Theo Thiếu tướng, PGS.TS. Lê Văn Cương – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược (Bộ Công an), mặc dù Mỹ đã đổ vấy cho Iran gây ra vụ tấn công 2 tàu chở dầu ở vùng vịnh Oman để tìm cớ tấn công quân sự, nhưng sớm muộn gì Mỹ và Iran cũng sẽ ngồi vào bàn đàm phán để tìm giải pháp tháo ngòi nổ cho cuộc xung đột đang ngày càng leo thang hiện nay.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến quan hệ Mỹ – Iran ngày càng căng thẳng hiện nay là bắt nguồn từ việc Tổng thống Donald Trump quyết định rút khỏi thỏa thuận P5+1. Vậy theo Thiếu tướng, nguyên nhân nào khiến cho ông Trump đưa ra quyết định này?
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Nguyên nhân đầu tiên là nhận thức của ông Trump khác với người tiền nhiệm Obama. Trước đây, Tổng thống Obama đã tìm mọi cách để giải quyết vấn đề hạt nhân của Iran trong hòa bình. Ngày 14/7/2015, tại Vienna (Áo), Iran và các nước nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh và Đức) đã đạt được một thỏa thuận hạt nhân. Thỏa thuận này được thực thi để Iran hạn chế việc phát triển các chương trình hạt nhân và làm giàu uranium. Khi tham gia thực hiện thỏa thuận này, Iran sẽ được các quốc gia phương Tây gỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đang áp đặt đối với Tehran.
Hiệp định P5+1 được xem là một quyết định sáng suốt của Obama. Tuy nhiên, tháng 5/2018, Mỹ tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân 2015 với Iran vì ông Trump cho rằng thỏa thuận này không ngăn cản được Iran sở hữu vũ khí hạt nhân. Theo tôi, quan điểm này của ông Trump là không có cơ sở, vì Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế IAEA đã 11 lần đến Iran giám sát và công bố với thế giới rằng Iran tuân thủ đầy đủ cam kết P5+1, và nếu Iran tuân thủ đúng cam kết thì họ sẽ khó phát triển được vũ khí hạt nhân, nên quan điểm Trump không đúng thực tế.
Nguyên nhân thứ 2 khiến ông Trump rút khỏi thỏa thuận P5+1 là yếu tố kinh tế. Theo quan điểm của Trump, việc để cho quan hệ Mỹ và Trung Đông lạnh nhạt là không có lợi cho Mỹ, nên khi bắt đầu bước chân vào Nhà Trắng, Trump đã bắt tay với các nước Trung Đông, trong đó có Israel. Việc ông Trump từ bỏ thỏa thuận P5+1 là để làm vừa lòng những người Do Thái ở Mỹ và vừa lòng các nước như Saudi Arabia, Israel… để bán vũ khí cho các nước này, trong đó bán được cho riêng Saudi Arabia hơn 100 tỷ USD.
P.V: Theo Thiếu tướng, các biện pháp trừng phạt của Mỹ hiện nay đã tác động như thế nào đối với Iran?
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Sau khi rút khỏi thỏa thuận P5+1 thì Mỹ càng ngày càng siết chặt Iran về kinh tế. Tháng 5/2019, Tổng thống Mỹ đã quyết định chấm dứt quy chế miễn trừ trừng phạt đối với 8 nước và vùng lãnh thổ mua dầu thô của Iran, gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Italy, Hy Lạp và Đài Loan (Trung Quốc).
Quyết định này khiến Iran rơi vào cuộc khủng hoảng hết sức sâu sắc bởi xuất khẩu dầu mỏ chiếm 61% GDP của Iran. Trước khi Mỹ cấm vận, Iran xuất khẩu 2 triệu thùng dầu/ngày, sau khi bị cấm vận chỉ còn 1 triệu thùng/ngày, dự báo sắp tới còn thấp hơn nhiều, làm cho GDP của Iran giảm và lạm phát đến 42%, nền kinh tế của Iran rơi vào suy thoái sâu. Có thể nói rằng, các biện pháp trừng phạt của Mỹ đã tác động nặng nề đến kinh tế, xã hội của Iran.
P.V: Theo Thiếu tướng, eo biển Hormuz có tầm quan trọng như thế nào trong cuộc khủng hoảng Mỹ – Iran hiện nay?
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Eo biển Hormuz nằm giữa vịnh Ba Tư và vịnh Oman là thành phần quan trọng trong chiến lược đối phó với Mỹ của Iran. Đây là tuyến hàng hải duy nhất kết nối các nước sản xuất dầu hàng đầu thế giới như Kuwait, Bahrain, Iran, Iraq và UAE với Ấn Độ Dương, cũng là tuyến đường chở phần lớn khí thiên nhiên hóa lỏng từ Qatar. Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) đánh giá Hormuz quan trọng hơn cả eo biển Malacca ở Đông Nam Á và kênh đào Suez tại Ai Cập. Mỗi năm, khoảng 18,5 triệu thùng dầu thô được vận chuyển qua eo biển Hormuz, trong khi đó qua eo biển Malacca là 16 triệu thùng, còn qua kênh đào Suez chỉ 5 triệu thùng. Do nền kinh tế toàn cầu vẫn phụ thuộc chủ yếu vào nguồn cung dầu mỏ, nên việc Iran phong tỏa eo biển Hormuz dù chỉ trong thời gian ngắn cũng có thể làm giá dầu thế giới tăng đáng kể, đồng thời khiến nền kinh tế toàn cầu chịu hậu quả nghiêm trọng.
Là “yết hầu” kinh tế của thế giới nên Iran đã nhiều lần đe dọa, nếu không có khả năng xuất khẩu dầu mỏ, thì nước này sẽ cấm vận không cho nước nào xuất khẩu dầu qua eo biển Hormuz. Đây là một vũ khí để Iran đối phó với sự đe dọa của Mỹ và các nước đồng minh.
P.V: Sau vụ 2 tàu chở dầu bị tấn công ngày 13/6/2019, một tuần sau, Iran đã bắn rơi máy bay không người lái cực kỳ hiện đại của Mỹ ở eo biển Hormuz, Thiếu tướng có nhận định gì về động thái này?
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Máy bay không người lái của Mỹ bị bắn rơi khi xâm phạm không phận Iran gần khu vực Kouhmobarak ở tỉnh Hormozgan – vùng ven biển của Iran thuộc eo biển Hormuz. Kouhmobarak nằm rất gần nơi 2 tàu chở dầu bị tấn công. Máy bay không người lái của Mỹ bị bắn rơi là loại cực kỳ hiện đại, lớn nhất thế giới, có khả năng cung cấp thông tin tình báo tổng quan, nhờ sử dụng hệ thống ra đa hiện đại, hoạt động hiệu quả trong mọi điều kiện thời tiết, có thể giám sát vùng lãnh thổ 100.000 km2. Chiếc máy bay trị giá 35 triệu USD, đắt hơn cả máy bay tàng hình F35. Việc bắn hạ máy bay này chứng tỏ năng lực quốc phòng của Iran cực kỳ lớn. Giới quan sát cho rằng Iran đã dùng hệ thống phòng không S300-PMU2 của Nga, nhưng Iran lại nói rằng họ sử dụng hệ thống phòng không Raad do Iran chế tạo, là mẫu tên lửa phòng không nội địa do Iran sản xuất. Đây quả là điều bất ngờ vì loại tên lửa phiên bản mới của Iran có khả năng bắn rơi các mục tiêu trên 150km, và đặc biệt là chuyên dùng để tấn công các máy bay, mục tiêu trên không. Do đó Mỹ không thể đùa bỡn với tiềm lực quốc phòng của Iran. Mỹ có thể dễ dàng tấn công Iraq, Syria, nhưng đụng vào Iran sẽ phải gánh chịu tổn thất nặng nề.
P.V: Ngay sau khi Iran bắn rơi máy bay không người lái, Tổng thống Trump ra lệnh tấn công Iran, nhưng rồi ông ta lại rút lại, theo Thiếu tướng, vì sao ông Trump lại đột ngột thay đổi quyết định như vậy?
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Theo tôi, đây là quyết định sáng suốt nhất kể từ khi ông Trump đặt chân vào Nhà Trắng. Bởi lẽ nếu như ngày 21-22/6 vừa rồi, Mỹ tấn công Iran thì sẽ diễn ra cuộc xung đột quân sự ở Trung Đông. Nếu bị tấn công, Iran sẽ phong tỏa eo biển Hormuz, và sẽ diễn ra cuộc xung đột khổng lồ giữa Iran với các nước đồng minh Mỹ ở Trung Đông.
Mặt khác, nếu Mỹ tấn công Iran, thì Trump đã phản bội lời hứa hẹn của ông ta khi tranh cử vào Nhà Trắng. Khi đó, ông Trump đã phê phán người tiền nhiệm Obama đã lao vào cuộc chiến vô bổ ở Trung Đông, ông ta cũng hứa sẽ rút hết quân Mỹ ở Trung Đông về. Do vậy, nếu tấn công Iran thì ông Trump đã làm ngược với những gì mình đã nói, và dễ rằng cuộc bầu cử vào năm 2020 ông Trump sẽ thất bại. Theo tôi, ông Trump đã tính toán kỹ về hậu quả chính trị, kinh tế khi quyết định có tấn công Iran hay không. Do đó, Trump đã quyết định tiếp tục bao vây, đẩy Iran đến tận cùng, so với quyết định tấn công quân sự, thì cấm vận về kinh tế, tấn công vào hệ thống mạng của Iran, sẽ hợp lý hơn. Sớm muộn, Iran cũng sẽ có cuộc đối thoại với Mỹ.
Tôi cho rằng Mỹ và Iran nên ngồi lại với nhau. Về phía Tehran cũng cần phải tính toán khi Mỹ xuống nước. Bởi Mỹ vẫn là siêu cường và lực lượng đồng minh hùng mạnh ở Trung Đông. Iran yếu thế hơn, nên khôn ngoan nhất, thông minh nhất vẫn là tìm cách đối thoại. Tất nhiên, cuộc giằng co này sẽ diễn ra thời gian dài, gay gắt, nhưng đây là con đường đúng đắn nhất, là giải pháp để tháo ngòi nổ chiến tranh ở Trung Đông. Vì nếu xảy ra chiến tranh thì “đám cháy” này sẽ khó kiểm soát được.
P.V: Xin cảm ơn Thiếu tướng!