Phạm Hà Hải là một cái tên đã có vị trí khá chắc chắn trong giới hội họa đương đại ở Việt Nam, cũng có thể xếp anh vào lớp những họa sĩ trẻ, thành danh sớm. Phạm Hà Hải sinh năm 1974 tại Hà Nội, trong một đại gia đình mà hầu hết các thành viên đều gắn bó với mĩ thuật. Phạm Hà Hải cũng là người có tranh trên các gallery, các Art fair (Hội chợ nghệ thuật) ở nhiều nước trên thế giới.
Câu chuyện của chúng tôi với Phạm Hà Hải xoay quanh chuyện làm thế nào để tranh Việt Nam có thể xuất hiện trong các cuộc đối thoại có uy tín trên thế giới? Nó đòi hỏi những yêu cầu gì? Và cuộc trò chuyện cho tôi nhận ra hai vấn đề tưởng như là ai cũng hiểu, nhưng thực hiện thì thật không đơn giản: Thứ nhất, chất lượng tác phẩm; Thứ hai, cách đưa tác phẩm ra thế giới.
Trên thế giới đã từng ghi nhận có những bức tranh của họa sĩ Việt Nam được bán đấu giá tới vài trăm nghìn USD. Có những bức tranh được lưu trong các bộ sưu tập lớn. Và điều đó, khá ngạc nhiên là đã từng diễn ra từ những năm 30 của thế kỉ trước. Có lẽ là, ngoài hội họa ra, chưa có tác phẩm nghệ thuật nào ở các lĩnh vực của Việt Nam được ghi nhận một cách thực sự giá trị như vậy. Đó là những bức tranh của thế hệ các họa sĩ Đông Dương (tức là các họa sĩ được đào tạo trong trường Cao đẳng Mĩ thuật Đông Dương) thời Pháp thuộc. Họ phải thực sự có tài mới có thể lọt vào ngôi trường danh giá này. Và những bức tranh của họ đã được đưa sang Paris tham dự các cuộc trưng bày. Việc lựa chọn những bức tranh đó cũng do những chuyên gia bậc thầy người Pháp tiến hành.
Và gần 1 thế kỉ đã trôi qua, nhiều bức vẫn đang tiếp tục được đấu giá. Giá trị của chúng cũng tuần tự tăng lên sau mỗi năm, mỗi thập kỉ.
Nhưng đó là những năm 30 của thế kỉ trước. Sau thế hệ vàng ấy, không thể nói là hội họa Việt Nam không có những họa sĩ xuất sắc kế cận, nhưng rõ ràng là con đường để hội họa Việt Nam đi ra thế giới đã trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Và đến thời điểm hiện tại, thì như họa sĩ Phạm Hà Hải nói, việc đưa tranh đi ra thế giới đều do tự thân các họa sĩ. Tức là, ngoài việc nỗ lực để có những tác phẩm tốt, có thể lọt vào “mắt xanh” của các nhà đầu tư, các nhà phê bình trên thế giới, thì anh còn phải nỗ lực tìm cách tự đưa những đứa con tinh thần của mình xuất ngoại.
Vậy con đường đó như thế nào?
Theo họa sĩ Phạm Hà Hải, bức tranh đầu tiên của anh được xuất hiện ở nước ngoài là tại Art fair Singapore năm 2001, thông qua một gallery tại Hà Nội. Họ mang tranh đi trưng bày tại Singapore. Có lẽ chính Phạm Hà Hải cũng không thể hình dung được chặng đường cho tranh của anh đặt chân lên các sàn tranh thế giới lại bắt đầu từ khi đó. Việc một bức tranh của một họa sĩ hoàn toàn chưa có tên tuổi gì đối với giới sưu tầm tranh khu vực hay thế giới, tôi tin chắc là nó chỉ phụ thuộc duy nhất vào giá trị nghệ thuật của bức tranh đó mà thôi. Người ta sẽ không bỏ tiền, bỏ công sức ra để chấp nhận mua một bức tranh tầm tầm. Từ bức tranh đầu tiên ấy, các nhà sưu tầm, các nhà đầu tư bắt đầu tìm đến Phạm Hà Hải. Và những bức tranh khác được mang ra khỏi biên giới. Sau bước chân đầu tiên cách đây gần 20 năm đó, dường như Phạm Hà Hải đã đi rất xa, khá nhanh chóng và dường như anh luôn gặp thuận lợi. Tranh của anh xuất hiện ở Nhật, Pháp, Úc, Mỹ, Ba Lan… những trung tâm nghệ thuật lớn của các quốc gia, các châu lục.
Phạm Hà Hải rất tâm đắc về những cái Art fair. Anh nói, ví dụ như art fair ở Mỹ mỗi lần tổ chức có tới chừng 40 vạn lượt người đến xem. Một chỗ treo tranh ở đó có thể phải trả tới hàng nghìn USD. Nhưng không phải cứ có tiền là mua được, mà tranh của anh phải được bảo đảm bằng sự chọn lựa, gửi gắm của các gallery có uy tín. Anh cũng đặt ra mong ước về việc Việt Nam có thể tổ chức các art fair, trước hết là cho những người yêu tranh ở trong nước có cơ hội chiêm ngưỡng, chọn lựa. Sau là thành các hoạt động nghệ thuật định kỳ, mở rộng ra, mời các quốc gia lân cận, khu vực, châu Á… Phải như thế thì đời sống của hội hoạ mới thực sự náo nhiệt lên được.
Trong việc tìm và dần khẳng định vị trí trên các sàn tranh lớn, tôi nghĩ rằng mỗi họa sĩ phải đưa ra cho giới chuyên môn quốc tế một điều gì đó đặc biệt. Tranh của một họa sĩ Việt Nam phải có những yếu tố khác biệt với tranh từ Philippines, Thái Lan, Singapore… Và Phạm Hà Hải có lẽ đang đi đúng hướng khi anh luôn chọn những đề tài liên quan đến văn hóa truyền thống dân tộc. Anh nói rằng, “Họa sĩ sẽ thấy mình có nghĩa khi phản chiếu một phần nào đó của văn hóa dân tộc mình. Sẽ luôn là thách thức, nhưng tâm lý, tinh thần và thế giới quan phương Đông thực sự là một di sản. Di sản ấy vẫn đang sống trong mỗi con người chúng ta và người làm nghệ thuật luôn tự hào khi biểu đạt và giới thiệu những giá trị này ra thế giới”.
Tôi cảm thấy, đối với họa sĩ, việc chọn chất liệu nào để vẽ chủ đề gì luôn rất quan trọng. Tôi từng biết nhiều họa sĩ thử nghiệm và thành công với những chất liệu, cách thức riêng biệt, mang đậm dấu ấn cá nhân. Với Phạm Hà Hải, anh có một kĩ thuật được anh đặt tên là “Mài arcylic trên toan”. Sở dĩ như vậy là bởi xuất phát từ việc có một lần anh nhận ra vẻ đẹp của gốm đã được thời gian bao phủ lên một vẻ lộng lẫy và anh rất muốn thể hiện bằng được cái vẻ đẹp ấy. Anh dùng arcylic nhưng lại muốn có cái năng lượng như dùng sơn dầu. Trong khi với điều kiện thời tiết, khí hậu như Việt Nam thì tranh sơn dầu rất nhanh bị ẩm mốc, xuống cấp. Anh nói, để có màu arcylic đủ mạnh như màu sơn dầu thì phải vẽ chồng lên rất nhiều lớp, nhưng như thế thì bề mặt bức tranh phải dày cộp lên, và mất đi sự tinh tế. Và vì thế mà dưới tranh của anh đầu tiên là một lớp lót bạc, rồi đến arcylic và sau đó là mài, chính là công đoạn để bức tranh có thể đạt được cái “năng lượng” mà tự anh đòi hỏi.
Có thể tạm hình dung kỹ thuật mài arcylic tương tự như sơn mài, nhưng thay vì việc mài sơn thì anh mài arcylic. Phạm Hà Hải là người được đào tạo chuyên ngành sơn mài trong trường đại học, và có nhiều năm trực tiếp làm trong lĩnh vực liên quan đến sơn mài. Kĩ thuật mài arcylic khiến cho anh cảm thấy thoả mãn trong việc thể hiện những bức tranh mà nếu chỉ thuần tuý dùng arcylic phủ lên toan anh sẽ không bao giờ có được.
Tôi rất ấn tượng với cách tư duy của Phạm Hà Hải khi chúng tôi đề cập đến khái niệm “phong cách nghệ thuật”. Theo quan niệm của tôi, người viết bài này, thì hội họa hay văn chương, nói chung là văn học nghệ thuật, người ta thường hay nói đến phong cách và sự lặp lại. Để có một phong cách thì trong đó tất phải có yếu tố lặp lại. Nhưng lặp lại thì chưa chắc đã tạo ra một phong cách. Và ý kiến của họa sĩ Phạm Hà Hải là: Nói về phong cách tôi hay liên hệ sang cái gọi là nhận diện. Ví dụ như chúng ta nhìn đồ hiệu, sản phẩm cao cấp thế giới. Ở đó đòi hỏi sự thống nhất và luôn thể hiện được những giá trị mà hãng đó, nhãn hiệu đó đã xác lập. Người dùng hiểu triết lý, tư tưởng và thành tựu mà hãng đó xác lập, sản phẩm mang trong nó những kết tinh của sự đầu tư có thành tựu về vật liệu, công nghệ chế tác, kết quả thiết kế… các sản phẩm ấy luôn có giai đoạn nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm để kiểm chứng và công bố, sản xuất mở rộng để phân phối. Toàn bộ cái mà người tiêu dùng biết về sản phẩm ấy thông qua chiến lược truyền thông quảng bá gọi là nhận diện sản phẩm, thương hiệu… và chúng ta dễ dàng thấy ở từng thế hệ sản phẩm ấy phải đảm bảo triết lý mà nó đã xác lập nhưng quan trọng không kém là lại phải đổi mới trên nền triết lý ấy. Tức là có yếu tố lặp lại ở phần triết lý nhưng sự đổi mới tạo cho nó thích hợp hơn, hấp dẫn hơn, sâu sắc hơn.
Như vậy, nhìn sang phong cách một họa sỹ với tư cách người sáng tạo nghệ thuật độc lập, anh ta phải có triết lý mình theo đuổi, phải có sự xác lập sáng tạo cá nhân để hình thành đầy đủ một phong cách. Sự tiếp tục sau khi đã có phong cách để không trở nên lặp lại (đó là sự buồn tẻ và tự hủy hoại bản thân) thì anh ta cần ý thức nghiên cứu, thực hành để phát hiện vấn đề, tìm những sự thể hiện mới rồi một lần nữa hoàn chỉnh nó như là một thành tựu “công nghệ” mà ở sáng tạo nghệ thuật thì được hiểu chủ yếu là những hiểu biết phong phú hơn, sâu sắc hơn, mới mẻ hơn trong tâm hồn con người. Đó chính là thách thức tự “làm mới mình”.
Hội họa nói riêng, nghệ thuật nói chung vốn là thứ “giời cho”. Nói như nhà văn Lê Lựu là tựa như người đào giếng. Có người đào mãi cả đời không gặp mạch nước ngầm, có người vừa mới đào thì nước đã tuôn trào rực rỡ. Nhưng có lẽ là, đã đến lúc không chỉ đơn giản là “hữu xạ tự nhiên hương” nữa. Dù là giời cho thì một tác phẩm nghệ thuật, sản phẩm của lao động nghệ thuật vất vả, cũng cần phải được đưa đến công chúng bằng nhiều cách. Làm vậy tức là những người nghệ sĩ đã cho tác phẩm của mình một đời sống khác. Một đời sống mà ở đó tác phẩm nghệ thuật của một cá nhân có thể mang danh của một dân tộc.