Nghe người trong bản kháo nhau về chuyện ở bản nọ bà con nuôi cá suối. Đến là khó tin. Khe, suối là dòng nước tự nhiên chảy từ trong núi ra, các loại tôm ở khe, suối cũng do ông trời sinh ra. Ai mà lại đi làm cái việc lạ lùng là nuôi chúng ngay trên con suối của chúng. Ừ, thì người ta cũng thường nuôi cá trên sông, suối thông qua lồng bè, nhưng nuôi không dùng phương tiện gì cả, không cho thức ăn đúng là… ngớ ngẩn. Con cá mát, con chạch sú hay cá ghé, cá lăng, cá lệch chúng thích là chúng lội ngược, rồi bơi xuôi, ai mà giữ được chúng. Thế thì người nuôi có mà thất bại một trăm phần trăm.
Tìm hiểu ra mới biết. Nói vậy, nhưng không phải vậy. Thực chất là bản nọ họ nuôi đàn cá suối bằng cách bảo vệ chúng, không cho người dân đánh bắt. Hẳn nhiều người cũng cho việc này là vô lý, chim trời – cá nước là do trời sinh, ai lại đi cấm. Thế nhưng, khi nghe giải thích chắc mọi người sẽ hiểu: Lâu nay tình trạng khai thác, đánh bắt thủy sản rất bừa bãi dẫn đến nguồn cá khe, suối suy giảm nghiêm trọng. Người miền núi trước đây chỉ dùng chài, lưới hay chiếc vịnh (nhủi) để bắt tôm, cá thì gần đây đã xuất hiện nhiều trường hợp dùng kích điện, hóa chất. Đây là kiểu khai thác tận diệt, làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản, làm cá không thể sinh trưởng, nhiều loại đặc sản ở miền Tây như: chạch sú, cá mát, cá lăng, cá lệch, cá ghé… đứng trước nguy cơ biến mất. Vậy nên bảo vệ là đúng rồi!
Để bảo vệ đàn cá, bản nọ cũng có những quy định cụ thể về các loại phương tiện được phép đánh bắt cá trên khe, suối, thời điểm nào thì được quăng chài, thả lưới. Bản cũng nghiêm cấm người dân ngoài bản, ngoài xã vào bắt cá trên dòng suối được bảo vệ. Trên khe, suối dân bản cắm biển cấm đánh bắt cá và cắt cử các hộ dân trông coi.
Đấy! Nuôi cá suối là như thế. Không phải là sự lạ, cũng không ngớ ngẩn. Việc có ích này rất cần được nhân rộng ra nhiều bản, làng khác. Ngày mai họp bản, mình phải nói để ban quan lý và dân bản hiểu rõ mới được.
Tác giả: Lầu Vả Xềnh