Hàng trăm tấn hàng đã được sắp xếp trên con tàu 490, mang theo những quất, đào, lá dong, gạo nếp… cùng biết bao tình cảm thân thương của đất liền gửi đến các cán bộ, chiến sĩ, người dân đang sinh sống, làm việc trên quần đảo Trường Sa. Dẫu gió mùa Đông Bắc tăng cường dịp cuối năm 2022 có khiến cho biển động dữ dội cũng không làm nhụt chí đoàn công tác với quyết tâm mang Tết sớm đến với Trường Sa…
Những ngày cuối năm 2022, phóng viên Báo Nghệ An vinh dự được cùng đoàn công tác đặc biệt của Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân ra thăm, chúc Tết, tặng quà quân và dân tại các đảo, điểm đảo, điểm đóng quân trên quần đảo Trường Sa. Đoàn công tác được bố trí trên 4 con tàu của Vùng 4 Hải quân, với đầy đủ nhu yếu phẩm phục vụ cho hải trình dài ngày trên Biển Đông.
Con tàu 490 do Thượng tá Phạm Văn Thọ – Phó Chính ủy Lữ đoàn 146, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân làm trưởng đoàn, hướng đến các đảo nằm phía Bắc của quần đảo Trường Sa là Song Tử Tây, Đá Nam, Sinh Tồn Đông, Cô Lin, Len Đao và Sinh Tồn.
Theo Thượng tá Phạm Văn Thọ, đây là chuyến đi đặc biệt, mang theo những tình cảm, niềm tin, những món quà giản dị và hơi thở mùa Xuân của đất liền đến với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên quần đảo Trường Sa. Điều đó thể hiện sự quan tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng và nhân dân cả nước đối với biển, đảo nói chung và quần đảo Trường Sa nói riêng. Đặc biệt, chuyến công tác được thực hiện trong điều kiện thời tiết không thực sự thuận lợi, thời gian hoạt động trên biển dài ngày, khiến cho những món quà đến tay cán bộ, chiến sĩ và người dân trên các đảo càng thêm ý nghĩa.
Trước khi thực hiện chuyến công tác, rất nhiều chuyến xe tải với hàng trăm tấn nhu yếu phẩm, quà Tết của các cơ quan, tổ chức, địa phương và người dân từ mọi miền Tổ quốc đã được lần lượt bốc lên 4 con tàu. Trong đó, chủ yếu là gạo, nếp, đường, sữa, dầu ăn, nước mắm, dầu gội đầu, xà phòng, cành mai, cây quất, thậm chí là cả lợn, mang ra để các đảo tổ chức đón Tết. “Quan điểm của Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân là phải chuẩn bị đầy đủ nhu yếu phẩm để quân và dân trên quần đảo Trường Sa vui Xuân, đón Tết. Đảm bảo việc đón Tết trên đảo cũng sẽ như đón Tết ở đất liền” – Thượng tá Thọ nhấn mạnh.
Đặc biệt, tham gia đoàn công tác lần này còn có một số thành viên của Câu lạc bộ “Vì biển, đảo quê hương”. Đây là những người tổ chức kết nối, vận động đưa những món quà từ đất liền ra với đảo xa. Anh Nguyễn Quang Hải – Giám đốc Marketing của Tập đoàn TH, thành viên của câu lạc bộ chia sẻ: Dù đây là lần thứ 2 anh ra với Trường Sa, nhưng lần nào với anh cũng dâng lên những cảm xúc khó tả. Anh vui mừng khi được đại diện cho các thành viên câu lạc bộ đưa những món quà thiết thực đến với các cán bộ, chiến sĩ, người dân đang sinh sống ở quần đảo Trường Sa. Với anh, những món quà như chai dầu gội, hộp kem đánh răng, lon sữa, gói bánh, chai tương bần, nước mắm… ở đất liền có thể là bình thường, nhưng với quân và dân trên đảo, đó là những món quà quý và rất thiết thực. Chuyến đi này, ngoài 125 cây quất, Câu lạc bộ “Vì biển, đảo quê hương” còn vận động, quyên góp được rất nhiều hàng hóa, nhu yếu phẩm trị giá hơn 800 triệu đồng. Tập đoàn TH cũng đã gửi hơn 200 thùng sữa tặng các trường học và các cháu học sinh tại các xã đảo ở Trường Sa.
Ngày tàu rời cảng, do ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc nên biển động rất mạnh, sóng to, gió lớn như muốn thử thách những người lần đầu ra đảo. Tại quân cảng Cam Ranh, sau khi Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân tổ chức xong Lễ tiễn đoàn công tác đi Trường Sa. Đúng 16h30 phút các tàu đồng loạt kéo vang 3 hồi còi chào tạm biệt đất liền và lần lượt nhổ neo rời cảng. Tất cả các thành viên trong đoàn công tác xếp hàng ngay ngắn trên boong tàu vẫy chào đất liền trong một cảm xúc khó tả khiến ai nấy đều rưng rưng.
Tàu rời Cam Ranh hướng về biển, đảo xa xôi, mang theo tâm trạng háo hức, chờ đợi của các thành viên trong đoàn và cả những chiến sĩ trẻ lần đầu tiên ra Trường Sa công tác. Ai cũng mong sớm đến được với vùng đảo đầu sóng ngọn gió, nơi tiền tiêu của Tổ quốc. Như cảm nhận được sứ mệnh thiêng liêng, mọi người cố nán lại trên boong đến khi mặt trời dần khuất bóng, để ngắm dáng hình đất nước từ biển. Khi những dãy núi cuối cùng của đất liền khuất đỉnh trong sóng nước mênh mông thì mới trở về chỗ nghỉ của mình.
Dù đã được cảnh báo trước, thế nhưng, những người lần đầu tiên đi biển như chúng tôi và cả những chiến sĩ trẻ tuổi mới mười tám, đôi mươi không thể ngờ được rằng, cơn say sóng lại đến nhanh như vậy. Khi tàu vượt qua phao số 0, những đợt sóng cao đến 4-5m do gió mùa Đông Bắc mang đến vỗ dồn dập vào thân tàu, khiến cho con tàu đồ sộ liên tục bị lắc lư, chao đảo. Bữa cơm tối đầu tiên trên tàu, đoàn phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí có 50 người nhưng đã thiếu hơn phân nửa, đặc biệt là các phóng viên nữ do bị say sóng. Trải qua cơn say sóng, chúng tôi lại càng hiểu thêm sự chịu đựng, những khó khăn, vất vả, thử thách mà cán bộ, chiến sĩ hải quân và những người làm nhiệm vụ trên quần đảo Trường Sa từng phải vượt qua.
Sau 2 ngày, 2 đêm miệt mài “đạp sóng”, con tàu 490 cũng đã đưa chúng tôi vượt qua hơn 350 hải lý để tiếp cận đảo Song Tử Tây. Trong ánh bình minh vừa ló rạng, Song Tử Tây hiện lên đầy kiêu hãnh và mờ ảo trong sương sớm. Biết tin đã đến gần đảo, dù mệt rã rời sau một hành trình dài, nhiều người trong đoàn kéo nhau lao lên boong tàu để tận mắt chứng kiến, ghi lại những bức hình về hòn đảo thân thương trong lần đầu tiên được ghé thăm. Tuy nhiên, ánh mặt trời chỉ xuất hiện trong chốc lát, sau đó là những cuộn mây đen ùn ùn kéo đến, biển động dữ dội. “Gió mùa lại tăng cường rồi, kiểu này sẽ khó tiếp cận đảo lắm đây”, Đại úy Trần Văn Nhật – Thuyền trưởng tàu 490 lo ngại.
Đại úy Nhật, quê ở xã Quỳnh Ngọc, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An), đã có 15 năm trong quân ngũ. Đối với anh, được chỉ huy con tàu đưa đoàn công tác đến với Trường Sa dịp cuối năm là một vinh dự đặc biệt. Bởi anh hiểu, các cán bộ, chiến sĩ và người dân trên quần đảo Trường Sa đang mong ngóng đoàn từng ngày. Và hơn hết, giữa mùa biển động việc đảm bảo chuyến đi an toàn, đưa được người và hàng hóa lên các đảo là một nhiệm vụ quan trọng bậc nhất.
Đúng như lo ngại của nhiều người, mùa biển động đã khiến việc đưa đoàn công tác và hàng hóa từ tàu 490 lên đảo Song Tử Tây khó khăn hơn rất nhiều. Đứng từ trên tàu có thể nhìn thấy những đợt sóng cao vút phủ kín luồng vào âu tàu. Vì Song Tử Tây là đảo lớn, lượng hàng hóa cần vận chuyển lên đảo nhiều, phải dùng tàu Vạn Hoa đưa hàng và người vào âu tàu. Trong khi đó, cửa luồng hẹp, kết hợp với sóng to, việc đưa tàu vào sẽ không an toàn.
Cân nhắc kỹ lưỡng, cuối cùng sau hơn 1 ngày neo tàu chờ đợi, trưởng đoàn công tác quyết định chỉ đạo con tàu 490 rẽ hướng sang đảo Đá Nam, nằm cách Song Tử Tây khoảng 4 hải lý và tìm đường tiếp cận đảo bằng xuồng nhằm gửi quà chúc Tết đến anh em cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ tại đây.
Đảo Đá Nam nằm ở phía Bắc quần đảo Trường Sa, là một trong những đảo có vị trí quan trọng trên quần đảo. Đảo Đá Nam nằm theo hướng Đông Bắc – Tây Nam, khi thủy triều thấp có nhiều đá mồ côi nhô lên khỏi mặt nước. Độ cao trung bình khoảng 0,3m. Phía Đông Nam của bãi cạn có 1 hồ nhỏ dài khoảng 600m, rộng 150m, khi thủy triều thấp nhất độ sâu của hồ từ 3-15m, trở thành nơi tránh trú và neo đậu tàu thuyền cho ngư dân mỗi khi gặp mưa bão.
Việc đưa người và vận chuyển hàng hóa vào đảo Đá Nam được thực hiện bằng xuồng trong thời điểm sóng to, gió mạnh cũng hết sức vất vả. Mỗi chiếc xuồng ngoài kíp lái 3 người thì chỉ chở được khoảng 5 người cùng một ít hàng hóa. Để đảm bảo an toàn, mọi người trong đoàn xuống xuồng đều phải mặc áo phao, đồ dùng, hàng hóa được bọc trong túi nilon chuyên dụng nhằm tránh nước biển. Từ điểm tàu 490 thả neo đến đảo Đá Nam chưa đầy 1 cây số, nhưng phải mất chừng 30 phút ngồi xuồng, chúng tôi và hàng hóa mới cập được cầu tàu trên đảo. Lên đến đây, đoàn chỉ có 1 giờ để thăm, chúc Tết, tặng quà cho cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ tại đây rồi phải trở về tàu 490 ngay, trước khi cơn giông kéo đến.
Sau khi nhiệm vụ lên đảo Đá Nam hoàn thành, chúng tôi tiếp tục quay lại tàu 490 để đến thả neo gần Song Tử Tây chờ sóng yên mới có thể lên đảo. Sóng vẫn to, biển vẫn động mạnh. Thượng tá Phạm Văn Thọ thỉnh thoảng lại chạy lên phòng chỉ huy bàn phương án vào đảo. Tuy nhiên, đảo Song Tử Tây có độ cao so với mực nước biển lớn nhất trong các đảo tại quần đảo Trường Sa (khoảng 4-6m). Đường vào âu tàu có nhiều phiến đá lớn, lởm chởm, dễ va đập, chưa kể thời tiết mưa to, gió lớn, sóng mạnh liên tục, nên việc đưa đoàn công tác vào Song Tử Tây phải chờ biển lặng hơn mới thực hiện được…
Đến ngày thứ 5, sóng gió lặng hơn, đoàn công tác cùng nhu yếu phẩm mới được lên đảo một cách an toàn.
Đúng như nhiều cán bộ, chiến sĩ hải quân đã từng chia sẻ, âu tàu tại đảo Song Tử Tây là âu tàu khó vào nhất trong các âu tàu tại quần đảo Trường Sa. Các chuyến thăm, công tác và chúc Tết quân, dân trên quần đảo Trường Sa vào dịp cuối năm, chỉ cần đưa được người và vận chuyển được hàng lên đảo Song Tử Tây một cách an toàn thì coi như cả hải trình đã thành công. Quả thực suốt 5 ngày trời neo tàu ngoài khơi, tuy rất gần Song Tử Tây nhưng bất lực trong việc đặt chân lên đảo mới hiểu rằng, con đường đến với Trường Sa, đến với các hòn đảo thiêng liêng nơi đầu sóng là gian nan đến thế nào.