Phải khẳng định rằng, Nghệ An hội tụ nhiều tiềm năng, lợi thế để thu hút các nhà đầu tư. Nghệ An nằm ở vị trí chiến lược của Việt Nam, với diện tích tự nhiên lớn nhất cả nước, địa hình phong phú, đa dạng, có biển, đồng bằng, trung du và miền núi; hội tụ đầy đủ các loại hình giao thông: đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường biển và đường thủy nội địa; là cầu nối hai miền Bắc – Nam, cửa ngõ thông ra biển Đông của miền Trung Lào và vùng Đông Bắc Thái Lan qua cảng Cửa Lò. Với dân số hơn 3,3 triệu người, trong đó lực lượng lao động 1,9 triệu người, là nơi cung cấp nguồn nhân lực dồi dào, có chất lượng cho đầu tư, phát triển và là thị trường lớn để phát triển thương mại, dịch vụ,…
Tuy nhiên, chỉ trông chờ vào tiềm năng, lợi thế thôi là chưa đủ. Để thu hút và giữ chân được nhiều nhà đầu tư, trong thời gian qua Nghệ An đã tăng cường cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Thể hiện là chỉ số PAPI năm 2020 đã tăng được 2 bậc, xếp thứ 15 cả nước. Bên cạnh đó, xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh mặc dù giữ nguyên so với năm 2019 (xếp thứ 18 cả nước) nhưng nhiều chỉ số phụ đã tăng. Từ tháng 10/2020, tỉnh đã đưa Trung tâm phục vụ hành chính công vào hoạt động, qua đó giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp, nhà đầu tư khi thực hiện các thủ tục đầu tư.
Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, với phương châm “Chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp”, trong thời gian qua tỉnh Nghệ An thường xuyên quan tâm, đồng hành cùng doanh nghiệp, xem “khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp là trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp”. Tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính với phương châm: nhanh – đúng – hiệu quả; thường xuyên đối thoại với doanh nghiệp; chỉ đạo các ngành liên quan chủ động nắm bắt, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của các hiệp hội doanh nghiệp, các doanh nghiệp trên địa bàn theo hướng giải thích, giải trình sang giải pháp và giải quyết. Điều đó được thể hiện trong thông điệp mà Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung gửi đến cộng đồng doanh nghiệp: “Tỉnh sẽ xử lý nghiêm bất kỳ biểu hiện, hành vi vì lợi ích cá nhân gây khó khăn, ách tắc cho doanh nghiệp, thu hút nguồn lực đầu tư làm kìm hãm sự phát triển”.
Xác định cải cách hành chính vẫn là “điểm nghẽn” cản trở thu hút đầu tư, UBND tỉnh đã yêu cầu các cấp, sở, ngành phải đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính theo hướng cắt giảm những thủ tục rườm rà, gây phiền hà, khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư. Và đến nay, đã có 101 thủ tục hành chính được cắt giảm với tổng thời gian là 753 ngày. Ngay từ đầu năm 2021, Chủ tịch UBND tỉnh đã ký ban hành Chỉ thị 08 về việc đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong cải cách hành chính. UBND tỉnh và các sở, ngành, địa phương kiên quyết xóa bỏ thông tin dư luận “tỉnh mở, sở thắt” và thay vào đó là đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư với phương châm là “tỉnh mở, sở hỗ trợ”… Và chính nhờ những động thái đó đã củng cố niềm tin của các doanh nghiệp, nhà đầu tư đối với các cấp chính quyền.
Ông Wang Mannon Man – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ Everwin Precision (Việt Nam) cho biết, công ty bắt đầu tìm kiếm địa điểm xây dựng nhà máy tại Việt Nam vào cuối tháng 9/2020. Trên cơ sở khảo sát tại 3 KCN trên địa bàn tỉnh và đánh giá các yếu tố về cơ sở hạ tầng, mật độ dân số, ưu đãi thuế, chiến lược hỗ trợ của tỉnh với nhà đầu tư thì công ty quyết định chọn Nghệ An để đầu tư. “Trong suốt quá trình tìm hiểu từ khảo sát đến lúc được cấp giấy phép đăng ký đầu tư, doanh nghiệp luôn nhận được sự thấu hiểu và đồng hành, tạo thuận lợi nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Và thể hiện là chỉ sau 3 tuần nộp hồ sơ, công ty đã nhận được giấy phép đăng ký đầu tư, một thời gian quá nhanh”, ông Wang Mannon Man nói.
Bên cạnh thể chế, trong thời gian qua Nghệ An cũng đã triển khai nhiều giải pháp nhằm chuẩn bị tốt nhất các điều kiện cần thiết để nhà đầu tư yên tâm triển khai dự án. Giải pháp đầu tiên mà Nghệ An thực hiện chính là bố trí nguồn vốn xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng được nhu cầu của các nhà đầu tư. Trên cơ sở các tờ trình của UBND tỉnh, HĐND tỉnh đã thông qua chủ trương đầu tư các dự án hạ tầng giao thông như đường ven biển Nghi Sơn (Thanh Hóa) – Cửa Lò (Nghệ An); Đại lộ Vinh – Cửa Lò; các dự án hạ tầng trọng điểm Khu Kinh tế Đông Nam và các khu công nghiệp. Nhờ đó mà đến thời điểm này, Nghệ An có hệ thống hạ tầng giao thông tương đối đồng bộ gồm sân bay, cảng biển và hệ thống các quốc lộ.
Với quan điểm phải tạo được “cú hích” trong thu hút đầu tư, mới đây HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 22/2020/NQ-HĐND về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 19/2019/NQ-HĐND nhằm điều chỉnh bảng giá đất khu công nghiệp trong Khu Kinh tế Đông Nam, giai đoạn 2020 – 2024. Việc HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 22 dựa trên thực tiễn, việc áp dụng giá đất các KCN theo Nghị quyết số 19 trong thời gian qua là chưa phù hợp, còn cao hơn so với địa phương khác, không đảm bảo tính công bằng, làm giảm tính hấp dẫn đối với nhà đầu tư. Bà Nguyễn Thị Bích Liên – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần WHA Industrial Zone Nghệ An đánh giá, việc tỉnh Nghệ An sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh giá thuê đất trong KKT Đông Nam là phù hợp với thực tiễn và nhờ đó đã giúp WHA thu hút được nhiều hơn các nhà đầu tư thứ cấp vào KCN.
Phải khẳng định rằng, việc Nghệ An thu hút được 3 nhà đầu tư hạ tầng KCN là VSIP, WHA, Hoàng Mai I,… đã tạo tiền đề quan trọng để thu hút các dự án thứ cấp vào đầu tư, sản xuất kinh doanh. “Trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các hoạt động ngoại giao đều bị hoãn thì tỉnh đã đổi mới công tác xúc tiến đầu tư thông qua 3 nhà đầu tư hạ tầng chiến lược VSIP, WHA và Hoàng Thịnh Đạt. Chính 3 nhà đầu tư hạ tầng với các KCN được đầu tư xây dựng đồng bộ, hiện đại này đã và đang là điểm kết nối, đón đầu làn sóng dịch chuyển đầu tư vào Việt Nam nói chung và Nghệ An nói riêng và trực tiếp là vào KKT Đông Nam”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Hoa khẳng định.
Song song với đó, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên tỉnh thực hiện hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ. Tỉnh đã chuyển hướng vận động, kết nối, gặp gỡ, đặt vấn đề đầu tư từ các đối tác ở nước ngoài sang các đối tác nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam, như các Đại sứ quán, các Hiệp hội, các Tập đoàn, các cơ quan quốc tế… Kết quả là đã thu hút được những nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực công nghiệp chính xác như: Goertek, Everwin, Luxshare và mới đây nhất là nhà đầu tư Chu Thống của Đài Loan. Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung cho rằng, ngoại giao kinh tế đã thực sự phát huy vai trò trọng yếu và mang lại hiệu quả tích cực. Nhiều nhà đầu tư lớn đã lựa chọn Nghệ An làm điểm dừng chân để triển khai các dự án và đây là những dự án trọng điểm của tỉnh, giải quyết được nhiều việc làm, sau khi hoạt động sẽ đóng góp tích cực cho sự phát triển chung của tỉnh Nghệ An.
(Còn nữa)