Lúng túng trong luân chuyển giáo viên

Đến hẹn lại lên, mỗi dịp đầu năm học, hàng nghìn giáo viên trên địa bàn tỉnh lại thấp thỏm không yên vì vấn đề luân chuyển. Ở những khía cạnh nào đó, luân chuyển giáo viên đã mang lại một số kết quả tích cực, tuy nhiên nó cũng cho thấy có không ít hạn chế, ảnh hưởng đến đời sống, tinh thần của nhà giáo.

AU câu nói của con gái, chị H. chỉ biết ôm mặt khóc. Chị chẳng biết phải giải thích như thế nào với con. Chị nói rằng, giá như thay vì buộc phải xuống cấp 1 dạy, cấp trên chọn giải pháp vận động các giáo viên như chị một cách tự nguyện thì sẽ không phải bị áp lực dư luận, điều tiếng như hiện nay.

Nữ giáo viên xin được giấu tên này là một trong hơn 100 giáo viên THCS ở huyện Diễn Châu sẽ phải xuống dạy tiểu học trong năm học 2018 – 2019.

Phần lớn những giáo viên này đang dạy văn hoặc toán. Tuy nhiên, quyết định thuyên chuyển đã gặp không ít phản ứng tiêu cực từ những giáo viên nằm trong danh sách, thậm chí phụ huynh của học sinh tiểu học.

Hơn 2 tuần nay, kể từ khi biết mình sẽ phải xuống tiểu học dạy, chị H. nói rằng, chẳng đêm nào ngủ được ngon giấc. Nữ giáo viên gần 20 năm dạy THCS nói rằng, việc bị thuyên chuyển xuống cấp 1 đã ảnh hưởng nặng nề đến danh dự, lòng tự trọng của một nhà giáo như chị.

Ông Mai Ngọc Long – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Diễn Châu, cho rằng, đây là giải pháp duy nhất trong bối cảnh nhân sự ngành giáo dục của địa phương hiện nay.

Ông Long nói và cho hay, việc luân chuyển này đơn vị đã xin ý kiến Sở Giáo dục và Đào tạo, báo cáo Sở Nội vụ cũng như được Ban Thường vụ Huyện ủy Diễn Châu đồng ý về chủ trương.

Về tiêu chí, theo ông Long, các giáo viên không bị thuyên chuyển thuộc những trường hợp như đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi, đang mang bầu, đang mang bệnh hiểm nghèo, có chồng hoặc vợ đang công tác ở biên giới hải đảo, con đẻ liệt sỹ, nam trên 55 tuổi, nữ trên 50 tuổi….

Ngoài ra, đối với giáo viên dạy Văn có 2 năm xếp loại xuất sắc, một năm xếp loại khá và giáo viên dạy toán có một năm xếp loại xuất sắc, 2 năm xếp loại khá trong 3 năm học vừa qua cũng sẽ không bị thuyên chuyển xuống dạy cấp 1.

Theo tìm hiểu của phóng viên, ngoài một số ít giáo viên bị luân chuyển nằm trong diện kỷ luật (sinh thêm con thứ 3), thì phần lớn trường hợp bị đưa xuống dạy cấp 1 do tiêu chí xếp loại không đạt 2 năm xuất sắc đối với môn Văn và một năm xuất sắc đối với Toán. Tuy nhiên, các giáo viên này cho rằng, tiêu chí để xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong năm học vừa qua không công bằng.

“Cuối năm học vừa qua, nhà trường vẫn đưa vào tiêu chí phải có sáng kiến kinh nghiệm thì giáo viên mới đạt hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, còn không sẽ phải xuống khá. Cũng vì tiêu chí này mà tôi phải nằm trong danh sách luân chuyển”, một giáo viên xin được giấu tên cho hay.

Về vấn đề này, ông Mai Ngọc Long cho rằng, Phòng đã xếp loại các giáo viên theo Nghị định 56/2015/NĐ-CP, trong đó quy định không có sáng kiến kinh nghiệm thì sẽ không đạt xuất sắc.

Trong khi đó, một năm trước, Chính phủ đã ra Nghị định loại bỏ tiêu chí này trong xếp loại.

Theo đó, Nghị định 88/2017/NĐ-CP sửa đổi một số điều của Nghị định số 56/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 về đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức, đã sửa đổi, bổ sung thời gian, tiêu chí đánh giá nhân sự. Nghị định 88 đã bỏ tiêu chí “Có ít nhất 1 công trình khoa học, đề án, đề tài hoặc sáng kiến được áp dụng và mang lại hiệu quả trong việc thực hiện công tác chuyên môn, nghề nghiệp được cấp có thẩm quyền công nhận” khi phân loại đánh giá viên chức (không giữ chức vụ quản lý) ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ và phân loại đánh giá viên chức (không giữ chức vụ quản lý) ở mức hoàn thành nhiệm vụ. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/9/2017.

Để chuẩn bị cho việc thuyên chuyển, ngày 6/8, huyện Diễn Châu đã hợp đồng với Đại học Vinh để mở lớp đào tạo kiến thức sư phạm tiểu học cho hơn 100 giáo viên này. Các giáo viên dạy Văn xuống cấp 1 sẽ phải dạy những môn thuộc Khoa học xã hội nhân văn như Tiếng Việt…, trong khi đó các giáo viên dạy toán sẽ xuống dạy các môn khoa học tự nhiên. Họ sẽ không phải dạy “trọn gói” như những giáo viên khác.

Theo giáo án, lớp học này sẽ diễn ra từ 15 đến 20 buổi. Các giáo viên được bồi dưỡng những môn như cách đánh giá học sinh tiểu học, tâm lý lứa tuổi, chuyên sâu về phương pháp dạy học…. Tuy nhiên, theo ghi nhận, không khí lớp học này khá tẻ nhạt. Phần lớn giáo viên hoặc dùng điện thoại lên mạng, hoặc nói chuyện với nhau suốt buổi. Sau 2 ngày (6 và 7/8), lớp bồi dưỡng môn Văn đã phải ngừng vì một số giáo viên đang theo học phản ứng.

“Chúng tôi chẳng còn tâm trí nào mà học. Huyện nói đây là giải pháp duy nhất là không đúng. Chúng tôi thấu hiểu bối cảnh dôi dư giáo viên ở cấp này và thiếu giáo viên ở cấp khác. Nhưng giá như lúc đầu họ cử cán bộ xuống vận động, tuyên truyền tự nguyện xuống dạy cấp 1 thì chúng tôi sẽ xung phong ngay”, một giáo viên 43 tuổi nói “Nhưng họ không làm vậy mà lại đưa vào tiêu chí xếp loại một cách không rõ ràng để đẩy chúng tôi xuống. Nếu để tự nguyện thì chúng tôi sẽ không bị áp lực dư luận về năng lực cá nhân cũng như được phụ huynh tin tưởng hơn”.

Trong khi đó, một số giáo viên khác cho rằng, quá trình luân chuyển có xảy ra khuất tất. “Trong danh sách các trường THCS lập ra thì có hơn 200 giáo viên thuộc diện phải luân chuyển. Tuy nhiên sau đó chỉ còn 109 người. Theo tôi biết, một số người mặc dù không mang bệnh nhưng cũng đã mua bệnh án để được ở lại trường”, giáo viên tên Trang nói.

Ngoài ra, các giáo viên này cũng lo ngại ảnh hưởng đến chất lượng dạy học khi bị luân chuyển.

Nói về việc khuất tất trong luân chuyển, người đứng đầu ngành giáo dục Diễn Châu khẳng định, không hề có chuyện tiêu cực. “Tôi khẳng định không hề có tiêu cực. Khi luân chuyển một số cấp trên cũng như cấp dưới của tôi đến xin xỏ, nhưng tôi đành phải xin lỗi vì không giúp được”, ông Mai Ngọc Long nói.

Ngày 2/8, phát biểu tại hội nghị tổng kết năm học 2017/2018, triển khai nhiệm vụ 2018/2019, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, “cắt giảm biên chế giáo viên cần chủ yếu tập trung vào biên chế gián tiếp, còn tinh thần chung là giáo viên vẫn phải đủ để dạy. Giáo viên dạy môn nào phải đủ môn đó, cấp nào dạy cấp đấy. Không được máy móc thiếu giáo viên mầm non, thừa giáo viên cấp 2 mà chuyển xuống ngay. Không thể thiếu giáo viên môn này điều giáo viên môn kia sang dạy”.

HỊ N.T.H là một trong hơn 90 giáo viên bị Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Vinh buộc phải luân chuyển trong đầu năm học 2018/2019. Sáng 1/8, khi nhận được cuộc điện thoại từ lãnh đạo nhà trường thông báo về việc luân chuyển, chị như chết đứng. Bất ngờ hơn, chỉ sau đó một ngày, chị đã nhận được quyết định luân chuyển qua một ngôi trường khác và phải chấp nhận xa nơi chị công tác đã gần 20 năm.

Nữ giáo viên hơn 40 tuổi này xin được giấu tên thật vì cho rằng, sẽ ảnh hưởng đến quá trình công tác sau này nếu chị công khai chia sẻ. “Lúc đó cô hiệu phó điện trách tôi. Bảo là đang công tác tốt, ban giám hiệu đối đãi có gì  tệ không mà lại nguyện vọng xin chuyển đi. Tôi ngẩn người chẳng biết phải làm sao. Tôi làm gì có nguyện vọng chuyển đi nơi khác”, chị H. kể.

Ngôi trường cũ của chị H. là một trường được đánh giá rất tốt, cách nhà chị chỉ khoảng vài trăm mét. Chồng công tác ở xa, thi thoảng mới về, một mình chị phải lo toan cho 2 đứa con nhỏ. Chưa kể, chị còn phải thường xuyên chăm sóc cho bà mẹ già hay đau ốm. Vì thế, chị H. phản ứng quyết liệt với quyết định luân chuyển này của cấp trên.

Về phía trường cũ của chị N.T.H cũng khá bất ngờ với quyết định này: “Tôi không biết lý do nào cô ấy bị luân chuyển cả, vì trường cũng đang thiếu giáo viên” – lãnh đạo nhà trường chia sẻ. Trong khi đó, lãnh đạo ngôi trường mới nơi chị N.T.H sẽ chuyển đến cho biết, năm học 2018/2019, trường sẽ giảm đến 4 lớp, trong khi lại được chuyển về đến 5 giáo viên. So với mặt bằng chung của toàn thành phố, tỷ lệ giáo viên trên một lớp của trường này vẫn còn cao hơn.

Theo ông Thái Khắc Tân – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố  Vinh, đầu năm học 2018/2019, thành phố luân chuyển 91 giáo viên. Trong đó có 20 giáo viên THCS, 35 giáo viên tiểu học và 36 giáo viên mầm non. Trong số này, có 66 trường hợp luân chuyển theo nguyện vọng, 24 giáo viên luân chuyển theo yêu cầu và một giáo viên thuộc diện bị kỷ luật. Lãnh đạo phòng cũng cho biết, việc điều động luân chuyển phải đảm bảo yêu cầu nhiệm vụ các hoạt động giáo dục của các đơn vị trường học, đồng thời, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của giáo viên, nhân viên trong ngành giáo dục và đào tạo thành phố, đảm bảo tính công bằng, dân chủ, hợp lý và công khai.

Cũng theo lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố: việc luân chuyển là để “điều hòa giáo viên”,  đảm bảo cân đối số lượng thừa vào thiếu giữa những trường, nâng cao chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, trên thực tế, lại không vậy. Ở Trường Tiểu học Lê Mao, năm nay một giáo viên Tiếng Anh bị luân chuyển về Trường Tiểu học Hưng Hòa. Nhưng cũng trong đợt này, thành phố lại điều động một giáo viên cũng dạy tiếng Anh khác về Trường Tiểu học Lê Mao.

Tại Trường THCS Lê Lợi, thầy giáo Võ Hoàng Ngọc – Hiệu trưởng nhà trường cũng rất bất ngờ khi nhận được danh sách luân chuyển do phòng Giáo dục chuyển về, trong đó có 4 giáo viên của nhà trường: Năm nay, chúng tôi giảm lớp nên có thể hiểu vì sao trường phải luân chuyển giáo viên. Nhưng trong 4 giáo viên thì có đến 2 giáo viên cốt cán, tạo nên “thương hiệu” cho nhà trường. Đặc biệt, có một giáo viên Toán, hiện đang phụ trách lớp dạy theo chương trình trường học mới khiến cho chúng tôi phải khó khăn khi bố trí sắp xếp năm học.

Việc luân chuyển giáo viên cũng khiến nhiều phụ huynh gây áp lực với nhà trường bởi năm nay con họ phải thay giáo viên chủ nhiệm, cô và trò phải làm quen lại với từng đặc thù của học sinh. Trước thực tế này, nhà trường cũng đã có văn bản gửi phòng Giáo dục xin luân chuyển giáo viên khác nhưng không được đồng ý. Trong văn bản, nhà trường cũng nói rõ: Trong ba năm trở lại đây, nhà trường bị điều động 3 giáo viên dạy giỏi môn Toán và nhận về 5 giáo viên khác nhưng năng lực đều “làng nhàng”, ảnh hưởng đến chất lượng. Vì vậy, nhà trường mong muốn giữ lại những giáo viên cốt cán, vì năm học tới một số giáo viên là tổ trưởng bộ môn đã về hưu không có người kế cận.  Hiện tại, khi nguyện vọng không được thông qua, hiệu trưởng nhà trường thừa nhận: Chúng tôi đã mất con Át thì dừ phải dùng đến con K, con Q. Nhưng, khó có thể đạt được kết quả học sinh giỏi như các năm trước.

ÂY là năm thứ 2 liên tiếp Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Vinh tiến hành luân chuyển giáo viên. Năm nay, tuy số lượng ít hơn năm trước hơn 100 người, nhưng sau khi có quyết định luân chuyển hầu hết các lãnh đạo nhà trường và giáo viên đều bất ngờ.

Bởi lẽ, trước đó vào ngày 5/4/2018 khi UBND thành phố ban hành Văn bản 1702/UBND – GDĐT về việc luân chuyển giáo viên năm học 2018 – 2019 đã có rất nhiều ý kiến giáo viên phản đối. Ngay sau khi biết sự việc này, ngày 6/6/2018, Sở Nội vụ đã ra Văn bản số 977/SNV – TCCB gửi Chủ tịch UBND thành phố Vinh. Trong đó, căn cứ vào các văn bản hiện hành và Công văn số 102/UBND -TH, Sở Nội vụ yêu cầu thành phố Vinh dừng việc điều động luân chuyển giáo viên theo đúng các văn bản pháp quy hiện hành. Cũng trong văn bản này, Sở Nội vụ yêu cầu thành phố Vinh tiến hành sửa đổi, bổ sung hoặc hết hiệu lực với Quyết định số 06/2016/QĐ – UBND ngày 25/7/2016 của UBND thành phố về điều động, luân chuyển giáo viên, nhân viên, ngành giáo dục và đào tạo theo đúng tinh thần chỉ đạo của tỉnh.

Liên quan đến vấn đề này, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Vinh khẳng định: Sau khi có văn bản của Sở Nội vụ, thành phố Vinh đã không luân chuyển giáo vên theo Quyết định số 06 ban hành năm 2016. Tuy nhiên, vì để điều hòa giáo dục, chuẩn bị cho năm học mới, thành phố vẫn có quyết định luân chuyển giáo viên sau khi lãnh đạo thành phố và lãnh đạo phòng đến xin ý kiến của giám đốc Sở Nội vụ…

Điều đáng nói, trong kế hoạch này, ngoài 2 đối tượng luân chuyển là theo nguyện vọng và vi phạm kỷ luật thì đối tượng “điều động, luân chuyển theo yêu cầu nhiệm vụ” lại không rõ ràng về tiêu chí. Chẳng hạn thành phố đưa ra quan điểm: “Giáo viên, nhân viên được điều động luân chuyển giữa các đơn vị trường học trên cơ sở nhu cầu công việc, vị trí công tác, cơ cấu bộ môn, chỉ tiêu biên chế, kết quả thực hiện nhiệm vụ, đảm bảo cân đối về số lượng và chất lượng”.

Trao đổi thêm về tiêu chí để luân chuyển một số đối tượng thuộc diện phải luân chuyển theo yêu cầu này, ông Thái Khắc Tân cho rằng, phần lớn những giáo viên này đã dạy ở một trường quá lâu. “Nếu giáo viên làm việc ở một trường quá lâu thì sẽ trì trệ”.

Nhưng, về quan điểm này, một lãnh đạo Phòng Tổ chức (Sở Giáo dục và Đào tạo TP Vinh), cho hay, “việc lãnh đạo phòng cho rằng giáo viên làm lâu năm là trì trệ là cách đánh giá phiến diện. Vì hàng năm giáo viên có đánh giá năng lực theo các tiêu chuẩn năng lực giáo viên”. Hơn thế, cách đánh giá này cũng đã không công bằng với một số giáo viên bởi như ở Trường THCS Lê Lợi, những giáo viên lâu năm được coi là “trì trệ” lại là giáo viên đem thành tích, đem học sinh giỏi cho trường về trong nhiều năm qua.

Ừ năm 2009, UBND tỉnh đã ban hành Hướng dẫn liên ngành số 59/HDLN – SGD&ĐT của Sở Nội vụ và Sở Giáo dục và Đào tạo về việc tuyển dụng, điều động, luân chuyển cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp Giáo dục và Đào tạo. Trong văn bản này đã quy định không được luân chuyển giáo viên trừ trường hợp các đơn vị có đề án giải quyết giáo viên dôi dư hoặc luân chuyển các giáo viên từ các huyện vùng khó khăn xuống vùng thuận lợi.

Tại Nghệ An, vấn đề dôi dư giáo viên cũng diễn ra nhiều năm nay và dù đã có nhiều giải pháp nhưng số lượng giáo viên dôi dư vẫn không giảm. Riêng trong năm học này, toàn tỉnh vẫn đang còn 1098 giáo viên dôi dư và trong đó có đến hơn 700 giáo viên là thuộc diện biên chế. Về lý do, có nhiều nguyên nhân như do số lượng học sinh giảm, do quy mô trường lớp bị thu hẹp. Nhưng, bên cạnh đó còn lỗi của các chính quyền địa phương và các nhà quản lý vì đã tuyển dụng giáo viên vượt quy định (nhất là giáo viên hợp đồng), do việc dự đoán quy mô phát triển trường lớp thiếu chính xác dẫn đến việc xây dựng kế hoạch cho các trường, các địa phương phát triển quá lớn so với thực tế.

Để giải quyết vấn đề giáo viên, nhiều năm qua ngành giáo dục Nghệ An cũng đã có nhiều giải pháp nhưng dường như đều chưa đạt như kỳ vọng. Thậm chí đang để lại nhiều ý kiến trái chiều. Đó là việc chuyển giáo viên ở bậc THCS xuống dạy giáo viên mầm non. Trong khi đó, đây là công việc với nhiều đặc thù riêng, đòi hỏi ngoài năng lực, chuyên môn còn cần sự tận tụy, tâm huyết và năng khiếu đặc thù. Hay, dưới danh nghĩa “dôi dư”, năm nào các địa phương cũng tiến hành luân chuyển giáo viên gây bất ổn, hoang mang, lo lắng thậm chí là nảy sinh tiêu cực..

Còn trong năm học 2018 – 2019 này, việc luân chuyển giáo viên dôi dư xuống giáo viên tiểu học lại gặp được sự phản ứng của giáo viên và của các nhà trường. Bởi lẽ, giáo viên bậc THCS thường được đào tạo theo từng chuyên ngành riêng và thường chỉ đảm nhiệm một bộ môn. Nhưng, với giáo viên tiểu học, họ thường phải kiêm nhiệm nhiều bộ môn và có những kỹ năng, đặc thù riêng chỉ dành riêng cho bậc tiểu học. Việc luân chuyển này, cũng chỉ được thực hiện khi năm học mới chỉ còn vài tuần khiến cho các trường “bị động” trong bố trí công việc, giáo viên thiếu trang bị kiến thức để dạy một bậc học mà họ chưa bao giờ được đào tạo. Hệ lụy còn ở những trường tiếp nhận và nguy hiểm hơn còn ảnh hưởng đến thế hệ học trò. Sẽ là vấn đề khi ở bậc học này – bậc học được xem là bậc học nền tảng của phổ thông nhưng các em lại phải học những giáo viên “chắp vá”, thiếu kỹ năng, kinh nghiệm giảng dạy và không được đào tạo đúng chuyên môn.

ÓI về việc luân chuyển giáo viên hàng năm của các địa phương, một giáo viên hiện đang làm quản lý ở một trường tiểu học khá nổi tiếng ở thành phố Vinh ví như việc bị “Tào tháo đuổi”. Để rồi từ khi có văn bản, đến khi lên danh sách và có quyết định luân chuyển “người đi, người ở, kẻ khóc, người cười” và sau đó có biết bao nhiêu gia đình “vợ chồng thủ thà, thủ thỉ, rì rầm thâu đêm bàn mưu, tính kế, …. để được tiếp tục ở lại trường làm việc”.

Việc luân chuyển hiện nay, cũng chưa theo đúng với các văn bản chỉ đạo. Cụ thể theo Luật công chức, viên chức (giáo viên đang giảng dạy ở các trường công lập) không nằm trong đối tượng bị luân chuyển. Bên cạnh đó, việc luân chuyển ở Nghệ An hiện nay đang theo kiểu “mạnh ai nấy làm”, không có báo cáo, chỉ đạo theo từng năm. Về phía Sở Giáo dục và Đào tạo, với lý do cán bộ luân chuyển thuộc phân cấp của UBND các huyện, thành, thị, biên chế lại do Sở Nội vụ quản lý nên cũng chưa có giám sát chặt chẽ để tham mưu, xây dựng kế hoạch. Hoặc, chưa có những tham mưu kịp thời về chuyên môn để việc luân chuyển vừa giải quyết được bài toán thừa thiếu giáo viên nhưng vẫn phải đảm bảo được chất lượng, đảm bảo được quyền lợi của học sinh và của cả giáo viên.

Do việc luân chuyển giáo viên diễn ra chưa đúng quy định, vào tháng 1/2018, UBND tỉnh cũng đã ra Văn bản số 102/UBND – TH về việc điều động, biệt phái luân chuyển công chức viên chức ngành giáo dục và đào tạo và cán bộ công chức cấp xã. Trong đó, yêu cầu chỉ tiến hành điều động, luân chuyển biệt phái, chuyển đổi vị trí công tác các chức danh theo quy định của các văn bản quy phạm pháp luật. Không tiến hành điều động, luân chuyển cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp giáo dục và đào tạo theo Hướng dẫn liên ngành số 59/HDLN – SNV -SGD&ĐT ngày 20/01/2009.Trong trường hợp nếu luân chuyển chỉ tiến hành thuyên chuyển viên chức và công chức cấp xã theo nguyện vọng cá nhân hợp lý với yêu cầu của tổ chức hoặc khi cần thiết tăng cường chất lượng, cơ cấu đội ngũ công chức, viên chức hay thực hiện đề án giải quyết giáo viên dôi dư của đơn vị.

Liên quan đến việc luân chuyển giáo viên, tại cuộc họp với UBND tỉnh vào ngày 24/7, ông Đậu Văn Thanh – Giám đốc Sở Nội vụ cho biết: Thời gian qua, nhiều địa phương có tiến hành luân chuyển giáo viên nhưng làm không đúng chuẩn mực và không đúng với các văn bản chỉ đạo của tỉnh. Theo quan điểm của tỉnh, có thể luân chuyển giáo viên khi có yêu cầu nhưng không làm ồ ạt và không chuyển giáo viên một cách đồng loạt…Nói thêm về một số trường hợp các địa phương mới luân chuyển gần đây, Giám đốc Sở Nội vụ cũng cho biết: Việc luân chuyển giáo viên là một vấn đề rất nhạy cảm và không được làm tùy tiện. Luân chuyển là cần thiết nhưng phải đảm bảo vừa về mặt tổ chức, vừa mặt cá nhân. Về mặt cá nhân, cũng cần phải theo 2 nguyên tắc, theo nguyện vọng cá nhân nhưng nguyện vọng phải phù hợp với bố trí, tổ chức. Còn nếu cá nhân có ý kiến, nhưng tổ chức thấy chưa ổn, chưa hợp lý thì cần phải xem xét, không được làm theo đại trà. Quan điểm của Sở là theo đúng các văn bản chỉ đạo hướng dẫn (không có chỉ đạo bằng miệng – đối với trường hợp thành phố Vinh) và nếu địa phương nào làm sai, trái với hướng dẫn sẽ phải rà soát và kiểm tra.

Về việc luân chuyển giáo viên từ bậc THCS xuống bậc tiểu học, mới đây tại Hội nghị tổng kết năm học, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đã chỉ đạo: Việc sắp xếp trường lớp cũng phải trên điều kiện thực tế ở địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh và gia đình; giáo viên cấp nào dạy cấp đó, không được máy móc điều giáo viên cấp này dạy cấp khác do thừa – thiếu hay tinh giản…Trước thực tế tại Nghệ An, nhiều địa phương đã và đang có kế hoạch điều chuyển giáo viên xuống dạy tiểu học, Nhà giáo ưu tú Phạm Huy Đức – nguyên là Chánh văn phòng Sở Giáo dục cho rằng: Tôi đồng tình với ý kiến của Phó Thủ tướng bởi trước khi chỉ đạo chắc chắn đã có nghiên cứu, có tham mưu và bám sát thực tế. Có thể thừa giáo viên sẽ lãng phí tiền nhưng còn hơn là điều giáo viên dạy bất hợp lý, làm hại học trò và làm hại chất lượng. Hiện, Bí thư Tỉnh ủy cũng yêu cầu phải xiết chặt đạo đức ở đội ngũ cán bộ, quản lý trong ngành giáo dục. Vậy, trong trường hợp này, nên chăng các lãnh đạo phòng phải là người gương mẫu, thực hiện theo đúng chỉ đạo của cấp trên…

Thời điểm hiện nay, việc giải quyết dôi dư trên thực tế cũng chỉ giải quyết được bài toán thừa – thiếu trước mắt, hoặc chỉ mới dừng lại ở  tình huống “nóng tay bắt lỗ tai”. Trong khi đó, về lâu dài lại chưa hợp lý cả về việc bố trí, bồi dưỡng giáo viên và cả về xây dựng kế hoạch dài hạn. Xin kết lại bài viết này, bằng tâm sự của một Hiệu trưởng ở huyện Nam Đàn khi phải đắn đo “nâng lên đặt xuống” để điều giáo viên thuyên chuyển xuống dạy tiểu học: Những giáo viên được liệt vào danh sách đều là những giáo viên đủ chuẩn và có kinh nghiệm giảng dạy. Nhưng, khi được thuyên chuyển xuống dạy bậc học khác, họ mang theo mặc cảm, sự nghi ngại và hoài nghi vì mình không đủ năng lực. Nếu hai năm sau, họ được thuyên chuyển trở lại bậc THCS họ cũng sẽ trở thành những con người tụt hậu vì không theo kịp yêu cầu của chương trình, không được bồi dưỡng chuyên môn và vô hình chung biến họ thành những người đứng ngoài sự phát triển và tinh thần đổi mới của ngành giáo dục…

Ý kiến bạn đọc(2)

  1. Đặng Đức Khâm

    Không thể nghĩ đơn giản theo kiểu số học được gvc2 thừa c1 thiếu thì chuyển xuống ….thương lắm thầy và trò ! Không hiểu nếu là lđ và con cháu LĐ trong diện đó họ nghĩ sao ?

  2. Bùi thái kỳ

    Chuyển gv ths xuống Tiểu học rồi đẩy gv Tiểu học đi tăng cường. Vợ tôi trước đây dạy tại trường bãi ngang vùng khó khăn của huyện .năm học này lại phải đi tăng cường cách nhà 26km không biết các bác nghỉ thế nào khi 2 con tôi còn nhỏ.