Đối với những người lần đầu tiên ra Trường Sa như chúng tôi, mọi thứ ở đây đều rất mới mẻ. Từ những hàng cây, bến tàu, mái đình Việt cho đến việc được gặp gỡ, trò chuyện với những công dân đặc biệt trên đảo…
Trong 21 đảo, điểm đảo với 33 điểm đóng quân tại quần đảo Trường Sa chỉ có 3 địa điểm có người dân sinh sống, đó là tại các xã đảo Song Tử Tây, Sinh Tồn và thị trấn Trường Sa. Họ là những gia đình trẻ, sống, gắn bó với Trường Sa và xem đây là quê hương thứ 2 của mình. Dẫu xa đất liền hàng trăm hải lý, khó khăn trong việc đón nhận tin tức từ quê nhà. Thế nhưng, với những hộ dân Trường Sa, được sống giữa tình yêu thương đùm bọc của những người hàng xóm láng giềng, của tình quân dân trên đảo đã giúp họ vơi bớt nỗi nhớ quê hương, bản quán mà tập trung lao động sản xuất, chăm lo cho con cái học hành.
Chúng tôi đặt chân lên đảo Song Tử Tây từ buổi chiều, lúc này nhiều hộ dân khi hay tin cũng đã ra tận cầu tàu đón đoàn, phụ giúp bốc dỡ hàng hoá, họ chỉ mong được gặp, được bắt tay những người mới từ đất liền ra. Những con người xa lạ chưa gặp lần nào bỗng thân quen đến lạ thường. Đặc biệt hơn, chúng tôi còn được gặp những người con xứ Nghệ làm dâu, làm rể của mảnh đất Khánh Hoà rồi lên đường ra Trường Sa sinh sống như một cơ duyên.
Chị Nguyễn Thị Lan, quê quán tại xã Hưng Trung, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An), là một trong những hộ dân tại đây. Năm 2010 sau khi vào Bình Dương làm công nhân, chị bén duyên với anh Ngô Thành Được, sinh ra và lớn lên tại phường Cam Phú, thành phố Cam Ranh (Khánh Hoà). Sau khi trở về quê chồng sinh sống được một thời gian, năm 2018, vợ chồng chị quyết định ra Trường Sa sinh sống, lập nghiệp.
Ngày lên đường, hai vợ chồng dắt theo 2 đứa con còn nhỏ tuổi, đứa lớn vừa học hết mẫu giáo, đứa nhỏ còn học mẫu giáo bé mà nước mắt rưng rưng. Đã vậy, ngày đó do biển động, anh chị phải mất tới 22 ngày mới lên được Song Tử Tây, bố mẹ say sóng còn chịu được chứ con nhỏ thì thương lắm.
Sau những bỡ ngỡ ban đầu, được các cán bộ, chiến sĩ và các hộ láng giềng bên cạnh giúp đỡ, anh chị đã dần hoà nhập với cuộc sống trên đảo. Anh Được ngoài việc chăm lo cho gia đình còn tham gia vào Tiểu đội dân quân tự vệ, còn chị Lan thì trồng rau, nuôi gà, cải thiện cho cuộc sống gia đình. Đến nay, hai cháu Ngô Nguyễn Thiên Long (anh) và Ngô Nguyễn Thiên Lân (em), cũng đã gần kết thúc bậc tiểu học.
“Cuộc sống trên đảo dù rất thiếu thốn, nhất là nguồn nước ngọt, điện gió và điện mặt trời nhiều lúc không đủ, tuy vậy nhờ có sự đùm bọc, đoàn kết giữa các đơn vị kết nghĩa và các hộ dân xung quanh nên cũng đỡ vất vả hơn. Vào ngày lễ, Tết, các hộ lại quây quần cùng với các cán bộ, chiến sĩ tham gia gói bánh chưng, hái hoa dân chủ, cùng đón Giao thừa, nghe lời chúc Tết của Chủ tịch nước và đi chùa đầu năm. Cuộc sống thanh bình cứ thế trôi” – Chị Lan mở lòng.
Không riêng gì gia đình chị Lan, gia đình anh Sầm Văn Lương, quê quán tại xã Châu Quang, huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) cũng là một công dân đặc biệt ở Song Tử Tây. Anh Lương lấy vợ người xã Cam Thành Bắc, huyện Cam Lâm (Khánh Hoà) từ năm 2006. Sau một thời gian về quê vợ sinh sống, đến năm 2018 gia đình anh cũng ra Trường Sa. Hiện tại, cháu đầu của gia đình anh chị sinh năm 2008 đang được gửi cho ông bà ngoại để đi học trên đất liền, còn con gái út sinh năm 2013 theo bố mẹ ra đảo để sinh sống và học tập.
Cuộc sống đối với những hộ dân trên các xã đảo tại Trường Sa trôi qua một cách thanh bình. Hàng ngày cứ vào 5 giờ sáng, khi tiếng kẻng báo thức trên đảo Song Tử Tây vang lên cũng là lúc bình minh của các công dân trên xã đảo bắt đầu. Các cháu nhỏ thì cắp sách đến trường, các chị, các mẹ thì nép dọn nhà cửa, tăng gia sản xuất, còn các anh – những trụ cột gia đình thì khoác lên mình trang phục dân quân tự vệ để cùng các cán bộ, chiến sĩ tuần tra, bảo vệ đảo, những lúc rảnh rỗi lại ra khơi đánh bắt cá.
Biết chúng tôi từ Nghệ An vào đây công tác, cả chị Lan và anh Lương cũng muốn nhắn gửi đến gia đình, người thân ở quê những lời chúc sức khoẻ chân thành. Họ tin rằng con cái mình sau này sẽ rất tự hào kể về Trường Sa, về nơi mình lớn lên cho bạn bè cùng trang lứa. Còn bản thân các anh, các chị thì luôn muốn đem những kỷ niệm đẹp về Trường Sa kể cho gia đình, người thân với niềm tự hào và vinh dự lớn lao. Không vinh dự sao được khi họ đã trở thành những công dân nơi đầu sóng, ngọn gió. Niềm tự hào ấy đã hiện lên trong ánh mắt, nụ cười của tất cả những công dân trên xã đảo Song Tử Tây và xã đảo Sinh Tồn nơi chúng tôi đến.
Điều đặc biệt ở các xã đảo Song Tử Tây và Sinh Tồn là những ngôi nhà của các hộ dân đều được xây dựng san sát nhau, được đánh số theo thứ tự. Trước cổng mỗi ngôi nhà được đặt bộ bàn ghế đá, bên trong sân luôn có những giàn bầu, giàn mướp đắng xanh mướt và phía sau nhà là tiếng lợn, gà, vịt nháo nhác đòi ăn… Không chỉ có tình yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ nhau giữa các hộ gia đình. Các hộ dân còn được các cụm, đơn vị của đảo nhận kết nghĩa, giúp đỡ. Điều đó càng tô thắm thêm nét đẹp của tình quân dân.
Vợ chồng anh Doãn Thế Hiển và chị Lữ Kim Cúc là một trong những hộ dân sinh sống trên đảo Sinh Tồn. Anh chị quê ở xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm (Khánh Hoà). Sau khi ra đảo Sinh Tồn sinh sống, anh chị được Nhà nước hỗ trợ xây dựng căn nhà kiên cố. Ngoài một số vật dụng sinh hoạt cơ bản, khi ra đảo, anh chị còn sắm thêm một số vật dụng tiện nghi như ti vi, tủ cấp đông để cất trữ thức ăn.
Dẫn chúng tôi thăm một vòng xung quanh ngôi nhà, anh Hiển bảo, hồi mới đầu ra chưa quen với cuộc sống nên còn gặp nhiều khó khăn, nhất là việc tích trữ nước ngọt, tăng gia sản xuất. Sống ở đất liền có điện lưới đã quen, nay ra đảo sử dụng điện năng lượng mặt trời, điện gió và đôi lúc nhờ máy phát của bộ đội, mới đầu cũng rất bỡ ngỡ. Nhưng dần dần được các cán bộ, chiến sĩ trên đảo giúp đỡ, và khi đã quen với cuộc sống này lại cảm thấy thoải mái hơn, đỡ áp lực với cuộc sống xô bồ như ở đất liền.
Vừa trò chuyện, vừa tranh thủ sửa lại mấy bóng điện, công tắc trong nhà để đấu nối với tấm pin năng lượng mặt trời, anh Hiển khoe tấm pin năng lượng này là món quà của các đoàn công tác trước đây ra trao tặng. Cuộc sống ở đảo tuy vất vả nhưng các hộ dân trên đảo không phân biệt quê quán mà luôn đùm bọc, yêu thương lẫn nhau.
Gặp chị Phan Nguyễn Xuân Thùy – hộ dân số 2 trên đảo Sinh Tồn khi chị Thùy đang dọn dẹp lại nhà cửa. Đến giúp đỡ gia đình chị còn có 3 chiến sĩ trẻ của Cụm 2, họ mang theo vôi ve để quét lại bờ rào cho đẹp để đón Xuân. Đây là đơn vị nhận giúp đỡ gia đình chị Thùy trong cuộc sống. Mỗi khi gia đình có việc cần, anh em trong đơn vị lại đến giúp đỡ, có khi là xuống lắp lại pin mặt trời, sửa chữa các vật dụng, đồ đạc trong nhà.
Chị Thùy chia sẻ, những giúp đỡ kịp thời của cán bộ, chiến sĩ đơn vị kết nghĩa là rất thiết thực. Giúp cho các hộ gia đình trên đảo vơi bớt nỗi nhớ quê hương. Mỗi khi gia đình có việc đều mời đơn vị kết nghĩa đến chung vui, nhất là các ngày giỗ chạp, ngày lễ, Tết. Nhờ vậy mà tình đoàn kết quân dân luôn được đề cao, tăng cường, ai cũng yêu mến, gắn bó với Trường Sa.
Trung tá Đinh Cao Toan – Chính trị viên đảo Sinh Tồn cho biết: Việc kết nghĩa với các hộ dân, các đơn vị dân sự là chủ trương chung của đơn vị, trên cơ sở quán triệt các Chủ trương, Nghị quyết, hướng dẫn của cấp trên về công tác vận động quần chúng. Ngoài việc giúp đỡ các hộ dân, đơn vị còn tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành tốt chủ trương, đường lối, của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Thực hiện phương châm “nói cho dân hiểu, làm cho dân tin”, đơn vị đã tiến hành tốt công tác dân vận, vừa kết hợp với việc tuyên truyền về biển, đảo không chỉ cho các hộ dân trên đảo mà còn với các ngư dân khi vào đảo neo đậu. Những việc làm đó, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc trên vùng biển, đảo của quê hương.
Có thể thấy rằng, được sự quan tâm lớn của Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng trong các chế độ chính sách, sự giúp đỡ nhiệt thành của các đơn vị nơi có các hộ dân đứng chân, đời sống nhân dân trên các xã đảo, thị trấn đảo ở Trường Sa đã từng bước được nâng lên. Những tình cảm ấy đã trở thành chất keo bền chặt, gắn kết tình quân dân trên đảo.
Đúng như lời anh Huỳnh Đức Phong – một hộ dân và cũng là Tiểu đội trưởng Tiểu đội dân quân tự vệ trên đảo Sinh Tồn thì “Được sống, làm việc và học tập trên quần đảo Trường Sa thân yêu, giữa những buổi chào cờ lồng lộng gió biển trước mốc chủ quyền, và nghe những câu chuyện rất đỗi tự hào về lòng quả cảm của các chiến sĩ hải quân, tinh thần bất khuất, kiên cường của cha ông, đối với chúng tôi đã là một điều đặc biệt. Đặc biệt hơn khi chúng tôi chính là những công dân, những nhân chứng sống đang từng ngày được chứng kiến sự hy sinh thầm lặng của các cán bộ, chiến sĩ vì sự bình yên của những tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc”.