Huyện Thanh Chương có đường biên giới với nước bạn Lào với nhiều đường mòn, lối mở và cửa khẩu Thanh Thủy. Trên địa bàn có một số tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, nhất là tuyến đường Hồ Chí Minh – cửa ngõ ra vào tỉnh từ tỉnh Hà Tĩnh; con em các tỉnh phía Bắc và các huyện phía Tây – Nghệ An từ các vùng dịch phía Nam trở về quê đi qua tuyến này rất lớn. Đặc biệt, qua khảo sát số con em Thanh Chương đang học tập, lao động trên địa bàn cả nước gần 30.000 người…
Xác định rõ các nguy cơ đối với địa phương, công tác phòng, chống dịch được Ban Chỉ đạo huyện Thanh Chương quán triệt rõ nguyên tắc chỉ đạo: “chống dịch như chống giặc” với phương châm “chủ động, phòng thủ, dựa vào dân để chống dịch”. Trên cơ sở đó, các địa phương, tổ chức, cơ quan, đơn vị đã chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong thực hiện.
Như xã Thanh Xuân – địa bàn giáp ranh huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh), khi xuất hiện ca F0 tại huyện Hương Sơn, địa phương đã chủ động đề xuất huyện thành lập chốt kiểm soát trên đường mòn Hồ Chí Minh từ huyện Hương Sơn qua. Địa phương cũng chủ động rà soát số con em đang lao động, học tập tại các tỉnh, thành trong cả nước để phối hợp cùng các gia đình tuyên truyền, vận động “ai ở đâu, ở yên đó”; đối với trường hợp có nhu cầu về thì phải báo để địa phương tiếp nhận cách ly y tế. Tổ Covid cộng đồng, tổ tự quản được giao trách nhiệm quản lý, giám sát chặt chẽ người đi – đến địa bàn. Cùng với đó, theo chia sẻ của đồng chí Bùi Xuân Anh – Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thanh Xuân, địa phương cũng đã quản lý, giám sát chặt chẽ người cách ly tập trung và cách ly tại nhà thông qua từng tổ chức, thành viên ban chỉ đạo. Tính từ ngày 1/8 đến ngày 10/9, xã đã thực hiện cách ly tập trung 113 người, thời điểm cao nhất là 61 người và 330 người thực hiện cách ly tại nhà, nhưng không có ca nhiễm ngoài cộng đồng và lây chéo trong khu cách ly tập trung.
Tại xã Thanh Phong đã tổ chức ký giấy cam kết đến tận hộ trong việc tuyên truyền con em, khi về không được về nhà mà phải đến trạm y tế khai và thực hiện cách ly. Xã cũng đã kết nối với hội đồng hương tại thành phố Hồ Chí Minh thành lập các đội thiện nguyện, xây dựng các địa chỉ nhằm hỗ trợ con em Thanh Phong gặp khó khăn; kêu gọi con em Thanh Phong trong, ngoài nước đóng góp nguồn lực phòng, chống dịch cũng như hỗ trợ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Xã cũng phát huy cao vai trò giám sát, phản ánh của người dân đối với các trường hợp không chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch, gắn với xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để răn đe.
Trong đợt bùng phát dịch lần này, trên địa bàn huyện Thanh Chương đã có gần 8.000 con em từ các vùng dịch trở về. Một số huyện giáp ranh, như Hương Sơn (Hà Tĩnh), huyện Nam Đàn, Đô Lương đều có F0 ngoài cộng đồng. Bởi vậy, cả hệ thống chính trị vào cuộc, từ tổ chức cách ly, xét nghiệm, truy vết, đến đảm bảo các điều kiện sinh hoạt cho người dân trong khu cách ly; tổ chức các chốt kiểm soát vào huyện… Thành công nhất, đến thời điểm ngày 10/9/2021, trên địa bàn Thanh Chương chỉ có 16 ca F0 trong khu cách ly tập trung, không có ca ngoài cộng đồng và không có trường hợp lây chéo trong khu cách ly. Sau 17 ngày áp dụng Chỉ thị 16 của Chính phủ, nay huyện trở thành “vùng xanh”, thực hiện theo Chỉ thị 19 của Chính phủ.
Đồng chí Trình Văn Nhã – Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện cho biết, bên cạnh tập trung ngăn chặn hiệu quả từ bên ngoài thông qua lập 11 chốt kiểm soát cấp huyện và giám sát chặt người dân từ vùng dịch về, địa phương chú trọng kiểm soát chặt chẽ từ bên trong, nhất là trong các khu cách ly tập trung, cách ly tại gia đình. Đặc biệt, khi Thanh Chương áp dụng Chỉ thị 16 thì làm rất nghiêm, ngoài các lực lượng chức năng là phát huy “tai mắt” của nhân dân để giám sát việc chấp hành các biện pháp chống dịch của chính người dân trong từng khu dân cư, đặc biệt là vai trò của Tổ Covid cộng đồng, các tổ tự quản ở các khu dân cư.
Chủ tịch UBND huyện Trình Văn Nhã cũng chia sẻ: Mọi chủ trương, biện pháp chống dịch, nhất là chủ trương có tác động đến dân sinh đều được huyện quan tâm làm tốt công tác tư tưởng trước hết để dân nắm rõ, hiểu đúng và đồng thuận. Đồng thời dự báo những khó khăn, phát sinh có thể xảy ra để có phương án xử lý song hành, tránh bị động, lúng túng. Ví như chủ trương dừng hoạt động các chợ trên địa bàn, huyện giao Huyện đoàn chỉ đạo thành lập các tổ thanh niên tình nguyện mua nhu yếu phẩm cho bà con và sách vở cho học sinh. Hay khi huyện áp dụng Chỉ thị 16 của Chính phủ, ở mỗi xã, Đoàn thành niên tiếp tục thành lập các đội “taxi xanh” để phục vụ trường hợp ốm đau, phụ nữ sinh nở đến các cơ sở y tế.
Đối với sản phẩm nông nghiệp do người dân sản xuất không thể trì hoãn thu hoạch thì giao Hội Nông dân phối hợp với phòng Nông nghiệp huyện kết nối với các doanh nghiệp, hội thiện nguyện trong và ngoài địa bàn tiêu thụ nông sản cho bà con. Hoặc để thực hiện chủ trương dạy trực tiếp ở 3 cấp học (trừ mầm non), huyện chỉ đạo thực hiện “3 tại chỗ” đối với các giáo viên ngoài địa bàn huyện; gắn với đó là giao Phòng Giáo dục – Đào tạo cùng LĐLĐ huyện trực tiếp khảo sát, kiểm tra điều kiện ăn ở cho các giáo viên thực hiện “3 tại chỗ” ở các trường học để có sự hỗ trợ phù hợp; đồng thời huy động MTTQ, các đoàn thể tổ chức nấu các bữa ăn cho giáo viên…
Có thể nói, hiệu quả từ công tác phòng, chống dịch trên địa bàn huyện Thanh Chương thời gian qua có vai trò, đóng góp rất quan trọng của MTTQ và các đoàn thể chính trị – xã hội. Ngoài trách nhiệm chung tuyên truyền, vận động các đoàn viên, hội viên chấp hành nghiêm các chủ trương, biện pháp chống dịch; theo đồng chí Phan Đình Hà – Trưởng ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện, mỗi đoàn thể đảm nhận thực hiện nhiệm vụ cụ thể theo phân công của Ban Thường vụ Huyện ủy, ban chỉ đạo cấp huyện.
Như Hội Cựu chiến binh trực tiếp tham gia cùng với các lực lượng tuần tra và trực các chốt kiểm soát của huyện và nội bộ các xã. Hội Phụ nữ đảm nhận việc chăm sóc cây trồng, vật nuôi và thu hoạch mùa, quả trái cho những gia đình có người cách ly; là “đội quân” đứng ra vận động người dân hỗ trợ thực phẩm, tổ chức nấu các bữa ăn cho các lực lượng làm nhiệm vụ, người cách ly tập trung; quan tâm kêu gọi, hỗ trợ nhiều phần quà “chia sẻ yêu thương” cho phụ nữ và trẻ em yếu thế trên địa bàn. Hội Nông dân chịu trách nhiệm kết nối, tiêu thụ nông sản cho nông dân ra thị trường trong và ngoài tỉnh với số lượng lên đến gần 70 tấn hàng hóa, gồm gà Thanh Chương, bưởi, ổi, thanh long, trám đen, bí xanh, chanh quả và rau các loại. Đoàn Thanh niên chịu trách nhiệm mua nhu yếu phẩm hàng ngày cho người dân, mua sách vở, dụng cụ học tập cho học sinh thông qua các đội “Shipper áo xanh”; hỗ trợ vận chuyển người ốm đau, phụ nữ sinh để đến các cơ sở y tế thông qua các đội “Taxi áo xanh – phản ứng nhanh”…
Cùng với các nhiệm vụ trên, MTTQ và các đoàn thể cũng là lực lượng nòng cốt trong việc tu bổ, sửa sang các cơ sở làm khu cách ly tập trung và xây dựng các khu cách ly dã chiến, các lán trại tại các điểm chốt kiểm soát ở từng địa phương. MTTQ và các đoàn thể chung tay kêu gọi, vận động các tầng lớp nhân dân ủng hộ Quỹ phòng, chống Covid-19 và hỗ trợ các nhu yếu phẩm cho người dân các địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh như thành phố Vinh, huyện Diễn Châu, huyện Quỳnh Lưu và thành phố Hồ Chí Minh.
Hiện nay, MTTQ và các đoàn thể đang tiếp tục phát động phong trào toàn dân Thanh Chương quyết tâm bảo vệ “vùng xanh” trong bản đồ chống dịch Covid-19 của tỉnh, nhằm đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường và thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn.