PV: Thưa đồng chí, tinh thần chuẩn bị “từ sớm, từ xa” đối với các kỳ họp HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2021 – 2026 được triển khai cho Kỳ họp thứ 14 lần này như thế nào?
Đồng chí Nguyễn Nam Đình: Từ đầu năm 2023, Thường trực HĐND tỉnh, UBND tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã xây dựng chương trình công tác, thống nhất danh mục các báo cáo, nghị quyết mà Thường trực HĐND tỉnh, UBND tỉnh dự kiến trình HĐND tỉnh trong năm nay. Trên cơ sở đó, Thường trực HĐND tỉnh giao các Ban HĐND tỉnh chủ động phối hợp với các cơ quan có liên quan tham gia quá trình khảo sát, xây dựng dự thảo, góp ý, thẩm tra, hoàn chỉnh hồ sơ các báo cáo, nghị quyết trình HĐND tỉnh bảo đảm đúng quy định, chất lượng và tiến độ đề ra. Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị chương trình, nội dung và các điều kiện cần thiết đã cơ bản hoàn tất theo đúng kế hoạch, đảm bảo để tổ chức kỳ họp thành công.
PV: Bên cạnh những kết quả khả quan, kinh tế – xã hội của Nghệ An trong 6 tháng đầu năm 2023 còn gặp nhiều khó khăn, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) thấp hơn cùng kỳ năm 2022 và chưa đạt mục tiêu đề ra cho năm 2023. Tại kỳ họp này, HĐND tỉnh sẽ có những quyết sách, nghị quyết quan trọng nào để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, tạo động lực hoàn thành mục tiêu tăng trưởng của cả năm 2023?
Đồng chí Nguyễn Nam Đình: Việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Nghệ An trong 6 tháng đầu năm 2023 diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường.
Suy giảm tiêu dùng kéo theo hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư, thương mại, thị trường xuất khẩu cả nước nói chung, tỉnh Nghệ An nói riêng bị thu hẹp, nhiều doanh nghiệp thiếu đơn hàng phải cắt giảm quy mô sản xuất và số lượng nhân công; thị trường bất động sản sụt giảm, trầm lắng; giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng.
Thời tiết diễn biến phức tạp, bất thường, nắng nóng gay gắt kéo dài, tình trạng thiếu điện, thiếu nước đã ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) chỉ đạt 5,79% (kịch bản 8,4 – 9,4% trong 6 tháng đầu năm và 9 – 10% cho cả năm 2023).
Tại Kỳ họp này, HĐND tỉnh sẽ thảo luận, xem xét, thông qua 26 báo cáo và 31 nghị quyết về thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh, thu chi ngân sách, đầu tư công, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia 6 tháng cuối năm 2023; các cơ chế chính sách, cơ chế đặc thù hỗ trợ cán bộ làm việc tại bộ phận một cửa, khai thác thủy sản, logistics, công tác quản lý và bảo vệ rừng, giáo dục đào tạo, y tế, thể dục thể thao… nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh cải cách hành chính, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, tăng thu ngân sách, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân các dự án đầu tư công, góp phần đạt kết quả cao nhất trong thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra cho năm 2023.
PV: Chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp là một trong những nội dung quan trọng trong hoạt động giám sát của HĐND các cấp. Tại kỳ họp này, HĐND sẽ tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn như thế nào?
Đồng chí Nguyễn Nam Đình: Kỳ họp thứ 14 HĐND tỉnh sẽ tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn 2 nhóm vấn đề đang được sự quan tâm rộng rãi của cử tri và nhân dân trong tỉnh, được tổng hợp thông qua quá trình tiếp xúc cử tri, tiếp và đối thoại với công dân, kiến nghị, đề xuất của các đại biểu, tổ đại biểu HĐND các cấp.
Nhóm 1: Thực trạng, nguyên nhân và giải pháp triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm OCOP trong điều kiện thích ứng với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và biến động của thị trường. Người trả lời chất vấn là Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Khoa học và Công nghệ và Sở Công Thương.
Nhóm 2: Thực trạng, nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp phòng, chống bạo lực học đường; giáo dục kỹ năng sống cho học sinh; phòng chống đuối nước trẻ em; công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Người trả lời chất vấn là Giám đốc các Sở: Giáo dục và Đào tạo; Lao động, Thương binh và Xã hội.
Để công tác chất vấn và trả lời chất vấn đạt yêu cầu, mục tiêu đề ra, Thường trực HĐND tỉnh đề nghị các vị đại biểu HĐND tỉnh nắm rõ thực trạng tại địa phương nơi sinh sống, công tác, nghiên cứu kỹ các văn bản, thông tin có liên quan, nhất là kết quả tiếp nhận, giải quyết và trả lời kiến nghị của cử tri; báo cáo của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên các cấp; các quy định pháp luật để đặt câu hỏi rõ ràng, đúng trọng tâm, bám sát nhóm vấn đề, không trùng lặp, trao đổi, tranh luận thẳng thắn; giúp người trả lời chất vấn thấy được trách nhiệm của mình đối với vấn đề mà đại biểu chất vấn.
Người trả lời chất vấn cần trả lời thẳng vào trọng tâm câu hỏi, ngắn gọn, không phân tích viện dẫn các lý do dài dòng hoặc vòng vo né tránh, cần thẳng thắn nhận trách nhiệm nếu nội dung chất vấn đề cập đến những tồn tại thuộc lĩnh vực mình phụ trách. Những vấn đề đại biểu, cử tri phản ánh chưa đúng hoặc chỉ đúng một phần thì đưa ra cơ sở chứng minh, đồng thời tư vấn cách tiếp cận và phản ánh thông tin chính xác hơn.
Kết luận chất vấn và trả lời chất vấn sẽ chỉ ra những hạn chế, yếu kém, yêu cầu làm rõ trách nhiệm, đề xuất giải pháp, kế hoạch khắc phục để tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực được chất vấn, tạo chuyển biến tích cực trong thực tiễn; và là căn cứ để tổ chức thực hiện và giám sát theo quy định.
PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh!