Sống

Vào lúc 10 giờ 5 phút ngày 21 tháng 9 năm 2018, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã ra đi về cõi vĩnh hằng. Vẫn biết rằng không ai chống lại quy luật muôn đời của tạo hóa, nhưng nỗi mất mát này của đất nước và nhân dân lại làm dày thêm những ưu tư trong tâm khảm con người. “Hồn về tiên cảnh lòng thanh thản/Kẻ ở trần gian dạ ngậm ngùi”.

Thú thực tôi không thể tưởng tượng nổi, và chồng lên đó là cảm giác rưng rưng lòng khi biết chỉ cách chưa đầy 24 tiếng trước khi về cõi tiên Chủ tịch nước vẫn làm việc bình thường. Ông ra đi khi lá thư chúc Tết Trung thu gửi các cháu nhi đồng vẫn còn chưa ráo mực. Vâng, Chủ tịch nước của chúng ta đã sống như vậy.

Tôi từng nghe một lời răn dạy của ai đó, đại ý rằng: “Khi chào đời dù bạn cất tiếng khóc thì xung quanh bạn là những nụ cười hạnh phúc. Và khi bạn ra đi khỏi cõi đời này thì hãy cứ mỉm cười cho dù xung quanh bạn là tiếng khóc”. Đó không là lý thuyết suông, không là tuyên ngôn hoang đường cũng không là nghịch lý. Quả thực giá trị mỗi con người được đo bằng khoảng trống mà họ để lại sau khi họ giã từ cõi đời này. Không ai muốn chết cho dù biết chắc chắn rằng phép thuật trường sinh bất lão chỉ có trong chuyện thần thoại.

Chúng ta được sống và bổn phận chúng ta phải sống. Việc chúng ta có mặt trong vũ trụ này, được hít thở, được ăn uống, được nhìn thấy ánh mặt trời thức gọi bình minh mỗi ngày đã là một diệu kỳ, là món quà vô giá của thượng đế tặng riêng cho mỗi sinh linh. Thượng đế cho chúng ta có mặt trên đời này cũng là giao cho chúng ta trọng trách, chúng ta có bổn phận dành từng tích tắc của cuộc sống để phụng sự cho trọng trách ấy.

Vậy tại sao trước khi nghĩ về cái chết chúng ta lại không tự vấn rằng chúng ta đã, đang và sẽ sống như thế nào? Hấp tấp là một sai lầm nhưng đời người không quá dài cho chúng ta thảnh thơi với những dự định rộng dài lãng mạn. Nhịp độ cuộc sống thúc giục chúng ta hành động từng giờ, từng phút. Nếu tuổi thọ trung bình là 70 thì chúng ta chỉ có vỏn vẹn 25.550 ngày để sống, mỗi năm chúng ta tiêu xài hết 365 ngày. Cha ông có câu “Việc hôm nay chớ để ngày mai”. Thời gian cho mỗi con người không vô tận, thậm chí quá ngắn ngủi. Sử dụng thời gian là bổn phận cũng là văn hóa, lãng phí thời gian suy cho cùng là lãng phí tài nguyên của cuộc sống. Nếu đẩy việc hôm nay sang ngày mai nghĩa là chúng ta vừa bỏ phí một ngày oan uổng trong cái quỹ thời gian 25.550 ngày ít ỏi của đời người.

Qua quan sát trên truyền hình chắc không khó để nhận ra trước khi “đi gặp cụ Các Mác, cụ Lê Nin” thì sức khỏe Chủ tịch nước của chúng ta đã xấu đi. Theo lẽ thường tình, ông có quyền nghỉ ngơi để dưỡng bệnh. Nhưng không, có thể nói 10 ngày cuối cùng của cuộc đời ông là một chiếc con thoi quần quật trong hàng loạt hoạt động đối nội, đối ngoại. Một sự hy sinh hiếm thấy ở những vị nguyên thủ quốc gia. Chúng ta đã tiễn Chủ tịch về với đất mẹ, cầu mong ông an giấc ngàn thu, linh hồn được siêu thoát nơi cõi an lạc.

Mọi nỗi đau đều nguôi theo thời gian, chúng ta không thể lấy những sướt mướt trang trải cho cuộc sống. Chúng ta lại trở về thường nhật để trả lời cho câu hỏi công việc hôm nay của chúng ta là gì? Mệnh đề của cuộc sống không quá phức tạp nhưng đủ khắt khe. Sống là để dâng hiến, là để làm việc nhưng là làm việc tốt, việc thiện, việc có ích. Hình như khi ai đó chết đi thì cuộc đời của họ lại được người ta soi lại như một tấm gương chiếu hậu. Những giá trị, những công lao và cả những lỗi lầm được nhìn nhận một cách đầy đủ và khách quan hơn. Đừng tặc lưỡi mà rằng “chết là hết”.

Không, chết không hết “Trăm năm bia đá thì mòn, ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ” cơ mà. Rất tiếc trên thế gian này vẫn có hàng ngàn kẻ coi cuộc sống như một lần dạo chơi. Họ không chỉ coi thường, không chỉ xúc phạm mà tệ hơn là họ đánh mất cuộc sống. Gần như 100% các tử tù trước khi ra pháp trường đền tội đều rơi nước mắt và trong lời trăng trối cuối cùng họ đều không quên xin lỗi người thân, và thực sự ân hận vì đã trót phạm tội.

Họ nhận ra những giá trị lương thiện của cuộc sống quá muộn mằn, họ không có cơ hội làm lại cho dù những giọt nước mắt rơi ở trường bắn cũng có vị mặn như hàng tỷ giọt nước mắt khác từng rơi trên hành tinh này.

Mấy hôm nay người ta nói nhiều đến một thú chơi mới của người trẻ đó là hít bóng cười. Nghe nói bây giờ mua bóng cười dễ như mua rau. Thương quá, tiếc quá và đau đớn quá. Mỗi ngày trượt qua có bao nhiêu bạn trẻ dùng cái quỹ thời gian cho trò chơi cực kỳ độc hại này? Tuần qua, một đêm nhạc ngoài trời ngay giữa thủ đô mà có đến 7 người thiệt mạng vì liên quan đến ma túy. Họ đi rồi, nhưng cái cách họ về với đất thật đáng trách. Trước cái chết của họ là những sai lầm, sau cái chết của họ là những nỗi đau. Họ đã sống như thế đấy, bất nhẫn với tạo hóa và bất nhẫn với xung quanh.

Tôi nhớ có một cuộc thi hoa hậu ở nước ngoài, ban giám khảo đưa ra câu hỏi ứng xử cho thí sinh rằng “Nếu biết ngày mai trái đất nổ tung thì hôm nay bạn sẽ làm gì?”. Thí sinh sau này được đội vương miện tự tin trả lời “Nếu ngày mai trái đất nổ tung thì hôm nay tôi vẫn sống như những gì tôi đã sống. Dâng hiến và trách nhiệm”. Vâng đúng rồi, không cần phải dài dòng, dâng hiến và trách nhiệm chính là mệnh lệnh là phương châm, là hoài bão của cuộc sống. Chắc bạn đã một lần nghe những câu thơ này của Đặng Viết Lợi:

“Hãy sống như đời sông để biết yêu nguồn cội
Hãy sống như đời núi vươn tới những tầm cao
                 Hãy sống như biển trào, như biển trào để thấy bờ bến rộng
    Hãy sống như ước vọng để thấy đời mênh mông”.

Đừng nghĩ cứ phải là ông nọ bà kia thì mới có thể dâng hiến. Chúng ta không là thánh nhân, mà không việc gì phải trở thành thánh nhân cả. Hãy làm một người bình thường với những dâng hiến cho cộng đồng, cho xã hội, cho người thân và cho chính bản thân mình đó là hành trình tri ân ý nghĩa nhất cho đấng tối cao. Sự vĩ đại không xa vời mà ẩn sau những hành động bình thường, những con người cũng bình thường. Ngay lúc này đây, khi chúng ta ngồi đọc bài viết này thì đâu đó vẫn còn có những người khuyết tật ngồi chẻ tăm, đâu đó những em bé o a đánh vần, đâu đó những bệnh nhân đang nhăn nhó với cơn đau, đâu đó nhà khoa học đang miệt mài với một loại vật liệu mới, đâu đó những chị lao công trả lại ánh hào quang cho khu phố… Thế đấy, cuộc sống không dừng lại một giây nào cả, mọi người vẫn âm thầm dâng hiến xung quanh chúng ta theo mỗi cách khác nhau. Tôi thích 4 câu thơ của tác giả Nguyễn Sĩ Đại:

       “Người vá trời lấp bể
        Kẻ đắp lũy xây thành
Ta chỉ là chiếc lá
           Việc của mình là xanh”.

Thế đấy, với chiếc lá thì xanh cũng là dâng hiến, màu xanh chính là tín hiệu của cuộc sống. Thật buồn nếu một ngày những chiếc lá quanh ta không còn xanh nữa. May mắn điều tuyệt vọng ấy sẽ không xảy ra, bởi ngoài kia mỗi chiếc lá còn nỗ lực quang hợp để tạo ra diệp lục, vẫn miệt mài hấp thụ CO2 để tạo ra ô xy nuôi sống muôn loài. Mỏng manh thế mà vĩ đại vô cùng, cảm ơn cuộc sống, cảm ơn những chiếc lá xanh khiêm nhường nhưng bền gan trước bão giông.

Cuộc sống không chỉ có màu hồng mà vô vàn thử thách, khi chúng ta vượt qua mỗi thử thách đồng nghĩa với chúng ta tạo nên một thành công. Đừng thất vọng, đừng hèn nhát và đừng bao giờ bỏ cuộc. Sống không đơn thuần chỉ là sự tồn tại, biến nỗi đau thành động lực cũng là một cách để hiến dâng.

Ý kiến bạn đọc(4)

  1. Mo tran

    Bài viết thật hay và ý nghĩa. Cám ơn chú Cua. Cám ơn tác giả cho người đọc thêm động lực sống cuộc sống tươi đẹp đầy trách nhiệm

  2. Nguyễn khắc thuần

    Cách viết là điều ng viết trăn trở . Phong cách khg phải là bài viết sau chung lối cảm , lối nghĩ của bài trc . Đọc bài a An nhẹ nhàng , có nhg triết lý dẫn dắt sâu sắc nhưng khg thể bài trc cách viết giống bài sau .

  3. Nguyễn khắc thuần

    Tít 1 chữ
    Bài ngàn từ
    Sâu cay và chát chúa
    Khen thằng e đa tài

    1. Cua Đồng

      Bây giờ mới biết là báo ta còn có cả mục bình luận ở dưới bài viết nữa. Cảm ơn anh Khắc Thuần và bạn đọc Mo tran đã động viên.