Trung tuần tháng 7/2023, chúng tôi có mặt tại xã Ngọc Lâm (Thanh Chương). Đây là xã tái định cư với phần lớn người dân đồng bào dân tộc thiểu số được di cư từ vùng lòng hồ thuỷ điện Bản Vẽ (Tương Dương), xuống cách đây hơn 15 năm. Được tham gia cùng các đồng chí Công an xã Ngọc Lâm xuống từng bản, tuyên truyền cho người dân về việc kích hoạt định danh điện tử mới thấy rõ được sự vất vả của các cán bộ, chiến sĩ trong nỗ lực thực hiện Đề án 06.
Thượng úy Ngô Xuân Duy – cán bộ Công an xã Ngọc Lâm là người được giao phụ trách khâu nối thực hiện Đề án 06 trên địa bàn xã Ngọc Lâm, chia sẻ: Người dân ở đây chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số nên việc tuyên truyền, thực hiện Đề án 06 đôi lúc còn gặp nhiều khó khăn. Mặc dù vậy, trong chiến dịch “70 ngày đêm” để cấp Căn cước công dân cho người dân, xã Ngọc Lâm đã trở thành địa phương về đích đầu tiên của huyện Thanh Chương. Để làm được điều đó, Tổ thường trực của địa phương gồm 7 cán bộ, chiến sĩ đã đến tận nhà, mời các ban quản lý bản và gom từng cụm bản để thực hiện. Bên cạnh đó, người đứng đầu địa phương là Chủ tịch UBND xã cũng đã chỉ đạo các tổ chức đoàn thể, xây dựng tại mỗi bản 1 tổ thực hiện do đồng chí công an viên chính quy làm tổ trưởng thực hiện. Vì thế, chỉ trong một thời gian ngắn, đến nay đã có 4.547 người dân trong độ tuổi được cấp căn cước công dân. Chỉ còn khoảng 2.000 người do sai họ, không thống nhất dữ liệu nên đang chờ được bổ sung.
Thượng úy Duy cho biết thêm: Sau khi nhận thấy có sự sai lệch dữ liệu, Tổ thường trực đã mời lãnh đạo Phòng PC06, thỉnh thị bằng văn bản đến Cục C06, phòng Tư pháp của huyện, tư pháp xã và lục lại toàn bộ tàng thư trước đây; đồng thời lên lại Tương Dương, nơi bà con nhân dân trước khi di chuyển về khu tái định cư đã từng sinh sống… Sau đó thống nhất về mặt dữ liệu, giấy tờ và lập hồ sơ, đề nghị cơ quan cấp trên cấp căn cước công dân mới cho nhân dân.
Ở xã Ngọc Lâm, có nhiều thanh niên, người lao động trong độ tuổi đã đi làm ăn xa, thậm chí nhiều hộ đã quay về khu vực lòng hồ thủy điện Bản Vẽ để làm ăn. Vì thế, Tổ thường trực đã đến tận nhà, điều tra cơ bản đủ 4 cấp, sau đó phân chia cán bộ, gọi điện trực tiếp liên hệ với công an địa phương nơi gần nhất để hỗ trợ công dân lên làm việc để kích hoạt định danh điện tử.
Theo thống kê, tính đến ngày 30/6/2023, toàn huyện Thanh Chương đã thu nhận được 94.722 tài khoản định danh điện tử. Đã kích hoạt được 84.985 tài khoản mức 1, mức 2, đạt 75% chỉ tiêu Bộ Công an giao. Ngoài ra cũng đã cấp được 197.896 thẻ Căn cước công dân gắn chíp điện tử, trên tổng số 201.340 người dân đủ điều kiện được cấp (trên 14 tuổi), đạt tỷ lệ 98%.
Theo ông Trình Văn Nhã – Chủ tịch UBND huyện, kiêm Tổ trưởng Tổ công tác triển khai Đề án 06 huyện Thanh Chương, chia sẻ: Xác định rõ tầm quan trọng của Đề án 06, UBND huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai quyết liệt, đồng bộ và quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Quá trình triển khai thực hiện, UBND huyện đã ban hành 4 Quyết định, 5 Kế hoạch, 7 Công văn chỉ đạo, triển khai thực hiện Đề án 06.
Ông Nhã cho biết: Đối với nhóm tiện ích phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, Tổ công tác đã chỉ đạo Trung tâm Y tế huyện phối hợp với Công an huyện đã làm sạch, đồng bộ thành công dữ liệu tiêm chủng vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cho 132.768 trường hợp. Ngoài ra đã làm sạch dữ liệu đối với 5.775 dữ liệu bảo hiểm xã hội (đạt 100%); làm sạch 15.270 dữ liệu thông tin ngành lao động, thương binh và xã hội…
Tại thị xã Cửa Lò, chúng tôi (P.V) được giới thiệu đến phường Nghi Thu, đây là địa phương được chọn làm điểm trong thực hiện Đề án 06 tại thị xã biển này. Thời điểm chúng tôi có mặt cũng là lúc cán bộ Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an thị xã Cửa Lò đang đưa máy tiếp nhận thông tin để làm căn cước công dân và tích hợp kích hoạt định danh điện tử cho chị Chế Thị Bích Liên, là công dân của phường Nghi Thu nhưng hiện đang định cư và lập gia đình ở Đài Loan.
Chị Liên cho biết, năm 2006, sau khi học xong cấp 3, chị đã quyết định đi xuất khẩu lao động tại Đài Loan. Sau một thời gian làm việc ở đây, chị quyết định lập gia đình với người Đài Loan, tuy nhiên vẫn giữ Quốc tịch Việt Nam. Trước đây, khi chị Liên đi xuất khẩu lao động, các giấy tờ cá nhân đều đang là giấy tờ kiểu cũ từ chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu gia đình… Sau khi được gia đình gọi điện báo tin về việc hiện nay Nhà nước đang tiến hành cấp căn cước công dân và kích hoạt định danh điện tử, tranh thủ về quê nghỉ phép, chị đã được cán bộ Công an phường Nghi Thu hỗ trợ làm thủ tục cấp căn cước công dân luôn.
Được các cán bộ Công an phường và Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an thị xã Cửa Lò mang máy về tận nơi để hỗ trợ làm căn cước công dân, chị Liên xúc động cho biết “không ngờ hiện nay việc cấp căn cước công dân lại thuận tiện như vậy, chưa kể các tiện ích cá nhân cũng được tích hợp, nhất là việc đổi hộ chiếu, làm thủ tục đi máy bay cũng có thể thực hiện nhanh chóng là điều khiến bản thân tôi rất vui mừng”.
Phường Nghi Thu hiện có 4 khối với 1.411 hộ dân và 5.695 nhân khẩu. Hiện tại đã có 3.448/3.962 công dân đủ điều kiện được thu nhận định danh điện tử. Trong đó có 442 công dân không đủ điều kiện thu nhận định danh điện tử do đi nước ngoài, không dùng điện thoại… Ngoài ra đã có 3.331/3.962 người đủ điều kiện thu nhận và kích hoạt tài khoản định danh điện tử.
Theo Thiếu tá Nguyễn Văn Nam – Trưởng Công an phường Nghi Thu thì trên địa bàn phường có khoảng 250 công dân đang tham gia xuất khẩu lao động ở nước ngoài. Mặc dù đã được ghi nhận thông tin, nhưng do họ đang làm việc ở nước ngoài, nên chưa thể cấp căn cước công dân, đồng thời cũng không thể kích hoạt định danh điện tử được. Một số trường hợp đã làm căn cước công dân sau đó lên đường đi xuất khẩu lao động cũng chưa kích hoạt định danh điện tử vì không còn dùng sim điện thoại nên không thể kích hoạt được định danh điện tử mức 2.
Tính đến thời điểm hiện nay, việc triển khai thực hiện Đề án 06 trên địa bàn Nghệ An đã đi được một chặng đường hơn 1 năm. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên bằng sự nỗ lực của các ban, ngành, chính quyền địa phương các cấp, đến nay bộ khung cơ sở dữ liệu dân cư trên địa bàn toàn tỉnh cơ bản đã hoàn thành. Đặc biệt, với vai trò chủ công trong thực hiện Đề án 06, Công an tỉnh Nghệ An đã chủ động tham mưu cho UBND tỉnh nhiều kế hoạch, giải pháp triển khai thực hiện có hiệu quả.
Đại tá Lương Thế Lộc – Trưởng phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về Trật tự xã hội, Công an Nghệ An cho biết: Với vai trò là cơ quan thường trực Tổ công tác thực hiện Đề án 06 của tỉnh, Công an tỉnh đã chủ động tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh các văn bản chỉ đạo, tổng hợp các báo cáo, cập nhật số liệu; chủ động xây dựng kế hoạch và trực tiếp kiểm tra, đôn đốc các ngành, địa phương triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Đề án 06.
Công an các đơn vị, địa phương cũng đã tổ chức tuyên truyền Đề án 06 trên các mạng xã hội, các trang tin điện tử, hội nhóm… nhằm “phủ xanh” các thông tin tích cực. Đồng thời vận động, hướng dẫn người dân thực hiện Đề án 06. Đặc biệt, các cơ quan chức năng đã xây dựng mô hình điểm tuyên truyền, hướng dẫn người dân cài đặt, kích hoạt định danh điện tử, hướng dẫn dịch vụ công. Cụ thể, tại phố đi bộ của TP. Vinh, vào mỗi tối thứ 6 và thứ 7, lực lượng công an và các đoàn viên thanh niên đã tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử. Vì thế mà chỉ trong một thời gian ngắn, đã có 5.560 người dân được hướng dẫn cài đặt, kích hoạt định danh điện tử mức 1 và thu nhận trên 3.200 tài khoản định danh điện tử mức 2.
Đặc biệt, hiện nay Nghệ An là 1 trong 14 địa phương trên cả nước hoàn thành sớm nhất việc kết nối hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với hệ thống giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh. Sau hơn một năm dồn toàn lực để triển khai thực hiện Đề án 06, người dân và doanh nghiệp bước đầu đã được thụ hưởng những thành quả nhất định. Cơ sở dữ liệu về dân cư đã được ứng dụng vào thực hiện những nhiệm vụ trong các lĩnh vực khác nhau, nhất là trong nhiều dịch vụ công thiết yếu, giúp quản lý thống nhất, tập trung, minh bạch, thuận lợi, tiết kiệm và đạt hiệu quả nhiều mặt.
Trong đó, một số dịch vụ công đã triển khai đạt được những tiện ích cho người dân, doanh nghiệp, được nhân dân đồng tình, ủng hộ như: Đăng ký thường trú, tạm trú, tạm vắng, lưu trú; cấp, cấp lại, sửa đổi, bổ sung hộ chiếu phổ thông; đăng ký, cấp biển số xe môtô, xe gắn máy; thu tiền nộp phạt xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ qua thiết bị ghi hình… Đặc biệt, những lợi ích của Đề án 06 đã được áp dụng một cách có hiệu quả trong việc khám chữa bệnh của người dân hay khi người dân đi làm các thủ tục hành chính tại Trung tâm giao dịch một cửa.
Ông Lê Viết Thức – Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Nghệ An cho biết: Thực hiện Đề án 06, Bảo hiểm xã hội tỉnh được giao nhiệm vụ rà soát, đồng bộ, làm sạch dữ liệu người tham gia BHXH, BHYT, BHTN với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; số hóa và tái sử dụng kết quả số hoá hồ sơ; thực hiện chi trả không dùng tiền mặt đến người hưởng các chế độ BHXH, trợ cấp thất nghiệp. Đồng thời được giao chủ trì các dịch vụ công thiết yếu như: Tích hợp giảm trừ mức đóng trong gia hạn thẻ BHYT theo hộ gia đình; đăng ký cấp thẻ BHYT.
Ngoài ra còn phối hợp với một số cơ quan liên quan như phối hợp Sở Y tế để chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh triển khai đón tiếp người bệnh đi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng Căn cước công dân có gắn chíp hoặc qua ứng dụng VNEID theo hướng dẫn của các cơ quan chủ quản có liên quan. Hiện nay đã có 528/528 cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế đã thực hiện việc sử dụng thẻ Căn cước công dân thay thế thẻ Bảo hiểm y tế trong khám chữa bệnh. Đã có hơn 2,5 triệu thẻ bảo hiểm y tế được đồng bộ với số định danh cá nhân và Căn cước công dân để đi khám, chữa bệnh (đạt tỷ lệ 90,4%, xếp thứ 4 toàn quốc).
Tại Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, thực hiện Đề án 06, đơn vị cũng đã bổ sung các trường thông tin còn thiếu đối với 66.673 hộ, 268.447 nhân khẩu (hộ nghèo); 56.289 hộ, 236.503 nhân khẩu (hộ cận nghèo); 69.830 người có công hưởng trợ cấp một lần, 51.672 thân nhân người có công và 41.683 người có công được hưởng chế độ ưu đãi trợ cấp hàng tháng của 21 huyện, thành phố, thị xã. Triển khai làm sạch dữ liệu trẻ em và chuẩn hóa, đã bổ sung mã định danh cho gần 860.894 bản ghi trẻ em được quản lý trong cơ sở dữ liệu trẻ em.
Có thể thấy rằng, Đề án 06 xác định rõ, người dân và doanh nghiệp là trung tâm của chuyển đổi số; lấy phát triển con người, bảo đảm và cải thiện dân sinh làm mục đích. Các tổ chức, cá nhân được hưởng những tiện ích tốt nhất thông qua các dịch vụ hành chính công, an sinh xã hội và tiếp cận các dịch vụ thương mại thông qua định danh điện tử. Việc triển khai thực hiện Đề án 06 cũng được ví như xây dựng một trục xương sống của Chính phủ điện tử, có ý nghĩa rất quan trọng phục vụ phát triển kinh tế – xã hội và chuyển đổi số quốc gia.