Chúng tôi đã nhiều lần theo chân những người đam mê thiện nguyện, được thấy họ gom góp tiền cứu vớt những số phận đang đứng trước vực thẳm của nghèo khó và hoạn nạn. Những sự chia sẻ ấy đã giúp cuộc đời của nhiều người bước sang trang mới tươi sáng hơn, tràn đầy niềm tin vào sức mạnh kỳ diệu của lòng nhân ái.
Cụt Văn Lu năm nay bước sang tuổi thứ 8. Ngôi nhà sàn nhỏ bé, tuềnh toàng của gia đình Lu nằm ở cuối một con dốc ở bản Huồi Nhúc, xã Phà Đánh, huyện biên giới Kỳ Sơn. Cuối tháng 11/2021, hoàn cảnh của cậu học sinh lớp 2 Cụt Văn Lu được người dân và cán bộ UBND xã Phà Đánh chia sẻ trên mạng xã hội. Lúc đó, hình ảnh Cụt Văn Lu ngồi khóc và ôm một bên chân sưng phù, vết thương chạy dọc ống chân của em bị sưng phồng được nhiều người đăng tải, chia sẻ nhằm kêu gọi cộng đồng quyên góp tiền giúp em đi chữa bệnh. Thời điểm đó, vết hoại tử nơi ống chân trái của Lu đã mưng mủ khiến em đau nhức. “Cứ đến khi đêm xuống là con tôi kêu khóc vì đau và không ngủ được. Những lúc cơn đau tạm lắng, nó lại đòi được đi học, đòi được đến trường”, chị Cụt Thị Pheng, mẹ của Lu chia sẻ.
Bí thư Đoàn xã Phà Đánh Lương Xuân Tạc cho biết, em Cụt Văn Lu có bố mẹ và chị gái, là hộ nghèo đặc biệt khó khăn của bản Huồi Nhúc. Bố của Cụt Văn Lu là ông Cụt Văn An không được nhanh nhẹn, sức khoẻ yếu nên hầu như không có khả năng lao động. Mẹ của Lu là Cụt Thị Pheng là lao động chính trong nhà, ngày ngày đi làm thuê làm mướn hoặc lên rừng hái lượm lâm sản phụ nuôi gia đình, song cũng bữa đói bữa no.
Tháng 4/2020, Cụt Văn Lu bị tai nạn, gãy ngang xương ống chân trái. Song vì nhà nghèo nên không có điều kiện đưa em đi bệnh viện điều trị, chỉ để mặc vết thương tự lành. Thế nhưng, khi vết xương gãy đã liền thì cũng là lúc những cơn đau tăng dần theo ngày tháng. Mẹ của Lu đành bán con bò duy nhất của gia đình đưa em đi bệnh viện khám và điều trị. Sau khi được mổ và điều trị tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An hơn 1 tháng, em được xuất viện về nhà và hẹn 1 tháng sau xuống khám lại. Nhưng cái nghèo đeo bám, mẹ của Cụt Văn Lu không kiếm đâu ra tiền đủ để đưa con tiếp tục điều trị, đành chấp nhận mặc theo số phận. Thời điểm đó, chị Cụt Thị Pheng nghẹn ngào: “Không có tiền nên Lu phải ở nhà, sống được ngày nào thì biết ngày đó”.
May mắn đã đến với Cụt Văn Lu khi thông tin về hoàn cảnh của em được nhóm thiện nguyện Niềm tin ở thành phố Vinh biết đến. Sau khi trực tiếp tìm hiểu và liên lạc với chính quyền địa phương và người nhà, những tấm lòng hảo tâm đã tặng gia đình 30 triệu đồng giúp cậu bé Lu tiếp tục chữa trị. Không chỉ giúp đỡ về tiền bạc, các thành viên nhóm thiện nguyện còn liên hệ cơ sở y tế và giúp hai mẹ con làm các thủ tục nhập viện, bởi chị Pheng không biết chữ, không biết ký các loại giấy tờ. Đầu tháng 12/2021, hai mẹ con Cụt Văn Lu bắt xe khách từ huyện Kỳ Sơn xuống thành phố Vinh chữa trị.
Trong suốt gần 2 tháng trời điều trị ở thành phố Vinh, Cụt Văn Lu trải qua hai lần phẫu thuật cắt bỏ xương hoại tử, ghép xương nhân tạo. Áp tết Nguyên đán Nhâm Dần, bệnh viện cho phép Cụt Văn Lu về nhà đón năm mới. Ngày hai mẹ con chị Cụt Thị Pheng về nhà, thấu hiểu hoàn cảnh khó khăn của hai mẹ con, các bệnh nhân điều trị cùng phòng bệnh mỗi người góp một chút quà Tết tặng cậu trò nhỏ. Người thì tặng mấy gói mì tôm, miến; có người lại tặng gói bánh kẹo, quần áo…
Sau Tết, ngày 2/3, Cụt Văn Lu lại theo mẹ xuống thành phố Vinh nhập viện tiếp tục điều trị và chuẩn bị cho cuộc phẫu thuật lần thứ ba. Trong suốt hành trình điều trị bệnh của Cụt Văn Lu, những tấm lòng nhân ái vẫn luôn hỗ trợ mẹ con em cả về vật chất lẫn tinh thần. Mỗi lần có thành viên nhóm thiện nguyện đến hỏi han tình hình, giúp làm thủ tục chuẩn bị phẫu thuật, nộp các khoản chi phí, chị Cụt Thị Pheng lại vui mừng khoe “có người nhà đến thăm”. Còn cậu bé Lu thì luôn miệng thỏ thẻ: “Chân cháu không đau nữa. Cháu mong sẽ khỏi sớm để được về nhà tiếp tục đi học”.
Cũng vào thời gian áp tết Nguyên đán Nhâm Dần, những tấm lòng nhân ái của các thành viên nhóm thiện nguyện Niềm tin tìm về xã Phúc Thành, huyện Yên Thành để trao 30 triệu đồng cho một gia đình đang lâm vào hoàn cảnh hết sức bi đát của vợ chồng anh Nguyễn Trọng Nhạ ở xóm 6. Cả hai vợ chồng anh Nhạ đều bị bệnh nặng. Vợ anh là chị Vũ Thị Mến chưa đầy 40 tuổi nhưng đã phải trải qua ca phẫu thuật cắt túi mật. Còn chồng chị thì bị bệnh ung thư máu, sức khoẻ đến hồi kiệt quệ. Hai đứa con của anh chị chỉ biết chạy qua chạy lại giúp bố mẹ uống nước, uống sữa trong khó nhọc.
Không chỉ vậy, con trai đầu lòng sinh năm 2007 cũng mắc bệnh hen phế quản, nhiều năm liền vợ chồng anh Nhạ phải ôm con đi khắp các bệnh viện để chạy chữa nên kinh tế gia đình rơi vào túng quẫn triền miên. Khi bệnh hen của con trai lớn đã thuyên giảm, năm 2012 hai vợ chồng quyết định cầm cố bìa đất của gia đình để vay tiền cho anh Nhạ đi xuất khẩu lao động ở Angola. Hơn 1 năm trời bươn chải ở xứ người, không những không kiếm được tiền trả nợ ngân hàng, mà đồng hương ở Angola còn phải quyên góp tiền để giúp anh Nguyễn Trọng Nhạ mua vé máy bay trở về quê nhà với hai bàn tay trắng.
Không đầu hàng số phận, về nước, anh Nhạ lại lặn lội ra Bắc Giang làm thuê để kiếm tiềm nuôi vợ con và cha mẹ già. Song không được bao lâu, anh lại phải khăn gói về quê vì cha mẹ và vợ anh đều ốm nặng, không có người chăm sóc. Trong thế cùng quẫn, anh Nhạ quyết định đi bán thận để lấy tiền lo cho người thân. Oái oăm thay, khi đi làm thủ tục để chuẩn bị bán đi quả thận của mình thì anh lại bàng hoàng khi nhận được kết quả mình bị ung thư máu. Không lâu sau khi phát hiện mình mắc bệnh hiểm nghèo, tai họa vẫn liên tiếp giáng xuống gia đình bé nhỏ ấy khi bố đẻ của anh Nhạ qua đời vì ung thư dạ dày, rồi đứa con gái nhỏ phải mổ ruột thừa, còn chị Vũ Thị Mến thì phẫu thuật cắt túi mật.
Trong căn nhà xập xệ không có lấy một đồ đạc nào có giá trị, đến gạo cũng không còn để nấu bát cháo cho người đau ốm, tương lai dường như đã mờ mịt, đóng sập lại trước gia đình bé nhỏ ấy.
Nhưng rồi, tình yêu thương nhân ái của cộng đồng xã hội đã giúp vợ chồng anh Nhạ lấy lại niềm tin, vượt qua hiểm nghèo khi cùng chung tay kêu gọi, vận động quyên góp tiền chữa bệnh và nuôi hai con ăn học. Trong đó, nhóm thiện nguyện Niềm tin ủng hộ 30 triệu đồng. Dưới sự chứng kiến của bà con chòm xóm, của cán bộ UBND xã Phúc Thành, anh Nhạ chị Mến nhận sự giúp đỡ chia sẻ của cộng đồng mà nước mắt chan chứa, vừa buồn tủi vừa cảm động vì được quan tâm, chia sẻ, tiếp thêm động lực vượt qua hiểm nghèo.
Cũng trong thời gian này, không chỉ gia đình anh Nguyễn Trọng Nhạ được hỗ trợ mà nhóm thiện nguyện còn trao tặng 20 triệu đồng cho gia đình anh Lê Xuân Thắng ở xóm 4, xã Tăng Thành. 20 năm về trước, anh Lê Xuân Thắng đi làm công nhân ở Nhà máy sắn Yên Thành thì bị tai nạn lao động dẫn đến bị bại liệt, mất sức không thể tự nuôi sống bản thân. Tháng 12/2021, anh Thắng bị nhiễm trùng ruột, phải điều trị cấp cứu ở các bệnh viện tuyến tỉnh, chi phí nằm viện đã lên con số hàng chục triệu đồng nên gia đình rơi vào túng quẫn, không còn lo nổi tiền chạy chữa. Bởi vậy, số tiền các nhà hảo tâm trao tặng. Đón nhận những tấm lòng thơm thảo, anh Lê Xuân Thắng và vợ vô cùng cảm động, biết ơn nhóm sự rất ý nghĩa trong hoàn cảnh hiểm nghèo, tiếp thêm sức mạnh giúp anh vượt qua hoạn nạn.
Ngôi nhà nhỏ của ba mẹ con em Nguyễn Thị Thảo nằm sâu trong một ngõ nhỏ ở xóm Trung Phong, xã Xuân Hoà, huyện Nam Đàn. Sinh năm 2002, những năm gần đây, Thảo phải sống trong tình cảnh thị lực ngày một giảm sút do căn bệnh bẩm sinh về mắt. Sinh ra không được bao lâu thì bố của Thảo qua đời, một mình mẹ nuôi hai chị em Nguyễn Thị Thảo. Chị gái của Thảo thì bị khuyết tật nặng, đã hơn 20 năm không có khả năng tự chăm sóc bản thân. Mọi gánh nặng cuộc đời đổ lên đôi vai gầy yếu của chị Nguyễn Thị Phúc, một mình bươn chải làm thuê nuôi hai con, dù chính chị cũng bị thoát vị đĩa đệm và thị lực chỉ còn một nửa.
Cuộc sống của ba người phụ nữ dường như ngày càng rơi vào bế tắc. “Mấy chục năm nay mẹ con tôi sống được đến ngày hôm nay là nhờ sự quan tâm của bà con chòm xóm và chính quyền địa phương. Những tưởng đến tuổi trưởng thành, khi Thảo tìm được việc làm ở khu công nghiệp thì ba mẹ con sẽ đỡ vất vả kiếm ăn từng ngày, nào ngờ hai mắt của con bé lại mờ dần, phải bỏ việc, mẹ con tôi không biết phải sống tiếp như thế nào nếu Thảo bị mù loà”, chị Nguyễn Thị Phúc sụt sùi chia sẻ.
Chị Nguyễn Thị Dung – Bí thư Đoàn xã Xuân Hoà cho biết, đã nhiều lần ra Hà Nội để thăm khám, các y, bác sỹ cho biết bệnh của Thảo có thể chữa trị được bằng việc can thiệp phẫu thuật. Song, do không có tiền nên lại đành ngậm ngùi trở về nhà. Đến tháng 9/2021, hai mắt của Thảo bị mờ nghiêm trọng, em đã phải bỏ việc khu công nghiệp vì thị lực kém. Đoàn xã cũng đã đứng ra kêu gọi cộng đồng ủng hộ tiền giúp Thảo chữa mắt, nhưng cũng lực bất tòng tâm. Chi phí dự kiến hơn 20 triệu đồng, chưa kể chi phí ăn uống, đi lại trong những ngày điều trị tại Hà Nội. Ánh sáng cuộc đời của Nguyễn Thị Thảo dường như tắt ngấm, quãng đời còn lại của em đứng trước vực thẳm bóng tối. Song, một ngày cuối tháng 10/2021, Thảo đã được nhóm thiện nguyện Niềm tin biết đến và hỗ trợ 30 triệu đồng để phẫu thuật mắt.
Ngày 25/10/2021, được nhận quà tặng của các tấm lòng hảo tâm, Nguyễn Thị Thảo nở nụ cười hạnh phúc và nói “cuộc đời em chưa có khi nào cười, chưa khi nào vui như hôm nay”. Biết tin, bà con làng xóm và chính quyền xã cũng đến chia vui với gia đình Thảo. Ngôi nhà nhỏ của ba mẹ con Thảo bỗng chộn rộn hơn ngày thường, bà con chòm xóm, các đoàn viên, thanh niên xung phong thay nhau đảm nhận việc trông coi nhà cửa, chăm sóc chị gái của Thảo để hai mẹ con Thảo yên tâm ra Hà Nội chạy chữa, lấy lại ánh sáng cuộc đời.
Hai hôm sau, Thảo cùng mẹ khăn gói ra Hà Nội nhập viện để phẫu thuật mắt. Chỉ chưa đầy 1 tháng sau đó, trở về quê nhà, cuộc đời của Nguyễn Thị Thảo đã bước sang trang mới khi thị lực của em dần được phục hồi sau 1 lần phẫu thuật chữa trị và 2 lần mổ bổ sung.
Đầu tháng 3/2022, Thảo gọi điện thoại cho các cô chú thành viên nhóm thiện nguyện khoe rằng mình đã tìm được việc làm, đã có thể tự nuôi sống bản thân, giúp mẹ đỡ vất vả. Giọng Thảo run run, nghẹn ngào bày tỏ, sau này đi làm Thảo sẽ thật chăm chỉ để kiếm tiền nuôi chị gái, để mẹ khỏi phải đi làm thuê nữa. Thảo cảm ơn các cô chú, anh chị đã giúp cuộc đời em thoát khỏi tăm tối, đã giúp Thảo tin rằng cuộc sống luôn tươi đẹp vì vẫn luôn có những tấm lòng nhân ái yêu thương hiện hữu.
Nhóm thiện nguyện Niềm tin có hơn 100 thành viên. Các thành viên tuy công tác, sinh sống ở nhiều ngành nghề, lĩnh vực cũng như địa phương khác nhau, nhưng đều có chung tâm nguyện chia sẻ lòng nhân ái. Mỗi tháng, các thành viên tự nguyện đóng góp quỹ tuỳ theo khả năng, dùng số tiền góp chung giúp đỡ các số phận kém may mắn trong cuộc sống. Nhờ đó, mỗi năm có hàng chục trường hợp được nhận chia sẻ, được thay đổi cuộc đời, nhân lên niềm tin yêu cuộc sống.