Là người luôn được chọn đảm trách vai Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu trong các vở diễn sân khấu ca kịch truyền thống xứ Nghệ, NSƯT Hồng Dương luôn xem đó là trọng trách, là sứ mệnh, đồng thời là động lực to lớn để mãi đem hết sức lực cống hiến cho sân khấu Dân ca Nghệ Tĩnh, cái nôi đã nuôi lớn và cho anh những vinh quang của ngày hôm nay.
Báo Nghệ An có cuộc trò chuyên với NSƯT Tạ Hồng Dương (SN 1969) về sân khấu Dân ca xứ Nghệ và những trăn trở với sân khấu trong tương lai.
P.V: Thưa NSƯT Hồng Dương, được biết anh là diễn viên sân khấu có tới hơn 100 lần hóa thân vào vai Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu. Anh có thể chia sẻ về cơ duyên được nhập vai Bác Hồ? Đó có phải là vì khả năng diễn xuất, vì sự tương đồng trong chiều cao hình thể hay còn những tố chất khác?
NSƯT Hồng Dương: Có thể nói rằng, được giao đóng vai Chủ tịch Hồ Chí Minh là sự kiện vô cùng quan trọng, vinh dự và tự hào trong đời diễn viên sân khấu của tôi. Vai diễn đầu tiên là trong vở “Danh nhân lớn lên từ câu hò ví, giặm” vào năm 1997. Phải nói rằng, lúc ấy tôi vô cùng bất ngờ, ngạc nhiên và vui sướng khi được Ban Giám đốc trung tâm và đạo diễn chọn vào vai Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bởi đây là vai diễn mà suốt cuộc đời tôi không bao giờ nghĩ rằng cơ hội hóa thân lại thuộc về mình.
Sau đó tôi mới hiểu được, qua phân tích chọn lựa tôi là người phù hợp về tỷ lệ khuôn mặt, chiều cao hình thể, tác phong, giọng nói, câu thoại của tôi cũng có thể giống được nếu tôi học hỏi và nghiên cứu kỹ Bác Hồ qua những thước phim tư liệu. Nhưng điều quan trọng hơn tôi được chọn cũng bởi phẩm chất nghệ sỹ, tư cách đạo đức của người diễn viên, luôn gương mẫu, giữ được cái tâm trong sáng…
Để vào được vai diễn này tôi phải ngày đêm nghiên cứu sách vở, những thước phim tư liệu về Người, để không chỉ học phong thái, cách thức của Hồ Chủ tịch trong đời thường mà còn thấm cái tâm tư vì dân, vì nước của Bác, thấm được nỗi đau, sự hy sinh của Người trong suốt chiều dài lịch sử. Đặc biệt là giọng nói, cách phát âm của Người. Lúc Người nói chuyện với chính khách, khách nước ngoài phong thái của Người ra sao, Người hay dùng từ gì. Lúc nói chuyện với đồng bào miền Bắc hay về miền Trung quê hương, Người hay thể hiện ngôn ngữ ra sao…, đều được tôi nghiên cứu kỹ. Và cái mà tôi trăn trở nhất là những diễn biến tâm lý của Người khi không lời thoại, đó là cơ mặt, ánh mắt, phong thái…
Trong vai diễn này, tôi phải tìm tòi cho được những tâm tư của Bác khi nghĩ, nhớ về quê hương. Người nhớ đến quê hương là nhớ đến câu hò ví, giặm, nhớ đến những năm tháng tuổi thơ trên quê mẹ Hoàng Trù và Làng Sen quê cha. Từ đó, trong mỗi lời thoại của nhân vật đều đau đáu nỗi nhớ niềm thuơng và khí chất của người anh hùng lớn lên từ mảnh đất địa linh nhân kiệt.
Học Bác có khó không? Tôi trả lời vô cùng khó, khó bởi Người là lãnh tụ thiên tài nhưng vô cùng giản dị, Người càng giản dị, càng cao quý thì phong thái toát ra lại mộc mạc, thân thương, nhưng lại vô cùng cao đẹp. Thế nên, đương nhiên áp lực càng lớn. Mỗi khi hóa thân vào vai diễn tôi lại hồi hộp như lần đầu tiên.
P.V: Sau vở “Danh nhân lớn lên từ câu hò ví, giặm” đoạt Huy chương Vàng hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc, giới nghệ sỹ sân khấu biết đến anh là người hóa thân vai Bác Hồ xuất sắc. Vậy, những vở diễn có vai Hồ Chủ tịch sau này, anh có những áp lực gì để thể hiện được hình ảnh của Người vừa sống động, vừa không bị đi theo lỗi diễn cũ của mình?
NSƯT Hồng Dương: Phải nói rằng, sau vở diễn đó đi đâu tôi cũng được khán giả chào đón, vinh dự lắm, nhưng áp lực lại càng lớn hơn. Khi tôi được giao vai Bác Hồ trong vở “Lời Người – Lời của nước non”, lúc này lại càng phải học hỏi nhiều hơn. Bởi lần này tôi phải thể hiện vai Người trong suốt chiều dài lịch sử, từ hình ảnh Người ở Bắc Bộ Phủ, đến ngày Bác về ở Thủ đô trong ngôi nhà sàn; hình ảnh Bác gặp lại chị gái thân yêu của mình. Rồi lúc Người trọng bệnh, lúc suy tư bên ánh đèn với những trang Di chúc để lại cho muôn đời. Vì thế, trách nhiệm lớn lao đặt lên người nghệ sỹ thể hiện vai diễn này rất lớn. Và đây là vai diễn mà tôi cảm thấy là nặng ký nhất trong nghiệp diễn của mình.
Thế nhưng, bù lại chúng tôi cũng được rất lớn sau vở diễn với nhiều Huy chương Vàng này của Trung tâm Bảo tồn và Phát huy di sản Dân ca ví, giặm xứ Nghệ, bây giờ là Trung tâm Nghệ thuật truyền thống, đó là đi đâu chúng tôi cũng được khán giả và anh, chị em đồng nghiệp chào đón. Đến tỉnh nào chúng tôi cũng lưu diễn nhiều đêm, và đặc biệt mỗi khi tôi bước ra từ cánh gà lập tức khán giả ồ lên, như thể được thấy Bác. Những trường đoạn Bác gặp lại chị gái, Bác nói chuyện với đồng bào khiến nhiều khán giả không kìm được nước mắt. Thú thực trong tôi lúc đó là hạnh phúc, là tự hào và cả những giọt nước mắt xúc động….
Và đến nay tôi đã có hơn 100 lần hóa thân thành Hồ Chủ tịch, nhưng lần nào với tôi cũng là lần đầu tiên, đầu tiên được chạm đến cảm xúc ấy, đầu tiên được gánh trọng trách ấy, đầu tiên được học hỏi… để thấy cuộc đời một nghệ sỹ thật đáng quý biết nhường nào.
P.V: Vâng, được biết ngoài vai diễn để đời là hóa thân thành Hồ Chủ tịch, anh còn được biết đến là nghệ sỹ đa năng với những tuyến vai chính diện, phản diện, vai hề… Với anh đâu là hình ảnh sở trường? Và người ta nói nghề chọn người, với anh điều này đúng không?
NSƯT Hồng Dương: Rất cảm ơn về lời khen của bạn, đúng thế, tôi là người được giao rất nhiều dạng vai. Đây là một hạnh phúc lớn của người nghệ sỹ. Bởi ngoài những kép chính, phụ đa dạng từ cán bộ cấp cao, công an, đến những vai thường dân, vai thầy giáo hay thậm chí vai hề dân gian … tôi đều tìm ra cái riêng của nhân vật, và tìm ra cái riêng cho chính mình, nghĩa là nó phải thoát xác với khuôn mẫu. Đặc biệt, vai lý trưởng trong trường đoạn “Lý trưởng mẹ Seo”, trong vở kịch dân ca kinh điển “Cô gái sông Lam” của nhà viết kịch Vũ Trung Phong, tôi rất thích và tâm đắc. Sau này, tôi thường hướng dẫn cho lớp sinh viên Trường Cao đẳng Văn hóa – Nghệ thuật tỉnh với những cảm nhận của riêng tôi về lớp vai này, và nhận được nhiều sự lĩnh hội tâm huyết cũng như thích thú của các em. Bây giờ khi nói về trường đoạn này tôi lại thấy muốn diễn, muốn được lên sân khấu.
Với dạng lớp vai vừa khuôn mẫu, vừa có tính sáng tạo cao, không ai diễn giống ai dù thoại đa phần phải theo kịch bản, khiến người diễn luôn cảm thấy hứng thú, luôn cảm thấy có cảm hứng sáng tạo. Tôi là người may mắn khi được đóng đinh với vai diễn này, được khen diễn hay, riêng có….
Ngoài ra, trong tổ hợp, tổ khúc Dân ca Nghệ Tĩnh tôi đặc biệt thích thú với “Bần hát ghẹo”, nó đậm chất dân ca, đậm chất nhân vật dân gian trong kho tàng Dân ca xứ Nghệ, và nói đến chữ “duyên” tôi cũng nhận được nó với “Bần hát ghẹo”.
P.V: Kịch hát dân ca đã cho anh rất nhiều, hầu như cuộc đời anh đều gắn với nhà hát và anh được vinh quang, vui buồn, hạnh phúc cũng từ đây. Vậy, sự đau đáu của những lớp nghệ sỹ tên tuổi như anh chắc hẳn rất nhiều với sân khấu Dân ca xứ Nghệ trong đời sống xã hội, anh có thể chia sẻ?
NSƯT Hồng Dương: Tôi thường nói với các bạn trẻ rằng, ngay từ những năm tháng tuổi trẻ tôi đã lựa chọn nghề này. Có lẽ một phần là do nhà đông anh em nên từ nhỏ mẹ tôi đã hướng cho tôi đi theo con đường được “Nhà nước nuôi dưỡng” để có cái ăn, cái mặc. Năm 1986, tôi thi vào Trường Sân khấu điện ảnh, tôi kết thúc 2 năm học văn hóa 3 năm học biểu diễn sân khấu thì về đầu quân cho Đoàn Chèo Nghệ Tĩnh. Thuở đó, chèo lớn mạnh lắm, những vở diễn như “Cô gái sông Lam”… tôi cũng có mặt và ghi những dấu ấn. Sau này lớp diễn viên chúng tôi khi được nhập chung vào Đoàn Dân ca Nghệ Tĩnh cũng là những nòng cốt xây những viên gạch đầu tiên cho kịch hát Dân ca Nghệ Tĩnh. Những viên gạch phôi thai mà chúng tôi gọi là “vừa đi vừa xếp hàng” đã cho chúng tôi sự trưởng thành, sự vững tay trên con đường bảo tồn vốn quý di sản phi vật thể là Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh.
Sau nhiều thăng trầm, sau những năm tháng miệt mài dưới ánh đèn sân khấu, đến nay tôi may mắn được đoàn cho đi học lớp đạo diễn sân khấu. Tôi cũng đã cho ra mắt hơn 50 vở diễn lớn, nhỏ do tôi làm đạo diễn, nhiều sân khấu truyền thống của các tỉnh bạn cũng mời tôi làm cộng tác trong vai trò diễn viên, đạo diễn.
Có điều tôi muốn nói là, khi được nghiên cứu, học hỏi thông qua những kiến thức được học ở môi trường làm đạo diễn tôi đã vỡ ra nhiều điều, vỡ ra rằng, sân khấu truyền thống Việt Nam nói chung và sân khấu Dân ca xứ Nghệ nói riêng chưa thực sự là món sản vật trời ban, được cha ông ngàn đời gây dựng, bởi công chúng chưa đến với sân khấu như vốn quý mà nó đang mang.
Ở Trung Quốc, để xem được một vở diễn sân khấu truyền thống, người ta phải đặt trước cả tháng trời với giá vé không hề rẻ; thế nhưng ở ta, việc bán vé cho một vở sân khấu truyền thống xem ra khó khăn. Điều này chúng ta cần phải suy nghĩ và chung tay để cùng đưa sân khấu tiến thêm những bước tiến quan trọng trong lòng độc giả.
P.V: Vậy theo nghệ sỹ, để thúc đẩy sự phát triển của sân khấu truyền thống, chúng ta cần bổ cứu những khâu nào?
NSƯT Hồng Dương: Cần nghiên cứu cách thức đào tạo trẻ, để chúng ta có nguồn, chỉ có đào tạo trẻ chúng ta mới có người kế thừa, tiếp tục xây dựng sân khấu lớn mạnh. Hai là, có cơ chế để xã hội hóa sân khấu. Ba là, cần phối hợp tuyên truyền để mỗi vở diễn đều đến được với công chúng cả nước và kiều bào…
P.V: Cá nhân tôi tin rằng, cả đời này anh sẽ mang tâm huyết, tình yêu và những kiến thức tích lũy được để cống hiến cho sân khấu xứ Nghệ. Anh có thể thông tin những dự định của mình trong tương lai?
NSƯT Hồng Dương: Tôi luôn tâm niệm mình là người xứ Nghệ sẽ mang cái tâm huyết và tình yêu của người Nghệ để lan tỏa tình yêu dân ca, để bảo tồn và phát huy di sản phi vật thể của nhân loại. Thế nên, trọng trách và sứ mệnh lớn lắm, tôi nguyện sẽ đi theo sân khấu truyền thống đến cùng.
P.V: Xin cảm ơn nghệ sỹ Hồng Dương về cuộc trò chuyện này!