Trong những ngày viết về “góc khuất” khảo sát bổ sung quy hoạch dự án thủy điện nhỏ, chúng tôi có trò chuyện với một cán bộ tham gia biên soạn Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nghệ An khóa XVIII, trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX. Từng kinh qua công tác ở địa phương cơ sở, từng lấm lem bùn đất vùng lũ đủ để đắng đót những nỗi thống khổ của người dân; từng “bị” nhà đầu tư thủy điện nhỏ “đe” vì lên tiếng ngáng trở…, nên anh có quan điểm là nói không với thủy điện nhỏ.
Anh cho biết, đã đọc một số bài, nhận xét đã làm nghề báo thì cần phải vậy. Tức là cần sâu sát cơ sở, nắm bắt đầy đủ tình hình thực tế, để chuyển tải sự thật khách quan đến với các cấp có thẩm quyền. Nhưng anh khuyên, nên tìm hiểu rộng hơn để biết về khát vọng, quyết tâm, định hướng của tỉnh. Để khi viết, tác phẩm sẽ có chiều sâu và tránh được những định kiến mang tính cá nhân.
Anh đưa cho chúng tôi xem cuốn Báo cáo Chính trị với tiêu đề “Xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy ý chí, khát vọng vươn lên; chủ động đổi mới, sáng tạo, đưa Nghệ An phát triển nhanh và bền vững”. Và nhắc: “Cần lưu ý cụm từ cuối “phát triển nhanh và bền vững” để thấy Báo cáo Chính trị lần này khác với Báo cáo Chính trị ở đại hội nhiệm kỳ trước thế nào. Viết về dự án thủy điện nhỏ là viết về loại hình dự án kinh tế có ảnh hưởng tới môi trường, dân sinh. Nếu nghiên cứu kỹ, sẽ thấy quan điểm của tỉnh không bao giờ ủng hộ những dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường, gây hệ lụy đến cuộc sống của người dân…”.
Quả thực, Báo cáo Chính trị của nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX có những đổi khác về đường hướng phát triển, mà nếu không đọc, hoặc chỉ đọc lướt qua, và thiếu sự so sánh thì không thể biết, để hiểu một cách đủ đầy được. Như việc đầu tư kết cấu hạ tầng, thay vì đầu tư dàn đều khắp các địa phương thì trong nhiệm kỳ này sẽ tập trung nguồn lực để xây dựng các công trình hạ tầng trọng điểm, có tính kết nối, lan tỏa để thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.
Những công trình trọng điểm được xác định cụ thể, đó là hoàn thành tuyến đường ven biển từ Cửa Lò đến Nghi Sơn (Thanh Hóa), đường giao thông Vinh – Cửa Lò, đường Mường Xém – Ta Đo – Khe Kiền; đường cao tốc Bắc – Nam, đường cao tốc Hà Nội – Viêng Chăn; bến cảng biển Cửa Lò, Nhà ga T2 – Cảng Hàng không quốc tế Vinh và một số tuyến quốc lộ trên địa bàn.
Hay như TX. Hoàng Mai gắn với vùng Nam Thanh Hóa – Bắc Nghệ An, trước đây, các Khu Công nghiệp Hoàng Mai, Đông Hồi từng gắn với những dự án nhiệt điện, luyện thép, gạch không nung… Nay tại Báo cáo Chính trị xác định sẽ chỉ tập trung thu hút các dự án thuộc ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp điện tử và các ngành công nghiệp, dịch vụ hỗ trợ cho các dự án lớn tại Khu Kinh tế Đông Nam và Khu Kinh tế Nghi Sơn; bên cạnh đó, đẩy mạnh thu hút đầu tư các dự án phát triển du lịch, dịch vụ nhằm khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của vùng…
Thế rồi, tại phiên họp thường kỳ tháng 11/2020, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã khẳng định không cấp phép dự án thủy điện mới. Thể hiện rõ trong lời phát biểu của Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung: “Trong giai đoạn hiện nay, dứt khoát dừng bổ sung quy hoạch mới các dự án thủy điện”. Hoặc kết luận của Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý: “Từ năm 2015, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có chủ trương là không xem xét bổ sung quy hoạch thủy điện. Tháng 8/2019, tỉnh cũng thống nhất chủ trương thuê tư vấn để đánh giá tổng thể, toàn diện tác động của thủy điện trên địa bàn tỉnh. Quan điểm của tỉnh khi xem xét các dự án thủy điện là xem quyền lợi, nguyện vọng chính đáng của nhân dân là tối thượng. Đối với 10 dự án đề xuất bổ sung vào quy hoạch, cần trả lời nhà đầu tư quan điểm của tỉnh là dừng lại toàn bộ, không cho phép bổ sung…”.
Cũng tại cuộc làm việc này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thống nhất đề nghị Thủ tướng Chính phủ dừng thực hiện Trung tâm Nhiệt điện Quỳnh Lập (Nhiệt điện Quỳnh Lập I, Nhiệt điện Quỳnh Lập II) để ưu tiên quỹ đất thu hút đầu tư các ngành công nghiệp chế biến có hàm lượng khoa học, ứng dụng công nghệ cao và thân thiện với môi trường; yêu cầu không bổ sung quy hoạch khai thác đối với các loại khoáng sản vàng, thiếc, kẽm, đá trắng…, chỉ cho phép quy hoạch khai thác các loại vật liệu thông thường phục vụ xây dựng và phát triển hạ tầng; thống nhất chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường ven biển từ Nghi Sơn (Thanh Hóa) – Cửa Lò (Nghệ An) với tổng mức đầu tư dự kiến 4.651 tỷ đồng…
Rồi trong chuỗi kỷ niệm 990 năm Danh xưng Nghệ An, thêm những tin vui thể hiện quyết tâm “phát triển nhanh và bền vững”. Là huyện lúa Yên Thành được công nhận hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Là việc tính đến ngày 30/11/2020, tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 72 dự án với tổng số vốn đầu tư đăng ký là 7.707 tỷ đồng. Đáng chú ý, Đề án Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng Bắc Trung Bộ của tỉnh nhằm hướng đến phát triển kinh tế lâm nghiệp theo định hướng của Trung ương cũng đã được khởi động thông qua lễ khởi công 1 trong 3 hợp phần quan trọng nhất là Dự án Trung tâm Giống và Công nghệ cao – DKC…
Kết quả của phiên họp Ban Thường vụ Tỉnh ủy và những thông tin này, rõ ràng rất tích cực. Phải chăng là nhận định “Khát vọng sông Lam thành kỳ tích sông Lam” của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trong bài phát biểu quan trọng tại Lễ Kỷ niệm 990 năm Danh xưng Nghệ An đang dần là hiện thực từ Khát vọng – Niềm tin – Quyết tâm cao!