Liên tục nửa thế kỷ người Việt Nam đã đứng lên chống thực dân Pháp xâm lược. Song sự bất lực của tư tưởng quân chủ, của triều đình nhà Nguyễn, sự lạc hậu của nền văn hóa, giáo dục và trình độ kinh tế, khoa học của đất nước đã dẫn đến thất bại.
Những năm cuối cùng của thế kỷ XIX, sau khi bình định xong toàn cõi Việt Nam, thực dân Pháp khẩn trương tổ chức và kiện toàn cơ chế phủ toàn quyền và bắt tay vào công cuộc khai thác thuộc địa. Từ đó đã hình thành các ngành công nghiệp, các trung tâm công nghiệp ở Hà Nội, Sài Gòn, Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định, Vinh, Đà Nẵng…; các đồn điền ở khắp ba kỳ; giao thông phát triển cả đường bộ, đường sắt, đường thủy; bưu điện hình thành; ngân hàng xuất hiện… Phương thức sản xuất tư bản bắt đầu du nhập vào Việt Nam. Từ đây, giai cấp tư sản và giai cấp công nhân Việt Nam ra đời.
Nhiều đô thị mới hình thành bên cạnh các đô thị cũ. Tính chất đô thị cũng thay đổi, gắn liền với công nghiệp, dịch vụ nhiều hơn. Diện mạo văn hóa vật chất thay đổi với nhiều yếu tố hiện đại và văn minh. Theo đó, thị dân đông đảo hơn cùng với sự xuất hiện của tầng lớp tiểu tư sản thị dân, trí thức, văn nghệ sĩ. Tác động của công cuộc khai thác thuộc địa này với xã hội Việt Nam rất mạnh mẽ không chỉ về phương diện kinh tế mà cả tư tưởng, văn hóa, giáo dục. Một nền giáo dục theo kiểu phương Tây được hình thành.
Cũng trong giai đoạn này, tình hình khu vực và thế giới có nhiều biến động. Sau thành công của Minh Trị duy tân ở Nhật Bản là phong trào Mậu Tuất duy tân, cuộc cách mạng Tân Hợi (1911) ở Trung Quốc, cuộc cách mạng 1905 ở Nga và chiến thắng của nước Nhật trong cuộc chiến tranh Nga – Nhật (1905) đã ảnh hưởng sâu sắc đến tư tưởng và văn hóa của Việt Nam.
Với sự thay đổi về nền tảng kinh tế và cơ cấu xã hội, văn hóa Việt Nam đứng trước tình trạng khủng hoảng đứt gãy truyền thống trên hầu hết các phương diện tư tưởng, văn học, giáo dục, lối sống… Cái cũ thì đã quá lạc hậu, cái mới tiến bộ thì chưa định hình, các chủ thể văn hóa do bị chế độ thực dân khống chế nên không thể chủ động để làm chủ tiến trình văn hóa dân tộc. Văn hóa Việt Nam ở vào tình thế phải lựa chọn con đường phát triển. Về văn hóa chính trị đó là lựa chọn giữa quân chủ hay dân chủ, phong kiến hay dân chủ tư sản? Về giáo dục là tân học hay cựu/Nho học? Về văn hóa là văn hóa Nho giáo/phương Đông hay văn hóa phương Tây? Hay lựa chọn từng phần để tích hợp với các yếu tố truyền thống để xây dựng một nền văn hóa dân tộc mới? Và bất cứ sự chọn lựa nào đều phải hướng đến nhiệm vụ giành độc lập dân tộc.
Đây là một sự lựa chọn vô cùng khó khăn vì sức ỳ, sự lạc hậu và bảo thủ của thể chế quân chủ, của nền văn hóa Nho giáo đã bám rễ quá sâu trên nền tảng kinh tế nông nghiệp lạc hậu. Văn hóa phương Tây có nhiều ưu điểm, nhưng lại gắn liền với vấn đề dân tộc vì nó vào Việt Nam chủ yếu bằng con đường thực dân. Hơn nữa, “cơ địa” của văn hóa Việt Nam vẫn là văn hóa Đông Nam Á, văn hóa phương Đông. Tích hợp, tiếp biến văn hóa phương Tây thì chưa có kinh nghiệm và cũng chưa chuẩn bị đủ lực lượng, nhất là giới tinh hoa, để gánh vác trong bối cảnh bị thống trị bởi chủ nghĩa thực dân.
Còn hôm nay, đất nước đã độc lập, đã giành được nhiều thành tựu về chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, đặc biệt sau hơn 30 năm Đổi mới. Nhưng, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: [… Văn hóa chưa được các cấp, các ngành nhận thức một cách sâu sắc và chưa được quan tâm một cách đầy đủ, tương xứng với kinh tế và chính trị; chưa thật sự trở thành nguồn lực, động lực nội sinh của sự phát triển bền vững đất nước. Vai trò của văn hóa trong xây dựng con người chưa được xác định đúng tầm, còn có chiều hướng nặng về chức năng giải trí. Phát triển các lĩnh vực văn hóa chưa đồng bộ, còn phiến diện, nặng về hình thức, chưa đi vào chiều sâu, thực chất. Thiếu những tác phẩm văn hóa, văn học, nghệ thuật lớn, tầm cỡ, phản ánh được tầm vóc của sự nghiệp đổi mới, có tác dụng tích cực đối với việc xây dựng đất nước, xây dựng con người. Môi trường văn hóa vẫn bị ô nhiễm bởi các tệ nạn xã hội, tham nhũng, tiêu cực. […] tiếp nhận tinh hoa văn hóa nhân loại còn hạn chế; chưa coi trọng đúng mức và có biện pháp tích cực để giữ gìn, bảo vệ và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp, đặc sắc của dân tộc; nhiều khi bắt chước nước ngoài một cách nhố nhăng, phản cảm, không có chọn lọc (nói nặng ra là “vô văn hóa”, “phản văn hóa”)].
Bởi vậy, một lần nữa, Việt Nam phải lựa chọn con đường chấn hưng văn hóa, xây dựng con người mới để phát triển đất nước. Sự lựa chọn này là tất yếu vì tình thế văn hóa, lớn hơn là tình thế quốc gia dân tộc đang có những khó khăn trên đường phát triển. Nội lực văn hóa, đặc biệt là yếu tố con người, đang có dấu hiệu bị nghẽn lại trong lúc đó nhu cầu nguồn lực nội sinh cho phát trriển ngày càng cao. Mặt khác, bối cảnh quốc tế tuy rằng thuận lợi hơn rất nhiều so với hồi đầu thế kỷ XX nhưng cũng đầy phức tạp đòi hỏi cao năng lực lựa chọn, tiếp biến, điều chỉnh trong quá trình giao lưu, tiếp nhận.
Tính từ năm 1945 đến nay, đây không phải là lần đầu chúng ta phải điều chỉnh chiến lược phát triển văn hóa. Lần đầu tiên, sau Cách mạng Tháng Tám 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh xác quyết: “Số phận dân ta là ở trong tay dân ta. Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi. Tôi mong chúng ta đem văn hóa lãnh đạo quốc dân để thực hiện Độc lập, Tự cường và Tự chủ”. Lần thứ hai, khi bắt đầu kháng chiến chống Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh định hướng: “Xây đắp một nền văn hóa kháng chiến kiến quốc của toàn dân” (1948). Và, “Mục đích của những người làm công tác văn hóa chúng ta là thắng địch, giữ nước, làm cho dân mạnh, dân tiến, dân tin, dân vui, là chống văn hóa nô dịch, ngu dân của thực dân Pháp, khắc phục những tư tưởng phong kiến, lạc hậu trong văn hóa nước nhà, là xây dựng một nền văn hóa dân chủ mới Việt Nam và góp phần văn hóa Việt Nam vào kho tàng văn hóa thế giới” (Trường Chinh – Hội nghị VHTQ lần thứ 2).
Và lần thứ ba với điểm khởi đầu là Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII, năm 1998. Sau hơn 30 năm Đổi mới, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Phải tiếp tục xây dựng, giữ gìn và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự là “nền tảng tinh thần”, “động lực phát triển”, và “soi đường cho quốc dân đi”; phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, thịnh vượng…”. Trong đó: “Trọng tâm xây dựng và phát triển văn hóa là xây dựng con người có nhân cách và xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh…” để xây dựng, hoàn thiện hệ giá trị Dân tộc, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam.
Trên cơ sở xác định 6 nhiệm vụ, Tổng Bí thư đã đưa ra 4 giải pháp để chấn hưng nền văn hóa trong đó “Trước hết là tiếp tục nâng cao nhận thức và năng lực lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước trên lĩnh vực văn hóa”.
Nhìn lại cuộc Duy tân văn hóa đầu thế kỷ XX, ta có thể thấy có những điểm tương đồng với sự nghiệp chấn hưng văn hóa hiện nay.
Cuộc Duy tân văn hóa lúc bấy giờ chưa có tổ chức đảng phái chính trị dẫn đường, mà mở đầu là nỗ lực tự giác dấn thân của tầng lớp tinh hoa để dẫn dắt cộng đồng. Công cuộc Duy tân đầu thế kỷ XX hướng tới giải quyết vấn đề dân tộc nhưng có hai xu hướng/chủ thuyết khác nhau do hai nhà đại ái quốc là Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh dẫn đường. Phan Bội Châu thủ lĩnh của phái “ám xã” chủ trương bạo động để giành độc lập, xây dựng nền quân chủ lập hiến. Ông thành lập Duy Tân hội, hy vọng vào Nhật Bản đồng chủng, đồng văn, phát động phong trào Đông Du để xây dựng lực lượng. Ở ông, về sau đã có những chuyển biến về tư tưởng chính trị, đã hướng sang Dân chủ tư sản, thậm chí tiếp cận học thuyết xã hội chủ nghĩa nhưng vẫn luôn ủng hộ duy tân về văn hóa của phái Minh xã do Phan Chu Trinh làm thủ lĩnh. Ngược lại, Phan Chu Trinh chủ trương “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” để tự chủ, tự lực, tự cường tiến tới giành độc lập, xây dựng nhà nước dân chủ tư sản. Ông cùng Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng là người khởi xướng và dẫn dắt phong trào Duy tân để xây dựng nền văn hóa mới cho một quốc gia dân tộc mới.
Theo Phan Chu Trinh, để có nền văn hóa mới phải bắt đầu bằng việc phản tư văn hóa, phê phán những lạc hậu, lỗi thời của nền văn hóa cũ, tiếp nhận những giá trị tích cực, tiến bộ của văn hóa phương Tây để kiến tạo nền văn hóa mới. Phong trào Duy tân với nỗ lực của giới trí thức đã khẩn trương hoàn thiện, truyền bá chữ Quốc ngữ, xây dựng nền Quốc học – nền giáo dục mới theo hướng hiện đại của phương Tây. Khởi phát từ Trường Phú Lâm do Lê Cơ sáng lập ở Quảng Nam, một mô hình trường học mới ra đời với đỉnh cao là Đông Kinh nghĩa thục. Cổ vũ phát triển nền báo chí Quốc ngữ phát triển, xây dựng nền văn học Quốc ngữ, nền học thuật mới. Hô hào xây dựng nếp sống mới tiến bộ, xóa bỏ mê tín dị đoan.
Nhận định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về những yếu kém, khuyết điểm về văn hóa trong Hội nghị vừa rồi cũng là một phản tư sâu sắc, khách quan về văn hóa. Đặc biệt, cảnh báo hậu quả của sự yếu kém này đối với quá trình phát triển của đất nước.
Khoảng cách hơn 100 năm với nhiều khác nhau về bối cảnh chủ quan và khách quan, nhưng có thể thấy có nhiều tương đồng giữa hai cuộc chấn hưng văn hóa. Trong đó có thể thấy, điểm gặp lớn nhất là nhận thức về vai trò văn hóa đối với sự tồn tại và phát triển của dân tộc, khát vọng Duy tân – Đổi mới nền văn hóa để làm điểm tựa chấn hưng dân tộc, đưa đất nước tiến lên phía trước, hội nhập với thế giới hiện đại. Điểm gặp thứ hai là thấu rõ vai trò tiên phong dẫn dắt của đội ngũ trí thức. Điểm gặp thứ ba là nhận thức về vấn đề Con người, về giáo dục để có mẫu hình con người mới cho một nền văn hóa mới. Cả Phan Chu Trinh và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đều nói đến “nòi giống” trong diễn ngôn của mình với ý nghĩa nhấn mạnh yếu tố con người trong phát triển văn hóa và quốc gia dân tộc.
Theo Phan Chu Trinh, mẫu hình của con người thời đại mới không chỉ là những khía cạnh của trung hiếu, hy sinh của Nho gia là một mẫu người nhân nghĩa, có óc thực tế, ham hiểu biết, biết học và cần học cái gì để tiến bộ cho kịp với thế giới, phải có chí mạo hiểm, có tinh thần đoàn kết yêu thương nhau. Còn theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là mẫu người “yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo”. Và, thêm một điểm tương đồng nữa, đó là tinh thần “tự khai hóa” của Phan Chu Trinh và quan điểm “phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Nếu quan niệm dân tộc là cộng đồng những người cùng chung một lịch sử, nói chung một ngôn ngữ, sống chung trên một vùng lãnh thổ và có chung một nền văn hoá thì văn hóa và dân tộc là mối quan hệ hữu cơ, biện chứng. Các nhà Duy tân đầu thế kỷ XX và Đảng ta ngày nay đều nhận thức rất sâu sắc về vấn đề này. Văn hóa là máu, là hồn của dân tộc. Muốn dân tộc hùng cường, đất nước phồn thịnh phải có nền văn hóa phát triển, phải thức tỉnh “hồn dân tộc” trong mỗi một con người.
Phan Chu Trinh chủ trương “chấn dân khí”, tức là làm cho mọi người thức tỉnh tinh thần tự chủ, tự lực, tự cường, giác ngộ được quyền lợi của mình, giải thoát khỏi sự kìm kẹp của chế độ quân chủ chuyên chế. Các nhà Duy tân cho rằng muốn chấn hưng dân tộc, khôi phục được độc lập, trước hết phải tăng cường nội lực, phải vạch ra những thiếu sót của nền văn minh cũ, phải hướng tới những giá trị nhân đạo, dân chủ, văn minh mới. Muốn “chấn dân khí” thì phải nâng cao dân quyền để đi tới dân chủ. Phan Châu Trinh và các nhà duy tân là những người đi đầu trong việc đòi hỏi dân quyền ở Việt Nam đầu thế kỷ XX, khơi dậy cao trào đấu tranh của hàng vạn người tham gia chống thuế, đòi mở rộng nhân quyền, cải thiện dân sinh. “Hồn dân tộc” sống lại trong đấu tranh đòi dân quyền và đổi mới văn hóa khi dân trí được nâng cao bởi giáo dục. Dân trí, dân khí, dân sinh là tương sinh, phải gắn liền và vận động đồng thời để thúc đẩy nhau phát triển. Đó là biện chứng phát triển của văn hóa và dân tộc trong quan điểm Phan Chu Trinh và các nhà Duy tân.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhận thức sâu sắc và nhấn mạnh mối liên hệ giữa văn hóa và dân tộc: “Chúng ta cùng nhau nhận thức sâu sắc hơn, đầy đủ hơn và toàn diện hơn về vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng của văn hóa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cũng như trong việc thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, xứng tầm với sự nghiệp đổi mới và truyền thống lịch sử vẻ vang ngàn năm văn hiến của dân tộc”. Ý kiến này đã khẳng định quan điểm của Đảng về mối liên hệ giữa văn hóa và dân tộc trong thời đại mới.
Một trăm năm là khoảng cách thời gian giữa hai cuộc chấn hưng văn hóa dân tộc. Nội lực văn hóa, vị thế và sức mạnh dân tộc đã khác, bối cảnh quốc tế cũng đã thay đổi. Nhưng nhìn lại có thể thấy tình thế văn hóa vẫn có những đặc điểm tương đồng và đều buộc phải lựa chọn đổi mới, phải chấn hưng để “làm mới dân tộc”, để phát triển đất nước.