Xóm 3 xã Quỳnh Hậu là địa bàn có hơn 7.000m² đồng sâu khó khăn cho sản xuất. Bởi từ việc làm cỏ, cuốc đất, cấy lúa, gặt lúa đều không thể thực hiện bằng cơ giới hóa mà phải làm thủ công. Vất vả, mệt nhọc là thế nhưng sản phẩm thu về năng suất thấp, đấy là chưa kể gặp khi thời tiết không thuận thì bao công sức lại đổ xuống sông xuống bể. Vì vậy, nhiều người dân không còn mặn mà với sản xuất lúa, nhiều lao động chọn đi làm xa với mong muốn sẽ có thu nhập cao hơn, ổn định hơn.
Trước thực trạng đó, Chi hội Phụ nữ xóm 3 đã nảy sinh ý tưởng “biến ruộng hoang thành yêu thương”, xin nhận trồng lúa tập thể để gây quỹ hoạt động. Ý tưởng này trùng với chủ trương phủ kín diện tích ruộng bỏ hoang của cấp ủy, chính quyền địa phương nên được ủng hộ. Nhớ lại những ngày đầu tiên biến ý tưởng thành hiện thực, chị Phan Thị Giang – Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ xóm 3 hào hứng chia sẻ: Trong giai đoạn 2016 – 2017 chi hội đảm nhận trồng lúa trên diện tích 1.500m². Chị em làm trọn gói từ khâu chọn giống đến bắc mạ, gieo cấy, chăm sóc, thu hoạch. Thấy phát huy hiệu quả, sang năm 2018 – 2019 diện tích được nâng lên thành 2.500m², từ năm 2020 trở lại nay chi hội mạnh dạn nhận 4.500m² đất ruộng 2, đất bỏ hoang để làm.
Điều phấn khởi là mô hình “biến ruộng hoang thành yêu thương” được chị em tham gia rất nhiệt tình và trách nhiệm. Xóm có 170 hội viên thì có 110 chị em tham gia (trừ những người già, đau yếu). Mỗi độ thu hoạch tiếng hát, tiếng cười nói xôn xao cả cánh đồng mùa gặt. Số tiền bán lúa sau thu hoạch, trừ chi phí được dùng để hỗ trợ người khó khăn vay không lãi suất để mua con giống, thăm hỏi hội viên ốm đau. Đến nay, nguồn quỹ hội đã lên đến 100 triệu đồng. Nhiều hội viên được vay vốn phát triển chăn nuôi đã vươn lên thoát nghèo như chị Hồ Thị Hương, Hồ Thị Định… “Năm nay trong thu hoạch vụ Xuân, chị em thu được 2, 4 tấn lúa, trừ chi phí bán được số tiền 9.000.000 đồng. Số tiền thu được chi hội đã xét cho 1 hội viên khó khăn vay không lãi suất để mua con giống phát triển kinh tế; số còn lại bổ sung quỹ để thăm hỏi hội viên ốm đau. Hiện tại chi hội đã tổ chức gieo cấy xong vụ hè thu chờ thu hoạch”, chị Phan Thị Giang cho hay.
Theo chị Hồ Thị Tuyết – Chủ tịch Hội LHPN xã Quỳnh Hậu: Không chỉ có Chi hội 3 gây quỹ từ ruộng hoang, Chi hội 4 cũng là điển hình về mô hình này, hiện nay chi hội đang sản xuất với diện tích 2.000m², tổng quỹ là 21 triệu đồng. Đây là mô hình vừa thực hiện chủ trương phủ kín đồng ruộng, không để diện tích bỏ hoang của cấp ủy, chính quyền các cấp; vừa tạo quỹ để chi hội hoạt động. Có nguồn quỹ dồi dào, các chi hội đã tổ chức được nhiều hoạt động ý nghĩa như: Cho hội viên vay vốn phát triển kinh tế gia đình, xây dựng gia đình hạnh phúc, thăm hỏi, tặng quà cho các chị em, con em gia đình khó khăn, ốm đau, hoạn nạn… qua đó góp phần nâng cao đời sống tinh thần và vật chất cho hội viên.
Xã Quỳnh Thạch cũng là địa phương duy trì phong trào trồng lúa ruộng hoang gây quỹ từ nhiều năm nay; hiện toàn xã có 3 chi hội phụ nữ xóm 2, 4, 7 đang triển khai mô hình này với diện tích mỗi chi hội khoảng 2 sào. Theo chia sẻ của các “thủ lĩnh” chi hội, lúc đầu chị em còn e ngại vào hiệu quả của mô hình, tuy nhiên qua một vài vụ thu hoạch, nhìn thấy thành quả và các hoạt động có ý nghĩa thông qua việc gây quĩ hội nên chị em đều tích cực tham gia nhận ruộng hoang cấy lúa chất lượng cao 1 năm 2 vụ. Từ chỗ phải vận động từng người, giờ cứ tới mùa vụ chỉ cần thông báo trên loa là hội viên đồng lòng “cùng nhau gieo cấy vụ này/ phủ xanh diện tích, quỹ gây thêm nhiều”. Bình quân 1 sào lúa sau khi thu hoạch đem bán thu về khoảng 3.500 nghìn đồng, cộng thêm khoảng 3 triệu tiền công mà các hội viên không tham gia lao động được đóng góp đều sung quỹ để hội viên nghèo vay phát triển kinh tế, chăn nuôi.
Còn tại xã Quỳnh Hưng, Chi hội phụ nữ xóm 1 là đơn vị đi đầu trong phong trào trồng lúa gây quỹ. Chi hội trưởng Phan Thị Chiến cho hay: “Bắt đầu từ năm 2020, nhận thấy ở địa phương người dân theo nghề mộc hoặc đi xây nhiều, một số diện tích ruộng trên điạ bàn chỉ sản xuất một vụ, còn vụ hè thu thì bỏ hoang, chi hội đã mạnh dạn nhận 5 sào trồng lúa tập thể với 30 hội viên tham gia. Vụ đầu tiên thu hoạch được 1, 5 tấn lúa bán được hơn 10 triệu để gây quỹ. Một phần trong số đó được trích ra thăm hỏi, động viên hội viên là chị Nguyễn Thị Thắng bị bệnh biểm nghèo và chị Phạm Thị Mơ có con mới học lớp 2 nhưng bị biến chứng thận, tim nằm một chỗ. Những việc làm ý nghĩa đó là động lực để năm 2021, chi hội phụ nữ xóm 1 tiếp tục ra quân nhận 6 sào ruộng hoang để gieo những hạt lúa yêu thương, nghĩa tình”.
Không dừng lại ở cấp chi hội phụ nữ, trước thực trạng một số diện tích sản xuất lúa bỏ hoang do người dân không sản xuất, trong vụ hè thu năm 2021, Đảng ủy xã; UBND xã Quỳnh Hưng đã phối hợp với Ủy ban MTTQ và các tổ chức, đoàn thể xã xây dựng mô hình “Biến cánh đồng bỏ hoang thành cánh đồng yêu thương” tại khu vực xóm 4, xã Quỳnh Hưng với tổng diện tích 1,7 ha nhằm giảm diện tích bỏ hoang và tạo nguồn quỹ để ủng hộ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Chị Nguyễn Thị Chuyên – Chủ tịch Hội LHPN xã Quỳnh Hưng cho biết: Buổi lễ phát động và ra quân xuống đồng gieo cấy vụ thu tại cánh đồng cồn Rèn xóm 4 vào giữa tháng Sáu diễn ra rất sôi nổi, thu hút gần 200 cán bộ, công chức UBND xã và MTTQ, các tổ chức đoàn thể (CCB, Nông dân, Phụ nữ, Đoàn thanh niên), các chi hội, cán bộ của các thôn và giáo viên trên địa bàn tham gia. Nhiều đồng chí lãnh đạo xã cũng trực tiếp xuống đồng. Khi hình ảnh được chia sẻ trên facebook nhiều người vào bày tỏ sôi nổi “Bỏ cấy gần 10 năm rồi mà bữa ni vẫn cấy hăng hái, nhọc mà lại vui nạ”, “ruộng nhà không làm tích cực bằng làm ruộng tập thể”, “Đi cấy cho nhà về thì ai cũng kêu nhọc. Mà đi cấy tập thể kiểu ni thấy bà con ai cũng phấn khởi hăng hái…”. Mô hình “Biến cánh đồng bỏ hoang thành cánh đồng yêu thương” ở xã Quỳnh Hưng vừa khuyến khích người dân không bỏ hoang ruộng đất, vừa tăng tính đoàn kết và tạo nguồn quỹ để ủng hộ cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.
Nhận xét về phong trào trồng lúa gây quỹ mà nòng cốt là các cấp hội phụ nữ, chị Trần Thị Hà – Chủ tịch Hội LHPN huyện Quỳnh Lưu cho hay: Việc xây dựng và nhân rộng mô hình cấy lúa gây quỹ của các chi hội không chỉ góp phần giải quyết bài toán khó về xây dựng quỹ hội, mà còn giúp các địa phương xóa bỏ diện tích ruộng hoang. Qua đó, khẳng định được vai trò của tổ chức Hội trong tham gia phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Tiêu biểu trong mô hình “Từ ruộng hoang đến yêu thương” có các đơn vị Quỳnh Thạch, Quỳnh Giang, Quỳnh Mỹ, Quỳnh Văn, Quỳnh Ngọc, Quỳnh Bảng, Quỳnh Hồng… Bên cạnh đó, nhiều đơn vị như Quỳnh Bảng, Tân Thắng cũng đang tiếp tục thực hiện hiệu quả mô hình phụ nữ đổi công tương trợ nhau phát triển kinh tế hộ với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”!
Không chỉ cải tạo ruộng hoang, một số cơ sở hội trên địa bàn huyện Quỳnh lưu còn có nhiều cách làm sáng tạo để gây quỹ hoạt động. Điển hình là hội LHPN xã Quỳnh Thạch với mô hình “vẽ tranh trên đá”. Những viên đá cuội được chị em cất công đi tìm, chọn lặt ở các bãi biển Quỳnh Trang, Quỳnh Phương, khu vực ven sông, ven suối mang về, sau đó vẽ màu 3D không phai tạo thành những sản phẩm đáng yêu với hình thù bắt mắt, ngộ nghĩnh, sinh động. Đó là những cục chặn giấy xinh xắn để trên bàn làm việc, đồ chơi cho trẻ em hoặc đá cảnh dùng để trang trí nhà cửa. Ban đầu chỉ có một số hội viên khéo tay tham gia vẽ, sau đó thu hút nhiều học sinh, sinh viên có năng khiếu trên địa bàn nhập cuộc. Mỗi viên đá với những hình ảnh về cảnh thiên nhiên, các con vật, cảnh hình ảnh… được bán với giá 10 nghìn đồng/viên.
Hoạt động này cũng là hành trình đưa thế giới tự nhiên vào cuộc sống, bảo vệ môi trường và mục đích cao hơn nữa là: Gây quỹ tặng học bổng cho học sinh nghèo, tạo động lực cho các em vươn lên học tập và nấu những bữa cơm nghĩa tình hưởng ứng chương trình “cơm ấm niềm tin” ủng hộ lực lượng tuyến đầu chống dịch trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu. “Đợt đầu tiên tiền bán tranh đá thu về 500 – 600 nghìn đồng, chị em phấn khởi lắm. Nếu mình kêu gọi ủng hộ bằng kinh phí thì nhiều người cũng sẽ hỗ trợ nhưng thông qua việc bán sản phẩm thì ý nghĩa hơn nhiều…”, chị Nguyễn Thị Quỳnh – Chủ tịch Hội LHPN xã Quỳnh Thạch cho hay. Không chỉ vẽ tranh trên đá, Hội LHPN xã Quỳnh Thạch còn sáng tạo ra những chiếc móc khóa mang thông điệp “5K” để tuyên truyền phòng chống dịch Covid – 19.
“Thủ lĩnh” phụ nữ xã Quỳnh Thạch cũng chia sẻ rằng: Việc xây dựng quỹ hội của các cấp hội phụ nữ những năm qua gặp khó khăn bởi đa phần thu nhập của hội viên chưa cao. Quỹ hội không nhiều nên việc tổ chức các hoạt động hay chăm lo đời sống, giúp đỡ hội viên có hoàn cảnh khó khăn gặp nhiều hạn chế. Để giải quyết bài toán này, Hội đã chỉ đạo cơ sở triển khai nhiều mô hình, hoạt động để gây quỹ như nhận trồng lúa ở ruộng hoang, ruộng khó, vẽ tranh trên đá, gom phế liệu bán lấy kinh phí… Có nguồn quỹ dồi dào, hội tổ chức được nhiều hoạt động ý nghĩa góp phần nâng cao đời sống tinh thần và vật chất cho hội viên, chia sẻ, giúp đỡ được nhiều chị em vơi bớt khó khăn. Mỗi năm hội đều chọn 1 em học sinh nghèo đễ đỡ đầu theo hình thức “mẹ nuôi” trong vòng 2 năm với số tiền gần 2 triệu đồng/ em/năm. Bên cạnh đó vào dịp khai giảng năm học mới hay Tết trung thu, hội đều tặng quà cho học sinh nghèo. Riêng trong năm 2020, Hội LHPN xã Quỳnh Thạch đã tặng 3 xe đạp cho học sinh hoàn cảnh khó khăn, trao 6 suất học bổng mỗi suất trị giá 500 nghìn đồng, nhận đỡ đầu 1 em học sinh nghèo vượt khó…
“Từ những hạt lúa được gieo trên những cánh đồng sâu trũng mang nặng tình đoàn kết, yêu thương đến những bức tranh được vẽ trên đá để gây quỹ… đã “góp gió thành bão”, vừa giải quyết được khó khăn về quỹ hội, vừa giúp các cấp hội phụ nữ trên địa bàn huyện tổ chức được nhiều hoạt động thiết thực ghi dấu ấn cộng đồng. Đồng thời qua đó khuyến khích hội viên tích cực tham gia sinh hoạt, xây dựng tổ chức hội vững mạnh”, chị Trần Thị Hà – Chủ tịch Hội LHPN huyện Quỳnh Lưu tự hào chia sẻ.