Nghệ An đang chọn: bền vững và hiệu quả.