Tôi vẫn nghe khúc hát “Tháng Tư về” mỗi độ chạm ngõ tháng Tư. Tháng mẹ sinh tôi trong một sớm mai dịu dàng những cơn gió mảnh từ phía sông thổi lên. Tháng Tư chiều lòng cả những người khó tính nhất. Tháng Tư luôn rất đúng hẹn, khi đã không còn cái lạnh giá của những ngày Giêng, Hai, khi những cơn nắng hè chói chang chưa tìm tới… Những bông hoa gạo cuối cùng rụng xuống và bạn nhìn theo những cánh hoa cuối mùa như bàn tay xòe ra thân thiết vẫy vẫy hẹn mùa hoa sau với một nỗi niềm thắc thỏm, háo hức… Tháng Tư lãng đãng đứng ven mùa quãng đấy.
Tháng Tư về cùng câu hát: “Gió hát mùa hè, có những chân trời xanh thế. Mây xa vời, nắng xa vời, con sông xa lững lờ trôi”. Câu hát ngân lên từ trái tim người nghệ sĩ để trong người nghe sự rung cảm mỗi độ nắng đã ấm, trời đã xanh, đến cả những đóa hoa dại cũng nở đáp lời yêu thương đất trời. Nếu như bạn có dịp đứng bên bờ sông Lam, để ngắm những đóa hoa dại bừng nở ven con đường mòn nhỏ loanh quanh, bên dòng sông chảy rất êm; hoặc đi men theo những con đường nhỏ giữa những cánh đồng lúa đương thì con gái, ngắm sắc xanh của lúa, của trời, hẳn bạn sẽ thấy thực tế có khi còn đẹp hơn một câu hát đẹp.
Tôi luôn nhớ tới những vạt hoa thạch thảo tím biêng biếc trên vạt đồi sau lưng nhà cô bạn ở phường Cửa Nam. Đó là một vạt đồi nhỏ được hình thành giữa lòng thành phố Vinh, do đất được lấy từ việc đào những khúc hào thành đắp lại. Một dạo, người dân quanh khu đồi nhân tạo lên đấy trồng hoa. Nếu như tháng Chạp, tháng Giêng hoa rực rỡ ngút ngàn chờ Tết thu hái thì cho mãi tới tháng Tư trên mảnh đất đã cạn màu, chỉ có những vạt thạch thảo tím biếc. Hoa thạch thảo dễ trồng đến mức chỉ một khúc cây già cỗi găm xuống đất, qua những cơn mưa mùa Xuân sẽ nẩy lộc, đâm chồi, kết nụ, dâng hoa. Hoa hồn nhiên như thể chỉ cần có mặt trên đời này đã là hạnh phúc quá lớn.
Bố chồng tôi, người cựu chiến binh vẫn có thói quen mở những ca khúc kháng chiến chống Mỹ, về Sài Gòn – TP.HCM, nơi lưu giữ một phần ký ức tuổi trẻ vào sinh, ra tử của ông. Đám trẻ trong nhà, đứa hát theo, đứa kéo đàn cùng ngân nga giai điệu “Mùa Xuân trên thành phố Hồ Chí Minh”. Dù kỳ thực, thời tiết ở nơi “mùa Xuân đẹp nhất trên đời” ngày nào như ngày nấy, trên dưới 36 độ, không thể tìm được chút khí Xuân trong tiết trời. Nhưng với nhiều người, như bố chồng tôi, và cả với đám con cháu sau này, khi hiểu và yêu những phút thanh bình của những người cựu binh như ông lúc ngồi nghe nhạc kia đã đổi bằng một phần thân thể (còn may mắn hơn hàng triệu người lính ra đi mãi mãi không về) thì mùa Xuân thống nhất, “Mùa Xuân mơ ước ấy” vẫn mãi mãi là mùa Xuân đẹp nhất.
Tháng Tư của tôi, của bạn, hẳn vì thế mà đẹp hơn khi mang nhiều sắc màu, phải không?
| Ảnh: Thành Nguyễn – Trịnh Hà