Giữa tháng 10 vừa qua, nhà hàng ăn uống của gia đình anh Bùi Hữu Lập ở khối Nam Bắc Sơn, thị trấn Nam Đàn khai trương sau một thời gian chuẩn bị rất ngắn. Anh Lập chia sẻ: “Cơ sở vật chất đã có sẵn, thủ tục đăng ký kinh doanh được chính quyền tạo điều kiện làm rất nhanh, chỉ cần đến bộ phận “một cửa” của huyện làm hồ sơ, nhân viên trực hướng dẫn tỉ mỉ, chu đáo để hoàn thành thủ tục và sau 3 ngày có kết quả là khai trương nhà hàng luôn…”. Cũng ghi nhận về tinh thần, thái độ phục vụ nhiệt tình của cán bộ, công chức ở bộ phận “một cửa”, các chị Thái Thị Nhàn (xã Hồng Long), Nguyễn Thị Hoa Thơm (xã Nam Giang) cho biết, khi đi làm thủ tục kết hôn, cải chính hộ tịch, chỉ cần 1 lần nộp hồ sơ và 1 lần đến nhận kết quả trong thời gian quy định.
Tại bộ phận “một cửa” huyện Nam Đàn, chúng tôi nhận thấy sự quy củ, từ hệ thống bảng biểu thủ tục hành chính đến hệ thống bấm số thứ tự, đánh giá sự hài lòng của người dân được lắp đặt đầy đủ, tạo sự minh bạch trong giải quyết các thủ tục cho người dân, doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Hồng Sơn – Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn chia sẻ: Xác định rõ, cốt lõi của công tác cải cách hành chính, chính là đội ngũ cán bộ, công chức, huyện đã triển khai nhiều giải pháp rất cụ thể. Quan điểm, tư duy của Ban Thường vụ Huyện ủy là cán bộ, công chức từ huyện đến xã, ngoài trình độ, kỹ năng nghiệp vụ, kinh nghiệm, thì đòi hỏi cao về đạo đức công vụ, bởi nếu cán bộ có trình độ, năng lực chuyên môn tốt nhưng tinh thần trách nhiệm hạn chế thì quyền lợi của người dân, doanh nghiệp không được đảm bảo một cách trọn vẹn. Giải quyết thủ tục hành chính mà sửa đi, sửa lại và người phải đi lại nhiều lần thì cải cách hành chính đó không hiệu quả; người dân không phục, không tin và uy tín của tổ chức Đảng và chính quyền sẽ giảm sút. Bởi vậy, trên cơ sở Nghị quyết của Huyện ủy về đẩy mạnh cải cách hành chính trên địa bàn huyện giai đoạn 2021 – 2025, có tính đến năm 2030, UBND huyện đã xây dựng kế hoạch triển khai đồng bộ, quyết liệt; trong đó tập trung rà soát, sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức cấp huyện, cấp xã, gắn đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ.
Cùng với chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ nghiệp vụ, chuyên môn, huyện Nam Đàn tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát việc thực thi công vụ của cán bộ, công chức trên cơ sở phân công, phân cấp “rõ người, rõ việc”. Đặc biệt, huyện đã xây dựng được khung tiêu chí đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức từ huyện đến cấp xã. Khung tiêu chí đánh giá theo từng vị trí việc làm, từng nhiệm vụ có thang điểm đánh giá, hoàn thành công việc ở mức độ nào thì có số điểm tương ứng, trong đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý công việc của cán bộ, công chức được ưu tiên thang điểm cao nhất.
Ngoài hoạt động kiểm tra, giám sát thường xuyên hoặc theo kế hoạch của cấp ủy, chuyên đề của cơ quan dân cử, UBND huyện, xã tăng cường thanh tra công vụ, kiểm tra kỷ cương, kỷ luật hành chính, kiểm tra công tác cải cách hành chính theo từng cấp và cấp trên kiểm tra cấp dưới nhằm chấn chỉnh, khắc phục những thiếu sót, hạn chế trong cải cách hành chính nói chung và hoạt động công vụ của cán bộ, công chức nói riêng, nhất là tại bộ phận “một cửa”. “Khi công việc được kiểm tra thường xuyên và khâu đánh giá thực chất, có tính định lượng cao thì cán bộ, công chức ở từng vị trí việc làm phải nỗ lực để hoàn thành, nhất là giải quyết các thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp đúng hạn” – Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn nhấn mạnh.
Trong năm 2022, UBND huyện Nam Đàn tổ chức kiểm tra công tác cải cách hành tại 5 đơn vị; thanh tra công vụ tại 5 đơn vị, kiểm tra kỷ luật, kỷ cương hành chính tại 12 đơn vị, ngoài ra, cử cán bộ tham gia đoàn kiểm tra của cấp ủy huyện tại 2 đơn vị theo tinh thần Chỉ thị 24-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, nâng cao chất lượng thực hiện một cửa, một cửa liên thông. Qua đó, yêu cầu 8 đơn vị và người đứng đầu kiểm điểm nghiêm túc để rút kinh nghiệm về những hạn chế, khuyết điểm được chỉ ra và kiến nghị xử lý kỷ luật 1 công chức.
Từ chú trọng cải cách thủ tục hành chính, chủ động rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính ở từng phòng chuyên môn cấp huyện, hiện nay, 100% thủ tục của huyện Nam Đàn được cập nhật, công khai dưới nhiều hình thức phù hợp; tỷ lệ hồ sơ, thủ tục giải quyết đúng hạn chiếm 99,9%. Có 100% các xã, thị trấn đã được cấp tài khoản trên hệ thống một cửa điện tử của tỉnh để thực hiện cập nhật kết quả giải quyết thủ tục hành chính. Có 79 thủ tục hành chính được cung cấp trực tuyến ở mức độ 3; 110 thủ tục hành chính mức độ 4 trên Cổng Dịch vụ công tỉnh Nghệ An. Đây là khâu quan trọng góp phần nâng cao chất lượng phục vụ, sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp – thước đo quan trọng của cải cách hành chính.
Công tác cải cách hành chính ở huyện Nam Đàn được gắn chặt với việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Đây được coi là giải pháp đột phá trong cải cách hành chính giai đoạn 2021 – 2030. Huyện đã áp dụng và triển khai phần mềm quản lý, điều hành VNPT-iOffice đến tất cả các phòng, ban, đơn vị trực thuộc UBND huyện, UBND các xã, thị trấn. Theo đó, văn bản ban hành đã thực hiện ký số cấp huyện đạt tỷ lệ trên 98%; 100% văn bản đến (trừ văn bản mật) được xử lý qua hệ thống văn phòng điện tử; tỷ lệ trao đổi, xử lý văn bản qua phần mềm VNPT-iOffice của cán bộ, công chức đạt trên 80%. Nam Đàn là địa phương triển khai khá sớm chủ trương “không giấy” trong các cuộc họp của UBND huyện và nhiều cuộc họp của Ban Thường vụ Huyện ủy. Nhiều phần mềm chuyên ngành được đưa vào sử dụng, như phần mềm về nghiệp vụ tài chính Misa; hộ tịch; quản lý cung – cầu lao động; quản lý viên chức ngành Giáo dục…
Theo chia sẻ của ông Hoàng Nghĩa Hùng – Trưởng phòng Nội vụ huyện Nam Đàn: Việc trao đổi, xử lý văn bản qua phần mềm VNPT- iOffice đã tiết kiệm thời gian trình, gửi, nhận văn bản, chi phí giấy, mực và thuận tiện cho việc lưu trữ, chỉ đạo, theo dõi, tra cứu văn bản đi, đến…, tăng năng suất, hiệu quả công việc. Cùng đó, việc giám sát, kiểm tra thực hiện nhiệm vụ ở các khâu của cán bộ, công chức từ phía lãnh đạo quản lý cũng chính xác, hiệu quả hơn. Việc áp dụng các cuộc họp “không giấy”, tài liệu được gửi trước 3 – 5 ngày qua “môi trường” điện tử để cán bộ khai thác, nghiên cứu trước các cuộc họp, nhằm giảm thời gian trình bày, chi phí in ấn tài liệu và nâng cao chất lượng các cuộc họp.
Từ sự chỉ đạo quyết liệt, công tác cải cách hành chính trên địa bàn huyện Nam Đàn tạo ra nhiều bước chuyển tích cực; chỉ số xếp hạng cải cách hành chính tăng 5 bậc so với năm 2020. Tuy nhiên, ông Hoàng Nghĩa Hùng cũng thẳng thắn đánh giá, vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần phải quyết tâm cao hơn, vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị, của mỗi cán bộ, công chức, viên chức. Trên cơ sở đó, huyện tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xây dựng nhiều mô hình, cách làm hay, sáng tạo, gắn tuyên truyền với tư vấn để người dân dễ nắm, dễ hiểu khi đến giao dịch tại cơ quan hành chính. Tiếp tục tăng cường công tác quản lý, giám sát việc thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức; đầu tư thêm hạ tầng công nghệ thông tin đồng bộ; ưu tiên bố trí thay thế, bổ sung mua sắm máy móc, phương tiện làm việc tại bộ phận “một cửa”… Đó là những yếu tố để nâng dần chỉ số xếp hạng, phấn đấu đến năm 2025, Chỉ số cải cách hành chính của huyện Nam Đàn nằm ở tốp 10 các huyện, thành, thị.