Nhà văn Thanh Tịnh – người thủ trưởng cũ của đơn vị tôi, ông đã từng viết về ngày khai trường như thế này: “Buổi sáng mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên tôi thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi học”.
Tôi không nhớ mình đã đọc đến lần thứ bao nhiêu truyện ngắn ấy.
Trước ngày khai trường, anh em tôi mang quần áo ra là. Suốt tuổi thơ của tôi, một năm tôi được may áo mới hai lần. Một là Tết Nguyên đán, và một là khai giảng năm học mới. Năm ấy, bố tôi mua được một mảnh vải màu hồng cánh sen, ông dẫn tôi xuống tiệm may ở tít dưới trung tâm xã. Cô thợ may đã may cho tôi một chiếc áo với cái cổ lá sen tròn, vai bồng, tay bồng. Ngày mai khai trường, tối nay anh em tôi mang quần áo ra là. Làng chưa có điện, chúng tôi là bằng than.
Tôi đòi tự là cái áo sau khi anh tôi đã là xong áo quần của anh ấy. Cái áo bằng vải xoa. Nó không chịu được nhiệt, và lập tức xoăn tít ở ngay những giây đầu tiên tôi đặt cái bàn là lên. Cái áo đã chẳng còn là cái áo nữa. Tôi đã khóc suốt đêm ấy. Sáng hôm sau là mùng 5 tháng 9. Và tôi buộc phải đến trường với đôi mắt sưng húp, mặc áo cũ, và buồn đến ngẩn ngơ cả tuần liền.
Nhà nghèo, đâu có dễ gì một manh áo mới.
Không ai mắng tôi cả. Nhưng tôi nhìn thấy ánh mắt xót xa của mẹ. Thực ra sau này, khi đã làm mẹ rồi, thì tôi biết rằng mẹ tôi xót cho nỗi buồn trẻ thơ của tôi.
Giờ trước mỗi kỳ khai giảng, tôi đều mang áo quần đồng phục của các con ra là. Là cho thật phẳng phiu. Là cả khăn quàng đỏ và mũ ca-lô. Tôi luôn muốn con tinh tươm nhất có thể trong ngày khai giảng. Mỗi lần là áo cho con lại nhớ tấm áo màu hồng cánh sen xoăn tít dúm dó năm nào, và một nỗi thương mến tuổi thơ lại trào lên.
Mùa thu đã đến rồi. Sau cơn mưa rất to đêm qua, buổi sáng mở cửa ra, nhìn thấy một làn sương mờ phủ trên mặt sông, và những nếp nhà cũng mờ ảo hơn mọi ngày, gió đang ùa tới những se se lạnh và bầu không khí ngột ngạt của ngày hôm trước đã biến mất, thay vào đó là thứ thanh tao, tinh sạch, mát rượi… Mẹ thiên nhiên luôn mang tới những điều tuyệt vời nhất như thế đấy, cho dù loài người có ngóng đợi hay không.
Tôi không hỏi các con, rằng có mong đến ngày khai trường không. Nhưng tôi biết rằng, cái sự mong chờ đến ngày khai trường của bọn trẻ không giống như mình ngày xưa. Ngày ấy, suốt 3 tháng liền, sách vở bị bỏ quên. Cái giá sách đầy bụi và đầy vết chân thạch sùng. Suốt 3 tháng hè, lên núi, ra sông, ra đồng, lội suối, trèo cây, nhảy xuống ao tập bơi… Đứa nào cũng lớn vổng lên. Và khi những cơn gió đầu tiên của mùa thu kéo tới, khi những quả bưởi bắt đầu căng mọng trên cành, và những cây hồng thì ưng ửng quả chín trong vòm lá xanh rì… là đã biết phải đi dọn cái giá sách. Và đến lúc này mới thấy, ôi thật là nhớ trường, nhớ lớp. Nhớ cái lớp học có một lỗ thủng trên tường, ở bức vách sau lưng. Là do bọn học trò mỗi ngày ngoáy một ít bằng bút chì, thước kẻ, cho đến lúc nó thủng ra, chỉ để ngó sang lớp bên kia. Nhớ cái bàn học đầy vết tích nhằng nhịt. Đứa nào cũng vẽ, viết nhăng nhít lên đấy. Cái bàn gỗ, cũ lắm rồi, có cả khay đựng lọ mực, khay đựng bút cho khỏi lăn. Và đứa bên cạnh, từ những ngày đầu của năm học trước, đã dùng phấn kẻ một trăm lần, một nghìn lần cái đường kẻ để không ai phạm vào chỗ của ai trên bàn…
Nhớ như in đến như thế, thì làm sao chả mong đến ngày khai trường. Không cần một khẩu hiệu nào cả, chỉ cần nghe mùa thu gõ cửa là soạn sửa áo quần, sách vở, bút mực, sao cho thật tinh tươm.
Thật là tinh tươm cho một năm học mới, một mùa thu mới!