Tại thành phố Vinh, thực hiện Công văn số 2961/UBND-CA ngày 9/6/2023 của UBND thành phố về việc phát động đợt thi đua cao điểm “Hướng về cơ sở, phủ xanh tài khoản định danh điện tử”, vậy nhưng, tính đến ngày 19/6/2023, toàn thành phố chỉ mới kích hoạt được 95.550/271.926 tài khoản, chỉ đạt 35.14%, thấp nhất so với toàn tỉnh, một số phường xã có tỷ lệ kích hoạt thấp như: Lê Lợi (đạt 30,05%), Hưng Dũng (đạt 26,54%), Hưng Lộc (đạt 25,37%)…
Báo cáo số 3213/UBND-CA của UBND thành phố Vinh cũng nêu rõ, nguyên nhân của tỷ lệ kích hoạt tài khoản định danh điện tử thấp là do lãnh đạo cấp ủy, chính quyền phường, xã chưa thực sự quan tâm, sâu sát, thiếu sự trực tiếp kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo triển khai chưa quyết liệt, phương pháp chưa khoa học, kịp thời… Cá biệt có một số Chủ tịch UBND phường còn phó mặc cho lực lượng Công an và đoàn viên thanh niên.
Trước thực tế đó, UBND thành phố Vinh đã nhắc nhở đối với một số phường, xã như: Quán Bàu, Hồng Sơn, Lê Mao, Quang Trung, Đông Vĩnh, Nghi Liên, Nghi Kim. Đồng thời, phê bình nghiêm khắc đối với các phường xã: Bến Thuỷ, Hưng Đông, Đội Cung, Hưng Hòa, Nghi Đức, Cửa Nam… Chủ tịch UBND thành phố cũng đã yêu cầu Công an thành phố kiểm điểm trách nhiệm đối với các trưởng công an phường, xã do thiếu quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo trong thực hiện và không tham mưu kịp thời cho cấp ủy và UBND phường, xã về chỉ đạo, điều hành. Hằng ngày đối với phường, xã nào chuyển biến chậm, tỷ lệ kích hoạt tài khoản định danh điện tử thấp, Chủ tịch UBND thành phố sẽ có văn bản kiến nghị Giám đốc Công an tỉnh điều chuyển vị trí công tác khỏi địa bàn thành phố các trưởng công an phường, xã đó.
Qua thực tế tìm hiểu, chúng tôi (PV) ghi nhận nhiều ý kiến cho rằng, hiện tại việc cấp căn cước công dân gắn chíp và đăng ký sử dụng ứng dụng VNeID là việc làm hết sức khó khăn. Đặc biệt là việc cài đặt ứng dụng VNeID, bởi thực tế tỷ lệ người dân có sim chính chủ, điện thoại thông minh và biết sử dụng thành thạo ứng dụng rất thấp, nhất là ở nhóm đối tượng người già, người nông thôn và khu vực miền núi vùng sâu, vùng xa. Về cơ bản người dân chưa có nhu cầu cài đặt để sử dụng ứng dụng này.
Chưa kể, phần mềm VNeID hiện nay chưa hoàn thiện, đang còn bị lỗi, khiến việc sử dụng phần mềm này để thay thế các loại giấy tờ chưa thực hiện được. Thậm chí dù là bỏ sổ hộ khẩu nhưng do chưa sử dụng được phần mềm VNeID thay thế nên người dân vẫn phải đi xin giấy xác nhận thông tin về cư trú.
Bên cạnh đó, việc thực hiện dịch vụ hành chính công theo quy trình số hóa hiện nay cũng gây không ít khó khăn cho cán bộ, công chức các cấp. Trước đây, người dân chỉ cần đem hồ sơ giấy nộp qua bộ phận một cửa, sau đó cán bộ tiếp nhận sẽ viết tay, hoặc nhập vào máy tính, sau đó in ra để người dân ký vào và lưu trữ. Nay thực hiện dịch vụ công trực tuyến, về nguyên tắc, người dân có thể tự nhập thông tin (một số người phải lên nhờ cán bộ nhập giúp), chụp giấy tờ gửi cán bộ thực hiện rồi vẫn phải mang những loại giấy tờ đó lên nộp lại như cũ. Vì vậy, đối với người dân nông thôn, miền núi, nhóm những người già cả nếu cứng nhắc thực hiện dịch vụ công trực tuyến sẽ khiến cho thời gian xử lý hồ sơ chậm hơn so với trước.
Theo Thượng úy Ngô Xuân Duy – Cán bộ Công an xã Ngọc Lâm (Thanh Chương) thì, Đề án 06 là đề án mới nên nhiều lúc, nhận thức của cán bộ, nhân dân về tầm quan trọng của việc xây dựng dữ liệu dân cư, định danh điện tử còn nhiều bất cập. Chưa kể tại khu vực miền núi, việc lưu trữ các giấy tờ gốc như: Giấy khai sinh, chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu… trước đây còn chưa được quan tâm; nhiều trường hợp sai họ, sai tên, không thống nhất giấy tờ nên dữ liệu không trùng khớp. Thực tế tại xã Ngọc Lâm có khoảng 100 người không còn tàng thư, hay mất tàng thư hộ tịch. Để hoàn thiện hồ sơ đối với những trường hợp này thì mỗi người mất tối đa 7 ngày để thực hiện xong, rất khó khăn cho lực lượng chuyên môn khi hoàn thiện dữ liệu dân cư.
Bên cạnh đó, tại địa phương này có 5/6 bản chưa có mạng kết nối 3G nên việc kết nối, kích hoạt tài khoản VNeID còn gặp nhiều khó khăn. Máy móc, trang thiết bị tại xã cũng thiếu thốn, khó đáp ứng được nhu cầu thực hiện Đề án 06.
Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh có khoảng hơn 75.000 người đang đi xuất khẩu lao động, trong số này có những lao động đang còn hợp đồng, lao động hợp pháp, tuy nhiên, vẫn còn những lao động đã hết hạn hợp đồng và bỏ trốn ra ngoài cư trú bất hợp pháp tại các nước bạn. Có những người đã đi xuất khẩu lao động trước khi thực hiện cấp căn cước công dân thay thế chứng minh nhân dân và thực hiện kích hoạt định danh điện tử. Do chưa thể về nước và có những người không thể về nước để làm lại căn cước công dân và kích hoạt định danh điện tử nên, dữ liệu dân cư của nhóm người này đang bị ngắt quãng. Ảnh hưởng chung đến việc hoàn thiện dữ liệu trên nền tảng số.
Theo ghi nhận, hiện nay còn có 19 nghị định của các Bộ, ngành có quy định về nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú hoặc yêu cầu xuất trình giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú. Những nghị định này hiện đang còn hiệu lực thi hành và đang tác động trực tiếp tới các văn bản triển khai thực hiện của các sở, ngành, chính quyền địa phương các cấp. Chính vì thế đã gây khó khăn nhất định cho người dân khi thực hiện các giao dịch liên quan đến các nghị định.
Anh Hà Kiên, một công dân vừa đi làm thủ tục cấp lại bằng lái xe B2 của mình tại Trung tâm hành chính công tỉnh cách đây không lâu, bày tỏ băn khoăn về các thủ tục. Khi đi làm lại bằng lái xe B2, anh Kiên đã phô tô căn cước công dân và giấy khám sức khỏe, nên không mang theo căn cước công dân gốc. Đến quầy thực hiện giao dịch, anh Kiên có đề nghị mở phần mềm VNeID đã định danh cấp 2 của mình ra, tuy nhiên, phía cán bộ tiếp nhận yêu cầu xuất trình đủ 2 mặt của căn cước công dân (vì trên phần mềm VneID hình ảnh căn cước công dân của chủ tài khoản chỉ hiển thị mặt trước, không hiển thị mặt sau). Anh Kiên đã đành quay về nhà mang căn cước công dân gốc lên để đối chiếu.
Bên cạnh đó, hiện nay có một thực tế là tốc độ xử lý của đường truyền còn chậm, thường xuyên xảy ra tình trạng mạng bị ngắt quãng, dẫn đến thời gian tiếp nhận hồ sơ mất nhiều thời gian. Tại cấp xã, phường, thị trấn, mặc dù đã được trang bị máy móc để tiếp nhận thông tin, tuy nhiên, tình trạng máy tính, máy in, máy scan cũ, cấu hình thấp khiến việc tiếp nhận và xử lý thông tin chưa được nhanh nhạy. Điều này khiến người dân có tâm lý so sánh giữa cách làm cũ và cách làm mới.
Phần lớn người dân tại các địa bàn miền núi, nhất là người dân đồng bào dân tộc thiểu số, không có điện thoại thông minh, thậm chí số điện thoại cũng không có, nên việc kích hoạt tài khoản định danh điện tử nếu được hỗ trợ (được cán bộ hoặc người nhà giúp cài đặt tài khoản) cũng không phát huy hiệu quả vì không có máy điện thoại để cài ứng dụng. Rất nhiều trường hợp người dân miền núi khi đi khám, chữa bệnh tại các bệnh viện tuyến huyện, do không có điện thoại thông minh nên đang phải sử dụng các loại giấy tờ truyền thống.
Ông Đinh Hồng Vinh – Chủ tịch UBND huyện Tương Dương, cho biết: Tại Tương Dương lực lượng làm công tác quản lý hành chính về trật tự xã hội của Công an huyện chỉ có 9 cán bộ, ngoài việc thực hiện các nhiệm vụ của Đề án 06, còn thực hiện các mặt công tác khác như quản lý ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, phòng cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn, quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ… Bên cạnh đó, Tương Dương là huyện miền núi có 17/17 xã đặc biệt khó khăn, hầu hết là người dân tộc thiểu số, nên công tác cấp căn cước công dân, định danh điện tử còn nhiều khó khăn, nguồn nhân lực không đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Mặt khác, còn có nhiều trường hợp người dân cố tình khai sai thông tin bản thân hoặc có thông tin sai lệch giữa giấy tờ, tài liệu hoặc không ghi nhớ các thông tin cá nhân, ảnh hưởng đến tiến độ làm sạch dữ liệu phục vụ cho Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư và các dữ liệu chuyên ngành khác, đồng thời gây khó khăn trong xử lý hồ sơ cấp căn cước công dân.
Trong khi đó, Nghệ An là tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước, có đến 460 đơn vị hành chính cấp xã, do đó trong thời gian ngắn khó có thể trang bị đầy đủ máy móc, phương tiện đáp ứng việc chuyển đổi số. Chưa kể, đa số người lao động sử dụng số điện thoại không chính chủ nên không tạo tài khoản để đăng tải hồ sơ lên dịch vụ công. Ngoài ra trình độ sử dụng công nghệ thông tin của người dân còn hạn chế, nhất là tại các huyện miền núi, vì thế còn lúng túng trong quá trình thực hiện trên môi trường điện tử, việc truy cập, nộp hồ sơ trực tuyến đạt kết quả không cao.
Không riêng gì chính quyền địa phương các cấp, hiện nay việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến tại một số sở, ngành cũng bộc lộ một số vướng mắc. Tại Sở Giao thông vận tải, theo quy định về thủ tục, người dân phải đến cơ sở y tế có chức năng để khám sức khỏe cho người lái xe và để thực hiện thủ tục trực tuyến mức độ 4 cấp đổi giấy phép lái xe phải có kết quả khám sức khỏe điện tử chia sẻ trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Tuy nhiên, hiện nay còn nhiều các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh chưa chia sẻ được kết quả khám sức khỏe điện tử lên hệ thống Cổng dịch vụ công Quốc gia nên người dân phải mang giấy khám sức khỏe đến UBND cấp xã để chứng thực điện tử (phát sinh thêm thủ tục hành chính và chi phí chứng thực điện tử), sau đó sử dụng chứng thực điện tử kết quả khám sức khỏe để đăng ký dịch vụ cấp đổi giấy phép lái xe, điều này gây phiền hà cho người dân khi làm thủ tục.
Cùng với đó, theo quy định, người dân phải có tài khoản ngân hàng để thanh toán trực tuyến qua Cổng dịch vụ công quốc gia. Tuy nhiên, khi đăng ký không thành công việc hoàn trả lại tiền cho người dân vẫn là một vấn đề phải giải quyết, tránh để kéo dài, gây bức xúc cho người dân.
Ngoài ra, hiện nay việc triển khai khám chữa bệnh bằng căn cước công dân có gắn chíp còn một số khó khăn, vướng mắc. Nhiều trường hợp thẻ căn cước công dân chưa được tích hợp dữ liệu bảo hiểm y tế; trước đây khám, chữa bệnh các cơ sở y tế thường giữ bảo hiểm y tế trong hồ sơ, sau khi hoàn thành việc khám sẽ trả lại thẻ bảo hiểm y tế cho người dân, tuy nhiên, hiện nay việc sử dụng thẻ căn cước công dân khám, chữa bệnh thay thế thẻ bảo hiểm, nhưng cơ sở y tế không có thẩm quyền giữ thẻ căn cước công dân nên rất khó khăn trong việc quản lý bệnh nhân…
Đặc biệt, tỷ lệ chứng thực văn bản điện tử để đảm bảo các thành phần hồ sơ trên Cổng dịch vụ công còn nhiều hạn chế, dẫn đến việc mặc dù đã nộp hồ sơ trên cổng dịch vụ công, nhưng người dân vẫn phải đến cơ quan nhà nước để xuất trình đối chiếu giấy tờ gốc so với giấy tờ được đính kèm trên Cổng dịch vụ công. Việc tích hợp, xác thực, hiển thị các thông tin, giấy tờ cá nhân trên ứng dụng VNeID, nhằm từng bước thay thế việc cung cấp các giấy tờ cá nhân trong thực hiện các giao dịch, thủ tục hành chính vẫn chưa được thực hiện đầy đủ. Điều này đã khiến cho quá trình thực hiện giao dịch trực tuyến của người dân gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi cần phải có những giải pháp căn cơ để tháo gỡ vướng mắc, góp phần đưa Đề án 06 đến gần hơn nữa với cuộc sống.