Làng tôi nằm cạnh sông. Cũng như bao làng quê khác trên đất nước Việt Nam này, khi ở gần sông thì chắc chắn sẽ có một con đê. Đó là hình ảnh thật gần gũi, là sự chở che cho xóm làng, chứa cả miền ký ức tuổi thơ của bao nhiêu thế hệ.
Đã có những lúc quá mệt mỏi vì công việc, tôi lại về ngồi nơi triền đê, hướng mặt ra sông mà hứng gió. Gió từ sông thổi lên phả vào mặt tôi mát rượi, thổi bay đi những căng thẳng muộn phiền, trả lại trong tôi sự thanh thản, bình an. Tôi thả mình xuống vạt cỏ xanh êm, gối đầu lên cánh tay mình nhìn trời xanh, mây trắng. Cả một miền ký ức ùa về làm lòng tôi xao động, những cảm xúc trong trẻo, ngọt ngào dâng lên mơn man tâm trí.
Nhớ những ngày thơ ấu năm xưa, cũng trên con đê này bàn chân trần của tôi đã từng chạy nhảy, chơi đùa trên cỏ. Đê làng mọc toàn cỏ may, cỏ gà, chúng có một sức sống mạnh mẽ, đan vào nhau, chen chúc xanh mải miết. Thảm cỏ ấy đã là nơi chơi đùa của lũ trẻ nhà quê. Thảm cỏ ấy như nệm êm cho tôi ngả lưng ngủ thiếp sau trận bóng của buổi chiều hôm nào.
Mùa Hè, hoa cỏ may nở chi chít dọc lối đi và sườn đê. Màu tím của hoa cỏ tạo nên một vẻ đẹp nhẹ nhàng, chúng như khoác lên thân đê một màu áo mới vừa lạ lẫm nhưng cũng lại vừa thân quen. Lác đác đây đó là những bụi hoa trinh nữ, những bông hoa tím nhỏ, xinh nhỏ chỉ bằng cúc áo khiêm nhường như vẻ đẹp của thôn nữ. Những sắc màu ấy đã gieo vào lòng người một cảm xúc bình yên.
Vào ngày mùa của những năm nảo, năm nào, thời mà làm nông nghiệp vẫn chủ yếu dựa vào sức người, trên lưng đê là cả một đoàn người gánh lúa. Nhìn từ xa, đoàn người chuyển động nhịp nhàng, những bó lúa nặng hạt nhún nhẩy theo nhịp bước chân người. Cái cảnh tượng ấy khiến cho người ta thấy hân hoan, đó là một bức tranh của sự no ấm, no ấm đang tiến dần về phía làng. Người ta gánh lúa về, đi qua những vạt cỏ may chi chít, được dịp chúng thi nhau bám vào gấu quần mọi người. Hoa cỏ may thật lạ, cứ hoang dại và sống mạnh mẽ, đôi khi làm cho con người cảm thấy phiền toái như thế. Chẳng biết chúng đã làm tốn công các bà, các mẹ ngồi gỡ cỏ may nơi gấu quần mất bao lâu nhưng với các cô gái thì ngược lại, các cô thấy vui vì điều đó. Vì sao ư? Vào những đêm Hè sau vụ gặt các cô lại hẹn hò người yêu nơi triền đê. Các cô gái sẽ nhặt sạch đám hoa cỏ may bám trên gấu quần người yêu. Rồi họ cùng gỡ cỏ may nơi gấu quần hai người đang mặc. Những cặp đôi ấy say mê nhặt cỏ may đến nỗi trời đã khuya mà quên chưa trở về nhà. Dưới ánh trăng, họ thủ thỉ, tâm tình những điều ngọt ngào, êm ái. Đã có những đám cưới diễn ra sau những đêm trăng như thế, và con đê làng là nơi chứng kiến cho mối tình của họ.
Tôi còn nhớ câu chuyện mà ông bà nội tôi thường kể về trận lụt cách đây hơn nửa thế kỷ. Trận lụt lịch sử ấy khiến ông bà phải dời nhà vào xóm đồi chạy lụt, rồi định cư luôn ở đây như bây giờ. Đó là câu chuyện về những trận lụt lớn thân đê không đủ sức chống chịu. Thực sự con đê đã oằn mình bảo vệ dân làng qua bao nhiêu mùa nước lũ. Con đê làng là tấm lá chắn hiên ngang bảo vệ con người và hoa màu, đê đã là vị ân nhân thầm lặng, để rồi qua những trận lũ lại xanh mướt một niềm bình yên.
Đã có lúc ngồi trầm tư trên đê rồi tự hỏi, không biết con đê làng sẽ tồn tại cùng với con người đến bao giờ? Nhưng rồi cũng lại tự mình khẳng định rằng, con đê, triền đê gió lộng sẽ mãi mãi hiền lành ở đó, bên cạnh những dòng sông, mang cả một miền bình yên và dịu dàng, bởi tôi biết sẽ có rất nhiều người giống như tôi đem lòng yêu những triền đê gió lộng. Và những triền đê vẫn xanh mải miết, thoảng thoảng hương cỏ hoa rất dịu, và gió vẫn mãi dạt dào thổi bay bụi thị thành, xua tan những mệt mỏi trong cuộc mưu sinh của những người con của làng quê yêu dấu…
Bài: Lê Minh Hải
Ảnh minh họa: Tư liệu