Cách đây mười mấy năm, giáo sư Võ Tòng Xuân đã gây nên một cuộc tranh luận rầm rộ khi đưa ra phát biểu “Còn ăn Tết ta đất nước còn nghèo nữa”. Theo cách hiểu nôm na là hãy bỏ cái Tết cổ truyền ta đi, chỉ “ăn Tết Tây” thôi, để thời gian mà làm việc. Lý luận thông suốt của đề nghị này có lẽ là lãng phí, lãng phí và lãng phí!
Phát biểu này gây bão mạng bởi thêm một lần nữa dư luận xã hội lại “chia 2 phe”. Phía phản đối áp đảo về số lượng và cũng thừa lý lẽ để “lên án” đề xuất của giáo sư. Bày tỏ quan điểm trên trang cá nhân, một facebooker gần đây cho rằng: Chúng ta hội nhập nhưng không hòa tan. Việc giữ gìn những bản sắc văn hóa dân tộc cũng là cách kéo bạn bè đến với đất nước chúng ta. Mỗi người cố gắng làm ăn cuối cùng cũng là để thỏa mãn các nhu cầu cá nhân của mình như vui chơi, du lịch, nghỉ ngơi, gặp gỡ bạn bè, người thân, người xa quê trở về với ngôi làng thân thuộc… Cứ làm trối chết quanh năm suốt tháng rồi không được hưởng thụ những thành quả lao động của mình thì liệu có phải là điều tốt?
Phía ủng hộ bỏ Tết âm thì cho rằng: “Văn hóa và thuần phong, mỹ tục không chỉ ở cái Tết, nhất là cái Tết đem lại nhiều tai nạn, rượu chè, bài bạc, đủ thứ thói hư, tật xấu…”. Nói là ba ngày Tết, nhưng người dân Việt Nam đã ăn Tết ta từ sau Rằm tháng Chạp (15/12 âm lịch). Công việc trì trệ, người dân uể oải, đường sá kẹt cứng… Đi đâu, có việc gì, người ta cũng nói “thôi, lo ăn Tết đã”. Và người ta ăn Tết ít nhất đến tận Rằm tháng Giêng, thế là công việc bê trễ, xã hội thì tốn kém. Trong một phát biểu với báo chí gần đây, chính tác giả của đề xuất nói rất rõ rằng: “Tôi ủng hộ chủ trương là mình ăn Tết Tây, nhưng đến Tết ta không phải mình bỏ hẳn đi, mình vẫn kỷ niệm, nhưng chỉ khoảng 3 ngày thôi…”.
Rất nhiều người thuộc nhóm “bảo vệ Tết ta”, nhưng lại hoàn toàn đồng ý với sự “sốt ruột” của giáo sư Võ Tòng Xuân về cái thời gian nghỉ ăn Tết. Thực tế “quy định” thì một đàng, nhưng việc “chấp hành” thì lại một nẻo. Mang tiếng “ba ngày Tết” nhưng “xà xẻo” thời gian có khi những ba, bốn tuần!
Câu chuyện “Tết dài miên man” xứ mình hình như năm nào cũng được nhắc đến nhưng rồi nó cũng chỉ có tác dụng làm sáng tỏ thêm câu ngạn ngữ “nước đổ lá khoai” mà thôi. Có năm nào đó, mãi đến tháng Tư rồi nhưng đi qua một địa phương còn có bảng chữ điện tử băng ngang đường chạy tới tấp câu khẩu hiệu mừng Xuân. Chữ điện tử không phai màu nên sự nhếch nhác lại vẫn mặc sức hào nhoáng. Vài năm lại nay những hạt sạn kiểu ấy không còn quá nhiều, nhưng cái đuôi của Tết thì nghe chừng vẫn còn lê thê lắm.
Tết cổ truyền là thời điểm người Việt về với cội nguồn. Ba ngày Tết thăm hỏi nhau, cùng nhau nhìn lại thành quả của một năm lao động, từ đó, định hình và tạo niềm hứng khởi cho một tuổi mới bắt đầu. Tết cũng là dịp cho chúng ta giáo dục con trẻ hướng về tổ tiên, tìm đến những giá trị đạo đức, những truyền thống tốt đẹp ngàn đời. Tết sẽ là lúc trái tim chúng ta hướng về cộng đồng.
Hãy tận hưởng những điều kỳ diệu ấy một cách trách nhiệm. Người Việt xưa nay có thói quen đính vào Tết cái “đuôi” tưởng chừng như bất tận. Tết cha, tết mẹ, tết thầy, rồi mừng thọ, rồi trồng cây, rồi khai hạ, rồi thì Rằm tháng Giêng, rồi thì lễ hội đền, chùa, rồi thì du Xuân ngoại tỉnh… cứ thế, cứ thế và cứ thế. Câu “Tháng Giêng là tháng ăn chơi, tháng Hai cờ bạc tháng Ba rượu chè” là một khảo dị ca dao rất đáng để buồn bã. Thương nhất cả các chủ doanh nghiệp sau Tết, đôn đáo đánh xe về tận quê đón người như đón… ông chủ. Đó là thói quen thâm căn cố đế cần loại bỏ. Tết đã về, câu khẩu hiệu “Vui tươi, an toàn, tiết kiệm” vẫn chưa lạc hậu. Vui vừa thôi, vui mà ngượng thì còn gì là vui nữa. Không ai sợ Tết, nhưng sợ nhất là đến Rằm tháng Giêng mà vẫn hồn nhiên “ăn Tết”. Niềm vui có thể “quán tính” nhưng cuộc sống lại cần phải có những điểm dừng. Các Mác từng nói “Mọi sự tiết kiệm suy cho cùng là tiết kiệm thời gian”. Người thông minh là người biết tìm ra các giới hạn. Đồng ý là vui, nhưng vui cũng vừa phải thôi, đừng “ham vui” quá!
Bài: Khắc An
Ảnh minh họa: T.L