Tháng 3/2023, chúng tôi có hai lần ghé đến Di tích Quốc gia đặc biệt Km0 – đường Hồ Chí Minh, tại thị trấn Tân Kỳ, huyện Tân Kỳ. Mỗi lần ghé đến, khung cảnh nơi này mỗi khác, nhưng có cảm nhận chung là khu Di tích đặc biệt lại chưa nhận được sự quan tâm đặc biệt.
Lần thứ nhất vào ngày 1/3, quan sát tổng thể chi tiết từng hạng mục, đều nhận thấy di tích xuống cấp đến tàn tạ. Đập vào mắt ngay từ lối vào, giáp ranh giữa tuyến đường Hồ Chí Minh và khu di tích là tuyến mương thoát nước đã sập, vỡ, thủng lỗ chỗ và chiếc cổng xếp inox xập xệ, dúm dó. Nối với cổng vào, là tuyến bờ rào sắt bao quanh bảo vệ rỉ sét, có nhiều đoạn đứt gãy, tạo thành lối vào đổ rác thải (đoạn giáp ranh bến xe huyện). Bên trong di tích, có nhà trưng bày các hiện vật, di vật nhưng mái che bằng vật liệu tôn đã hoen rỉ khiến toàn bộ tường, trần nhà bị dột ẩm bong tróc, lở loét; nền gạch lát nhà sập vỡ lỗ chỗ… Khuôn viên di tích có hệ thống sân vườn, cây xanh, đường dạo bộ và hồ điều hòa với diện tích khá rộng. Vậy nhưng, hồ điều hòa là một bãi cỏ bụi um tùm, vương vãi rác thải; chỉ có đường dạo bộ, hệ thống cây xanh… là còn khả dĩ dễ nhìn.
Cột mốc Km0 nằm ở vị trí trang trọng trung tâm khu di tích, được đặt trên bệ đài có chiều cao khoảng 2m, với 3 lối dẫn lên. Đài được ốp đá granit, nhưng lối lên ở hai bên bị lún sụt nặng. Vì lún sụt, đoạn giáp nối giữa đường lên với bề mặt đài hở ra vết nứt lớn, đủ để luồn cả bàn tay. Cũng vì sụt lún, đá ốp granit bị chèn ép nứt, vỡ, bong tróc ở rất nhiều vị trí. Đường dẫn lên đài ở vị trí trung tâm cũng không ngoại lệ, đá ốp bị gãy vỡ không ít. Về phần Cột mốc Km0, được thiết kế 4 mặt, có bia dẫn tích. Mỗi mặt cột mốc, có diện tích khoảng 6m2, được ghép bằng hàng chục viên đá đen. Qua thời gian, đá đen xuống màu, rạn, lộ rõ các vết ghép khiến cột mốc kém về thẩm mỹ, ảnh hưởng nhiều đến những hàng chữ khắc trên đó.
Lần thứ hai chúng tôi ngang qua Di tích Quốc gia đặc biệt Km0 – đường Hồ Chí Minh, vào ngày 24/3, ở đây đang có những hoạt động sửa chữa, tu bổ. Hỏi thì được biết, lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập huyện cận kề nên UBND huyện đang tập trung công tác tu bổ, chỉnh trang.
Ghé vào xem, ở hồ điều hòa đang có một số phương tiện máy móc, ô tô vận tải bốc dỡ rác thải, cây bụi. Tại nhà trưng bày, có các nhóm thợ da trát lại trần, tường, bóc dỡ thay thế nền gạch trong ngoài. Ở khu vực đài Cột mốc Km0, có trồng mới cây cảnh. Hệ thống tường rào bảo vệ cũng được sơn phủ che lấp những rỉ sét… Nhưng nhìn chung, đây là những hoạt động tu bổ, chỉnh trang nhỏ, chỉ đủ để giảm bớt sự hoang tàn xuống cấp, chứ không thay đổi được mỹ quan công trình, không nâng được vị thế của một Di tích cấp đặc biệt Quốc gia.
Trong buổi sáng ngày 24/3, Di tích Quốc gia đặc biệt Km0 – đường Hồ Chí Minh có một số người dân ghé đến xem chỉnh trang tu bổ. Được biết, trong đó có ông Nguyễn Tất Bình (trú tại nhà số 253, đường 19-5 thị trấn Tân Kỳ), là người từng đã phản ánh về tình trạng xuống cấp của di tích đến HĐND tỉnh.
Hỏi chuyện, dịp tháng 7/2022 ông Bình cùng một số cụ cao tuổi theo dõi truyền hình trực tiếp phiên họp của HĐND tỉnh. Khi nghe HĐND tỉnh thông tin việc phong tặng một số di tích, các cụ đã nảy ý nghĩ cần phản ánh qua đường dây nóng về tình trạng xuống cấp của Di tích Quốc gia đặc biệt Km0 – đường Hồ Chí Minh. Vì thực trạng hiện hữu của di tích, vì mong muốn của các cụ cũng là mong muốn của bản thân nên ông Bình đã gọi điện, và được HĐND tỉnh tiếp nhận thông tin. Sau ít ngày, ông Bình nhận được thông báo của HĐND tỉnh; đến tháng 9/2022 thì nhận được văn bản trả lời của UBND huyện Tân Kỳ.
Trở về nhà lục tìm đưa ra các văn bản liên quan minh chứng điều mình nói, ông Bình tâm tư rằng Cột mốc Km0 được hình thành đã lâu năm, được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia, rồi Quốc gia đặc biệt nhưng trong quá trình sử dụng thì đã không nhận được sự quan tâm đầu tư, chăm sóc, bảo vệ tương xứng. Vì vậy, cột mốc đã xuống cấp, hư hại nghiêm trọng. Tường rào, đài, cột mốc đều đã hư hỏng nhiều, khuôn viên rất thiếu mỹ quan. Đến mức có rất nhiều khách ghé đến tham quan đã nói ra đây không còn là khu di tích mà là bãi rác. Ông Bình cũng như mọi người dân sống xung quanh di tích, nhìn thấy hiện trạng này, lại nghe được nhận xét của khách ghé thăm như vậy, thì buồn tủi, hổ thẹn. Vì vậy mới mong mỏi, mới đề nghị các cấp có thẩm quyền quan tâm kiểm tra, cố gắng đầu tư để cảnh quan di tích được thay đổi xứng tầm là điểm ghi dấu ấn huy hoàng của một giai đoạn lịch sử cách mạng, là nơi được rất nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước ghé thăm…
Ông Nguyễn Tất Bình tha thiết: “Chúng tôi rất tự hào khi được sống trên mảnh đất có di tích Cột mốc Km0 của đường Trường Sơn, của đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Nhưng càng tự hào bao nhiêu thì chúng tôi càng mong Di tích được quan tâm đầu tư tu bổ bấy nhiêu. Chúng tôi đã được trả lời là tỉnh, huyện đang rất khó khăn về kinh phí. Chúng tôi hiểu điều này nhưng nghĩ, huyện và tỉnh cũng phải làm thế nào đó để di tích xứng với danh hiệu Quốc gia đặc biệt, xứng với những giá trị lịch sử vốn có…”.
Cùng thời điểm trò chuyện với ông Nguyễn Tất Bình, Di tích Quốc gia đặc biệt Km0 – đường Hồ Chí Minh có một đoàn khách ghé thăm. Hỏi thì biết đây là đoàn cán bộ của Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐ,TB&XH) về thực tế cơ sở tại Tân Kỳ. Sau khi hoàn tất công tác, được huyện giới thiệu nên tranh thủ ghé thăm. Trưởng đoàn công tác là bà Phạm Thị Hải Hà – Cục phó Cục Bảo trợ xã hội khi được hỏi thì đã nói: “Đến với Di tích Km0 – đường Hồ Chí Minh, tôi rất xúc động, tự hào trước những gì cha ông ta đã làm nên, cảm thấy thực sự biết ơn tất cả những chiến sĩ, những người đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Tôi nghĩ rằng ngày nay chúng ta cần phải làm gì đó để đền đáp công lao của các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống”.
Nhưng bà Phạm Thị Hải Hà cũng bày tỏ sự buồn lòng trước hiện trạng của Di tích, rằng: “Lần đầu tiên đến đây, thực sự tôi rất buồn. Đây là Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt, là nơi ghi lại một dấu mốc quan trọng của Tổ quốc, thế nhưng đã xuống cấp và quá sơ sài so với công lao của các anh hùng liệt sĩ, cảm thấy chúng ta chưa có một sự đền đáp xứng đáng. Chúng tôi cũng mong muốn rằng Nhà nước sẽ có một sự đầu tư để tu bổ di tích lịch sử này…”.
Xem Văn bản số 1510/UBND-BTD ngày 6/9/2022 của UBND huyện Tân Kỳ giải quyết ý kiến, kiến nghị cử tri phản ánh qua đường dây điện thoại trực tuyến tại Kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh gửi đến ông Nguyễn Tất Bình, thấy huyện Tân Kỳ nhìn nhận sát về thực trạng Di tích Quốc gia đặc biệt Km0 – đường Hồ Chí Minh, đồng thời thể hiện cũng đang nỗ lực để di tích được tu bổ, nâng cấp.
Văn bản số 1510/UBND-BTD có nội dung: “Ngày 27/4/1990, Di tích Km số 0 được Bộ Văn hóa và Thông tin xếp hạng di tích lịch sử Quốc gia tại Quyết định số 84/QĐ-BVHTT; ngày 9/12/2013 được công nhận Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt tại Quyết định 2383/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Di tích Quốc gia đặc biệt Km0 – đường Hồ Chí Minh có diện tích là 10.763,1m2; cơ sở vật chất kỹ thuật, gồm có: Cột mốc Km0; Nhà trưng bày các hiện vật, di vật; Khu trưng bày ngoài trời; Hồ điều hoà; Hệ thống cây xanh, cây cảnh; Hệ thống hàng rào, nhà vệ sinh. Tuy nhiên, do được đưa vào khai thác từ năm 2006, cùng với khí hậu khắc nghiệt và chưa được sửa chữa lớn lần nào nên hiện nay nhiều hạng mục của di tích đã xuống cấp nghiêm trọng, chưa tương xứng với vai trò, ý nghĩa lịch sử.
Việc tu bổ, nâng cấp, cải tạo Di tích Quốc gia đặc biệt Km0 – đường Hồ Chí Minh là nguyện vọng tha thiết của nhân dân và chính quyền huyện Tân Kỳ. UBND huyện Tân Kỳ đã làm việc với Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Du lịch để đề xuất phương án tìm nguồn vốn thực hiện. Trong thời gian tới, huyện tiếp tục làm việc với các sở, ngành để lồng ghép các chương trình, dự án và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để từng bước tu bổ, nâng cấp Di tích Quốc gia đặc biệt Km0 – đường Hồ Chí Minh góp phần lưu giữ những giá trị to lớn của một thời kỳ lịch sử hào hùng của dân tộc”.
Liên hệ UBND huyện Tân Kỳ, chúng tôi được giới thiệu gặp Trưởng phòng Văn hóa và Thể thao, ông Hoàng Xuân Hạnh. Là người soạn thảo nội dung trả lời kiến nghị cho ông Nguyễn Tất Bình, ông Hoàng Xuân Hạnh nhấn mạnh rằng không cảm thấy phiền lòng về việc này, vì đó là tiếng lòng người dân huyện núi Tân Kỳ, trong đó có bản thân ông. Ông cũng rất thật khi cho biết, bởi điều kiện kinh tế khó khăn nên hàng năm UBND huyện chỉ có thể trích một phần kinh phí để tu bổ, sửa chữa những hạng mục nhỏ, bên cạnh đó thì đôn đốc đơn vị chức năng bảo quản, vận hành di tích, vệ sinh môi trường, chăm sóc khuôn viên di tích… Còn việc tu bổ, nâng cấp để di tích xứng tầm cấp Quốc gia đặc biệt là vượt quá khả năng.
Theo ông Hoàng Xuân Hạnh, hàng năm Di tích Quốc gia đặc biệt Km0 – đường Hồ Chí Minh đón khoảng 15.000 lượt khách cả trong, và ngoài nước đến tham quan, là một trong những di tích lịch sử có đông khách đến của tỉnh. Vì vậy, huyện Tân Kỳ có quyết tâm chính trị cao để tìm hướng huy động các nguồn vốn hợp pháp nâng cấp, cải tạo di tích. Huyện đã có kế hoạch quy hoạch lại tổng thể khuôn viên di tích. Đã nhìn nhận sự cần thiết xây dựng mới nhà trưng bày; cải tạo hạng mục cột mốc; cải tạo, nâng cấp hồ điều hòa và hệ thống thoát nước; bên cạnh đó, xây dựng Tượng đài Hậu phương hướng về tiền tuyến để kết nối với Di tích Quốc gia đặc biệt Km0… Tuy nhiên, để thực hiện được thì cần nguồn vốn đầu tư lớn. Vì vậy, ở thời điểm chuẩn bị kỷ niệm 60 năm ngày thành lập, UBND huyện chỉ có thể tu bổ một số hạng mục nhỏ, cấp bách. Trong thời gian tới, sẽ đề xuất Sở Văn hóa và Thể thao hướng dẫn chọn đơn vị tư vấn có chuyên môn lập quy hoạch chi tiết, lập dự án thực hiện các hạng mục theo định hướng trên. Từ đó, sẽ phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao vận động các nguồn kinh phí hợp pháp để triển khai thực hiện.
Ông Hạnh nói: “Đây là di tích Quốc gia đặc biệt duy nhất đại diện cho 11 huyện, thị miền núi trong tổng số 6 di tích đặc biệt Quốc gia của tỉnh. Là minh chứng cho sự kiện lịch sử hào hùng của dân tộc. Vì vậy, UBND huyện Tân Kỳ rất mong Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh, Sở Văn hóa và Thể thao quan tâm xem xét hỗ trợ cải tạo, nâng cấp để di tích tương xứng với vai trò, giá trị vốn có, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân và du khách muôn phương”.
* * * * *
Đến với Di tích Quốc gia đặc biệt Km0 – đường Hồ Chí Minh, chúng tôi được xem những di vật, hiện vật minh chứng về một thời kỳ lịch sử hào hùng của dân tộc. Và còn được đọc lưu bút của muôn vàn khách đến. Thấy dù là người dân địa phương, học sinh, sinh viên, những cựu binh từng góp xương máu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, hay những tướng lĩnh, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội… Thì đều bày tỏ xúc động, tri ân, khắc ghi những giá trị lịch sử. Như lưu bút của cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang ngày 28/4/2017: “Tôi rất xúc động đến thăm Khu di tích Quốc gia đặc biệt đường Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh (Km0). Đường Trường Sơn là một chiến công chói lọi trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ của dân tộc ta. Mong rằng cán bộ, chiến sĩ, nhân dân tỉnh Nghệ An tiếp tục phát huy truyền thống Anh hùng của dân tộc ta, xây dựng tỉnh nhà phát triển như Bác Hồ kính yêu hằng mong muốn”. Để thêm hiểu nỗi lòng của người dân, cán bộ huyện Tân Kỳ!