Ở Phú Xuyên, Hà Nội, cách đây 16 năm, có một bảo tàng tư nhân ra đời. Đó là Bảo tàng chiến sỹ cách mạng bị địch bắt và tù đày, do ông Lâm Văn Bảng cùng một số đồng đội là cựu chiến binh, thương binh, cựu tù Phú Quốc, Côn Đảo… sáng lập. Đây là một bảo tàng tư nhân hiếm có.
Trên diện tích 2.000m2 là đất của gia đình ông Lâm Văn Bảng, bảo tàng với 4000 hiện vật được trưng bày theo từng chủ đề: Nhà tù Côn Đảo, trại giam tù binh Phú Quốc, khu trưng bày các hiện vật thời kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, khu trưng bày dành riêng cho thanh niên xung phong… Ở trung tâm bảo tàng có một đền thờ, trong đó có ban thờ Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh; ban thờ các liệt sỹ hy sinh trong các nhà tù; ban thờ các liệt sỹ hi sinh trong các cuộc kháng chiến.
Ông Lâm Văn Bảng là một cựu chiến binh, thương binh, từng bị giam giữ tại trại giam tù binh Phú Quốc 4 năm, 8 tháng, 7 ngày. Những kí ức kinh hoàng trong những ngày ngục tù, chịu đựng tra tấn dã man, chứng kiến nhiều đồng đội hy sinh, bị thủ tiêu, nhiều đồng đội cho đến nay, sau hơn 40 năm vẫn chưa tìm thấy hài cốt đã khiến ông quyết định đi khắp các chiến trường, các nhà tù, tìm lại các đồng đội còn sống để sưu tập hiện vật. Ông nói: “Tôi muốn báo cáo với Đảng, Nhà nước, nhân dân, thân nhân các gia đình liệt sỹ, rằng chúng tôi đã sống và chiến đấu như thế, kiên trung, bất khuất, vững vàng niềm tin vào chiến thắng. Tôi cũng mong muốn bảo tàng là nơi đón tiếp, chia sẻ, góp phần làm vơi nỗi đau mất mát của thân nhân các liệt sỹ, và càng mong muốn hơn được góp phần giáo dục cho thế hệ trẻ về một giai đoạn lịch sử quan trọng của đất nước. Mong muốn các em, các cháu hiểu được rằng, để có được hòa bình hôm nay thì cha anh đã từng phải đổ máu. Cái giá của hòa bình, độc lập mà chúng ta đang sống không hề nhỏ”.
Ông Bảng năm nay đã trên 70 tuổi, và ông nói rằng, chừng nào còn sống thì sẽ vẫn tiếp tục làm công việc này. Ông đã được Đảng và Nhà nước trao Huân chương Lao động hạng Ba, được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. Nhưng ông nói rằng, ông làm những điều này không phải vì chờ đợi được khen thưởng, ông chỉ đau đáu trong lòng về những mất mát vô cùng to lớn của đất nước, dân tộc, đồng đội.
Những người như ông Bảng đang ngày càng ít đi, hiếm hơn, nhiều người cùng thời với ông đã ra đi, một thế hệ dần dần mai một. Ước nguyện của ông là ước nguyện của nhiều người, về một đất nước mãi hòa bình, độc lập, toàn vẹn lãnh thổ, về những thế hệ kế tiếp biết trân trọng hiện tại, sẵn sàng cống hiến cho tương lai.