Theo nhiều chuyên gia đánh giá, năm 2018 kinh tế – xã hội của Nghệ An đạt kết quả cao nhất trong gần 10 năm lại nay. Có được điều này nhờ vào sự thống nhất, đoàn kết từ ý chí đến hành động của toàn bộ hệ thống chính trị cũng như sự đồng thuận, quyết tâm vượt khó đổi mới vươn lên của các tầng lớp nhân dân.
Năm 2018 là năm tỉnh Nghệ An gặt hái thành công trên tất cả các lĩnh vực: đạt và vượt 27/27 chỉ tiêu về kinh tế – xã hội do HĐND tỉnh đề ra. Tốc độ tăng trưởng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2018 ước đạt 8,77%, cao hơn tốc độ tăng trưởng của những năm gần đây và cao hơn mức tăng trưởng bình quân của cả nước (ước 6,7%). Thu ngân sách năm 2018 đạt gần 14.000 đồng. GRDP bình quân đầu người năm 2018 ước đạt 38 triệu đồng (năm 2017 là 34,14 triệu đồng). Năm 2018 tỉnh có thêm 30 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng số xã nông thôn mới lên 218 xã, chiếm 48,96%.
Thành tựu ấy là từ sự thống nhất về ý chí và hành động trong toàn hệ thống chính trị, phản ánh rõ nét sức mạnh được tạo nên từ khối đại đoàn kết giữa cấp ủy, chính quyền và mọi tầng lớp nhân dân. Mảnh đất Nghệ An xưa nay nổi danh là vùng địa linh nhân kiệt, đất hiếu nghĩa, nặng tình và ham học, nhưng người ta lại cũng luôn nhìn thấy cái nghèo trên vùng quê miền Trung thiên nhiên khắc nghiệt này. Phải sáng tạo, đổi mới tư duy, thay đổi cách nghĩ, cách làm, quyết liệt cải cách hành chính, chú trọng vào khâu yếu là công tác tổ chức, cán bộ… được xem như lời hiệu triệu của Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhằm khơi dậy khát vọng vươn lên trên đất Xô viết anh hùng. Khát vọng đổi mới của Nghệ An còn được Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng ủng hộ, cổ vũ bằng nhiều chủ trương, chính sách rất kịp thời và sát thực.
Trước hết, là Nghị quyết số 26 -NQ/TW ngày 30/7/2013 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020 (Nghị quyết số 26). Bằng nhiều đề án, chương trình phát triển kinh tế – xã hội cụ thể, Nghị quyết số 26 đã tác động và góp phần thay đổi diện mạo, đời sống của nhân dân Nghệ An từ đô thị, đồng bằng cho đến khu vực ven biển và vùng núi.
Đối với thành phố Vinh trung tâm chính trị – kinh tế của tỉnh, theo Nghị quyết số 26 sẽ được xây dựng trở thành trung tâm vùng Bắc Trung bộ về tài chính, thương mại, du lịch, khoa học – công nghệ, công nghệ thông tin, công nghiệp công nghệ cao, y tế, văn hoá, thể thao, giáo dục – đào tạo; cùng với Cửa Lò phát triển thành cực tăng trưởng kinh tế và mũi nhọn tăng trưởng của tỉnh. Trước đó, với Quyết định số 239/2005/QĐ-TTg ban hành ngày 30/9/2005, Thủ tướng Chính phủ cũng đã xác định xây dựng thành phố Vinh trở thành trung tâm văn hóa – kinh tế khu vực Bắc Trung bộ. Đây có thể coi là những chủ trương, chính sách có tính chất cốt lõi, bản lề để thành phố quê hương Bác Hồ bứt phá, tạo vị thế vững chắc khi đối sánh với các đô thị trong khu vực. Và năm 2018 là năm thành công của thành phố Vinh: có 21/22 chỉ tiêu kinh tế – xã hội đạt và vượt kế hoạch đề ra. Kinh tế tăng trưởng khá, dự ước đạt 9,12%/KH 9 – 10%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 15.965 tỷ đồng, đạt 100,1% KH. Thu nhập bình quân đầu người đạt 84,6 triệu đồng/năm. Tổng thu ngân sách thành phố quản lý ước đạt 2.330 tỷ đồng,… Và thành phố Vinh đã cho thấy hình hài cả một đô thị trung tâm vùng với việc quy tụ các thế mạnh như: thương mại dịch vụ, khoa học công nghệ, công nghệ thông tin, tài chính, ngân hàng, giáo dục – đào tạo, du lịch…
“Đổi mới” có lẽ là hai từ xuất hiện nhiều nhất trong các văn bản hành chính cũng như trong hoạt động, chỉ đạo điều hành của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở. Sự đổi mới nhìn thấy rõ nhất là trên khu vực miền Tây Nghệ An. Với tổng diện tích tự nhiên 13.728,97 km2, chiếm 83,36% diện tích toàn tỉnh, dân số khoảng 1.136.383 người, trong đó khoảng 38,9% là dân tộc thiểu số. Đây được xem là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh và đối ngoại của tỉnh Nghệ An, khu vực Bắc Trung bộ cũng như cả nước nhưng trải qua hàng thập kỷ, khi nhắc đến miền Tây Nghệ An người ta chỉ nhìn thấy sự đói nghèo, lạc hậu, kém phát triển.
Nhưng giờ đây tất cả đã khác với những đổi thay mạnh mẽ. Trước hết hệ thống giao thông phát triển liên huyện, liên xã, nội vùng, liên bản được mở mới, được nâng cấp và nhựa hóa, bê tông hóa có ý nghĩa vô cùng quan trọng, giải quyết khát vọng ngàn đời của cư dân miền Tây xứ Nghệ. Củ khoai, quả bí, bắp ngô hay con bò, con lợn bà con nuôi được cũng nhờ đó mà tỏa đi khắp nơi, cái khoa học kỹ thuật, văn hóa mới ở miền xuôi cũng nhờ con đường mà về tận bản. Những tên đất, tên núi từng khiến người ta mường tượng đến sự hoang vu như: Phá Lõm, Huồi Cọ, Phá Kháo (các bản thuộc huyện Tương Dương); Mường Ải, Mường Típ, Keng Đu (các xã thuộc huyện Kỳ Sơn); Nậm Tột, Huồi Mới (các bản thuộc huyện Quế Phong) đã không còn lạ lẫm. Có giao thông thuận lợi, kinh tế – xã hội cũng theo chân phát triển, đời sống nhân dân ngày càng khởi sắc. Cả nước đã biết về miền Tây Nghệ An với những sản vật cam Quỳ Hợp, chanh leo Tri Lễ (Quế Phong); chè Thanh Chương, Anh Sơn; khoai sọ, gừng Kỳ Sơn…
Phải khẳng định rằng, sự đổi thay căn bản và đáng tự hào ấy xuất phát từ sự quan tâm hết sức thiết thực của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào miền Tây Nghệ An. Các Chương trình 135, 30a của Chính phủ đã kéo gần khoảng cách giữa miền núi và đồng bằng, tạo ra sinh kế cho người dân. Đặc biệt, Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị cũng xác định: đầu tư phát triển kinh tế – xã hội khu vực miền Tây thành 1 trong 3 vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh. Cụ thể hơn, để hiện thực hóa Nghị quyết số 26, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2355/QĐ-TTg ngày 04/12/2013 về phát triển kinh tế – xã hội miền Tây tỉnh Nghệ An đến năm 2020.
Sau 5 năm thực hiện Quyết định số 2355 cho thấy, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2014 – 2018 trên địa bàn miền Tây Nghệ An ước đạt 8,5%, cao hơn tăng trưởng bình quân chung toàn tỉnh (tăng trưởng bình quân của tỉnh giai đoạn này là 7,59%). Thu nhập bình quân đầu người năm 2018 ước đạt 26,5 triệu đồng, tăng 1,53 lần so với năm 2013 (bằng 70% so với bình quân đầu người của cả tỉnh). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng nhanh, với mức bình quân khoảng 11%/năm. Thu hút vốn đầu tư trên địa bàn đạt khá, hiện nay có khoảng 163 dự án với 64.100 tỷ đồng vốn đầu tư đăng ký đầu tư vào khu vực miền Tây Nghệ An…
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh từng khẳng định, không ngừng đổi mới, sáng tạo, cống hiến trên tinh thần phát huy truyền thống cách mạng, bản sắc của quê hương là căn cốt cho sự phát triển của Nghệ An hiện nay. Đường lớn đã mở và Nghệ An có cơ sở để tin rằng sẽ vững vàng nắm lấy vận hội mới.