Năm 2019, Trường THPT DTNT tỉnh tròn 35 tuổi. Hơn 30 năm xây dựng và phát triển, trường không chỉ là nơi dạy dỗ, đào tạo cán bộ nguồn cho các huyện miền núi mà còn thực sự trở thành mái ấm tình thương, nuôi dưỡng, chăm sóc các thế hệ học sinh trưởng thành, có nhiều đóng góp cho quê hương, đất nước.
35 năm sau ngày thành lập, Trường THPT DTNT tỉnh vẫn nằm ở địa điểm cũ bên đường Quốc lộ 1, nơi từng là trụ sở Khu liên hiệp Thiếc của Bộ Xây dựng. Những ngày đầu tiên, trường chỉ sơ sài tạm bợ và cũ nát khi phải tận dụng lại cơ sở vật chất của đơn vị cũ, thì nay diện mạo nhà trường hoàn toàn thay đổi với khuôn viên đẹp, cây cối xanh tươi. Trường có 5 dãy nhà cao tầng khang trang, đảm bảo đủ nơi ăn ở cho học sinh nội trú và trang thiết bị phục vụ cho dạy học đang được trang bị ngày càng hiện đại để đáp ứng nhu cầu dạy và học trong tình hình mới.
Nhìn lại quá trình thành lập của nhà trường, không thể quên được những năm tháng khó khăn. Nếu như ở những ngôi trường khác khó khăn một, hai thì ở Trường THPT DTNT tỉnh khó khăn gấp năm, gấp mười. Sở dĩ khẳng định điều này, bởi thời điểm trường được chính thức thành lập vào ngày 15/10/1984, mọi bước đi đầu tiên của nhà trường đều là “tiên phong”, “thí điểm”. Vì thế, việc đưa trường vào hoạt động không đơn thuần chỉ là vấn đề cơ sở vật chất, tổ chức cán bộ, điều động giáo viên mà còn phải quan tâm đến nhiều vấn đề khác liên quan đến cơ chế, chính sách chế độ cho học trò, liên quan công tác tuyển sinh.
Đã có những thời điểm, khi hỏi về chủ trương thành lập trường và liệu có hay không có học sinh đến học, nhiều cán bộ Sở Giáo dục và Đào tạo đã không dám khẳng định là “có”… Ngay cả khi đã nhập học, học sinh đã tới trường nhưng khi đó do học sinh ở các huyện vùng cao ít, chất lượng thấp, lại chưa quen thành phố, chưa quen lối sống tập trung nên tình trạng học sinh nhập học rồi lại muốn quay về diễn ra khá phổ biến… Khó khăn chồng chất khó khăn. Gian nan lại càng gian nan.
Điều duy nhất lúc này để đưa nhà trường vượt qua thách thức, trở ngại chính là niềm tin về một chủ trương đúng đắn, mang tầm chiến lược với mục tiêu tạo nguồn cán bộ có trình độ, học vấn cao trở về phục vụ cho đồng bào miền núi, nhất là những vùng còn gặp nhiều khó khăn. Sau này, đánh giá lại thành công của mô hình này, nhiều ý kiến cũng cho rằng, khi UBND tỉnh thành lập Trường Thanh thiếu niên dân tộc vùng cao Nghệ Tĩnh, nay là Trường THPT DTNT Nghệ An, thì vấn đề tạo nguồn cán bộ người dân tộc mới được đặt ra mạnh mẽ và có sự đầu tư đúng hướng.
Nhắc lại những khó khăn của một ngôi trường đặc thù duy nhất trong tỉnh thời bấy giờ, thầy giáo Nguyễn Khắc Tuệ – nguyên Hiệu trưởng nhà trường từng viết rất chi tiết và xúc động trong bài thơ kỷ niệm 15 năm thành lập. Nơi mái trường này, thầy cô giáo không đơn thuần chỉ là những người dạy chữ, dạy kiến thức mà còn thay bố mẹ, chăm sóc các em khi xa gia đình, đỡ đần các em từ những thứ tưởng rất nhỏ nhoi như “viên thuốc, hòn than, ngọn đèn, giọt nước”… ập trường”…
Trong phòng truyền thống của nhà trường hiện cũng đang lưu giữ những hình ảnh xúc động về tình thầy trò, trong đó đặc biệt ấn tượng về một chiếc xe đạp Liên Xô cũ với ghi chú “xe đưa học sinh đi viện trong những ngày mới nhập trường” …
Đây là khẩu hiệu đang được treo nổi bật ngay giữa dãy nhà trung tâm của nhà trường. Ngay từ khi thành lập, nhà trường đã chú trọng chất lượng dạy và học, lấy học sinh là trung tâm và thầy, cô giáo cũng phải không ngừng học hỏi để trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ. Thương hiệu nhà trường cũng ngày càng được khẳng định rõ hơn từ năm học 1996 – 1997, khi nhà trường chuyển hình thức tuyển sinh và chỉ tuyển học sinh hệ THPT với mục tiêu “nâng dần Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh thành trung tâm chất lượng giáo dục cao của giáo dục dân tộc miền núi”.
Sự chuyển biến cũng thấy rõ, khi số lượng học sinh vào trường không chỉ tăng dần hơn từng năm mà chất lượng tuyển sinh cũng ngày được nâng cao, thay đổi hình thức từ chiêu sinh sang tuyển sinh, từ “mời” đến “thi tuyển”. Hơn 20 năm trở lại đây, Trường THPT DTNT Nghệ An là một trong những trường có chất lượng đầu vào nằm trong tốp đầu của tỉnh với tỷ lệ chọi cao và học sinh trúng tuyển đều là những học sinh ưu tú, khá giỏi được tuyển chọn từ các trường THCS.
Thành công ở việc tuyển chọn đầu vào cũng là tiền đề để nhà trường chú trọng vào chất lượng dạy và học với việc thực hiện đồng thời nhiều giải pháp như tổ chức tốt phong trào thi đua dạy tốt, học tốt, đổi mới phương pháp quản lý, phương pháp dạy học, chú trọng, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chất lượng mũi nhọn. Nhà trường cũng thường xuyên triển khai sáng tạo, hiệu quả các cuộc vận động và các phong trào thi đua của ngành bằng những nội dung, hình thức thiết thực, phù hợp với điều kiện thực tế, tổ chức dạy thật, học thật và kiên quyết nói không với bệnh thành tích.
Đặc biệt, xác định xây dựng đội ngũ giáo viên là yếu tố quan trọng tạo nên chất lượng dạy và học nên trường luôn quan tâm, bồi dưỡng xây dựng đội ngũ cán bộ, giáo viên. Tính đến thời điểm này, 100% giáo viên nhà trường có trình độ đào tạo đạt chuẩn và trên chuẩn, trong đó có 24 thạc sĩ, 100% giáo viên xếp loại khá, giỏi về chuyên môn, 24/46 giáo viên đã được công nhận giáo viên giỏi tỉnh.
Trong 35 năm qua, gần 5.000 học sinh của trường đã tốt nghiệp ra trường, 2.073 em thi đậu vào các trường đại học, cao đẳng; 1.157 em đậu dự bị đại học, 398 em cử tuyển và gần 1.500 em đã ra công tác, nhiều em đã trưởng thành và giữ nhiều vị trí trọng trách trong các cơ quan, đơn vị. Năm học 2017 – 2018, trong cuộc thi sáng tạo KHKT cấp tỉnh giành cho học sinh trung học, nhà trường có 2 dự án tham gia, trong đó có 1 dự án đạt giải Ba, 1 dự án đạt giải Nhất và là 1 trong 18 dự án của Sở Giáo dục và Đào tạo được dự thi cấp quốc gia. Liên tục, năm nào trường cũng có học sinh giỏi tỉnh, số lượng dự thi các môn năm sau luôn cao hơn năm trước và tỷ lệ học sinh giỏi tỉnh ngày càng cao. Gần đây nhất, năm học 2018 -2019, trường có 1 dự án KHKT đạt giải Nhì cấp tỉnh, 9 em đạt giải tại Kỳ thi học sinh giỏi tỉnh trong đó 3 giải Nhì, 2 giải Ba và 4 giải khuyến khích. Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh là 1 trong 4 trường THPT của tỉnh có học sinh thi đậu tốt nghiệp THPT quốc gia 100%, tỷ lệ học sinh đậu vào các trường đại học, cao đẳng là 88%, có 9 em đạt điểm cao được UBND tỉnh và Ban Dân tộc tỉnh vinh danh, khen thưởng.
Đặc biệt, trong sự kiện vinh danh học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số đạt thành tích cao trong học tập, trường có 4 học sinh được Bộ trưởng – Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến tặng Bằng khen. Trong 5 năm trở lại đây, trường đã 5 lần tham dự Hội thi Văn hóa – Thể thao các trường Phổ thông Dân tộc nội trú toàn quốc và đều đạt kết quả cao với 84 huy chương các loại, trong đó văn hóa có 27 Huy chương Vàng, Bạc và Đồng. Với những thành tựu quan trọng, trường cũng đã được tặng nhiều danh hiệu cao quý như Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba; Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen…
Để có được những thành quả của ngày hôm nay, tập thể nhà trường luôn biết ơn sự lãnh đạo, quan tâm, giúp đỡ nhiệt tình và động viên kịp thời của các cấp ủy Đảng, các ban, ngành, sở, các hội khuyến học, từ thiện, các nhà hảo tâm và sự năng động sáng tạo của các thế hệ giáo viên nhà trường, đặc biệt là sự cộng tác ủng hộ nhiệt tình của học sinh, phụ huynh…
Cô giáo Nguyễn Thị Kiều Hoa – Hiệu trưởng nhà trường, khẳng định: Từ những ngày đầu thành lập đến nay, dù trải qua nhiều giai đoạn khác nhau nhưng Trường THPT DTNT Nghệ An luôn nhận được sự ưu ái và hỗ trợ của tỉnh nhà, sự chỉ đạo sát sao của ngành Giáo dục. Chúng tôi cũng xác định, đây vừa là niềm vui, vừa là niềm tự hào nhưng cũng là trọng trách to lớn mà tập thể cán bộ, giáo viên phải luôn phấn đấu, nỗ lực hết mình để giữ vững truyền thống tốt đẹp của nhà trường, xứng đáng với niềm tin và sự gửi gắm của đồng bào các dân tộc thiểu số miền Tây xứ Nghệ An và hướng tới xây dựng trường trọng điểm chất lượng cao của tỉnh.