Đây là lần thứ hai chúng tôi đến với bản Phà Kháo thuộc xã biên giới Mai Sơn. Lần trước đó, tháng 5 năm 2017, khi đến nơi đây cuộc sống người dân yên ả, thanh bình. Dưới những mái nhà lợp gỗ samu thâm màu cổ kính, đồng bào dân tộc Mông yên tâm làm cái nương, cái rẫy, chăm đàn trâu, đàn bò và sáng sáng, chiều chiều lại đón con cháu đi học về, vui vầy bên bếp lửa ấm. Trường Tiểu học Phà Kháo vẫn ồn ã tiếng nói cười của cô và trò nơi biên giới xa xôi.
Lần này, cuối tháng 10/2019, chúng tôi vượt quãng đường gần 150 km từ thị trấn Hòa Bình của huyện Tương Dương, đi qua thị trấn Mường Xén và 3 xã của huyện Kỳ Sơn để lên với xã Mai Sơn. Từ trung tâm xã đi theo con đường mòn ngoằn ngoèo chạy men theo các sườn núi với những con dốc cao và nhiều khúc cua khá gắt, khi trơn trượt, khi bụi cuốn mù mịt vào với bản Phà Kháo, thời điểm này tiết trời đã lạnh căm căm. Đến trung tâm của bản, đứng trước hiên nhà của Bí thư Chi bộ Phà Kháo Già Bá Gàu nhìn chếch về hướng Tây Bắc không xa có thể thu gọn vào tầm mắt toàn bộ quang cảnh ngôi Trường Tiểu học Phà Kháo. Chỉ có điều, trường này đã không còn thấy bóng dáng thầy cô, không còn cảnh lũ học trò lô nhô chơi đùa vui vẻ. Bước chân vào sân trường, từng vết nứt ngang dọc chạy dài đến tận các bậc thềm. Có những bờ tường cũng đã bắt đầu nứt vỡ, bong mảng da trám bề ngoài lòi gạch đá đầy vẻ hoang tàn. Cột cờ giữa sân trường vẫn còn đó nhưng ủ rũ với những vết nứt dưới chân.
Dẫn chúng tôi quan sát kỹ hơn các vết nứt gãy của địa chất nơi đây, anh Già Bá Sáng, một người dân của Phà Kháo và là Chủ tịch Hội Nông dân xã Mai Sơn cho biết, từ tháng 4/2018 đến nay, sau cơn bão lũ, cứ qua một trận mưa là các nếp đứt gãy lại sụt xuống tầm 40 – 60cm. Tại điểm Trường Tiểu học Phà Kháo, cách phía trước sân trường chừng 10m có 1 rãnh sụt lún chạy dài từ đầu đến cuối bao trọn ngôi trường. Điều này cũng có nghĩa là ngôi trường nằm trọn trên vùng đất có khả năng sẽ đổ sập xuống vực sâu phía trước. Cách rãnh đứt gãy thứ nhất chừng dăm bảy mét lại có một rãnh khác. Rãnh này sụt lún mạnh hơn, miệng vết đứt gãy hở hoác chừng hai gang tay người lớn, có một số chỗ đất đá đã đổ sập tụt hẳn xuống miệng vực ngay trước khu vực trường.
Phó Chủ tịch UBND xã Mai Sơn Lô Thị Hương cho biết, trước nguy cơ sạt lở đất đe dọa sập trường bất cứ lúc nào, các thầy cô, người dân và chính quyền xã đã quyên góp tiền của, ngày công dựng tạm 5 phòng học bằng tranh tre, nứa lá di dời học sinh đến học tạm. Đến tháng 8/2019, huyện Tương Dương đã hỗ trợ kinh phí cho xã, bản xây dựng các phòng học lắp ghép bằng tôn và khung sắt. Thời điểm chúng tôi đến là cuối tháng 10/2019, các phòng học cũng vừa mới lắp xong cửa sổ và cửa chính.
Cũng theo lời người dân bản Phà Kháo, không chỉ có điểm trường tiểu học bị đe dọa sạt lở, mà điểm trường Mầm non Phà Kháo, sau trận mưa lũ lịch sử tháng 8/2018 cũng lâm vào tình trạng tương tự. Con đường đi qua ngay trước điểm trường xuất hiện những vết nứt dọc ngang như muốn xé toạc đường đi. Bởi vì điểm trường này nằm ngay sát bên đường, đối diện là con dốc cao dẫn thẳng xuống chân đồi nên khi xuất hiện vết nứt chính quyền địa phương, các thầy cô giáo lo lắng, bất an. Cho nên hơn 20 cháu học sinh của điểm trường mầm non phải di dời đến học tạm ở nhà cộng đồng của bản. Thời điểm sau hơn 1 năm chúng tôi trở lại (10/2019), học sinh đã trở lại học tại điểm trường này nhưng dấu vết của nứt gãy, đe dọa sạt lở thì vẫn hiển hiện ngay trước cổng vào phòng học, sát với sân chơi của các cháu học sinh. Những ngày mưa, học sinh sẽ được cho nghỉ học để đảm bảo an toàn, song đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời.
Đứng trước hiên nhà, ông Già Bá Gàu – Bí thư Chi bộ bản Phà Kháo chỉ về chiếc chòi nơi vẫn để củi và lương thực dự trữ, ông cho hay năm ngoái cái chòi đó còn nằm trên mặt đất bằng phẳng, nhưng nay đất đã sạt lở đến tận mép chòi. Mấy bụi cây bo bo tốt tươi quá đầu người nay đã sụt hẳn xuống một bậc chừng hơn 1 mét dài. Con đường mòn nối từ qua nhà ông Gàu và 6 hộ khác với trục đường chính dẫn vào bản cũng bị đứt gãy nhiều đoạn do sụt lở, nhiều vết nứt toác chẻ đôi đường đi.
Nhà của Bí thư Chi bộ Phà Kháo Già Bá Gàu là 1 trong 8 hộ nằm trong diện phải di dời khẩn cấp do các hộ này nằm gọn trong vùng đe dọa sạt lở mạnh nhất của bản. Ông Già Bá Gàu cho hay, lo lắng cả gia đình bị đe dọa tính mạng mỗi khi mưa xuống, trong khi nguồn hỗ trợ của các cấp thì chưa biết khi nào có, gia đình ông và mấy hộ khác đã tự cầm cố tài sản vay ngân hàng để thuê máy san gạt mặt bằng ở nơi dự định di dời đến khu vực này nằm cách xa bản cũ hơn 1 km, “Nhà đã thuê máy san mặt bằng hết 14 triệu rồi, nhưng giờ chính quyền yêu cầu tạm dừng để chờ chỉ đạo của cấp trên nên chúng tôi vẫn ở lại nhà. Ấy nhưng, những khi mưa lớn quá là cả nhà lại phải đi ở tạm nhà họ hàng ở nơi cao hơn, hết mưa mới dám về lại nhà. Nhiều hộ khác cũng vậy nên chúng tôi đếm từng ngày để được di dời đến nơi ở mới, lúc đó mới yên tâm sinh sống, làm ăn được”, ông Già Bá Gàu cho biết.
Cách ngôi nhà của ông Già Bá Gàu dăm bước chân là nhà của ông Già Xái Tu. Khi nghe ông Gàu nói về tình trạng sụt lún đất nơi đây, ông Già Xái Tu tỏ vẻ thấp thỏm không yên. Cả mấy hộ dân ở đây ai nấy đều không yên tâm làm ăn, đêm không dám ngủ, không dám ở trong nhà, nhất là khi mưa về”. Ông Xái Tu còn nói thêm, “dân bản Phà Kháo định cư nơi đây từ năm 1992, trước đây chưa từng xảy ra sụt lún như thế này. Mong các cấp ngành giúp người dân chúng tôi được di dời sớm đến nơi an toàn” – ông Già Xái Tu lo lắng cho biết. Cùng với các hộ ông Già Bá Gàu thì các hộ ông Già Nỏ Tu, Già Xái Tu, Già Bá Bì, Già Nênh Thông, Già Ly Phồng, Già Lia Xa… cũng nằm trong vùng đe dọa sụt lở cần phải di dời gấp.