Tình người ở… “xóm chạy thận”

Tôi đến “xóm chạy thận” thuộc xóm 13, xã Nghi Phú, một ngày đầu tháng 5, khi những đợt nắng đầu hè đã bắt đầu đổ xuống gay gắt. Dãy trọ 10 phòng lợp tôn vì thế cũng trở nên nóng bỏng như nung. Dãy trọ này nằm hút sâu trong một con ngõ ngoằn nghèo của đường Hồ Tông Thốc, gần với Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh và Bệnh viện 115. Giữa nơi mà sự sống và cái chết như sợi chỉ mong manh, mới thấy tình người càng thêm bền chặt.

Dưới cái nóng hầm hập gần 40 độ C, cư dân ở “xóm chạy thận” chỉ còn biết cách kéo nhau ra ngoài hiên ngồi hóng mát. Lúc tôi đến, cư dân của xóm cũng vừa chạy thận về, sức khỏe trông có vẻ khá hơn. Dẫu vậy, trên những gương mặt hốc hác, những làn da xám ngoét, dấu vết mệt mỏi và cánh tay rớm máu thì vẫn còn.

“Xóm chạy thận” nằm sâu trong một con ngõ ngoằn nghoèo của đường Hồ Tông Thốc. Ảnh: Tiến Đông
“Xóm chạy thận” nằm sâu trong một con ngõ ngoằn nghoèo của đường Hồ Tông Thốc. Ảnh: Tiến Đông

Anh Phan Quốc Quyền (SN 1986), trú tại xã Hoa Thành (Yên Thành), là người hiểu khá rõ về từng hoàn cảnh tại “xóm chạy thận” này. Là người  nhanh nhẹn hơn cả, anh Quyền chạy đi lấy ghế mời chúng tôi ngồi. Rồi anh kể, hầu hết cư dân của xóm này đều mắc bệnh suy thận nặng, phải lọc máu liên tục để kéo dài sự sống. Mỗi tuần 3 lần, và đều đặn quanh năm, thiếu lần nào thì sức khỏe suy kiệt, tụt huyết áp, chân tay bủn rủn. Mỗi lần lọc máu xong các bệnh nhân chạy thận như trở thành con người khác, cử chỉ cũng hoạt bát, nhanh nhẹn hơn.

Tôi gặp bà Nguyễn Thị Hoa (trú tại xã Kỳ Tân, huyện Tân Kỳ), trọ tại căn phòng số 1. Bà Hoa là người có “thâm niên” nhất tại “xóm chạy thận” này với 16 năm. Đồng hành với bà trong cuộc chiến này là người chồng – ông Nguyễn Văn Triển. Kể từ khi bà Hoa bị bệnh, ông Triển đã bỏ hết việc đồng áng, vườn đồi cho con cái ở nhà, đem theo chiếc xe máy cà tàng xuống Vinh đi làm phụ hồ kiếm tiền chăm vợ. Lúc chúng tôi đến, ông Triển đi làm còn chưa về. Một mình bà Hoa ngồi ngoài cửa chờ chồng. Trên bàn còn 2 suất cơm chưa ăn và một chú gà con được đặt trong hộp kêu chiếp chiếp.

Bà Nguyễn Thị Hoa ngồi chờ chồng bên hai suất cơm còn nguyên. Ảnh: Tiến Đông
Bà Nguyễn Thị Hoa ngồi chờ chồng bên hai suất cơm còn nguyên. Ảnh: Tiến Đông

Bà Hoa bảo, chờ ông về ăn cho vui, một mình bà không nuốt nổi. Chỉ tay vào chú gà con, bà Hoa nhoẻn miệng cười bảo, bữa con cái xuống thăm, đưa mấy chục trứng gà, nhưng nóng quá nó nở ra mất. Thế là ông lấy một cái hộp nhựa bỏ con gà vào, để bà chăm cho khuây.

Ngoài bà Hoa có chồng xuống chăm, thì bà Nguyễn Thị Phượng cũng có chồng đồng hành. Bà Phượng quê ở xã Long Sơn (Anh Sơn). Chạy thận đã 4 năm, nhưng 2 năm lại đây, bệnh trở nặng cộng thêm biến chứng từ căn bệnh tiểu đường nên mắt bà không còn nhìn thấy gì. Vì thế mà chồng bà cũng phải túc trực hằng ngày không chạy đi đâu được. Rau gạo thì con cái thỉnh thoảng lại gửi từ trên quê xuống.

Vợ chồng bà Phượng bên suất cơm đạm bạc. Ảnh: Tiến Đông
Vợ chồng bà Phượng bên suất cơm đạm bạc. Ảnh: Tiến Đông

Trong 10 căn phòng nhỏ ở “xóm chạy thận” là 10 hoàn cảnh khác nhau, nhưng hầu hết bệnh nhân chạy thận đều là những người có hoàn cảnh khó khăn, cố gắng chữa bệnh trong lay lắt. Người ở Tân Kỳ, Anh Sơn, Thanh Chương xuống, có người ở Yên Thành, Quỳnh Lưu vào, cũng có những người từ bên Hà Tĩnh sang. Họ phải ở cố định tại phòng trọ, đếm ngày trôi.

Chị Lê Thị Mai (SN 1982), trú tại xóm Liên Trường, xã Thanh Liên (Thanh Chương), cũng là một trường hợp đặc biệt. Chị Mai từng có 15 năm làm công nhân của Tổng đội TNXP 1 đóng tại xã Long Sơn (Anh Sơn). Năm 2016 chị phải nghỉ việc giữa chừng để xuống Vinh chạy thận. Xót thương thay, trong gia đình chị Mai có người anh trai trước đây cũng phải chạy thận, đến năm 2018 thì mất. Giờ đây, chi phí chữa bệnh của chị trông chờ vào người mẹ già 70 tuổi ở quê.

Biết tôi đã từng lên Tổng đội TNXP 1 nhiều lần và nay đã chính thức giải thể, chị Mai rơm rớm nước mắt. Chị say sưa kể về một thời sôi nổi của mình, về những đồng nghiệp mà mình từng công tác. 8 năm qua, một mình chị quanh quẩn ở “xóm chạy thận” này trong sự đùm bọc, yêu thương của những bệnh nhân cùng cảnh ngộ.

Chị Lê Thị Mai và cánh tay chằng chịt vết kim tiêm. Ảnh: Tiến Đông
Chị Lê Thị Mai và cánh tay chằng chịt vết kim tiêm. Ảnh: Tiến Đông

Tôi gặp Nguyễn Ngọc Hùng và Lê Thị Phương khi hai bạn trẻ mới đi chạy thận về. Câu chuyện của Hùng và Phương cũng được nhiều người tại xóm trọ này biết đến. Đó là minh chứng cho một điều rằng tình yêu vẫn luôn nảy nở trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù là khó khăn nhất.

Hùng sinh năm 1989 tại xóm Làng Hoa, xã Phong Thịnh (Thanh Chương). Cuối năm 2004, khi vừa bước lên lớp 10, căn bệnh suy thận quái ác đã khiến Hùng bỏ dở việc học, ôm đồ đạc xuống Vinh, bắt đầu những ngày tháng “ăn cơm viện nhiều hơn cơm nhà”.

Những ngày đầu, Hùng thường được bố mẹ đưa đi đón về, cứ cách 2 ngày lại xuống Vinh chạy thận một lần. Nhưng gia đình đông anh em, thương bố mẹ làm nông vất vả, về sau Hùng xuống chạy thận một mình. Em xuống Vinh, tự bươn chải đủ nghề, từ chạy xe ôm đến làm shipper (người giao hàng), để đỡ đần cho bố mẹ chi phí chữa bệnh. Năm 2016, qua trang mạng xã hội của những người chạy thận, Hùng quen Phương, một cô gái sinh năm 1994 đến từ xã Xuân Hưng, Thọ Xuân (Thanh Hóa). Vào năm 2011 khi đang học lớp 12, Phương đã phải nghỉ giữa chừng để đi chạy thận. Sau khi quen Hùng, em đã chuyển vào Vinh điều trị.

Dù mang trọng bệnh nhưng cô gái Lê Thị Phương vẫn luôn lạc quan về cuộc sống. Ảnh: Tiến Đông
Dù mang trọng bệnh nhưng cô gái Lê Thị Phương vẫn luôn lạc quan về cuộc sống. Ảnh: Tiến Đông

Kể về câu chuyện tình yêu của mình, Phương cười bảo, ngày em bị bệnh phải chạy thận, bố em khi đó đang làm việc ở miền Nam, đã phải chuyển về quê để tiện chăm sóc. Nhưng khi biết tin con gái chuyển vào Vinh chạy thận để được gần người mình yêu, bố liền mắng “mi lừa bố đấy chứ, nói bố chuyển về quê để gần chăm sóc con thì mi lại chạy vào Vinh theo tiếng gọi của tình yêu”. Người ta thường nói “trời không chịu đất thì đất phải chịu trời”, trước tình yêu của đôi bạn trẻ, cuối năm 2016 cả hai gia đình đã chính thức đi lại và làm mâm cơm xác nhận tình cảm cho hai con của mình.

Hùng và Phương bây giờ chạy thận ở Bệnh viện Đại học Y khoa Vinh. Mang trong mình căn bệnh quái ác, cả hai cũng chẳng bao giờ nghĩ và dám nghĩ rằng sẽ có con. Thay vì làm shipper như trước, từ năm 2019 hai bạn trẻ chuyển sang bán nước mía. Cứ mỗi buổi tối, cả hai lại đẩy xe nước mía ra bán trên đường Trương Vân Lĩnh, kiếm thêm chi phí ở trọ và thuốc thang trị bệnh.

Dù bệnh tật nhưng nụ cười vẫn luôn nở trên môi hai bạn trẻ Hùng - Phương. Ảnh: Tiến Đông
Dù bệnh tật nhưng nụ cười vẫn luôn nở trên môi hai bạn trẻ Hùng - Phương. Ảnh: Tiến Đông

Bán nước mía thu nhập có khá không? – tôi hỏi. Hùng bảo, nếu như trời nắng thì mỗi buổi tối cũng kiếm được vài trăm, cũng đủ cho chi phí hơn 1 triệu đồng tiền phòng trọ. Vậy trời mưa hay mùa đông thì sao? Khi đó em lại chạy shipper – Hùng nói rồi nắm chặt tay Phương và cười. Một nụ cười toả nắng. Tôi chợt thấy trong ánh mắt của đôi bạn trẻ, hạnh phúc thật là giản đơn và bình dị.

Khi chúng tôi ghé thăm “xóm chạy thận” cũng là lúc các thành viên của Bếp cơm Nhật Duyên mang 100 suất cơm đến cho các bệnh nhân tại đây và các bệnh nhân chạy thận ở các xóm khác xung quanh. Đây hoạt động hàng tuần mà Bếp cơm Nhật Duyên mang các suất ăn miễn phí đến cho các bệnh nhân chạy thận.

Chị Nguyễn Ngọc Ngà, quê Quỳnh Bảng (Quỳnh Lưu), một trong những người khởi xướng và đồng hành bếp cơm này từ 2022 chia sẻ: Đầu năm 2022, sau một thời gian tổ chức nhiều chương trình thiện nguyện, các anh chị em trong nhóm có ý tưởng xây dựng bếp ăn để hỗ trợ cho các bệnh nhân nghèo. Qua khảo sát, nhận thấy các bệnh nhân chạy thận là những người có hoàn cảnh khó khăn, cần sự giúp đỡ nhiều nhất, nên nhóm đã xây dựng kế hoạch và bố trí vào trưa thứ 4 hàng tuần sẽ nấu 100 suất cơm gửi đến các bệnh nhân chạy thận.

Chuẩn bị suất ăn cho các bệnh nhân chạy thận. Ảnh: Tiến Đông
Chuẩn bị suất ăn cho các bệnh nhân chạy thận. Ảnh: Tiến Đông

Là người từng tốt nghiệp Đại học Y khoa Vinh nên chị Ngà hiểu rõ về tình hình đối với bệnh nhân chạy thận. Chính vì thế, khi lên thực đơn cũng sẽ khác với các bệnh nhân khác, nhất là các món ăn phải nấu nhạt nhưng vẫn phải đảm bảo hương vị. Để nấu được 100 suất ăn, vào tối thứ 3 hàng tuần, các thành viên trong nhóm lại tụ tập chuẩn bị sơ chế nguyên vật liệu. Đến sáng thứ 4 thì đến nấu và mang đến cho các bệnh nhân khi họ vừa kịp đi chạy thận về.

Hiện tại Bếp cơm Nhật Duyên có khoảng 30 thành viên thường xuyên. Các thành viên công tác trong nhiều lĩnh vực khác nhau, hàng tháng họ trích từ thu nhập của mình để hỗ trợ nấu suất ăn. Anh Trần Lâm, hoạt động trong lĩnh vực cơ khí, là một trong những thành viên của Bếp cơm Nhật Duyên chia sẻ: Các thành viên tham gia nấu cơm hỗ trợ bệnh nhân nghèo không phân biệt sang, hèn. Ai có nhiều ủng hộ nhiều, ai có ít ủng hộ ít. Có người ủng hộ bằng tiền, có người lại ủng hộ bằng rau, gạo. Tất cả đều hướng đến các bệnh nhân nghèo, những người yếu thế trong xã hội.

Các thành viên của Bếp cơm Nhật Duyên phát cơm cho bệnh nhân ở “xóm chạy thận”. Ảnh: Tiến Đông
Các thành viên của Bếp cơm Nhật Duyên phát cơm cho bệnh nhân ở “xóm chạy thận”. Ảnh: Tiến Đông

Ngoài việc nấu 100 suất ăn cho bệnh nhân chạy thận tại khu vực xã Nghi Phú, Bếp cơm Nhật Duyên còn nấu bánh bao cho bệnh nhân chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa thành phố Vinh cơ sở 2 (tại phường Quán Bàu), và chiều chủ nhật hàng tuần lại hỗ trợ 120 suất cháo cho bệnh nhân tại Trung tâm Huyết học – Truyền máu Nghệ An…

Rời “xóm chạy thận”, tôi hiểu với những bệnh nhân suy thận, họ biết rằng khó có phép màu nào xảy ra trong cuộc sống. Hằng ngày, họ vẫn phải đối diện với những cơn đau, sự mệt mỏi. Nhưng chính tình cảm thương yêu, sự đùm bọc, sẻ chia dưới một mái nhà và sự động viên kịp thời từ cộng đồng chính là thứ tình cảm đáng trân quý, giúp họ có thêm niềm tin, hy vọng và động lực để vượt qua khó khăn, bệnh tật…

Các thành viên của Bếp cơm Nhật Duyên đưa cơm tới chỗ ở trọ của các bệnh nhân. Ảnh: Tiến Đông
Các thành viên của Bếp cơm Nhật Duyên đưa cơm tới chỗ ở trọ của các bệnh nhân. Ảnh: Tiến Đông