Văn minh hay trách nhiệm?

Những ngày gần đây, mạng xã hội “dậy sóng” sau khi một bà mẹ trẻ đăng status “bóc phốt” một cô gái không nhường hẳn ghế trên xe buýt cho con của chị ta ngồi mà chỉ cho ngồi ké. Nguyên văn của sờ-ta-tút đó như sau: “Đây là ảnh mình chụp trên xe buýt đi từ Safari về khách sạn ở Phú Quốc. Con trai mình là bạn nhỏ mặc áo màu xanh. Cả nhà mình lên xe thì đã hết chỗ, mình có nói bạn nữ áo trắng kia nhường chỗ giúp bé nhà mình, nhưng bạn đó nhất định không nhường. Lúc đầu bạn nữ chưa đeo kính mặt vênh lắm, lúc mình chụp thì đeo kính rồi.

Khi bạn nữ nhất định không nhường dù mình đã nói là tài xế có nhắc nhường ghế cho người già, trẻ em và phụ nữ có bầu hoặc người lớn bế em bé. Nhưng bạn nữ nhất định không nhường ghế. Mình đã bảo con trai mình ngồi ké vào, nhưng thật sự trông thằng bé ngồi rất tội. Bạn kia trông xinh đó, nhưng ý thức kém quá”.

Sau khi dòng trạng thái của bà mẹ kia được chia sẻ, rất nhanh chóng đã thu hút cư dân mạng và nổ ra cuộc tranh cãi giữa hai luồng ý kiến.
Sau khi dòng trạng thái của bà mẹ kia được chia sẻ, rất nhanh chóng đã thu hút cư dân mạng và nổ ra cuộc tranh cãi giữa hai luồng ý kiến.

Bài đăng kèm hình ảnh cậu bé được ngồi ké giữa cô gái áo trắng kia và một vị khách khác. Chỉ ít phút sau khi dòng trạng thái của bà mẹ kia được chia sẻ, rất nhanh chóng đã thu hút cư dân mạng và nổ ra cuộc tranh cãi giữa hai luồng ý kiến. Một bên cho rằng, cô gái kia “vô ý thức”, kém văn minh và ứng xử tồi. Rằng, lên xe thì phải biết ý tứ, biết nhường nhịn người già, trẻ nhỏ, mẹ bầu.

Song phần đông, mọi người lên tiếng bảo vệ cô gái, rằng việc nhường ghế trên xe buýt không thuộc về bổn phận hay trách nhiệm của cô gái và rằng, pháp luật cũng không quy định lên xe buýt thì phải nhường ghế cho người khác. Vả lại, trong ảnh, cô gái đã nép sát vào thành xe, nhường phần trống cho cậu bé ngồi ké.

Cũng cách đây không lâu, trên mạng xã hội xuất hiện clip một cụ ông chửi bới thậm tệ một nam sinh không chịu nhường ghế cho ông. Mặc dù sau đó, cậu đã nhường ghế cho cụ, song cụ đã không tiếc lời mạt sát đến mức nam sinh bật khóc nức nở.

Vậy nhường ghế trên xe buýt là “cần” hay “phải”?

Theo quan điểm cá nhân tôi, nhường ghế trên xe buýt là nét ứng xử văn minh, lịch sự thể hiện sự chia sẻ giữa người với người. Điều này, thuộc về vấn đề đạo đức. Không ai có quyền bắt bạn phải nhường ghế cho người khác vì bạn đã bỏ tiền ra để mua vé, bạn lên xe trước, bạn có quyền được ngồi. Song, nếu bạn là thanh niên, còn trẻ, còn khỏe thì sao có thể “mặt dày” nhìn cụ bà chân không còn vững đứng lắc lư trên xe buýt? Có thể thản nhiên trước một người mang thai, bụng vượt mặt đang nhọc nhằn trên xe buýt? Có thể làm ngơ mà ngồi yên trước một trẻ nhỏ phải đứng chân co, chân duỗi trên chuyến xe chật chội?

Nhường ghế trên xe buýt cho người già, trẻ em, phụ nữ có thai và người khuyết tật là hành động văn minh nhưng không phải trách nhiệm của tất cả mọi người.
Nhường ghế trên xe buýt cho người già, trẻ em, phụ nữ có thai và người khuyết tật là hành động văn minh nhưng không phải trách nhiệm của tất cả mọi người.

Nhưng nếu bạn là một người bận rộn, công việc vất vả, bạn thật sự mệt mỏi, thời gian di chuyển trên xe buýt chính là những phút giây “vàng ngọc” để bạn chợp mắt nghỉ ngơi. Do đó, vừa lên xe là bạn đã nhắm nghiền mắt, mặc kệ mọi thứ xung quanh. Trong trường hợp này, việc bạn nhường ghế cho người khác hay không đều có thể thông cảm được. Song, cũng có rất nhiều người, giả vờ ngủ, giả vờ mệt mỏi để lảng tránh việc nhường ghế cho những “trường hợp đặc biệt”, thì điều này, lại thật sự đáng xấu hổ!.

Và nói đi cũng phải bàn trở lại, việc nhường ghế thuộc về phạm trù đạo đức, thể hiện sự văn minh, lịch sự trong ứng xử của mỗi người và tùy vào từng đối tượng. Như cụ ông đã nói ở trên, không phải vì việc nam sinh không chịu nhường ghế cho mình mà có quyền mạt sát gay gắt; cũng như bà mẹ kia, chỉ vì con mình không có được chỗ ngồi thoải mái mà có quyền “bóc phốt” cô gái trẻ với lời lẽ thiếu văn minh.

Tóm lại, trên xe buýt hay bất cứ đâu, giữa người với người điều cần thiết là sự sẻ chia, sự chân thành và thấu hiểu, nhường nhịn lẫn nhau. Đó chính là nguồn gốc của sự văn minh trong ứng xử, chứ không phải là thước đo hay chuẩn mực nào khác!.


Bài: Tuệ Anh
Ảnh minh họa: T.L