Lịch sử được xem là môn học “thăng trầm” với nhiều quan điểm, nhận định khác nhau. Tuy nhiên, dù có những thay đổi như thế nào thì việc dạy và học Lịch sử vẫn nhận được sự quan tâm và vẫn là một môn học được nhiều học sinh yêu thích. Liên quan đến việc môn Lịch sử đang được đề xuất để trở thành môn thi tốt nghiệp bắt buộc, Báo Nghệ An có cuộc trò chuyện với cô giáo Bùi Thị Bích Hậu – Tổ trưởng tổ Sử – Địa – GDCD, chủ nhiệm đội tuyển Lịch sử năm 2023 – Trường THPT chuyên Phan Bội Châu.
P.V: Đội tuyển Lịch sử của Trường THPT chuyên Phan Bội Châu vừa kết thúc mùa thi học sinh giỏi quốc gia với một kết quả rất nổi bật với 100% học sinh đều đạt giải, trong đó có 2 giải Nhất, 3 giải Nhì, 4 giải Ba và 1 giải Khuyến khích. Chị có thể cho biết yếu tố nào quyết định tới thành công đó?
Cô giáo Bùi Thị Bích Hậu: Từ hơn 10 năm trở lại đây, kết quả Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia của Trường THPT chuyên Phan Bội Châu khá ổn định và đều có học sinh đạt giải cao. Nhưng đây là năm đột biến khi lần đầu tiên có 2 học sinh cùng đạt giải Nhất, trong đó có một Thủ khoa toàn quốc, đó là em Thu Hiền. Tôi vẫn thường nói với các em, vậy là năm nay chúng ta đã có trạng nguyên.
Ở chừng mực nào đó, có thể nói đây là một điều bất ngờ. Nhưng hoàn toàn không phải là may mắn, ngẫu nhiên. Bởi lẽ, trước đó khi có những cuộc thi, những lần kiểm tra theo đề thi của Kỳ thi chọn học sinh giỏi các trường THPT chuyên khu vực Duyên hải và đồng bằng Bắc Bộ, tôi đều cho các em làm bài và nhờ các giáo viên chấm và các bài thi này đều được khen. Các thầy còn hỏi chúng tôi, tại sao không cho các em thi và nếu thi chắc chắn sẽ được giải cao.
Tôi cũng thấy rằng, việc các em đạt giải Nhất là hoàn toàn xứng đáng. Như với Ngọc An, đây là thí sinh đầu tiên học lớp 11 nhưng đã đạt giải Nhất môn Lịch sử. Tuy nhiên, trước đó, trong quá trình học em đều chứng minh là một học sinh rất xuất sắc, có những bài tập của em, tôi vẫn nói các anh chị lớp 12 cần đọc và tham khảo. Tôi vẫn thường lấy các bài viết tốt của học sinh để truyền tay cho học sinh đọc, để các em tự học lẫn nhau, tự rút kinh nghiệm.
Qua mùa giải năm nay, chúng tôi cũng thấy rằng để có được giải cao thì trước tiên học sinh phải có một kiến thức dày dặn, phải có khả năng viết rất tốt, vừa chặt chẽ nhưng cũng phải có hồn, phải có sự thăng hoa. Các em cũng cần phải có sự chỉn chu trong làm bài… Chúng ta hãy hình dung, mỗi một đề thi Lịch sử có 7 câu nhưng chỉ có 180 phút làm bài. Vậy thì, thí sinh vừa làm tốt phần nội dung, vừa diễn đạt hay, có cảm xúc quả thực không dễ dàng và các em đã phải có một sự chuẩn bị trong một quá trình rất dài.
P.V: Nhiều ý kiến cho rằng, học sinh trường chuyên đạt học sinh giỏi là điều đương nhiên. Nhưng thực tế, có “dễ dàng” vậy không, nhất là với môn Lịch sử?
Cô giáo Bùi Thị Bích Hậu: Chỉ cách đây mấy tháng, trong buổi họp chuyên môn toàn tỉnh về môn Lịch sử, nhiều đồng nghiệp đã chúc mừng tôi và các thầy, cô trong đội tuyển khi đứng đầu thành tích tại Kỳ thi học sinh giỏi tỉnh môn Lịch sử với 17 học sinh giỏi tỉnh, trong đó có 3 giải Nhất, 11 giải Nhì, 2 giải Ba và 1 giải Khuyến khích. Nhiều ý kiến cũng nói rằng “cô giỏi thì trò giỏi” như là một điều bình thường.
Vậy nhưng, khi nghe tôi chia sẻ rằng dù tôi chủ nhiệm lớp chuyên Lịch sử với 35 học sinh, nhưng chỉ có 13 bạn theo khối C, nghĩa là chọn Lịch sử là môn thi để xét tuyển đại học, thì nhiều đồng nghiệp rất bất ngờ. Nói vậy để thấy, nếu như ở các lớp chuyên khác, việc chọn đội tuyển học sinh giỏi rất dễ dàng, thì ở lớp chúng tôi lại ngược lại. Có những trường hợp, phụ huynh thấy con mình vào đội tuyển đã gọi điện xin với cô giáo không cho cháu đi thi để dành thời gian tập trung ôn thi đại học.
Vậy trong hoàn cảnh đó, người giáo viên phải làm thế nào? Cá nhân tôi, tôi phải dạy sao cho đúng đối tượng học sinh. Ví dụ, với học sinh khối A, tôi không đặt áp lực các em phải đi học để thi nhưng sẽ có những câu chuyện lịch sử để học sinh nghe và thấy hứng thú nhưng vẫn phải đảm bảo kiến thức. Còn ở lớp chúng tôi, dù các bạn xác định không theo môn Lịch sử nhưng tôi vẫn phải dạy hài hòa. Những em theo môn Lịch sử, tôi cố gắng thổi tình yêu và đam mê để các em thấy được mình học Lịch sử không phải cho thầy cô, cho nhà trường hay cho gia đình mà là cho bản thân các em. Từ đó, để các em xác định được mục đích học tập của mình và “đi đường dài” cho bản thân.
Với những học sinh còn lại, khi các em học chuyên Sử nhưng lại không chọn Sử, quả thực là giáo viên chúng tôi rất buồn. Điều này, có nhiều nguyên nhân, trong đó không tránh khỏi lý do “vì quyền lợi trước mắt”. Nhưng sau nỗi buồn, tôi hiểu và đồng cảm với học sinh bởi thực tế, nếu học sinh theo khối C không có nhiều sự lựa chọn sau khi tốt nghiệp. Do đó, để thu hút các em đến với môn học này, chúng tôi vẫn phải cố gắng tác động, khơi dậy niềm đam mê cho các em. Trong quá trình này, cô và trò phải thực sự tin tưởng, trò tin cô, tin vào những điều cô đã dạy. Ngược lại cô tin trò, tin vào quyết tâm của các em, tin các em có thể làm được dù khó khăn.
Thực tế, có rất nhiều học sinh chọn khối D nhưng vẫn thi Lịch sử và vẫn đạt giải cao như em Nhật Vy – giải Nhì học sinh giỏi tỉnh, giải Nhì cuộc thi Tuổi trẻ học tập và làm theo Bác… Và tôi vẫn còn nhớ cách đây mấy năm, có một bạn thi lớp Văn nhưng không đủ điểm và sau đó chuyển sang chuyên Sử. Gần một học kỳ đầu tiên, bạn vẫn hồn nhiên nghĩ rằng, nếu học Sử mình vẫn có thể thi học sinh giỏi Văn và kiên trì thực hiện ước mơ này và nhất định theo khối D. Sau này, biết được nguyện vọng của em, tôi đã phân tích và để em thấy sự lựa chọn của mình hoàn toàn không phù hợp. Đến cuối lớp 10, em xin tôi được học môn Sử và quyết tâm thi vào đội tuyển. Năm đầu tiên, lớp 11 em không thành công. Đến năm lớp 12, em kiên trì và được chọn vào đội tuyển chính thức và sau này đạt giải Nhì quốc gia. Giờ thì em đã tốt nghiệp và là một chiến sĩ cảnh sát.
P.V: Như cô đã chia sẻ, để bồi dưỡng một học sinh giỏi không dễ và để có học sinh đạt giải cao lại càng không dễ dàng. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến e ngại về quá trình ôn luyện đội tuyển học sinh giỏi, xem đó là luyện “gà nòi”. Vậy, ý kiến đó có công bằng với các em và có phụ công sức của các thầy, cô giáo?
Cô giáo Bùi Thị Bích Hậu: Sẽ thực sự không công bằng với các em học sinh nếu nói như vậy. Tôi khẳng định các em đạt học sinh giỏi quốc gia không phải là “gà nòi”. Bởi lẽ những học sinh được lựa chọn vào đội tuyển thì các em đều đã nằm trong tốp đầu của trường, của lớp. Và những em này không chỉ giỏi một môn và mà giỏi rất nhiều môn. Hơn thế, nếu các em đã vào đội tuyển thì trước tiên các em phải đam mê, phải thích. Nếu thầy “ép” các em có thể dẫn đến tác dụng ngược.
Nhiều năm đảm nhiệm vai trò giáo viên chủ nhiệm đội tuyển, tôi thực sự khâm phục các em. Trước đây, khi đang học ở Trường THPT Nghi Lộc 1, năm 1999 tôi cũng đã từng tham gia Cuộc thi học sinh giỏi quốc gia. Nhưng so với lượng kiến thức ngày ấy chúng tôi học và lượng kiến thức ngày nay tôi thấy các em giỏi hơn ngày xưa rất nhiều. Tôi cũng rất đồng cảm, rất thương các em bởi lẽ khi đã vào đội tuyển các em phải hy sinh và thiệt thòi khá nhiều. Những năm bồi dưỡng đội tuyển, chưa bao giờ chúng tôi tan học đúng giờ. Nhưng sau lớp bồi dưỡng, các em lại phải đi học các ca học khác để chuẩn bị cho kỳ thi đại học với gương mặt xơ xác, mệt mỏi.
Tôi cũng muốn cảm ơn các em vì chính có niềm đam mê của học trò làm động lực để giáo viên cố gắng, phấn đấu.
P.V: Lịch sử được xem là một môn học khá thăng trầm với nhiều lần “nâng lên đặt xuống” giữa môn tự chọn và môn bắt buộc. Tuy nhiên, mới đây nhất, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có kế hoạch từ năm 2025, Lịch sử sẽ là môn thi bắt buộc ở Kỳ thi THPT Quốc gia. Là giáo viên dạy Lịch sử, chị có từng trăn trở về điều này?
Cô giáo Bùi Thị Bích Hậu: Tôi nhớ, thời điểm Bộ quyết định đưa môn Lịch sử là môn tự chọn thì đây là nỗi buồn thứ 2 của chúng tôi. Trước đó, cách đây nhiều năm cũng đã từng có ý tưởng khai tử môn Lịch sử. Trong khi đây là môn học có ý nghĩa rất lớn trong việc giáo dục lòng yêu nước, truyền thống của dân tộc. Là giáo viên dạy Lịch sử, tôi và nhiều đồng nghiệp đôi khi thấy chạnh lòng và có cả sự tự ái nghề nghiệp.
Tuy nhiên, nghĩ thì nghĩ vậy nhưng với chúng tôi dù là bắt buộc hay tự chọn thì trách nhiệm của mình vẫn là phải dạy cho tốt. Và trải qua thăng trầm, chúng tôi lại càng trân trọng môn học này và nếu không có những ý kiến trái chiều thì sẽ không thấy được giá trị của lịch sử.
P.V: Như cô đã nói, giá trị của môn Lịch sử là điều không thể chối cãi. Nhưng theo cô, học sinh ngày nay các em “sợ” Lịch sử hay vẫn “yêu” Lịch sử?
Cô giáo Bùi Thị Bích Hậu: Tôi đã dạy ở cả trường thường và cả trường chuyên, tôi nhận ra các em vẫn rất yêu lịch sử. Như ở trường chúng tôi hiện nay, có rất nhiều em ở khối tự nhiên nhưng vẫn say mê, vẫn thích nghe những câu chuyện về lịch sử, có nhiều em sẵn sàng trao đổi với cô giáo đến đêm khuya về những vấn đề lịch sử mà các em băn khoăn.
Để giữ được niềm đam mê đó, người thầy phải là nhân tố số một, thầy phải yêu, phải thích, phải đam mê thì mới truyền được cảm hứng học Lịch sử cho học trò, mới được học trò tôn trọng. Tôi nhớ, có học sinh đã từng hỏi tôi “Cô ơi, cô luyện đội tuyển và dạy Lịch sử từ năm này sang năm khác cô không chán à?”. Tôi đã trả lời, có chán chứ khi mà mãi chỉ một món ăn và ăn trong nhiều năm. Nhưng bài học là cũ và đối tượng học sinh là mới. Khi nào trước mỗi bài học tôi vẫn nghĩ rằng những kiến thức này các em chưa được học, các em chưa biết sự kiện này… và cố gắng truyền đạt cho học sinh.
Với tôi, tiết dạy Lịch sử nào cũng phải cố gắng “yêu như thuở ban đầu”. Chúng tôi cũng phải không ngừng học hỏi “học nữa, học mãi”, không chỉ chắc về mặt kiến thức còn phải giỏi công nghệ thông tin để có thể đào sâu bài giảng, biết chọn lựa thông tin, biết mở rộng vấn đề, thường xuyên trao đổi chuyên môn với các bạn đồng nghiệp… Người giáo viên cũng phải có nghiệp vụ sư phạm, đổi mới phương pháp giảng dạy và sẵn sàng giao việc cho học trò để các em được đồng hành với mình trong từng bài giảng, chủ động trong việc tiếp nhận kiến thức…
P.V: Xin cảm ơn cô về trò chuyện!