Tục cầu an, giải hạn có từ lâu đời, là chỗ dựa tâm linh giúp con người vượt qua “vận hạn” nếu có trong năm. Vì thế, cứ đến mỗi độ ra Giêng, nhà nhà, người người lại tìm đến các đền, chùa thiêng để được cầu an, dâng sao giải hạn.
Đền Hoàng Mười (xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên) những ngày gần đây luôn trong tình trạng quá tải vì tại các chánh điện hàng trăm người chen chân bái lạy đức ngài trong tiếng khẩn cầu của thầy cúng, mong cầu được bình an và giải được hạn. Bà Hoàng Thị Tuyết Lan được nhiều người gọi là “cô”, đang dâng sớ cho một vị khách ở phường Hồng Sơn (TP. Vinh) với lời phán: “Hạn nặng, có sao Thái Bạch chiếu”, thế nên sớ này được đọc đi, đọc lại phần cầu xin tới 2 lần mà cô vẫn không gieo được quẻ đẹp. Rồi gia chủ phải bái lạy hết các chánh điện và quỳ xin điện phật để ngài chứng cho thì lập tức cô bảo “được rồi, ngài cho rồi, tạ ngài đi” rồi quay sang nói với gia chủ: “Đã bảo rồi, hạn nặng vậy thì đi sớm đi, sắm cái lễ cho tươm tất, lại cứ ki bo…”.
Bà Lan cho biết, những gia chủ có hạn hằng năm tìm đến bà để mong được bà kêu thay lạy đỡ cho rất nhiều. Mỗi năm, bà hành hương tới 3 – 4 khóa, mỗi khóa tầm 60 – 100 gia đình, có nhà chỉ 2 người đi, có nhà tất cả các thành viên đều tham gia. Vì thế, mỗi gia đình chỉ được cầu an, cúng sao và giải hạn trong vòng khoảng 5 phút, nếu bề trên chứng cho thì xem như hạn đã được giải; hoặc nếu ai hạn nặng quá, khó giải quá thì lâu hơn, nhưng đa số ngài đều cho. Bà Lan nói: “Tôi cứu cho nhiều người, hạn Thái Bạch, Kim Lâu, bốn chín, năm ba mà không đi giải thì cái mạng rất khó giữ, hoặc có qua được cũng tiêu tan cửa nhà”.
Bà Lan có thâm niên làm nghề thầy cúng hơn 15 năm, cũng từng đó năm bà còn tham gia bắt bài Tây xem vận hạn trong năm cho gia chủ. Chưa biết đúng sai, nhưng nhiều người thấy bà phán có hạn thì lập tức xin bà chỉ cho giải ở đâu. Và sau khi được bà chỉ giáo, dặn dò, nhiều người đăng ký xin được theo bà đến các đền chùa linh thiêng để đức Phật và các quan ngài bề trên linh ứng hóa giải vận hạn. Thế là một đồn mười, mười đồn trăm, nhiều người theo bà cả chục năm nay để mong gia đình thoát được vận hạn truyền kiếp, mong có được an lành, mong cầu được phúc lộc.
Rời đền Hoàng Mười, chúng tôi tìm đến nhiều chùa, đền có tiếng linh thiêng trên địa bàn tỉnh và đều thấy có cảnh người dân la liệt quỳ lạy hàng trong, hàng ngoài để dâng sớ. Nhiều nơi, sư thầy đọc rất nhỏ, rất ngắn, chỉ nêu đến tên gia chủ nào, gia chủ đánh tiếng thật to và quỳ lên để cho ngài chứng, thế là lễ thành, gia chủ sau đó để vào khay cho thầy một số tiền đã ngầm định rồi bái lạy rút lui. Sau đó, gia chủ ghé tai hỏi nhỏ thầy đã khấn cho những nguyện ước của họ như đã đăng ký khi dâng sớ chưa, thì thầy gật đầu đảm bảo “đã khấn không thiếu yêu cầu nào”.
Đó là những khách hàng bột phát đến đền, chùa để dâng lễ cầu an, giải hạn và đăng ký ở cổng vào. Còn đối với những gia chủ theo chân những thầy cúng như bà Lan thì sẽ được “đội quân” của bà sắm một khóa lễ khá đầy đủ, bao gồm vàng bạc, hình nhân bằng hàng mã, kèm theo là các mâm ngũ quả, bánh trái, bia, nước ngọt, sữa, bút, dầu phật linh,… được bày biện lên bàn thờ thể hiện tấm lòng thành kính mong đức Phật và quan ngài bề trên chứng minh, vuốt ve, che chở, độ trì cho tai qua nạn khỏi. Với khoảng 100 gia chủ chỉ tiến 1 khóa lễ, mỗi gia đình phải chi cho bà tới hơn 1 triệu đồng.
Bà Nguyễn Thị Thành ở khối 2, phường Cửa Nam (TP. Vinh) cũng từng theo bà Lan đã nhiều năm đi cầu an, giải hạn cho biết: “Gia đình chúng tôi nhiều vận hạn lắm, thế nhưng giải mãi vẫn thấy hạn chưa qua”. Khi được hỏi “Không thấy chuyện đen đủi hoạn nạn qua đi, sao năm nào bà cũng tin và đi giải?”, bà cho biết: “Chủ yếu đi cho đỡ áy náy, không đi lỡ hạn nặng hơn”.
Theo một vị đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Nghệ An: “Tuy việc cúng sao giải hạn không xuất phát từ giáo lý của Phật giáo, nó là một tín ngưỡng của đạo giáo, nhưng trong các ngôi chùa vẫn có các điện thờ thánh Mẫu nên BQL các chùa vẫn cho phép các thầy giúp việc tổ chức cầu an, giải hạn cho những người dân có nhu cầu. Bởi thông qua hình thức cầu an, cúng sao giải hạn này, con người sẽ được an ủi về mặt tâm lý và họ sẽ có đời sống tinh thần an lạc hơn.
Tuy nhiên, hiện nay việc cầu an, giải hạn có phần nở rộ và ồ ạt, tạo nhiều dư luận xấu chẳng qua là vì nhiều nhà đền, chùa cho nhiều thầy cúng ở ngoài vào, nhiều nơi nhận một lúc quá nhiều người dâng sớ nhưng lại thực hiện các khóa lễ thiếu trật tự, thiếu nghi thức… khiến cho việc cầu an, giải hạn như một nghi thức mê tín dị đoan”.
Theo Tiến sỹ Dân tộc học Khoa Lịch sử, Trường Đại học Vinh – Bùi Quang Thuận: Tục cúng sao giải hạn được hình thành từ quan niệm của người Á Đông theo vòng quay của các sao chiếu mệnh, vì thế, mỗi con người sinh ra đều có một sao chiếu mệnh. Mỗi năm con người lại có một sao chiếu mệnh khác nhau và vì vậy có sao xấu cũng có sao tốt. Thế nên người ta mới nghĩ ra cách cần cúng cho sao xấu đi nhanh, hạn lớn thành hạn nhỏ, hạn nhỏ thành không có hạn. Thế nhưng, về khoa học mà nói, chúng ta không thể biết trước sao nào sẽ chiếu vào ta và vào thời điểm nào nên hầu như rất khó để giải được hạn. Vì vậy, tục cúng sao, giải hạn trên thực tế chỉ là “liều thuốc tinh thần” trong tín ngưỡng.
Theo Tiến sỹ Thuận, việc dư luận và truyền thông trong thời gian gần đây nói nhiều về những biến tướng trong cúng sao, giải hạn ở các đền, chùa trên thực tế là việc đến hẹn lại lên, hầu như năm nào cũng có thực trạng này. Việc quá nhiều người chạy theo cầu an cúng sao và giải hạn mà nằm vật vạ ở các sân đền, chùa để chờ đến lượt hoặc sắm quá nhiều lễ, trong đó có nhiều nhà còn tiến cả những hình nhân thế mạng to bằng người thật là điều hết sức không nên.
Bởi theo ông, cầu an trước hết là cầu cho an tịnh trong tâm hồn mình, cầu cho những biến cố tinh thần được nhẹ nhõm, chứ việc giải được hạn hay cầu được tài, được phúc là do các thầy cúng tự nghĩ ra và do người dân chạy theo phong trào rồi tự đồn thổi. Theo Viện Nghiên cứu tôn giáo, nhu cầu dâng sao giải hạn của người dân đang có xu hướng năm sau cao hơn năm trước.
Trong một khảo sát gần đây của viện này, hầu hết những người được hỏi đều trả lời “có nhu cầu và từng làm các khóa lễ dâng sao giải hạn”. Về vấn đề này, Đại đức Thích Định Tuệ – trụ trì chùa Phúc Thành và chùa Đức Hậu cho biết: “Xã hội càng phát triển thì con người càng chịu nhiều áp lực, càng có mong mỏi được giải thoát khỏi những bí bách và muốn có một lực lượng siêu nhiên nào đó để dựa vào. Tuy nhiên, các nhà chùa chỉ nên tổ chức các nghi lễ cầu an cho cộng đồng như cầu quốc thái dân an, để người dân được thể hiện ước nguyện của chính mình. Có như vậy mới giúp con người giác ngộ được một điều: Có làm điều tốt thì mới mong nhận được điều tốt đẹp”.