Dù đối mặt với nhiều khó khăn, thiếu thốn so với trên đất liền, tuy nhiên, các cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa đều nỗ lực tăng gia sản xuất, ổn định cuộc sống, xây dựng đảo vững mạnh, góp phần bảo vệ vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Giữa trùng khơi, quanh năm chỉ có nắng và gió biển mặn chát, thường xuyên hứng chịu nhiều đợt thiên tai, tuy nhiên, những cán bộ, chiến sĩ trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa luôn phát huy phẩm chất người lính Hải quân, vượt lên sóng gió để đẩy mạnh tăng gia sản xuất, chăn nuôi, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống. Bên cạnh nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu thì tăng gia sản xuất cũng là nhiệm vụ được triển khai thường xuyên, liên tục trong nhiều năm qua.
Ghé thăm khu vực tăng gia tập trung trên đảo Sinh Tồn, trước mắt chúng tôi là khu vườn rộng lớn với nhà lưới và hàng rào bao quanh, rộng khoảng 1.000m2, xanh mướt với đa dạng các loại rau xanh. Thật bất ngờ khi giữa điều kiện thời tiết khắc nghiệt như vậy, những cây rau cải, rau muống, mồng tơi, rau dền… vẫn vươn lên xanh tốt, thách thức giông gió. Có được thành quả này là sự cố gắng không biết mệt mỏi của cán bộ, chiến sĩ trên đảo Sinh Tồn.
Trung tá Đinh Cao Toan – Chính trị viên đảo Sinh Tồn chia sẻ: Đảo Sinh Tồn cũng hội tụ những khó khăn trong sản xuất tương tự các đảo trên quần đảo Trường Sa như: Thời tiết khắc nghiệt, thiếu nước ngọt, đất nhiễm mặn… Tuy nhiên, cán bộ, chiến sĩ không ngại gian khó, nỗ lực biến đất cằn cỗi thành đất có thể canh tác được bằng nhiều phương pháp như: Căng bạt, lắp đặt nhà giàn, che chắn cẩn thận để hạn chế việc xâm nhập mặn, thường xuyên xới và cải tạo đất, tích trữ nước mưa để tưới rau, tận dụng các khay, chậu để trồng rau tại nhiều khu vực…
Nhờ vậy mà trong các bữa ăn của cán bộ, chiến sĩ trên đảo đều đảm bảo được nguồn thực phẩm tại chỗ, đặc biệt là rau xanh.
Ở Trường Sa ruộng cải, vườn rau đều được xây tường cao từ 1m trở lên bao quanh để chắn gió cát. Đến nỗi nhiều chiến sĩ còn nói vui, đây là đặc điểm riêng của “nghề” trồng rau ở Trường Sa mà không làng nghề trồng rau nào ở đất liền có được. Khi được tận mắt nhìn thấy những luống rau xanh mướt trong những ô tường gạch, ai nấy cũng đều trầm trồ, thán phục tinh thần của người lính giữa hải đảo xa xôi. Đất đai trên đảo chủ yếu là cát san hô đã nhiễm mặn, chỉ phù hợp với những cây nước lợ như: Phong ba, mù u, bàng vuông, phi lao… bên cạnh đó, thời tiết luôn khắc nghiệt, có những tháng không có mưa, do đó, để cây rau sinh trưởng và phát triển được trong thời tiết như vậy là cả một quá trình đúc rút kinh nghiệm và công sức của các chiến sĩ.
Đại úy Đàm Minh Ánh, làm nhiệm vụ tại đảo Song Tử Tây nhấn mạnh: Các giống rau, khay trồng, phân bón đều phải gửi từ đất liền ra nên chúng tôi rất trân quý và sử dụng tiết kiệm. Trong việc trồng rau xanh thì nước ngọt là quan trọng nhất, tuy nhiên, nơi đảo xa, bao quanh là biển mặn chát, những giọt nước ngọt lại khan hiếm nhất. Nước sau khi rửa rau, vo gạo, tắm rửa… đều được các chiến sĩ giữ lại, tận dụng để tưới rau, vì ai cũng hiểu, nước ngọt giữa biển đảo quý giá như thế nào. Các chiến sĩ ngoài thời gian làm nhiệm vụ sẽ phân công nhau trồng và chăm sóc rau hàng ngày. Đặc biệt là trong mùa mưa bão, những khay rau được bảo quản, che chắn cẩn thận hoặc có thể thu hoạch sớm để tránh thiệt hại nếu bão đổ bộ.
Việc trồng trọt đã khó, chăn nuôi trên đảo cũng gian nan bội phần. Ghé thăm khu vực chăn nuôi tại các đảo Song Tử Tây, Sinh Tồn… Chúng tôi nhận thấy những chú lợn, gà, vịt… được các chiến sĩ chăm sóc cẩn thận. Chuồng trại chăn nuôi được xây dựng khép kín, khuất gió, tránh sóng. Chia sẻ về kinh nghiệm chăn nuôi trên đảo, các chiến sĩ cho biết: Trước đây, mỗi khi vật nuôi được vận chuyển từ đất liền ra thì hầu hết đều không trụ nổi giữa thời tiết khắc nghiệt, do đó, việc cho vật nuôi thích nghi được với môi trường sống trên đảo từ nhỏ là quan trọng nhất. Những quả trứng gà đưa ra từ đất liền được ấp nở thành con, đối với lợn được nuôi từ thời điểm mới tách mẹ… để chúng lớn dần lên và quen dần với thời tiết, môi trường tại Trường Sa. Nhờ vậy mà tỷ lệ vật nuôi bị chết đã giảm đáng kể trong quá trình chăm sóc so với trước đây.
Bên cạnh chăm sóc chu đáo, những người lính đảo cũng chú trọng đến việc bảo vệ môi trường trong chăn nuôi. Chuồng trại luôn được các chiến sĩ thay nhau vệ sinh sạch sẽ. Công tác phòng, chống dịch bệnh luôn được đảm bảo, đặc biệt là mùa mưa gió, chuồng trại được che chắn cẩn thận, kín kẽ. Nhờ những nỗ lực đó mà đàn vật nuôi trên các đảo nay đã phát triển ổn định. Giữa trùng khơi mênh mông, tiếng gà gáy vang mỗi sáng khiến ai cũng có cảm giác thân thuộc như ở nhà.
Đặt chân lên các xã đảo Song Tử Tây hay Sinh Tồn, ấn tượng với chúng tôi là những ánh mắt, nụ cười hồn nhiên của những đứa trẻ nơi đảo xa. Ở nơi đây không có điện thoại thông minh, mạng xã hội như trên đất liền, những đứa trẻ quấn quýt lấy nhau, nô đùa vui vẻ dưới tán cây phong ba, chơi những trò chơi truyền thống như ô ăn quan, nhảy dây, trốn tìm… Cuộc sống vô tư, không bị các thiết bị thông minh cám dỗ như các em nhỏ trên đất liền.
Trong điều kiện thời tiết sóng gió nơi hải đảo xa xôi, việc đảm bảo sức khỏe cho quân và dân trên đảo cũng được đặt lên hàng đầu. Các cán bộ, chiến sĩ hay ngư dân đánh bắt vào đảo đều được khám sức khỏe thường xuyên tại bệnh xá. Thiếu tá Nguyễn Văn Trường, Bệnh xá trưởng đảo Song Tử Tây cho biết: Do thời tiết khắc nghiệt, đặc biệt là thời điểm giao mùa, nên sức khỏe của những người sinh sống trên đảo thường bị ảnh hưởng, nhiều người mới ra đảo chưa quen với môi trường nên thường gặp các vấn đề về da liễu, tiêu hóa… Chúng tôi đều hỗ trợ khám, chữa bệnh tận tình. Mặc dù vậy, do điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị không thể đầy đủ như trên đất liền, nên đối với những ca bệnh nặng vẫn buộc phải đưa về đất liền để chữa trị…”.
Cùng đồng hành với chúng tôi trên chuyến tàu 490 để trở về đất liền sau 1 năm tăng cường tại Bệnh xá Song Tử Tây, Trung tá, bác sĩ Nguyễn Cao Vinh, vừa hoàn thành công tác trên đảo Song Tử Tây nhớ lại: Giai đoạn phòng, chống dịch Covid-19 ở trên đất liền đã vất vả, ở hải đảo cũng khó khăn bội phần vì nếu dịch bệnh lây lan, điều kiện y tế trên đảo sẽ khó đáp ứng được. Rất may mắn là toàn bộ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo đều tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng dịch nên sức khỏe đều được đảm bảo. Đối với trường hợp lên đảo luôn được xét nghiệm Covid-19 kịp thời và cách ly nếu có các triệu chứng.
Không chỉ khám, chữa bệnh cho quân và dân trên đảo, các y, bác sĩ tại bệnh xá còn kịp thời chữa bệnh cho các ngư dân bị đau ốm trong thời gian đánh bắt hải sản trên biển. “Nhiều ngư dân đi biển dài ngày, xa đất liền, không thể về bờ để chữa trị đã vào đảo để nhờ chúng tôi thăm khám, điều trị. Sau khi họ trở về đã gọi điện thoại cảm ơn khiến anh em chúng tôi rất xúc động…”. Thượng úy Hoàng Xuân Bảo, Bệnh xá trưởng đảo Sinh Tồn chia sẻ.
Gặp ông Nguyễn Văn Hòa, trú tại TP. Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên khi ông đang vào tái khám tại Bệnh xá đảo Sinh Tồn, chúng tôi được ông Hòa cho biết: Ông làm nghề đánh bắt cá ngừ đại dương, mỗi lần ra khơi thường kéo dài từ 2-4 tháng mới về đất liền. Do lênh đênh trên biển nên nhiều lúc đau ốm không lường trước được, thay vì phải chạy vào đất liền với khoảng cách rất xa, khi nào bị ốm, ngư dân thường vào các đảo nhờ các y, bác sĩ trên đảo thăm khám nên rất thuận lợi. Cách đây khoảng 10 ngày, ông Hòa bị đau bụng dữ dội, nghĩ là bị đau ruột thừa nên ông lên đảo Sinh Tồn để nhờ bác sĩ khám, nhưng rất may ông chỉ bị đau thận, sau khi thăm khám và cho thuốc, bác sĩ tại đây hẹn ông hôm nay đến khám lại.
“Mỗi lần vào đảo không chỉ được các cán bộ, chiến sĩ cấp nước ngọt, rau xanh, mà còn được thăm khám sức khỏe miễn phí khiến chúng tôi, những ngư dân quanh năm lênh đênh trên biển cảm thấy rất yên tâm” – ông Hòa chia sẻ.
Bên cạnh công tác huấn luyện, tăng gia sản xuất thì đời sống tinh thần của quân và dân trên đảo cũng rất phong phú. Giữa biển khơi mênh mông, những ngôi chùa bình yên mang nét đẹp văn hóa tâm linh của người Việt đã tiếp thêm tinh thần cho quân và dân nơi đầu sóng ngọn gió của Tổ quốc. Huyện đảo Trường Sa hiện có 9 ngôi chùa, chủ yếu nằm ở các đảo nổi như: Trường Sa Lớn, Song Tử Tây, Sinh Tồn, Sơn Ca, Phan Vinh… Các ngôi chùa đều có kiến trúc mái cong, lợp ngói, có tam điện, điện thờ và ban thờ các anh hùng liệt sĩ.
Sư thầy Thích Nhật Anh, chủ trì chùa Song Tử Tây chia sẻ: “Trong những năm qua, chùa là nơi lui tới thường xuyên của quân, dân đang sinh sống làm việc trên đảo, ngoài ra, ngư dân khi vào các âu tàu cũng thường ghé qua thắp hương cầu nguyện. Trong những ngày mồng Một, ngày Rằm, Tết… người dân trên đảo đều đến chùa để cầu cho mưa thuận gió hòa, đất nước phồn vinh, thái hòa, gia đình yên ấm, hạnh phúc. Không chỉ có người dân, anh em bộ đội cũng thường xuyên lên chùa lễ phật sau những giờ huấn luyện, lao động sản xuất…
Thời gian trên đảo dù chưa nhiều nhưng chúng tôi cũng đã cảm nhận trọn vẹn nhịp sống yên bình nơi đây. Không ồn ào, náo nhiệt, không xe cộ đông đúc, chỉ có những chiếc xe đạp vút đi dưới những tán phong ba, bàng vuông xanh ngắt và nụ cười luôn hiện rõ trên gương mặt của các chiến sĩ, người dân trên đảo. Đi trên đảo, nghe tiếng trẻ em ê a học bài, tiếng chuông chùa vang lên tĩnh lặng khiến khung cảnh càng trở nên yên bình. Những ngày cuối năm, quân và dân trên đảo cũng tổ chức nhiều hoạt động vui chơi truyền thống như kéo co, hái hoa dân chủ, gói bánh… đã động viên, cổ vũ tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ yên tâm với nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thân thương của Tổ quốc.