Nựng

NỰNG

Ừ nhỉ, chữ nựng lặng lẽ cho đến một ngày sinh nhiệt bởi được tuột ra từ cái miệng của một cựu quan chức thuộc lĩnh vực tư pháp vừa rời chiếc ghế quyền lực về làm “người tử tế” mấy tháng. Sự việc ghi nhận trong một tình huống nhả chữ cứu thua không thể ngoạn mục hơn. Người ta ghê tởm hành vi gây ra bao nhiêu thì người ta lại kinh hãi vì sự lèo lá bấy nhiêu. Một công bộc thuộc tầng lớp số má, từng công tác trong ngành Tư pháp, lại dùng chính cái kiến thức được đào tạo từ ngân sách để trở mặt làm khó công quyền, đưa những người đang nỗ lực bảo vệ pháp luật vào thế việt vị. Tài, khó thế mà vị ấy cũng có thể nghĩ ra, “nựng” – một động từ vỏn vẹn 4 chữ cái mà xoay chuyển tình thế quá thần kỳ, quá nhanh, quá nguy hiểm. Lật ngược thế cờ giữa thanh thiên bạch nhật trong chớp mắt. Từ hành vi tưởng chừng như phạm pháp rành rành lại có thể hóa phép thần thông thành hành vi… đẹp và cao thượng đến ngỡ ngàng! Nựng! Giỏi, phải nói cán bộ nhà mình giỏi khủng khiếp, thậm chí có thể giỏi vô địch thế giới. Không cần xin, chả cần cãi, chỉ cần có… vốn từ. Bẩn thỉu thành sạch sẽ, đục thành trong, ác quỷ hóa nhân từ, dung tục trở nên thanh tao. Người ta bái phục ông về tài xoay trở bao nhiêu thì người ta lại rùng mình về độ đểu giả bấy nhiêu. Bức xúc vì hành vi bỉ ổi một thì bức xúc vì cách thức thoát tội mười.

Những người đã lỡ mắt xem cái clip bé gái bị sàm sỡ trong thang máy ở quận 4, thành phố Hồ Chí Minh chắc khó tránh khỏi bị ám ảnh. Bé gái nhỏ xíu, trong trẻo và non nớt bị một ông già lực lưỡng hùng hục kéo ập vào ghì cổ ngấu nghiến hôn hít. Thương cho cái miệng ngây thơ và xinh xắn của cô bé, chắc cũng vừa mới hát những câu kiểu như “Không khóc nhè để mẹ trồng cây trái/ Bố vào nhà máy ông bà vui cấy cày” ấy lại phải chịu đựng một pha cưỡng hít ít thơm tho như vậy. Ấy mà bảo là “nựng” mới tài, nựng thật a? Ồ, ai tin cũng được, trừ những người đa nghi như chúng tôi. À quên, Hội bảo vệ quyền trẻ em thành phố Hồ Chí Minh cũng không tin, Phó Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh cũng không tin.

Thiên hạ tổng xỉ vả và dường như lên cơn cuồng nộ cũng chỉ vì người ta mường tượng đến một kịch bản na ná vụ cưỡng hôn nữ sinh ở Hà Nội cách đây vài tuần, dự là vụ này còn tệ hơn. Nếu so sánh thì vụ ở Hà Nội dẫu sao cũng kết tội được hành vi, hình phạt dù nhẹ hều cũng còn có 200.000 đồng mà làm bằng chứng cho sự thừa nhận. Đằng này người đàn ông từng là phó viện trưởng ấy không hề cưỡng hôn, không bao giờ sàm sỡ, chỉ nựng thôi, mà nựng thì “nỏ nằm vô vạt mô” cả! Vừa được nựng cho thỏa cơn khát nựng lại vừa chả mất xu nào. Một số bà con biết lo xa còn nơm nớp sợ vị này tố ngược những ai đã “vu oan giá họa” ông. Thế mới cay!

Binh đẳng là khát vọng chính đáng của ngàn đời. Có vẻ như ở trường hợp này công lý đang bị mắc kẹt giữa những khái niệm không đủ rành mạch và những điều khoản pháp luật nhiều hơn một cách hiểu. Nựng là hành động biểu thị sự “âu yếm trẻ con bằng lời nói, cử chỉ”. Vậy ở đây có yếu tố âu yếm không? Có chết liền! Một phần ngàn cử chỉ để tỏ ra âu yếm cũng chả có. Không hỏi han, không ý tứ, một tay cầm điện thoại a lô, tay còn tại thao tác chuyên nghiệp như một thế võ khóa trái đưa cháu bé vào tình huống bất khả kháng, rồi… chụt chụt và khua khoắng. Thế mà gọi là nựng thì bác ấy đúng là một nhà gia công chữ nghĩa kỳ tài.

Người ta ném chất bẩn, xịt chữ lên cổng nhà ông, những phản ứng cực đoan đành rằng là đáng phê phán, nhưng mong ông cũng thông cảm cho họ, họ không kiềm chế được cảm xúc ấy mà, cũng như có lúc ông không kiềm chế được cảm xúc đấy thôi. “Trăm năm bia đá thì mòn/ Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ”. Trên mạng đang có những đồn đoán đại loại như “Nựng đã bị khởi tố”, “Nhà Nựng bị ném chất bẩn”, ô hay, một động từ lại trở thành danh từ riêng để chỉ đích danh một con người cụ thể. Vâng, chỉ cần gọi là “ông Nựng” thì có lẽ cả 90 triệu người đều nhận ra đó là ai. Nếu cái lạc danh này chung thủy theo ông suốt phần đời còn lại sẽ đau hơn rất nhiều nếu so với một chiếc còng số tám có thời hạn. Ông có tài, ông cũng “nguyên” có đức, chỉ là ông không may thôi. Hy vọng là vậy.

Nhân bàn về chữ nựng lại chợt nhớ hiện tượng cũng đang được nhiều người nỗ lực lý giải, đó là một bộ phận bỗng nhiên lên cơn phát cuồng bởi mấy tay giang hồ. Họ tung hô đám hổ báo xăm trổ đốt xe làm quảng cáo như một anh hùng hạ giới. Họ săn đón, họ xin chữ ký, họ tìm kiếm trang phục đồng dạng, và kỳ lạ hơn là cái chữ Bảnh ấy còn đi vào… đề Văn. Hú hồn. Một kiểu lăng xê không công cho đám giang hồ tiềm năng. Điều gì đang xảy ra vậy nhỉ, một sự khủng hoảng về thần tượng hay chỉ đơn thuần một cơn biến chứng của chữ nựng?

Còn một chuyện không hề tào lao khác, báo chí đang đưa nhiều bài viết về một cựu thường vụ tỉnh nọ “Bao chiếm hơn 40 ha đất rừng, bị kỷ luật cảnh cáo nhưng vẫn “âm thầm” được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì”. Thấy chưa, sống ảo không chỉ dành riêng cho lớp trẻ và cũng không chỉ có phương thức duy nhất là thông qua mạng xã hội nhé. Trong thời gian bị kỷ luật cảnh cáo mà vẫn “tự sướng” bằng một tấm huân chương lao động, ảo quá còn gì. Ông ấy ảo thì đã đành nhưng những người “làm” hồ sơ huân chương cho ông cũng rất chịu khó trong việc bảo tồn và phát triển chữ nựng theo một tân nghĩa khác thường.

Lại cả chuyện ồn ào về việc công bố danh sách ăn gian điểm thi nữa. Cư dân mạng loay hoay hỏi nhau thế nào là nhân văn? Nhân văn với mấy chục thủ phạm hay nhân văn với hàng triệu nạn nhân. Vâng, nếu đây là một vụ lừa đảo thì cả nước là nạn nhân chứ sao. Cư dân mạng không ác ý khi đặt vấn đề rằng: Có thể không công bố thí sinh nhưng tại sao lại không công bố danh tính phụ huynh? Những người đã có tác động bằng ảnh hưởng quyền lực hoặc vật chất để đánh lận trắng đen, cướp ngang nhiên cơ hội của bao nhiêu người khác. Coi thường pháp luật, chà đạp lên những nguyên tắc sơ đẳng nhất về sự công bằng. Nói rằng công bố phụ huynh sẽ ảnh hưởng đến tâm lý con cái, vậy sao những vụ khác lại không áp dụng cái nguyên tắc “nhân văn” này? Những Dương Chí D., những Trịnh Xuân T., thậm chí cả như cựu Ủy viên Bộ Chính trị Đinh La T., họ cũng có con và có gia đình chứ. Con cái của họ cũng đau, cũng chịu những tổn thương khủng khiếp chứ. “Quân pháp bất vị thân”, những người cố tình vi phạm phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và gia đình của họ tất nhiên phải chấp nhận điều không may mắn ấy. Từ cổ chí kim đều vậy, từ đông sang tây cũng thế. Đó là chưa nói trong trường hợp này, những cô cậu sinh viên nửa mùa ấy không hề là vô can. Các em thừa biết mình chui vào trường bằng con đường gian dối, chúng ta dạy các em kiên quyết chống lại cái sai. Về mặt nguyên tắc đạo đức, nhẽ ra các em ấy phải phản đối, phải lên tiếng để chối từ những gì không thuộc về mình chứ. “Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm” cơ mà. Đằng này các em vẫn im lặng, thậm chí dương dương tự đắc nhận cái hão danh thủ khoa trong lúc điểm thực chưa đủ làm tròn một phẩy. Thử hỏi các em là nạn nhân hay là đồng phạm?

Nên nhớ, một đứa trẻ vượt qua tuổi 14 đã phải chịu các hình phạt của pháp luật nếu phạm tội. Trong trường hợp này các em đều đã sinh viên gần hết năm nhất. Các em đã là những công dân đủ quyền cầm lá phiếu đi bầu cử thì tất nhiên các em cũng đủ tuổi để phải chịu tất cả những gì mà mình đã đồng lõa gây ra. Pháp luật Việt Nam quy định trẻ em là những người dưới 16 tuổi. Rõ ràng cả mấy chục thí sinh vụ gian lận điểm thi ấy không ai còn trong độ tuổi trẻ em nữa, mà không phải trẻ em thì không việc gì phải… nựng.