Đồng chí Nguyễn Đức Trung – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh trả lời phỏng vấn Báo Nghệ An
P.V: Dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn 30/4 và 1/5 năm nay diễn ra trong bối cảnh khá đặc biệt do dịch Covid-19, cùng với cả nước, Nghệ An đã và đang huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc “Chống dịch như chống giặc”. Với sự chung sức, đồng lòng của người dân, bước đầu Nghệ An đã đạt được những kết quả khả quan trong công tác trên. Đồng chí có đánh giá gì về những kết quả đó?
Đồng chí Nguyễn Đức Trung: Trong thời gian qua, tình hình dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp, khó lường, tác động toàn diện tới kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh và đời sống của nhân dân trên toàn thế giới cũng như tại Việt Nam. Trước tình hình trên, với phương châm “Chống dịch như chống giặc”, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đã chỉ đạo quyết liệt, cụ thể, đồng bộ nhiều giải pháp ứng phó, phòng, chống dịch Covid-19 trong cả nước.
Tại Nghệ An, việc triển khai công tác phòng, chống dịch Covid-19 đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, toàn tỉnh đã tổ chức cách ly cho 10.257 người (cách ly tập trung tuyến tỉnh: 6.863 người; cách ly tập trung tuyến huyện: 123 người; cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 3.103 người; cách ly tại cơ sở khám, chữa bệnh: 168 người). Các trường hợp liên quan đến ổ dịch tại Bệnh viện Bạch Mai (974 trường hợp), khu vực chợ hoa – xã Mê Linh, huyện Mê Linh, Hà Nội (5 trường hợp), liên quan bệnh nhân số 262 tại Công ty TNHH Samsung Display Việt Nam, tỉnh Bắc Ninh (12 trường hợp) đều được kiểm soát chặt chẽ và cho đến nay trên địa bàn toàn tỉnh chưa có trường hợp nào mắc Covid-19. Công tác vận động Quỹ ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19 được thực hiện có hiệu quả với tổng số tiền, hàng hóa đăng ký ủng hộ trên địa bàn tỉnh là 67,7 tỷ đồng (tiền 48,3 tỷ đồng, hàng hóa quy đổi 19,4 tỷ đồng), đứng thứ 3 trong cả nước…
Để đạt được những kết quả trên, trước tiên là công tác lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, xuyên suốt của Trung ương, Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 của tỉnh, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp, nhất là sự tham gia của đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế, lực lượng vũ trang chung tay phòng, chống dịch Covid-19 trên toàn tỉnh.
Ngoài ra, công tác triển khai được thực hiện bài bản, kỹ càng, chủ động xây dựng và rà soát điều chỉnh kịp thời các kịch bản ứng phó với dịch bệnh trên nguyên tắc “Ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch, điều trị”, kịp thời tổ chức tập huấn, triển khai, đáp ứng nhu cầu thực tế.
Trong quá trình triển khai công tác phối hợp phòng, chống dịch giữa các lực lượng, nhất là Bộ Tư lệnh Quân khu 4, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Công an và ngành Y tế tỉnh nhà được thực hiện chặt chẽ, nhuần nhuyễn, đặc biệt là công tác ngăn chặn, phát hiện, cách ly trong toàn tỉnh.
Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, giám sát được Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh đặc biệt quan tâm, đã tổ chức hơn 30 lượt kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch tại các cơ sở y tế, cơ sở cách ly tập trung và tại các địa phương, đơn vị trên toàn tỉnh. Xử lý nghiêm các vi phạm và người đứng đầu các địa phương nếu để xảy ra sai phạm.
Công tác truyền thông, tuyên truyền được chủ động, đẩy mạnh triển khai bằng nhiều hình thức (báo, đài, loa phát thanh, truyền hình,…); qua đó: (1) đã tổ chức tuyên truyền, nâng cao ý thức, nhận thức, hướng dẫn thực hiện các biện pháp cho toàn bộ người dân trong tỉnh về phòng, chống dịch; (2) cung cấp kịp thời, đầy đủ, minh bạch tình hình tổ chức triển khai phòng, chống dịch, tình hình dịch bệnh trên thế giới, cả nước và đặc biệt là địa bàn tỉnh; (3) kịp thời phản bác lại các nội dung sai trái, xuyên tạc, không đúng sự thật tới người dân biết, yên tâm, đồng lòng cùng ra sức chống dịch với phương châm mỗi người dân là một chiến sỹ trên mặt trận phòng, chống dịch.
Công tác vận động Quỹ ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19 được thực hiện có hiệu quả, phát huy vai trò của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp, nhất là Ban công tác Mặt trận các khu dân cư, các tổ tự quản. Phát huy tinh thần đoàn kết, “Chung sức, đồng lòng”, “Thương người như thể thương thân” của nhân dân, đem lại sức mạnh để chúng ta cùng nhau vượt qua mọi khó khăn, thử thách và đạt được kết quả như hiện nay trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh nhà.
P.V: Với sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của các cấp chính quyền, sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các lực lượng chức năng, đặc biệt là sự tham gia của người dân với tinh thần “Mỗi người dân là một chiến sỹ chống dịch”, có thể nói, Nghệ An đã làm tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19. Vậy trong phát triển kinh tế, theo đồng chí, chúng ta có giải pháp gì để huy động được sức mạnh tổng lực này?
Đồng chí Nguyễn Đức Trung: Trong những năm qua, với sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và các lực lượng vũ trang, tỉnh Nghệ An đã đạt được những kết quả toàn diện và nổi bật trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng – an ninh và công tác xây dựng Đảng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế nội tỉnh (GRDP) bình quân giai đoạn 2016 – 2018 đạt trên 8%, riêng năm 2019 tăng trưởng GRDP đạt trên 9%, thu ngân sách đạt trên 16.300 tỷ đồng. Công tác cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh luôn được quan tâm thực hiện có hiệu quả và đạt được kết quả tích cực: Chỉ số PCI luôn được nâng cao, hiện đứng thứ 19 cả nước và đứng đầu khu vực Bắc Trung Bộ; chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) đứng thứ 4 cả nước; chỉ số cải cách hành chính (Par Index) tiếp tục được cải thiện theo hướng tăng lên, đứng thứ 29/63 tỉnh, thành phố.
Trong thời điểm hiện nay, nền kinh tế tỉnh nhà bị tác động bởi những diễn biến phức tạp, khó lường, những khó khăn chung của tình hình kinh tế thế giới và trong nước do tác động của dịch Covid-19, đã tạo ra nhiều thách thức cho việc thực hiện và hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội 5 năm (2016 – 2020). Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra, trên cơ sở kế thừa và phát huy những kết quả phát triển kinh tế – xã hội đã đạt được trong thời gian qua, chúng ta cần phải phân tích, đánh giá những hạn chế, bất cập của từng lĩnh vực để đẩy mạnh các hoạt động sản xuất, kinh doanh, bù đắp, giảm thiểu các thiệt hại do dịch Covid-19 gây ra; đồng thời chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết để đón bắt thời cơ, thu hút đầu tư và các nguồn lực bên ngoài… từ đó chúng ta cần đoàn kết, đồng lòng thực hiện tập trung, quyết liệt và đồng bộ nhiều giải pháp, cụ thể:
Tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; chính quyền các cấp, các ngành trong tỉnh phải đồng hành cùng doanh nghiệp; tăng cường đối thoại, trao đổi thường xuyên trên tinh thần cầu thị, lắng nghe, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo môi trường thuận lợi để doanh nghiệp phát triển bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.
Về sử dụng nguồn lực đầu tư công, tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân 100% vốn đầu tư công năm 2020 (kể cả vốn kéo dài từ các năm trước sang), kiên quyết điều chuyển kế hoạch vốn của các dự án chậm tiến độ thực hiện và giải ngân sang các dự án khác có nhu cầu, có tiến độ giải ngân tốt, cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện, sớm hoàn thành đưa vào sử dụng; sớm hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án để trình cấp có thẩm quyền giao bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020 và năm 2020; tập trung xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 với nguyên tắc ưu tiên bố trí, sử dụng vốn ngân sách Nhà nước như là vốn mồi để khai thác tối đa các nguồn vốn của các thành phần kinh tế, trong đó, tập trung bố trí vốn cho các dự án trọng điểm, dự án xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội quan trọng phục vụ thu hút đầu tư, nhất là các dự án có sức lan tỏa rộng và tác động lớn tới phát triển kinh tế, có tính kết nối và lan tỏa các vùng, địa phương trong tỉnh và giữa các tỉnh trong khu vực. Không bố trí vốn đầu tư dàn trải và cho các lĩnh vực, dự án mà các thành phần kinh tế khác có thể đầu tư.
Về thu hút nguồn lực đầu tư xã hội, Nghệ An đang có rất nhiều lợi thế về vị trí địa lý, thuận lợi về giao thông vận tải (có đầy đủ các loại hình giao thông: Đường bộ, đường sắt, sân bay và cảng biển), tiềm năng lớn ở các khu công nghiệp,… Trong thời gian tới, đầu tiên chúng ta cần đổi mới tư duy, thay đổi cách làm để thu hút đầu tư, không chỉ mời gọi, thu hút đầu tư trong giai đoạn đầu mà phải đồng hành thực sự với các nhà đầu tư trong suốt quá trình hoạt động và đóng góp cho tỉnh.
Thứ hai, là đổi mới cơ chế, chính sách, ưu tiên thu hút đầu tư theo nguyên tắc không đánh đổi tăng trưởng kinh tế bằng mọi giá, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu, ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng, góp phần nâng cao giá trị gia tăng, sức cạnh tranh của sản phẩm và vị trí của tỉnh trong chuỗi giá trị; có cơ chế, chính sách riêng đối với các nhà đầu tư đã vào chúng ta và đang hoạt động có hiệu quả, đồng thời đẩy mạnh thu hút các nhà đầu tư vào đầu tư tại các khu công nghiệp đã có cơ sở hạ tầng, có mặt bằng như VSIP Nghệ An, WHA Hemaraj Nghệ An, Hoàng Thịnh Đạt;…
Cùng đó, tiếp tục đổi mới chính sách đào tạo phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao gắn chính sách thu hút nhân tài trên địa bàn tỉnh được coi là một trong những khâu đột phá, chiến lược lâu dài, tạo tiền đề cho thực hiện thành công các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội bền vững của tỉnh nhà.
Với tinh thần phát huy sức mạnh của sự đồng thuận, tinh thần chung sức, đồng lòng, tôi tin tưởng rằng chúng ta sẽ phát huy được tiềm năng, thế mạnh đưa Nghệ An – vùng đất giàu truyền thống cách mạng vượt qua giai đoạn khó khăn, phát triển nhanh và bền vững!
P.V: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!