Na Hứm là bản tái định cư xã Thông Thụ, với 69 hộ gia đình đồng bào Thái đã có những gắn bó với cây quế Quỳ. Từ trên cao nhìn xuống, Na Hứm san sát những nóc nhà ngói nằm hai bên những tuyến đường giao thông nội bản với những khoảnh đồi ngút ngàn xanh. Chỉ vào những ngút ngàn xanh ấy, Trưởng bản, anh Ngân Văn Tuấn hồ hởi: “Vùng rừng quế Quỳ đấy, mới vài năm tuổi thôi…”.
Bản Na Hứm được thành lập năm 2012. Tại nơi ở cũ, người dân Na Hứm chưa từng trồng cây quế Quỳ. Về bản mới, khi tính đến trồng cây gì để có kinh tế, dân bản xem truyền hình, đọc báo mới biết đến cây quế Quỳ, là loại cây bản địa có giá trị, đem lại thu nhập cao. Tìm kiếm, gom nhặt những cây quế nhỏ để trồng, nhưng số lượng ít, chất lượng hạn chế, cây còi cọc, giá trị kinh tế không cao. Chỉ đến khi Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Pù Hoạt sản xuất được cây giống quế Quỳ, khoảng năm 2017, dân bản Na Hứm mới được hỗ trợ, được hướng dẫn kỹ thuật để trồng với diện tích lớn. “Ban đầu, có khoảng 14 – 15 hộ được hỗ trợ cây giống, kỹ thuật để trồng. Theo từng năm, đến nay đã có 40 hộ của bản được trồng quế với diện tích khoảng 60 ha. Những diện tích quế từ 3 – 5 năm tuổi đã cho thu nhập từ lá và cành, khoảng 10 triệu đồng/ha/năm đấy…” – Trưởng bản, anh Ngân Văn Tuấn cho hay.
Những khoảnh rừng quế Quỳ của người dân Na Hứm trồng trên vùng đồi ngay sau lưng bản, tạo một vành đai xanh vừa che chắn cái nóng mùa Hè, cái lạnh mùa Đông, lại đẹp thêm cảnh quan xứ núi. Lên đây, dù mới chỉ dăm năm tuổi nhưng rừng quế Quỳ thật đẹp. Thân cây đều tăm tắp, lớn bằng bắp vế người lớn, thẳng, vút cao đến chừng 5 – 6m nâng đỡ những tầng lá xanh bóng láng, dài nhọn đặc trưng. Đứng giữa những tầng xanh ấy, Trưởng bản Ngân Văn Tuấn nói: “Dân bản Na Hứm rất cảm ơn Khu BTTN Pù Hoạt vì những giúp đỡ, tạo dựng sinh kế cho mình, nhất là những hộ nghèo, cận nghèo. Chỉ mong tiếp tục được cung ứng, hỗ trợ thêm cây giống, để tất cả người dân trong bản đều được trồng quế…”.
Nói ra nguyện vọng của người dân bản Na Hứm với anh Nguyễn Văn Mạnh – Trưởng phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế, Khu BTTN Pù Hoạt, anh cho biết, kể từ năm 2017, thời điểm sản xuất được giống cây quế Quỳ cho đến nay, Khu BTTN Pù Hoạt đã cung ứng, hỗ trợ giống cho 1.019 hộ gia đình ở các xã Thông Thụ, Đồng Văn, Tiền Phong, Châu Kim, Nậm Giải, Châu Thôn. Bình quân 1 ha đất trồng 1.000 cây quế Quỳ. Với 253.310 cây giống đã cung ứng, diện tích cây quế Quỳ trên địa bàn Quế Phong được khoảng 253 ha. Về nguyện vọng của người dân, theo anh Nguyễn Văn Mạnh thì không chỉ ở bản Na Hứm, mà rất nhiều hộ dân trên địa bàn huyện muốn trồng cây quế Quỳ, đăng ký giống.
Mạnh kể, việc tạo giống quế Quỳ là từ gieo hạt, được lấy từ những cây quế mẹ, còn sót lại rất ít trên địa bàn. Thế nên, mỗi năm Khu BTTN Pù Hoạt sản xuất được khoảng 6 vạn cây giống. “Tìm được cây quế mẹ, ban hướng dẫn người dân kỹ thuật thu hái hạt, rồi đặt mua. Sau đó đưa về chế biến, gieo tạo cây con tại vườn ươm. Từ khi gieo hạt cho đến khi phát triển thành cây quế giống, phải chăm sóc theo quy trình kỹ thuật với thời gian đến 7 tháng. Trong khi đó, số cây quế Quỳ mẹ đảm bảo chất lượng rất ít nên dù muốn nhưng ban chưa thể đáp ứng nhu cầu của người dân trên địa bàn. Chính vì vậy, đang lựa những cây con chất lượng cao nhất để trồng, hình thành vườn quế mẹ, giữ giống trong tương lai…” – anh Nguyễn Văn Mạnh nói.
Thăm vườn ươm cây giống của Khu BTTN Pù Hoạt đặt tại Trạm Bảo vệ rừng Na Chạng (xã Tiền Phong). Ở đây, ngoài sản xuất cây quế Quỳ giống, Khu BTTN Pù Hoạt đang cùng Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KHCN Nghệ An thực hiện nghiên cứu sản xuất giống mắc khén (cây tiêu rừng) và mú từn, là 2 loại cây dược liệu quý, có giá trị kinh tế cao của đồng bào dân tộc huyện Quế Phong. Đến nay, đã di dời thành công 32 cây mú từn mẹ (chiều dài cây khoảng 1 – 2m) từ rừng tự nhiên về; nhân giống thành công với số lượng 3.750 cây mú từn, 3.000 cây mắc khén đạt tiêu chuẩn xuất vườn. Bên cạnh đó, còn tự nhân giống thành công 1.200 cây ba kích tím bằng phương pháp giâm hom…
Lượng công việc ở vườn ươm khá lớn. Thế nên, ngoài các cán bộ của trạm, Khu BTTN Pù Hoạt đã lựa chọn một số người dân trong vùng cùng tham gia. Các chị Lương Thị Bình, Lô Thị Lân, Lương Thị Lương (bản Huội Muông, xã Tiền Phong) là những lao động địa phương đang làm việc tại vườn. Thoăn thoắt đảo những bầu quế giống, các chị vui vẻ cho biết đã gắn bó với vườn ươm từ vài năm qua. “Mỗi ngày được trả công 150.000 đồng. Công việc thì tùy theo thời vụ, nhưng cũng khá đều đấy…” – chị Lô Thị Lân nói.
Theo Giám đốc Khu BTTN Pù Hoạt – ông Nguyễn Văn Sinh, vùng rừng thuộc Khu BTTN Pù Hoạt có 62 thôn, bản vùng đệm, 15 thôn, bản vùng lõi. Người dân còn nhiều khó khăn, cuộc sống từ nhiều đời gắn kết mật thiết với rừng. Trăn trở trước thực tế này, Ban Quản lý Khu BTTN Pù Hoạt xác định, để thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng, bảo tồn các giá trị đa dạng sinh học trên diện tích rừng được giao quản lý, giải pháp quan trọng nhất là phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương các cấp để xây dựng sinh kế bền vững cho nhân dân.
Giám đốc Khu BTTN Pù Hoạt tâm tư: “Với quyết tâm giúp địa phương và nhân dân khai thác những tiềm năng, thế mạnh vốn có; qua đó, giải quyết được vấn đề việc làm, nâng cao thu nhập. Song song thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn, Khu BTTN Pù Hoạt phối hợp với các cơ quan khoa học của Trung ương, của tỉnh như Trung tâm Lâm sản ngoài gỗ (Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam), Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KHCN Nghệ An… thực hiện các đề án trồng cây quế Quỳ, mú từn, mắc khén, ba kích… Đến nay, đề án trồng cây quế Quỳ đã có kết quả rất tốt. Chúng tôi hy vọng, cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm giúp Khu BTTN Pù Hoạt tiếp tục xây dựng các mô hình sinh kế bền vững, tăng thu nhập, hướng tới thoát nghèo cho nhân dân”.
Với những trao đổi của Giám đốc Khu BTTN Pù Hoạt Nguyễn Văn Sinh cùng những gì đã nghe, đã thấy ở vườn ươm Na Chạng, ở bản Na Hứm, thấy thật vui. Vì đó là hướng đi đúng. Vì có gì bền chắc bằng việc phát huy được những giá trị nội tại!