PGS. TS Thiếu tướng Lê Văn Cương – nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học, Bộ Công an trả lời phỏng vấn Báo Nghệ An.
P.V: Thế giới đang đương đầu với thảm họa của đại dịch Covid-19. Nhiều người cho rằng trong lịch sử hàng ngàn năm, cũng từng có rất nhiều dịch bệnh mà loài người phải gánh chịu, Thiếu tướng có thể điểm qua một số dịch bệnh đã từng xảy ra?
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Đúng là dịch Covid-19 không phải là dịch bệnh đầu tiên tàn phá loài người. Giới sử học ghi nhận một số dịch mà loài người đã từng phải gánh chịu như: dịch châu chấu, dịch cúm, dịch hạch. Lịch sử từng ghi nhận vào năm 1300 TCN đã hình thành đại dịch châu chấu “che khuất cả mặt trời”, quét sạch mùa màng toàn bộ các nước Bắc Phi và một phần Trung Đông, không còn một cây cỏ nào sống được, đã làm 1/3 dân số ở các nước Bắc Phi chết đói.
Ở đầu thế kỷ 14, dịch hạch khủng khiếp nhất từng gọi là “tử thần hắc ám” đã quét toàn bộ lục địa Á – Âu, châu Phi làm cho 200 triệu người trên tổng dân số gần 500 triệu người của lục địa Á – Âu, châu Phi bị thiệt mạng. Đầu thế kỷ 20, dịch cúm ở Tây Ban Nha, xuất phát từ Hoa Kỳ tràn sang châu Âu, làm 500 triệu người nhiễm bệnh, 50 triệu người chết… Như vậy, suốt cả chiều dài mấy nghìn năm, nhiều loại dịch bệnh đã xảy ra và giết hại rất nhiều người. Và dịch Covid-19 cũng là một thảm họa mà loài người phải hứng chịu.
P.V: Hiện đang có nhiều tranh cãi về nguồn gốc, cơ chế lây truyền của virus Covid-19, ông có thể nói rõ thêm về các vấn đề này?
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Covid-19 xuất hiện ở Vũ Hán (Trung Quốc), từ tháng 11/2019. Đầu tháng 12/2019, bác sỹ Lý Văn Lượng là người đầu tiên lên tiếng cảnh báo sự xuất hiện của dịch bệnh này. Chính quyền Trung Quốc lúc đó đã không chấp nhận ý kiến của bác sỹ Lượng, và thậm chí còn kết tội ông vì cho rằng bác sỹ này đã đưa ra những thông tin không chính xác, làm xáo trộn trật tự xã hội. (Sau này, khi bác sỹ Lý Văn Lượng qua đời vì Covid-19, Trung Quốc đã sửa sai và truy phong liệt sỹ cho bác sỹ Lý Văn Lượng). Đến tháng đầu năm 2020, chính quyền Trung Quốc mới công nhận dịch bệnh.
Với 11 triệu dân, Vũ Hán là một trong những thành phố đầu tàu phát triển của Trung Quốc. Tại đây có trung tâm nghiên cứu hóa sinh lớn nhất của Trung Quốc, đó là Viện virus học Vũ Hán với 4 phòng thí nghiệm vi sinh có cấp độ bảo mật cấp 4, cấp cao nhất của thế giới, được bảo vệ hết sức chặt chẽ. Đây cũng là trung tâm nghiên cứu vi trùng học, dịch tễ học. Vì thế việc virus SARS-CoV-2 xuất hiện từ Vũ Hán cũng khiến cho dư luận cũng có ý kiến nhiều chiều.
Theo các nhà dịch tễ học hàng đầu của Nga thì virus này đã được biết đến từ lâu, với hơn 30 chủng. Vào giữa những năm 1960, chỉ có 4 chủng gây bệnh cho người, còn lại gây nguy hiểm cho động vật. Năm 2003, chủng virus thứ 5 xuất hiện gây tác hại cho người tại Trung Quốc, đó chính là hội chứng hô hấp cấp tính SARS. Năm 2012, chủng thứ 6 xuất hiện và gây bệnh ở Trung Đông, và tháng 11/2019, thì Corona là chủng thứ 7 xuất hiện tại Vũ Hán. Đây là chủng virus có quá trình lây truyền đặc biệt. Ngay trong quá trình ủ bệnh, người bệnh mang virus không có triệu chứng gì, giới y học không phát hiện ra, nhưng vẫn có khả năng lây truyền. Các nhà khoa học trên thế giới hiện vẫn cho rằng con đường lây truyền chủ yếu là qua hơi thở, qua nước bọt, còn thực chất về cơ chế lây truyền vẫn chưa tìm ra.
Về sự xuất hiện của virus SARS-CoV-2, có 2 giả thiết. Giả thiết thứ nhất xuất phát từ động vật hoang dã, như tê tê, dơi. Giả thiết này do một số nhà khoa học Trung Quốc đưa ra, nhưng các nhà khoa học thế giới chưa thống nhất.
Giả thiết thứ 2, SARS-CoV-2 là vi khuẩn nhân tạo trong quá trình nghiên cứu phát triển chiến tranh vi trùng. Báo Sự thật Thanh niên Nga, hồi tháng 2/2020 đã dẫn lời một cựu sỹ quan tình báo Israel cho rằng, Viện virus học Vũ Hán đang tham gia một chương trình bí mật của nhà nước nhằm tạo ra một virus sinh học nhưng Trung Quốc đã phản bác thông tin này.
P.V: Dư luận thế giới cho rằng Mỹ và nhiều nước châu Âu đã thất bại trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, và đã phải gánh chịu thảm họa, ý kiến ông về vấn đề này như thế nào?
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Riêng về vấn đề này, tôi cho rằng dư luận đánh giá như vậy là có cơ sở khách quan. Bắt đầu từ Mỹ, khi dịch Covid-19 đã bùng phát từ Vũ Hán, Trung Quốc, khi đó, Tổng thống Mỹ đã cho đây là cú lừa. Mãi đến ngày 26/3/2020, Tổng thống Trump còn nói rằng nước Mỹ sẽ quay trở lại bình thường, dịch bệnh này sẽ biến mất. Có thể nói rằng ngay từ ban đầu, chính quyền Mỹ đã rất chủ quan, không nhận thức được hậu quả thảm khốc của dịch Covid-19 đối với con người và kinh tế. Đến nay, Mỹ đã đứng đầu thế giới về số người lây nhiễm, số người chết cũng ngày càng cao. Có thể nói Mỹ đã lãng phí thời gian “vàng” trong phòng, chống dịch bệnh. Chỉ trong vòng mấy ngày gần đây, chính quyền Donald Trump mới lúng túng phản ứng chậm chạp. Trong khi đó, các nhà kinh tế Mỹ cho rằng, chỉ cần 2% dân số Mỹ (6 triệu người) phải vào diện chăm sóc y tế tích cực, khẩn cấp vì Covid-19, thì toàn bộ nền kinh tế Mỹ sẽ sụp đổ. Mỹ đã hời hợt, chủ quan, 2 tháng trời không có một biện pháp nào tích cực. Khi thảm họa đến nơi, vỡ trận mới lúng túng đối phó.
Đối với châu Âu, quốc gia xử lý tích cực hiệu quả nhất là Đức. Trong khi các nước chủ quan, vỡ trận thì quốc gia này đã siết chặt, có biện pháp bảo vệ ngay từ những ngày đầu. Chính phủ Đức đã kích hoạt điều luật giảm thiểu tự do hoạt động đi lại của người dân. Chính vì thế đây là quốc gia chịu ít tổn thất do dịch Covid-19 ở châu Âu. Còn các nước Nam Âu như Ý, Tây Ban Nha, Anh, Pháp… là những quốc gia chịu thảm họa về đại dịch này. Đến bây giờ, các nước này vẫn không bắt buộc người dân ra đường phải đeo khẩu trang, gần đây nhất, khi hàng chục nghìn người chết mới chỉ mới hạn chế bớt tụ tập nơi công cộng. Đây là sự chủ quan, hời hợt trong phòng, chống dịch Covid-19 của chính quyền các nước này và phải gánh chịu thảm họa.
Ngoài nguyên nhân chủ quan, không chuẩn bị, hoàn toàn bị động của nhà nước, còn một nguyên nhân nữa mang tính ngoài y tế, đó là lối sống của người Nam Âu khác với người Bắc Âu. Người Nam Âu dành phần lớn thời gian lang thang ngoài đường phố, la cà ngoài quán bar, nhà nước không ngăn cấm. Các nước Bắc Âu là xứ lạnh, thời gian ra ngoài đường phố chỉ bằng 1/3 người Nam Âu, chính nề nếp sinh hoạt này đã góp phần hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.
Nhìn từ Mỹ đến châu Âu về dịch bệnh này có một vấn đề đó là tự do cá nhân. Tại sao các nước Mỹ, châu Âu không dùng biện pháp kiên quyết buộc người dân phải “cách ly xã hội”, hoặc phải đeo khẩu trang. Ở đây đã có sự xung đột về quyền tự do cá nhân của phương Tây với việc phòng, chống thảm họa dịch bệnh đối với đời sống con người. Trong bối cảnh đất nước lâm vào thảm họa, thì cái tự do cá nhân phải đặt dưới sinh mạng con người. Thực chất, cái gọi là “tự do” của phương Tây bao giờ cũng có giới hạn, chứ không phải vô giới hạn. Chính các nước phương Tây đã phải chịu thảm họa về sự “tự do” này.
P.V: Thiếu tướng có đánh giá như thế nào về công tác phòng, chống Covid-19 ở Việt Nam?
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Ngay từ tháng Giêng 2020, chúng ta đã đưa ra khẩu hiệu “chống dịch như chống giặc”, cả hệ thống chính trị vào cuộc quyết liệt, yêu cầu người dân đeo khẩu trang, gần đây là “cách ly xã hội”. Tôi xin lưu ý rằng, “cách ly xã hội” không phải là thiết quân luật, không phải là phong tỏa, mà là giãn cách giữa người với người nơi công cộng, không tập trung nơi công cộng quá 2 người, không ra khỏi nhà khi không cần thiết.
Ngay từ đầu Đảng, Nhà nước chúng ta đã đặt tính mạng của người dân lên trên hết. Toàn bộ sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước là tập trung bảo vệ tính mạng và an toàn của người dân, đây là ưu việt của Nhà nước ta, chế độ ta. Nếu như chúng ta thừa nhận “thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lý”, thì phải nói rằng, chúng ta có quyền tự hào Nhà nước ta đã thành công trong thực hiện phòng, chống dịch Covid-19. Dư luận thế giới, tổ chức WHO cũng đánh giá như vậy. Tất nhiên chúng ta không được chủ quan.
Xung quanh chúng ta là những ổ dịch lớn, chúng ta có đường biên trải rộng với Lào, Campuchia, Trung Quốc, nhưng đến nay chúng ta vẫn làm chủ tình hình, chưa có người bị chết vì dịch bệnh. Chúng ta đã dốc toàn bộ lực lượng, dùng mọi biện pháp, nguồn lực có thể để phòng ngừa và bảo vệ đời sống của người dân. Người dân củng cố lòng tin đối với Đảng, Nhà nước, thành công lớn nhất là chúng ta đã khống chế được dịch.
P.V: Theo Thiếu tướng, hậu quả của đại dịch Covid-19 gây ra trên các phương diện kinh tế, chính trị, xã hội sẽ như thế nào?
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Về mặt xã hội, tính đến ngày 7/4, cả thế giới đã có hơn 1,4 triệu người đã nhiễm bệnh, con số tử vong là 82 nghìn người và dịch còn tiếp tục diễn biến phức tạp hơn.
Về kinh tế, có thể nói dịch Covid-19 đã làm đình trệ sản xuất, đứt gãy chuỗi cung ứng, lưu thông hàng hóa trên toàn cầu. Chúng ta đang ở thời đại toàn cầu hóa kinh tế, một sản phẩm cuối cùng được sản xuất từ nhiều nước, nhất là những sản phẩm phức tạp, không có nước nào tự sản xuất từ A-Z. Ví dụ như 95% linh kiện động cơ xe hơi trên toàn cầu được sản xuất tại Trung Quốc, linh kiện ô tô của Trung Quốc được đặt sản xuất khắp nơi trên thế giới. Các hãng dược phẩm nổi tiếng của Mỹ, châu Âu cũng nhập hoạt chất từ Trung Quốc; linh kiện điện thoại, máy tính; ngành dệt may, thực phẩm cũng vậy… Có thể nói, đại dịch này xuất phát từ Vũ Hán Trung Quốc, và từ nền kinh tế Trung Quốc đình trệ đã làm cho nền kinh tế toàn cầu bị suy giảm. Tính đến ngày 8/4/2020, thiệt hại về kinh tế do Covid-19 đã gấp 10 lần thiệt hại do khủng hoảng tài chính 2008 – 2010, tương đương cuộc đại khủng hoảng 1929 – 1933 của thế giới.
Covid-19 đã cho thấy mặt trái của toàn cầu hóa. Toàn cầu hóa không chỉ là toàn ưu việt, mà Covid-19 đã bóc trần những mặt trái của chuỗi cung ứng toàn cầu. Buộc lòng các nước phải xem xét lại quá trình tham gia toàn cầu hóa, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Về mặt lý thuyết kinh tế, đã đặt ra những vấn đề mới cho các nhà hoạch định chính sách thế giới, xem xét lại quá trình phát triển kinh tế, cũng như tham gia hội nhập kinh tế thế giới.
Về mặt chính trị, Covid-19 đã bộc lộ toàn bộ yếu kém rời rạc của châu Âu. Nếu như trước đây (2015 – 2016) châu Âu đã chia rẽ trong vấn đề người di cư. Trong dịch Covid-19 này, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Ý đã kêu trời rằng “không ai vào trong các nước liên minh châu Âu cứu chúng tôi?”. Người Ý, người Tây Ban Nha hàng ngày hàng nghìn người quằn quại chết nhưng không ai vào cứu.
Covid-19 đã phơi bày sự bất lực của liên minh châu Âu, một liên kết lỏng lẻo về kinh tế, chính trị, đẩy châu Âu tiếp tục rơi vào khủng hoảng. Nhiều người đã cho rằng, không sớm thì muộn châu Âu cũng sẽ tan rã.
Trên phạm vi toàn cầu, Covid-19 “khoét” thêm mâu thuẫn giữa 2 cường quốc hàng đầu là Trung Quốc và Hoa Kỳ. Ngay trong dịch Covid-19, Tổng thống Mỹ đã từng miệt thị là “virus Trung Quốc”, cho rằng Trung Quốc sản sinh ra virus này. Vì thế lòng tin giữa Mỹ và Trung Quốc giảm sút. Ngược lại, Trung Quốc cũng phản đối những phát biểu vô trách nhiệm của Tổng thống Trump.
Ngay cả Nga và Trung Quốc là đối tác chiến lược toàn diện là “những người bạn tốt nhất của nhau”, nhưng ngay trong dịch Covid-19, Nga cũng đã nhiều lần yêu cầu Trung Quốc chuyển giao những thông tin về dịch bệnh để Nga sản xuất vắc xin, nhưng Trung Quốc cũng không chuyển giao. Bởi vì hiện nay, cả thế giới đang “chạy đua” nghiên cứu vắc xin phòng dịch Covid-19, và ai sản xuất được trước sẽ thu lợi nhuận hàng chục tỷ đô la. Do đó, cả Nga và Trung Quốc cũng không hợp tác với nhau để sản xuất vắc xin phòng căn bệnh nguy hiểm này tất cả cũng vì lợi ích kinh tế.
P.V: Thiếu tướng có dự báo gì về diễn biến của tình hình dịch bệnh này?
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Hiện nay, cả thế giới đang tập trung nghiên cứu vắc xin phòng dịch Covid-19. Mỹ là quốc gia đi đầu, bắt đầu thử nghiệm trên người; Nga, Trung Quốc cũng đang thử nghiệm trên linh trưởng. Khả năng sản xuất vắc xin phòng dịch này sớm còn khó. Theo dự đoán khoảng 3-4 tháng nữa lô vắc xin đầu tiên phòng ngừa căn bệnh nguy hiểm này mới có thể xuất hiện.
Theo quan điểm của chính giới Mỹ, khoảng giữa tháng 4/2020 Hoa Kỳ sẽ đạt đỉnh điểm dịch Covid-19, có nghĩa là sau đó sẽ giảm dần. Cá nhân tôi cho rằng, việc Tổng thống Trump nhận định 12/4 là đỉnh dịch là không thực tế, ít ra cũng phải tới cuối tháng 4, đầu tháng 5. Ngay cả các nước châu Âu cũng chưa đạt đỉnh. Chưa có một quốc gia nào dám khẳng định, nhưng tôi tin rằng, qua mùa hè này, thế giới sẽ khống chế được dịch Covid-19. Nếu lạc quan nhất là 1 tháng, còn nếu không thì 2-3 tháng nữa đại dịch này còn hoành hành phá hoại cuộc sống trên hành tinh này.
P.V: Việt Nam chúng ta rút ra bài học gì qua đại dịch này, thưa Thiếu tướng?
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Ở Việt Nam, ngành Du lịch, Giao thông vận tải, các ngành sản xuất dệt may, nông nghiệp, hàng nghìn container phụ liệu và sản phẩm đang dồn ứ ở cửa khẩu. Ảnh hưởng đối với kinh tế Việt Nam rất lớn vì công nghệ phụ trợ của chúng ta chưa phát triển, còn phụ thuộc vào nước ngoài. Ngay bây giờ, có lẽ chúng ta đã phải tính đến việc điều chỉnh về chiến lược phát triển kinh tế. Thứ nhất, là đầu tư lớn hơn về công nghệ phụ trợ, nguyên liệu đầu vào. Hiện nay, công nghệ phụ trợ của các ngành điện tử, dệt may, chúng ta còn phụ thuộc vào Trung Quốc. Chúng ta đã có chủ trương rồi, nhưng đưa vào thực tế còn trục trặc, qua dịch Covid-19 này cho thấy rõ hơn những mặt yếu của nền kinh tế Việt Nam, do đó chúng ta phải phát triển công nghệ phụ trợ.
Thứ hai, chúng ta phải mở rộng thị trường, “không cho trứng vào một giỏ”, không phụ thuộc Trung Quốc từ nguyên phụ liệu cũng như đầu ra. Về công nghiệp cần mở rộng thêm các đối tác Ấn Độ, Hàn Quốc, các nước ASEAN, châu Âu. Về nông nghiệp, phải tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, để xuất khẩu sang châu Âu, Mỹ, Nhật, Úc… Dịch Covid-19 đã bộc lộ cho chúng ta thấy những yếu kém cần phải khắc phục, chúng ta cần điều chỉnh lại chiến lược phát triển kinh tế, từ nguồn nhập nguyên phụ liệu của các ngành công nghiệp, cho đến thị trường đầu ra của sản phẩm nông nghiệp.
P.V: Xin cảm ơn Thiếu tướng!