Trong ngôn ngữ của người Việt Nam có hai chữ tôi rất thích bởi nói lên được những tình cảm đong đầy, những mến yêu tột bậc, những chia sẻ chứa chan, và cao hơn đó là một phẩm hạnh, một tình người cao cả vừa bao dung nhân hậu, vừa da diết hết mình, đó là: “thương nhớ”.
Trong chữ “thương” mang cả hương sắc thấm đẫm sự báo hiếu ân tình nhân ái thủy chung. Ca dao Việt đã từng nói rất hay về nhiều cung bậc “thương”: “Bầu ơi thương lấy bí cùng”; rồi “Người trong một nước phải thương nhau cùng”. Còn “nhớ” là sắc độ đằm thắm vừa giao cảm, vừa đồng cảm lay động. Vu lan Rằm tháng Bảy là “Vu lan thương nhớ”. Thương những đấng bậc sinh thành và nhớ khi người đã khuất. Bông hồng trên ngực áo lễ Vu lan là “Bông hồng thương nhớ”. Hoa hồng là biểu tượng cho tình yêu, cho yêu thương nhớ nhung. Người được cài hoa trắng thì thương xót mẹ cha đã khuất, người được cài hoa đỏ sẽ hạnh phúc biết bao khi mình còn cha mẹ.
Trên cõi đời này công ơn cha mẹ thật lớn lao: “Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”. Cha là trụ cột đứng ra gánh vác dựng xây những công việc lớn “đàn ông xây nhà”, còn mẹ là người suốt đời hy sinh thầm lặng nhẫn nại để đắp xây hạnh phúc gia đình “đàn bà xây tổ ấm”. Những huyết mạch của mẹ cha đã sinh ra và hun đúc một hình hài, đó là những đứa con: “Trong mắt mẹ con vẫn là bé nhỏ/ Lòng mong mỏi bế bồng con mãi đó” (Phạm Ngọc Cảnh). Bế bồng con không chỉ lúc sinh thành khi cất tiếng khóc oa oa; bế bồng con không chỉ khi chập chững lên 3, mà bế bồng con suốt cả cuộc đời. Đó là lời ru chắp cánh, là ánh mắt mẹ cha dõi theo. Đó là tất cả những đức tính phẩm hạnh cao quý đã lặn thành gen truyền lại cho con…
Dân tộc Việt Nam có truyền thống tốt đẹp về nguồn cội, về ứng xử dung hòa theo cốt cách tinh thần bác ái của đạo Phật. Đại lễ Vu lan báo hiếu không chỉ bày tỏ lòng hiếu thảo với mẹ cha mà còn là dịp bày tỏ sự tri ân sâu sắc đền ơn đất nước, ơn đồng bào, đức hy sinh cao cả của các bậc tiền bối anh hùng liệt sĩ đã vì nước quên thân, vì hòa bình hạnh phúc cho dân tộc. Chữ Hiếu là nền tảng của đạo đức, gia đình là nền tảng của xã hội. Ngày nay, chữ Hiếu càng có vai trò, ý nghĩa vô cùng quan trọng trong đời sống. Khi những tác động xấu của xã hội ngày càng len lỏi vào mỗi gia đình thì lòng hiếu thảo, nghĩa tình nhớ thương là chất keo dính kết gắn chặt tình mẫu tử của gia đình, dòng họ và cao hơn là cộng đồng, góp phần làm sáng đạo lý muôn đời của dân tộc. Lễ Vu lan Rằm tháng Bảy chính là một hoạt động thánh thiện thiết thực.
Mỗi năm có một ngày lễ Vu lan nhưng tôi ước mong sao với những người con hiếu thảo thì ngày nào cũng là ngày Vu lan, để được yêu thương, chăm sóc đấng sinh thành. Hai màu đỏ, trắng của bông hồng cài ngực không chỉ là dấu chỉ ghi nhộn, mà còn là mong mỏi màu trắng bớt đi, màu đỏ đầy thêm. Đỏ như dòng tinh huyết của mẹ, tinh huyết của cha đã dành trọn đời cho con; nhớ thương luôn đi cùng con suốt đời được nhân lên, được lan tỏa, được sẻ chia từ mùa Vu lan Rằm tháng Bảy…
Bài: Nguyễn Ngọc Phú
Ảnh minh họa: Tư liệu