Thăm bản Huồi Giảng 1, xã Tây Sơn dịp này, bên những vườn hồng chín rực, những vườn hoa cải vàng tươi, là những nếp nhà lợp sa mu nâu thâm trầm màu thời gian điểm xuyết những cành đào nở sớm phớt hồng rung ring trong gió. Một khung cảnh thực cổ kính, nên thơ. Hiếm có nơi nào còn có quần thể nhà lợp mái sa mu tập trung và đậm vẻ nguyên sơ núi rừng như ở Huồi Giảng. Ông Vừ Bá Rê – Phó Chủ tịch UBND xã Tây Sơn thong thả vào chuyện: Nhiều nếp nhà đã có từ trăm năm rồi. Người ta chỉ thay phần gỗ bên dưới còn mái nhà thì vẫn nguyên và trở thành nét đặc trưng của bản làng. Sa mu là loại gỗ quý hiếm, trong thân gỗ có dầu có khả năng chịu nước, chống mối mọt, vì thế từ xa xưa người Mông ở Tây Sơn đã dùng ván sa mu để lợp mái nhà. Ấy nhưng, bây giờ người Mông ở Tây Sơn chấp hành nghiêm chủ trương chung của Đảng, Nhà nước, không còn chặt sa mu lấy gỗ làm nhà nữa, mà đều chung tay trồng, giữ rừng.
Những ngôi nhà do cha ông dựng lên lợp bằng gỗ quý sa mu có từ trước đây, đã được các thế hệ con cháu lưu giữ để bảo tồn nét văn hoá của đồng bào Mông ở Tây Sơn; vừa tạo điểm nhấn cảnh quan cho bản làng, đã ngày một thu hút khách ghé thăm. Một trong những ngôi nhà cổ nhất ở bản Huồi Giảng 1 là nhà của ông Vừ Pà Lỉa (đã mất), hiện chỉ còn vợ ông Lỉa là bà Lầu Y IA, đã trên 90 tuổi, đang ở cùng cậu con trai út. Bà Lầu Y IA cho biết, nếp nhà do ông cha để lại, hồi trước thưng đơn sơ, cột chôn đất nhưng giờ đã thành nhà kê, chỉ có mái lợp sa mu vẫn giữ nguyên như hàng trăm năm qua. Nhà lợp bằng gỗ sa mu kín gió, ấm áp vào mùa Đông, mát mẻ vào mùa Hè và không bị ẩm mốc.
Hiện, những ngôi nhà cổ lợp sa mu của người Mông ở xã Tây Sơn đang ngày được coi là vốn quý của đồng bào. Ấy nhưng điều mà cấp ủy, chính quyền địa phương và cán bộ bản trăn trở là qua sự bào mòn của năm tháng, nắng mưa, một số mái nhà sa mu đã bị nứt, thủng nhưng không có vật liệu để thay thế cho đồng bộ với trước nay, vì tuân thủ nghiêm quy định cấm khai thác gỗ. Thế nên một số hộ đã phải thay bằng mái tôn lợp xanh, đỏ.
Câu chuyện giữa chúng tôi bị gián đoạn bởi tiếng khèn Mông da diết, dìu dặt trong không gian bảng lảng mây trời. Phó Chủ tịch UBND xã Tây Sơn Vừ Bá Rê thốt lên: Tiếng khèn của Nghệ nhân Vừ Lầu Phổng đấy! Ông Phổng là người tâm huyết với việc giữ gìn bản sắc đồng bào Mông ta. Ông cũng là hộ đầu tiên khắc phục sự hư hại mái sa mu bằng cách lợp nhựa trong suốt phía dưới…
Đi theo tiếng khèn, chúng tôi ghé thăm Vừ Lầu Phổng trong ngôi nhà gỗ treo đầy nhạc cụ của đồng bào Mông và giấy khen, bằng khen về những cống hiến trong giữ gìn và phát huy di sản văn hoá dân tộc của người nghệ nhân ưu tú này. Để đón tiếp khách “không mời mà đến”, ông Phổng vẫn vui vẻ trình diễn một điệu khèn vừa múa theo điệu nhạc một cách nhẹ nhàng, uyển chuyển. Ông cho biết, nghệ thuật múa khèn là một nét văn hóa đặc trưng, là “hồn cốt” trong đời sống tinh thần của đồng bào Mông được truyền qua nhiều thế hệ. Ông nội của ông Phổng cũng là một người thổi khèn, thổi sáo hay nổi tiếng. Ông Phổng được ông nội và bố mình là Vừ Pà Lỉa truyền dạy điệu khèn Mông từ khi còn là cậu bé hơn 10 tuổi.
Với tài năng thiên phú và niềm đam mê với nhạc cụ truyền thống, Nghệ nhân Vừ Lầu Phổng đã được mời đi trình diễn tại các hội diễn, hội thi từ xã lên huyện, tỉnh, toàn quốc, đạt nhiều giải thưởng, giấy khen, bằng khen. Trong 11 nhạc cụ của người Mông, ông Phổng cho biết có thể chơi được 10 nhạc cụ nhưng giỏi nhất là khèn, sáo. “Điệu khèn, điệu xia, trang phục, nhạc cụ còn thì bản sắc văn hoá người Mông mới không mất đi”, tâm niệm vậy, nên Nghệ nhân Vừ Lầu Phổng tích cực truyền dạy cho con cháu trong nhà và lớp trẻ người Mông trong huyện. Ông cũng là thành viên tích cực của Câu lạc bộ Văn nghệ quần chúng xã Tây Sơn với hơn 20 thành viên. Ông còn được Trường PTCS DTBT Tây Sơn mời tham gia truyền dạy biểu diễn múa khèn và trình diễn dân ca, nhạc cụ dân tộc trong chương trình ngoại khoá cho các em học sinh.
Gia đình nhà ông Phổng cũng là nhân tố lưu giữ, bảo tồn bản sắc văn hoá dân tộc Mông khi 2 người con trai của ông đều biểu diễn khèn Mông thuần thục, 2 người con gái biết múa hát cự xia (dân ca người Mông), và cô cháu gái mới học lớp 7 Vừ Y Dở cũng múa hát cự xia rất giỏi. Vợ ông Phổng là bà Lầu Y Mỷ cũng thường xuyên tham gia luyện tập cự xia cho con em trong bản.
Ở xã Tây Sơn có 6 bản với 336 hộ, khoảng 1.760 nhân khẩu, 100% đồng bào Mông, không chỉ gia đình ông Phổng mà ở trong toàn xã đã hình thành nên phong trào lưu giữ nghệ thuật biểu diễn múa khèn và trình diễn dân ca, nhạc cụ dân tộc sôi nổi. Với đồng bào Tây Sơn, múa khèn, hát cự xia không đơn thuần là cất lên những câu chuyện buồn vui thường nhật mà còn là chuyện kể về lịch sử, bản sắc của dân tộc mình. Việc trao truyền các giá trị ấy nhằm nhắc nhở con cháu nhớ về cội nguồn. Nhiều hoạt động khác vẫn được đồng bào Mông xã Tây Sơn duy trì, như lễ bò chọi được tổ chức vào mùa Xuân với các hoạt động ném pao, hát cự xia giao duyên, bắn nỏ, đánh gù, đẩy gậy các món ẩm thực của người Mông. Xã cũng đã bước đầu mở được 1 cửa hàng, lập 3 nhóm hộ thêu đồ trang phục truyền thống của người Mông tại các bản Huồi Giảng 1,2,3.
Theo trao đổi của lãnh đạo xã Tây Sơn, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020-2025 đưa ra mục tiêu thành lập Câu lạc bộ Khèn sáo và Câu lạc bộ Múa dân gian ở cộng đồng, vừa bảo tồn văn hoá truyền thống, vừa gắn với chủ trương phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Thế nhưng, đến nay mới phát triển thêm được 1 Câu lạc bộ Bảo tồn nghệ thuật trình diễn dân gian trong Trường PTCS Dân tộc bán trú của xã; chưa thành lập được CLB Múa dân gian ở cộng đồng, vì hiện nay lớp thanh niên trẻ rủ nhau đi làm ăn xa, trong thôn, bản toàn người già và trẻ con nên không có nhân lực để duy trì sinh hoạt CLB đều đặn; một số nữ thanh niên được truyền dạy nhưng sau một thời gian lại đi lấy chồng ở bản khác nên mất nguồn.
Các già làng, trưởng bản ở Tây Sơn cũng trăn trở khi lớp người trẻ chỉ dừng lại ở mức biết thổi khèn, còn người để biểu diễn thuần thục phục vụ các lễ hội, các dịp đám cưới, đám ma không nhiều.
Là xã vùng cao nằm ở phía Tây Nam của huyện Kỳ Sơn, cách trung tâm huyện 9km, diện tích tự nhiên 11.578,22 ha, khí hậu mang tính chất cận nhiệt đới ôn hoà. Tây Sơn không chỉ giàu các giá trị văn hóa tộc người, mà còn được thiên thiên ban tặng cảnh quan gây thương nhớ với hương thơm của nhiều loài hoa mọc tự nhiên bốn mùa, mùi thơm của tinh dầu dịu nhẹ toả ra từ những cánh rừng sa mu, pơ mu tuyệt đẹp. Từ xưa người dân Tây Sơn đã có ý thức trồng rừng, bảo vệ rừng và coi đó là vốn quý cho muôn đời sau.
Theo lãnh đạo xã Tây Sơn, người có công đầu trong việc tạo nên những cánh rừng tươi tốt là cha con ông Vừ Pà Rê – nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Tây Sơn; để từ đó phong trào trồng cây gây rừng đã lan rộng ra toàn xã, khuyến khích người dân trồng rừng. Huyện Kỳ Sơn cũng đã kịp thời xây dựng dự án hỗ trợ 2 triệu đồng/ha. Ngoài các quy định của pháp luật, trong hương ước của các bản có quy định riêng về trách nhiệm bảo vệ rừng cũng như các hình thức xử phạt nếu chặt cây làm nhà hay phát rẫy làm nương trái quy định. Nhờ đó, những cánh rừng pơ mu, sa mu được trồng bởi mồ hôi, công sức của đồng bào Mông suốt hàng chục năm qua đã chứng minh sẽ trở thành vốn quý cho con cháu đời sau. Hiện toàn xã Tây Sơn có khoảng 96 ha rừng pơ mu, sa mu. Thời gian gần đây, cánh rừng đã trở thành điểm check-in nổi tiếng của du khách, nhất là giới trẻ, mở ra hướng phát triển du lịch cho người dân địa phương.
Theo Bí thư Đảng ủy xã Tây Sơn – ông Vừ Rả Tênh, xã có định hướng phát triển du lịch cộng đồng gắn bảo tồn nhà cổ mái sa mu, đầu tư kết cấu hạ tầng cho khu du lịch sinh thái rừng pơ mu, sa mu để thu hút du khách, tuy nhiên kết quả chỉ mới dừng lại ở giới thiệu quảng bá, chưa thể mang lại doanh thu…
Để đảm bảo ổn định đời sống từ đó bảo tồn, phát huy tốt hơn bản sắc văn hóa, những năm gần đây, ngoài việc đầu tư phát triển mô hình chăn nuôi như bò địa phương, lợn đen, gà đen… xã vận động bà con trồng cây đẳng sâm trên diện tích 0,5 ha; cây sâm 7 lá 1 hoa diện tích 0,3ha; mô hình trồng đào địa phương, mận tam hoa diện tích 29,5ha. Riêng táo mèo vốn là một giống cây bản địa của xã Tây Sơn mọc nhiên đến mùa thì dân bản vào rừng nhặt, hái lượm rồi mang đi bán. Sau đó, Ban Dân tộc tỉnh đã về khảo sát và đưa giống táo mèo từ phía Bắc về trồng thử tại đây. Hiện tại, toàn xã có khoảng 7ha cây táo mèo từng kỳ vọng là một trong những cây sinh kế giúp bà con thoát nghèo, nhưng vẫn gặp khó về đầu ra.
Gia đình Bí thư Đảng ủy xã Vừ Rả Tênh cũng trồng 1ha cây táo mèo giống đưa về từ phía Bắc, nhưng quả nhỏ hơn cây tự nhiên và chín rụng sớm hơn, năm ngoái bán với giá 10 nghìn đồng/ kg chỉ thu về tầm 2 triệu đồng. Ngoài táo mèo, một loài cây nữa thường được nhắc nhiều ở Tây Sơn vì vừa tạo sinh kế, vừa tạo điểm nhấn cho cảnh quan đó là cây hồng, gồm 2 loại hồng chát và hồng trứng. Theo chia sẻ của lãnh đạo xã, được Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện hỗ trợ giống, xã đã mở rộng phát triển, hiện diện tích hồng lên 6ha, ngoài ra còn trồng 2 ha cây hồng giống Nhân hậu ở bản Huồi Giảng 3… Nhiều mô hình được triển khai mang lại hiệu quả cao như mô hình nhân sâm 7 lá 01 hoa tại bản Huồi Giảng 1; mô hình trồng táo mèo, dưa lê ở bản Huồi Giảng 3…
Về phía xã, xác định phải nỗ lực tìm đầu ra cho nông sản chủ lực địa phương (gừng, hồng, dược liệu…), tích cực kích cầu du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, xây dựng nông thôn mới gắn với bảo tồn bản sắc văn hoá của dân tộc, “hồn cốt”của đồng bào Mông ở Tây Sơn.
Dẫu còn nhiều khó khăn, nhưng với hướng đi và cách làm mới, hy vọng trong tương lai vùng đất mến khách Tây Sơn không chỉ có hoa, có nhạc, có rừng, có tình người đậm đà, hiếu khách mà còn có sự đổi thay về mọi mặt, trở thành điểm đến hấp dẫn du khách gần xa.