Đầu tháng 5, khi biết những lao động trên 2 con tàu kiểm ngư đã được ký hợp đồng với thời hạn 6 tháng, chúng tôi đã đề nghị với lãnh đạo Chi cục Thủy sản và Kiểm ngư: “Ngay khi đội tàu vận hành trở lại, cho phép phóng viên Báo Nghệ An được tham gia chuyến đầu…”. Lãnh đạo Chi cục Thủy sản và Kiểm ngư đồng ý với điều kiện “trên biển không như trên bộ, phải có giấy giới thiệu của cơ quan Báo vì chúng tôi phải đảm bảo an toàn cho người trên tàu”; cùng lời hẹn “công tác kiểm ngư trên biển đã tạm dừng một thời gian nên Chi cục sẽ lên kế hoạch đi biển sớm”.
Dù vậy, do biển động nên như Trưởng phòng Kiểm ngư Trần Châu Thành nói “lòng người thuận, nhưng trời chưa thuận”, mãi đến ngày 11/5, chúng tôi mới được thông báo “sáng 13/5, tàu KN-688-NA sẽ rời bờ”.
Đúng hẹn, 8h sáng 13/5 chúng tôi xuống bến 1 cảng Cửa Lò nơi tàu kiểm ngư neo đậu. Lúc này trên tàu kiểm ngư đã đông đủ các thành viên Đoàn công tác liên ngành. Họ là những cán bộ của Phòng Kiểm ngư – Chi cục Thủy sản và Kiểm ngư; là cán bộ Công an tỉnh, Bộ đội Biên phòng, một cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Diễn Châu; và dĩ nhiên, không thể thiếu những người vận hành tàu – những lao động mới được ký hợp đồng trở lại. Các lao động hợp đồng vận hành tàu kiểm ngư gồm thuyền trưởng Vũ Xuân Trọng, thủy thủ trưởng Vũ Viết Nam, thợ máy Lương Văn Diệu và thuyền phó Nguyễn Hữu Hảo.
Vừa thấy cánh phóng viên Báo Nghệ An xuống tàu, thuyền phó Nguyễn Hữu Hảo cười rất tươi, vồn vã giới thiệu chúng tôi với các thành viên trong đoàn. Thấy vậy, Trưởng phòng Kiểm ngư Trần Châu Thành nửa đùa, nửa thật: “Hôm nay mấy anh em đội tàu nhớ nấu món gì tươi tươi để cảm ơn các nhà báo nhé…”. Hỏi tình hình tư tưởng anh em đội tàu đã ổn định chưa? Có ai không trở lại làm việc không? Thuyền phó Nguyễn Hữu Hảo đáp: “Rất ổn rồi. Cả 10 anh em đều đồng ý trở lại làm việc. Thủy thủ trưởng tàu KN-688-NA Trần Châu Thành đã sang làm việc ở Thái Lan một thời gian, nay nghe tin cũng đã trở về. Vừa mới đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lại có văn bản thống nhất cho Chi cục ký hợp đồng dài hạn với cả 10 anh em. Đến đầu tháng 6 này, chúng tôi sẽ được ký lại hợp đồng mới theo Nghị định 111/2022/NĐ-CP…”.
Nhận thông tin từ thuyền phó Nguyễn Hữu Hảo, tranh thủ lúc Trưởng đoàn phân bố công tác tuần tra thì liên hệ với lãnh đạo Chi cục Thủy sản và Kiểm ngư. Sau ít phút, được tiếp cận Văn bản số 1730/SNN-TCCB ngày 6/5/2024 về việc “ký lao động hợp đồng làm việc tại tàu kiểm ngư” của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tại đây có nội dung “Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thống nhất để Chi cục Thủy sản và Kiểm ngư được ký hợp đồng theo Nghị định số 111/2022/NĐ-CP ngày 30/12/2022 của Chính phủ để thực hiện công việc hỗ trợ phục vụ đối với 10 lao động nói trên, chi trả tiền lương và các khoản theo lương từ nguồn kinh phí sự nghiệp bảo vệ nguồn lợi thủy sản do ngân sách nhà nước cấp”.
Trò chuyện với thủy thủ trưởng Vũ Viết Nam: Khoảng thời gian bị tạm dừng hợp đồng thì làm gì? Nam cười cho biết, gia đình anh ở xã Diễn Phong, huyện Diễn Châu, vợ có quầy bán tạp hóa nên về nhà đỡ đần cho vợ. Anh tâm sự: “Đã 10 năm làm việc trên tàu kiểm ngư nên em rất buồn khi bị dừng hợp đồng. Nhưng dù buồn thì cũng phải tính đến tìm việc làm mới để ổn định cuộc sống. Em cũng có vài phương án để chọn, nhưng đúng lúc nhận được Chi cục thông báo ký hợp đồng trở lại làm việc. Giờ thì đã rất yên tâm, rất mừng…”.
Với thợ máy Lương Văn Diệu, sinh ra lớn lên ở huyện núi Hương Khê của tỉnh Hà Tĩnh, khi bị dừng hợp đồng thì cũng trở về nhà. Diệu kể, tháng đầu thấy chồng liên tục ở nhà thì vợ có thắc mắc, hỏi han. Khi ấy, Diệu giấu bặt chuyện mình có nguy cơ mất việc, lần lữa trả lời cho qua chuyện. Đến khi báo đài đưa tin, biết không thể giấu thì mới đành kể rõ sự tình. Lương Văn Diệu thủ thỉ: “Mọi người trong gia đình em cũng rất chia sẻ. Sự việc của bọn em là do vướng mắc quy định. Đã hơn 10 năm gắn bó với tàu nên được trở lại làm việc thì em rất mừng, cảm ơn tất cả mọi người đã quan tâm…”.
Khi Trưởng đoàn Trần Châu Thành kết thúc việc triển khai đến các thành viên kế hoạch tuần tra biển với câu “ra biển chỉ “ôi” một tiếng sẽ không còn gì nên mọi người ý thức tự bảo vệ bản thân” thì cũng là lúc thuyền trưởng Vũ Xuân Trọng cho tàu KN-688-NA rời cảng Cửa Lò. Tàu băng băng rẽ sóng, khoảng hơn 40 phút thì đảo Ngư đã lùi xa, mờ dần phía sau…
Theo kế hoạch, Đoàn công tác liên ngành sẽ tuần tra khu vực đảo Mắt. Bởi có gió cấp 4, cấp 5 nên mặt biển lô xô triệu triệu cồn sóng màu xanh lục, tàu KN-688-NA không ngừng rung lắc. Thuyền trưởng Vũ Xuân Trọng 59 tuổi, với 35 năm kinh nghiệm lái tàu, ông vừa điều khiển tàu, vừa lia ống nhòm trên mặt biển rồi nhận định: “Biển động nên nhiều khả năng sẽ ít tàu cá đánh bắt hải sản…”. Quả như vậy, phải đến khi nhìn rõ hòn Mắt thì mới thấy một chấm đen trên biển. Thuyền trưởng thông báo: Phía trước có tàu cá. Thế rồi ông để Trưởng đoàn điều khiển tàu, cầm ống nhòm ra boong tàu hướng về chấm đen quan sát. Sau hơn một phút, vị thuyền trưởng cao tuổi trở vào báo với Trưởng đoàn “là tàu bóng ghẹ…” rồi đứng vào vị trí lái tăng tốc. Chừng hơn 10 phút, khi gần bắt kịp tàu cá, Trưởng đoàn nhấn còi tín hiệu, còn thuyền phó cầm lá cờ kiểm ngư ra phía đầu tàu vẫy, yêu cầu tàu cá dừng để kiểm tra.
Lúc này, thủy thủ trưởng Vũ Viết Nam đã lên ca nô cùng 3 thành viên đoàn. Anh thuần thục đánh lái để ca nô vẽ một vòng cung sóng rồi lướt băng băng trên mặt biển. Biển bao la, ca nô chỉ như chiếc lá nhỏ, nhưng dăm phút sau Nam đã áp sát được tàu cá để các thành viên lên tàu. Và cũng chỉ chừng đó thời gian, các thành viên lên tàu cá dùng bộ đàm đã báo về: “Đây là tàu bóng ghẹ có số hiệu TH-91674-TS đến từ huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa. Tàu vừa mắc lỗi đánh bắt hải sản trái tuyến, vừa có biểu hiện không có giấy tờ hợp pháp…”. Lúc này tàu kiểm ngư đã tiến sát đảo Mắt, trên mặt biển xuất hiện khoảng 6 – 7 tàu cá. Trường đoàn Trần Châu Thành chỉ đạo 2 thành viên ở lại tàu TH-91674-TS kiểm tra giấy tờ, còn thủy thủ trưởng Vũ Viết Nam cùng một thành viên trở lại đón thêm người kiểm tra các tàu cá khác.
Gần 1 tiếng đồng hồ trôi qua, việc kiểm tra các tàu cá hoàn thành. Có 2 tàu của ngư dân chưa sơn số hiệu lên thân tàu được Đoàn công tác nhắc nhở, yêu cầu thực hiện. Nhưng lúc này, thành viên ở tàu TH-91674-TS báo về tàu này đã bị chết máy, xin ý kiến chỉ đạo. Cùng với các thành viên hội ý nhanh, các anh nhận định đây là chiêu trò gây khó khăn cho công tác kiểm tra. Vì vậy, nhắc thuyền trưởng Vũ Xuân Trọng cho tàu kiểm ngư áp sát tàu cá TH-91674-TS, đồng thời chỉ đạo thủy thủ trưởng Vũ Viết Nam lái ca nô sang đón 2 thành viên đoàn cùng thuyền trưởng tàu cá TH-91674-TS đưa giấy tờ sang tàu kiểm ngư làm việc.
Với những loại giấy tờ của tàu cá TH-91674-TS, do thuyền trưởng ông Hoàng Văn Mạnh đem sang, sau khi kiểm tra, Đoàn công tác liên ngành xác định là không hợp pháp. Thậm chí, qua sự kiểm tra rất kỹ của Trưởng đoàn Trần Châu Thành, Phó phòng Kiểm ngư Hoàng Sỹ Thiết cùng cán bộ Phòng An ninh Kinh tế Công an tỉnh, Trung tá Đinh Khắc Lộc thì có một số giấy tờ có biểu hiện sự lỏng lẻo của một số cơ quan, đơn vị chức năng. Những nội dung này, đều được các thành viên Đoàn công tác trao đổi tỉ mỉ với ông Hoàng Văn Mạnh.
Tuy nhiên, trong thời gian làm việc kéo dài gần 3 tiếng đồng hồ, từ hơn 10h30 đến đúng 1h30, ông Hoàng Văn Mạnh viện dẫn ra nhiều lý do để thanh minh, rồi lấy lý do tàu chết máy để nhất quyết không đưa tàu cá vào bờ làm việc theo quy định. Trước thái độ thiếu thành khẩn của thuyền trưởng tàu cá TH-91674-TS, Trưởng đoàn Trần Châu Thành chỉ đạo thuyền trưởng dùng tời neo tàu cá vào tàu kiểm ngư để kéo vào Lạch Lò. Trước thái độ nghiêm khắc của Đoàn công tác, ông Hoàng Văn Mạnh bỏ lại toàn bộ giấy tờ trên tàu kiểm ngư, nhảy xuống biển bơi trở lại tàu cá.
Bởi hành vi ông Hoàng Văn Mạnh biểu hiện sự liều lĩnh, manh động; hơn nữa, với những bằng chứng xác thực được ghi lại qua thời gian làm việc, Đoàn công tác quyết định không tạo thêm sự căng thẳng trên biển. Trưởng đoàn Trần Châu Thành quyết định: “Sự việc này cần thiết phải báo cáo cụ thể với cơ quan cấp trên, để có văn bản gửi cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa phối hợp xử lý trường hợp tàu cá TH-91674-TS. Thậm chí, sẽ phải đề nghị báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn…
Kết thúc chuyến đi, chúng tôi trở lại cảng Cửa Lò lúc 15h40’. Ở đây, dùng bữa cơm trưa do anh em trên tàu chế biến trong khoảng thời gian Đoàn công tác liên ngành làm việc với ông Hoàng Văn Mạnh. Bữa cơm của những người tuần biển khá đơn giản, gồm chỉ ít đồ biển, bát canh chua…, nhưng ai nấy đều rất vui.
Thuyền trưởng Vũ Xuân Trọng đến lúc này mới tâm sự, rằng cá nhân ông chỉ thêm một vài năm sẽ đến tuổi nghỉ nhưng đã rất buồn, rất lo khi nhận thông tin bị dừng hợp đồng. Buồn, vì như thế 10 anh em gắn bó với nhau sẽ mỗi người mỗi ngả, cuộc sống tương lai chưa biết ra sao. Lo vì tàu không vận hành, công tác kiểm ngư trên biển của đơn vị bị đình trệ. Nhưng, những buồn lo đến nay đã được giải tỏa, vì cả 10 người đều được ký hợp đồng dài hạn để gắn bó lâu dài với tàu kiểm ngư, với những chuyến tuần tra biển.
Khuôn mặt đã nhiều nếp nhăn của vị thuyền trưởng quê xã Quỳnh Long (Quỳnh Lưu), lộ rõ vẻ xúc động, ông nói: “Chúng tôi rất cảm ơn cấp trên, cảm ơn ngành, cảm ơn các cơ quan báo chí… trong thời gian qua đã quan tâm, giúp đỡ. Những tình cảm này, là động lực để chúng tôi thêm gắn bó, hết lòng với nhiệm vụ được giao…”.