Vẹn nguyên ký ức

Căn nhà số 7, ngõ 18, đường Nguyễn Văn Trỗi, thành phố Vinh có một bảo tàng nhỏ. Bảo tàng đó lưu giữ rất nhiều kỷ vật cuộc đời chiến đấu không ngừng nghỉ của người bộ đội Cụ Hồ Lê Văn Hinh trong suốt 2 cuộc chiến tranh thần thánh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ… Ở tuổi 93, người chiến sĩ đặc công biệt động thành này vẫn nhớ rõ từng ngày đã qua.

Lê Văn Hinh mồ côi cả cha lẫn mẹ từ rất nhỏ. Cậu bé được ông Sáu Lầu (Cao Văn Lầu) tìm thấy trong một căn lều trống ở làng An Thới Đông, Núi Trầu (Hà Tiên), nên đã đem về nuôi dưỡng và đặt tên là Cu Nhỏ. Cái ngày đứa bé được tìm thấy (10/1/1926) trở thành ngày sinh nhật của Cu Nhỏ.

Ông Sáu Lầu ( Cao Văn Lầu) cha nuôi của Cu Nhỏ ( Lê Văn Hinh).
Ông Sáu Lầu ( Cao Văn Lầu) cha nuôi của Cu Nhỏ ( Lê Văn Hinh).

Những năm 30 của thế kỷ trước, cha nuôi Sáu Lầu thoát ly hoạt động cách mạng nên gia cảnh sa sút. Cu Nhỏ phải lưu lạc lên Sài Gòn ăn xin và bị lừa bán sang một trại trẻ ở Campuchia. Tại trại, Cu Nhỏ cùng nhiều đứa trẻ khác được dạy võ, cưỡi ngựa, ném lao, bắt rắn… 10 năm được huấn luyện ở trại, Cu Nhỏ vừa kịp trở thành chiến binh, đã vội thành “đào binh”.

Cu Nhỏ – Lê Văn Hinh kể lại: “Một hôm ở trại, tôi tình cờ nghe được mình sắp bị thiến để đưa vào hoàng cung phục vụ vua. Sợ quá, thế là nhân một buổi đi bắt rắn, tôi bỏ chạy. Biết mình vốn là người Việt nên tôi cứ theo hướng Đông vượt núi, vượt rừng để tìm về. Sau hơn 10 ngày, tôi đã về đến quê hương. Đó là vào năm 1940.

… Rời khỏi rừng, tôi đói xỉu ngất đi. May mắn thay đã được 4 người lạ cứu tỉnh, cho ăn uống. Lúc này, tôi đã hoàn toàn quên đi tiếng mẹ đẻ và chỉ nói được tiếng Campuchia. Trong 4 ân nhân đó thì có 1 người nói tiếng Campuchia rất giỏi và hỏi cặn kẽ thân thế của tôi. “Ông hỏi cháu có muốn đi theo hoạt động cách mạng cứu dân, cứu nước không? – thế rồi tôi đồng ý”.
Về Việt Nam, Cu Nhỏ được gặp lại cha nuôi Sáu Lầu tại căn cứ rừng U Minh Hạ, được theo chân các bác Tô Ký, Dương Bạch Mai, Phạm Văn Bạch, Hoàng Lê Kha và trở thành liên lạc cho lãnh đạo nghĩa quân Nam Kỳ khởi nghĩa, đánh thành Gia Định.

Một trong những “chiến công” của Cu Nhỏ thời kỳ này đó là giúp đỡ bà Nguyễn Thị Thập – một trong những thủ lĩnh của phong trào khởi nghĩa. Khi trên đà tiến công, bà Nguyễn Thị Thập chuyển dạ sinh con. Cu Nhỏ đã hoàn thành tốt nhiệm vụ cõng bà Thập về căn cứ sinh nở an toàn.

Nam Kỳ kháng chiến.
Nam Kỳ kháng chiến.

Cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ thất bại, Cu Nhỏ mất liên lạc với tổ chức. Không mục tiêu định hướng, Cu Nhỏ trở về Sài Gòn mưu sinh trên hè phố, rồi thi đấu võ đài. Năm 1942, Cu Nhỏ trở lại Campuchia thi đấu võ thuật và giành chiến thắng, được cấp bằng võ sĩ Đông Dương.

Cách mạng tháng Tám nổ ra, Cu Nhỏ hòa theo dòng người cướp chính quyền rồi tình nguyện nhập Vệ quốc đoàn. Cu Nhỏ vừa tham gia huấn luyện cho bộ đội vừa chiến đấu trong các tiểu đoàn Trương Định, tiểu đoàn 307. Cu Nhỏ đã tham gia các trận đánh đồn Sa Tiên ở Tháp Mười, cầu Ông Lãnh ở Sài Gòn.

Chiến sĩ vệ Quốc đoàn đánh giặc, giữ từng ngôi nhà, từng góc phố.
Chiến sĩ vệ Quốc đoàn đánh giặc, giữ từng ngôi nhà, từng góc phố.

Một chiến công lớn của Cu Nhỏ trong thời kỳ này là tham gia đội cảm tử giải cứu đồng chí Dương Bạch Mai – một trong những nhà lãnh đạo kháng chiến Nam Bộ bị bắt giam tại Phước Long và Kon Tum. Đội cảm tử gồm 10 người do tiểu đoàn Trương Định thành lập. Sau khi đánh hạ nhà tù Bà Rá (Phước Long) giải cứu được 200 chiến sĩ cách mạng nhưng không có đồng chí Dương Bạch Mai (do bị chuyển trại giam lên Kon Tum), đội cảm tử quyết định băng rừng từ Đông Nam Bộ lên Kon Tum.

Sau 2 tháng luồn rừng, vượt núi, đội cảm tử đã đến được Kon Tum. Nhưng lúc này 6/10 thành viên đã mất vì đói, bệnh, rừng thiêng nước độc. 4 chiến sĩ cảm tử đã nhận được sự giúp đỡ tận tình của anh hùng Núp và bà con, phối hợp cùng bộ đội địa phương cứu được đồng chí Dương Bạch Mai cùng 10 tù chính trị khác ở nhà tù Đắc Tô ngay trước giờ bị địch đưa đi hành quyết.

Sau cuộc giải thoát này, Cu Nhỏ lấy tên hai chiến sĩ đã mất trong đội cảm tử tên Lê và Văn làm họ, lấy con sông Hinh ở quê cha Bình Định làm tên… Năm 1952, với nhiều chiến công, Lê Văn Hinh được về chiến khu D dự Liên hoan anh hùng, chiến sĩ thi đua cụm 21 tỉnh Nam Bộ, là một trong 8 chiến sĩ thi đua toàn quốc đầu tiên.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, ông Hinh là chiến sỹ đặc công, tham gia nhiều trận đánh quan trọng…

Đất nước thống nhất rồi nhưng cuộc chiến của người chiến sĩ đặc công Lê Văn Hinh chưa chấm dứt. Hàng chục vết thương ở tay, chân, cột sống, vùng đầu trở chứng hành hạ ông. Tháng 12/1975, ông Hinh ra Bắc an dưỡng tại K10, Gia Lâm, Hà Nội. Nhà nước muốn chăm sóc – an dưỡng ông trọn đời nhưng bản thân ông xin được giám định thương tật, giải quyết chế độ thương binh để về với vợ con.

Thương binh 2/4, Thiếu tá Lê Văn Hinh trở về bên dòng Lam cùng người vợ yêu và 5 người con. Những năm 1976-1995 mới là những năm “dữ dội” nhất trong cuộc đời người chiến sĩ đặc công này khi đời sống khó khăn chật vật, một năm 12 tháng thì cả 12 tháng ông đi bệnh viện. Vết thương cũ đã “đánh” ông ngã gục nằm liệt giường, khiến ông phải đi xe lăn, đôi ba phen ông tưởng chừng như đã chết.

Nhưng rồi, với sự giúp đỡ của vợ con, cùng tinh thần yêu cuộc sống, tinh thần quả cảm của anh bộ đội Cụ Hồ, người chiến sĩ đặc công Lê Văn Hinh đã chiến thắng bệnh tật. Sau 20 năm chiến đấu, ở tuổi 70, ông Lê Văn Hinh đã từ chiếc xe lăn đứng dậy bước chân đi… Rời khỏi giường bệnh, ông cùng đồng đội lại về thăm chiến trường xưa, trăn trở với việc nhiều đồng đội vẫn còn nằm đâu đó nơi rừng sâu chưa kịp về đất mẹ.

Cuộc đời của chiến sĩ đặc công Lê Văn Hinh đã được Giáo sư Hoàng Chương viết thành sách dày 200 trang xuất bản vào năm 2009 với tựa đề “Chuyện lạ của một chiến sĩ đặc công”. Ngày 27/7/2010, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức hội thảo về cuốn sách này với sự tham dự của Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh, Trung ướng Đồng Sĩ Nguyên, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị Vũ Oanh…Nói về người chiến sĩ đồng hương, Cố Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh cho rằng: “Anh Lê Văn Hinh là một người anh hùng”.

Ở tuổi 93, nói về mình, cựu chiến sĩ đặc công Lê Văn Hinh cho rằng: “Tôi không phải là anh hùng. Tôi chỉ là một đứa trẻ mồ côi, được cách mạng nuôi dưỡng mới thành người. Trước đây, nhiều người vẫn nghi ngại tôi lý lịch không rõ ràng, là “người địch” cài cắm vào. Tôi tự nhủ mình phải cố gắng sống, chiến đấu để mọi người thấy mình như thế nào…

Người xứng đáng danh hiệu anh hùng là vợ tôi. Bà Bưởi đã một mình nuôi dạy con khôn lớn trong khi tôi đi chiến đấu, chăm sóc tôi trong hàng chục năm đau yếu và đến tận bây giờ bà vẫn chăm từng bữa cơm, giấc ngủ cho tôi không sai một phút một giờ”./.